Vụ khủng bố ở “Crocus” - thất bại của FSB?
Sau vụ xả súng tại phòng hòa nhạc “Crocus City Hall” ở tỉnh Moscow, Tổng cục An ninh Liên bang Nga-FSB thông báo đã bắt giữ 11 nghi phạm, trong đó có 4 nghi phạm được cho là tham gia trực tiếp vụ khủng bố. FSB là cơ quan an ninh chịu trách nhiệm về chống khủng bố ở Nga. Vậy có thể coi vụ khủng bố là thất bại của cơ quan này không? Xin trân trọng giới thiệu bài trả lời phỏng vấn của nhà xã hội học Nga Kirill Titaev về vấn đề này.
- Xin ông cho biết, nói chung, có thể ngăn chặn được một vụ khủng bố như vậy không?
+ Không. Cả khi vụ khủng bố đó được chuẩn bị bởi một nhóm tay súng chuyên nghiệp, một tổ chức khủng bố nào đó. Cả khi (ngược lại), nói một cách nôm na, nó được chuẩn bị bởi một vài sinh viên tình cờ tập hợp lại. Trên thực tế, không có cách nào ngăn chặn điều đó.
Nói chung, việc ngăn chặn các vụ khủng bố gần như là câu chuyện viển vông. Hiện nay, người ta nói rằng Mỹ đã cảnh báo các nhân viên thực thi pháp luật Nga, nhưng rất có thể, thông tin của các cơ quan tình báo chỉ ở mức “một cuộc khủng bố nào đó đang được chuẩn bị đâu đó ở nước Nga”. Thông thường, đây là những thông tin khá vô bổ. Về cơ bản, những cuộc khủng bố được coi là “bị ngăn chặn” là những cuộc khủng bố do chính các cơ quan tình báo khởi xướng.
- Có thể bằng cách nào đó ngăn chặn những hậu quả khủng khiếp như vậy - quá nhiều người chết và bị thương - bằng hành động của đội bảo vệ tòa nhà hoặc các cơ quan an ninh không? Qua các dữ liệu sẵn có, có thể đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ quan này sau cuộc tấn công ngày hôm qua không?
+ Ngay bây giờ chúng ta không thể đánh giá điều đó. Có thể nhận xét rằng các bác sĩ và lính cứu hỏa đã có mặt tại hiện trường rất đông và kịp thời. Nhưng ở đây bạn cần lưu ý đến tình huống sau.
Địa điểm được chọn tuy ở tỉnh Moscow, nhưng dù sao vẫn nằm ngoài thành phố Moscow. Điều này rất quan trọng vì các hệ thống kiểm soát an ninh có thể ngăn cản việc mang vũ khí - nói chung là thực hiện một cuộc tấn công như vậy - chủ yếu chỉ được lắp đặt ở thành phố Moscow. Tôi muốn nói tới mạng lưới giám sát video, máy dò kim loại, v.v… của thành phố.
Chẳng hạn, nếu chúng ta ở bên ngoài một thành phố lớn hoặc ở vùng ngoại ô của nó, thì có thể dễ dàng đưa vũ khí vào trung tâm văn hóa lớn. Thực tế ở đây cho thấy, các tay súng bình thản mang vũ khí và chất nổ hoặc bom cháy đi vào phòng hòa nhạc. Còn sau khi gây tội ác, chúng đã kịp thời tẩu thoát. FSB tuyên bố đã tìm thấy chúng, nhưng những thông tin này có nhiều nghi vấn, bởi vì trong tình huống như vậy, thật khó hiểu họ có thực sự tìm thấy bọn chúng hay không.
- Ông nói rằng hệ thống kiểm soát an ninh được lắp đặt khắp nơi ở thành phố Moscow. Nhưng phòng hòa nhạc “Crocus City Hall” nằm rất gần Moscow và thậm chí còn được coi là phòng hòa nhạc của thành phố hơn là phòng hòa nhạc của tỉnh. Nghĩa là, ngay cả ở khoảng cách gần như vậy cũng có sự khác biệt về mức độ an ninh?
