Vụ lừa đảo chấn động nước Mỹ

Thứ Bảy, 13/08/2022, 10:01

Từ năm 1955 đến 1963, trong vai trò Tổng giám đốc Tập đoàn dầu thực vật Đồng Minh, Tino de Angelis đã thực hiện một vụ lừa đảo chấn động nước Mỹ. Bằng cách đổ đầy nước lã vào những bồn chứa lớn, trên mặt chỉ là một lớp dầu đậu nành mỏng, Tino đã khiến hơn 20 ngân hàng, tổ chức tín dụng lớn nhất nước Mỹ thiệt hại hơn 180 triệu USD (tương đương 1,8 tỉ USD hiện nay)…

Kẻ “bán giời không văn tự”

Sinh ra tại phố Bronx, New York, Mỹ, trong một gia đình người Italy nhập cư, mới 18 tuổi, Tino đã quản lý 200 nhân viên của Công ty giết mổ thịt heo Bronx với số vốn ban đầu chỉ là 2.000 USD cùng một khoản vay 10.000 USD. Việc kinh doanh thành công đến mức cuối năm 1940, Tino đã có đủ tiền để mua lại phần lớn cổ phiếu của Công ty Adolf Gobel Inc, chuyên về đóng gói thịt heo