+ Đúng thế. Ở đây có hai yếu tố quan trọng. Thứ nhất là số lượng địa điểm giám sát và mật độ hạ tầng giao thông. Nói một cách nôm na, ở Moscow không có những con đường kiểu nông thôn để bạn có thể bí mật đi trên đó mà không bị chú ý. Đây là câu chuyện thuần túy về mặt địa lý, và trên thế giới ở đâu cũng như vậy.
Thứ hai là yếu tố quản lý. Trên khắp thế giới, hệ thống bảo mật hoạt động chủ yếu thông qua số lượng rào cản. Nói cách khác, nếu bạn cần đến rạp chiếu phim “Pushkin” (ở trung tâm Moscow), bạn sẽ phải đi qua một số khu vực kiểm soát trên đường. Bản thân chúng không nhằm mục đích bảo vệ rạp chiếu phim này, nhưng chúng gây khó khăn cho việc di chuyển. Còn bên ngoài Moscow, số lượng rào cản ít hơn nhiều.
Và điều này không chỉ đặc trưng riêng cho nước Nga. Nếu ai đó muốn thực hiện một vụ khủng bố như vậy giữa trung tâm Manhattan (ở New York), anh ta sẽ phải đi qua nhiều trạm kiểm soát, nơi có thể gặp không ít rủi ro. Nếu vụ khủng bố được lên kế hoạch ở vùng phụ cận Brooklyn, nhiệm vụ sẽ đơn giản hơn nhiều.
- Làm sao một nhóm vũ trang như vậy lại có thể xâm nhập lãnh thổ Nga? Có thể dự đoán chúng lấy vũ khí và đạn dược ở đâu không?
+ Về đạn dược có rất nhiều phương án: có thể chúng được sản xuất tại gia và không gây ra bất kỳ nghi ngờ nào. Nghĩa là điều đó không có gì khó khăn. Với vũ khí thì phức tạp hơn nhiều - súng máy ở Nga, bằng cách này hay cách khác, bị cấm sử dụng tự do. Chúng ta không biết chính xác vũ khí được sử dụng trong cuộc tấn công này đến từ đâu, nhưng Nga có đường biên giới lỏng lẻo với Kazakhstan về phía nam tới tận Afghanistan.
Còn một vùng rủi ro lớn khác - đó là cái mà chính quyền Nga gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” và “các vùng lãnh thổ mới”. Nhìn chung, việc tiếp cận vũ khí gần đây đã trở nên dễ dàng hơn, nhưng vẫn là một nhiệm vụ khá khó khăn. Ở Nga, không phải ai cũng được sở hữu vũ khí. Những gì chúng ta chứng kiến tại phòng hòa nhạc “Crocus” nói lên rằng đây là một vụ khủng bố được chuẩn bị rất kỹ lưỡng và được cung cấp các nguồn lực cần thiết.
- Ở Nga, số lượng nhân viên an ninh bình quân đầu người rất lớn. Điều này có đóng vai trò gì trong việc ngăn chặn các cuộc khủng bố hoặc kiểm soát việc sử dụng vũ khí và bảo vệ người dân nói chung không?
+ Vấn đề này đã được bàn thảo nhiều lần. Khi chúng tôi, những nhà nghiên cứu, nói rằng ở Nga có số lượng nhân viên thực thi pháp luật bình quân đầu người rất lớn, thì các nhân viên thực thi pháp luật luôn luôn phản đối rằng quan trọng không chỉ là số lượng dân mà còn là diện tích lãnh thổ. Nhưng để kiểm soát (toàn bộ) lãnh thổ Nga, chúng ta cần biến gần như tất cả mọi người thành nhân viên thực thi pháp luật.
Ngay cả khi số lượng nhân viên thực thi pháp luật tăng lên thì điều đó vẫn không bảo đảm sự an toàn cho người dân. Ta hãy lấy ví dụ bất kỳ khu vực trung tâm nào. Một lái xe thông minh luôn luôn biết vượt qua tất cả các trạm kiểm soát, camera của cảnh sát giao thông, v.v… khi ra khỏi thành phố - cơ sở hạ tầng giao thông được cấu tạo như thế. Nghĩa là, ngoại trừ Moscow và Saint Petersburg, các khu vực khác của nước Nga không được kiểm soát một cách hiệu quả, cho dù có bao nhiêu nhân viên thực thi pháp luật đi chăng nữa.
- Ở Nga, có các tiêu chuẩn an toàn cho những nơi tập trung đông người, hầu hết khắp mọi nơi đều có đội bảo vệ tư nhân hoặc của ngành. Chúng có thực sự cải thiện an ninh cho người dân không?
+ Quả là có các chuẩn an toàn, nhưng chúng tương đối sơ sài. Vấn đề ở chỗ tất cả các biện pháp bảo vệ đều làm giảm mạnh hiệu quả kinh tế. Luôn luôn là sự lựa chọn giữa hiệu quả kinh tế và sự an toàn.
Hãy tưởng tượng mỗi lần đến trung tâm thương mại, bạn phải đi qua máy dò kim loại. Ở đây có thể xảy ra hai kịch bản. Hoặc hệ thống hoạt động cẩn thận và tất cả khách hàng đều được kiểm soát kỹ càng - điều này đòi hỏi chi phí kinh tế rất lớn và gây nhiều khó khăn cho khách hàng. Hoặc, như ở tàu điện ngầm Moscow hay Saint Petersburg hiện nay, nó chỉ mang tính chất hình thức.
- Theo ông, hoạt động của lực lượng an ninh chống khủng bố ở Nga nói chung được tổ chức như thế nào? Có thể nói gì về chất lượng của nó?
- Thứ nhất, đó cũng là công việc mang tính chất hình thức. Nghĩa là, về thực chất, nạn tội phạm được tạo ra một cách giả tạo. Có thể, hoạt động chống khủng bố thực sự diễn ra đâu đấy - chúng ta không có cơ sở để phủ nhận nó hoàn toàn, nhưng chúng ta không biết nó gồm những gì và được tổ chức như thế nào.
- Điều đó có bình thường không?
+ Điều đó là bình thường. Nói chính xác hơn: nếu hoạt động đó thực sự tồn tại và chúng ta không biết gì về nó thì là bình thường. Nhưng vấn đề ở chỗ chúng ta không thể hiểu được nó có thực sự tồn tại hay không.
- Cơ quan an ninh chính trong cuộc chiến chống khủng bố ở Nga là Tổng cục An ninh Liên bang Nga (FSB), vậy có thể coi vụ khủng bố này là thất bại của nó không?
+ Vâng, FSB chịu trách nhiệm về chống khủng bố. Nhưng ở đây không có thủ phạm đích thực - đây là một vụ khủng bố được chuẩn bị và tính toán rất kỹ lưỡng, có lẽ, được thực hiện bởi một tổ chức tương đối lớn. Tôi xin nhắc lại: ngăn chặn một vụ khủng bố như vậy là một nhiệm vụ gần như bất khả thi. Trên quan điểm của logic hình thức, thủ phạm, tất nhiên, sẽ được tìm thấy.
- Ông nhìn thấy hậu quả của vụ khủng bố này như thế nào về phương diện hoạt động của các cơ quan an ninh? Theo ông, nhà cầm quyền sẽ làm gì?
+ Nếu chúng ta tuân theo không phải logic hình thức, mà logic thực tế, thì không thể làm gì được: xã hội không được bảo vệ và không thể được bảo vệ trước những vụ khủng bố như vậy, nếu thiếu những chi phí kinh tế lớn.
- Trên đây ông nói rằng “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Liên bang Nga là khu vực rủi ro xét về phương diện sử dụng vũ khí bất hợp pháp. Nhưng liệu chiến tranh có thể bằng cách nào đó ảnh hưởng đến chất lượng công việc của lực lượng an ninh trong cuộc chiến chống khủng bố không? Chẳng hạn, thay vì những tên khủng bố thực sự, người ta lại tìm kiếm "dấu vết Ucraine" nào đó hoặc đánh mất liên lạc với các đối tác nước ngoài?
+ Đây là một câu hỏi khó. Có lẽ, hiện tại chúng ta vẫn chưa đủ dữ liệu để đánh giá điều đó được thể hiện như thế nào trong thực tế. Chúng ta không biết: có thể, các phương tiện liên lạc ở cấp độ cảnh báo về các vụ khủng bố vẫn được duy trì, nhưng cũng có thể, chúng đã bị phá hủy. Chỉ có một số thông tin nội bộ nào đấy luôn luôn gây ra rất nhiều nghi vấn.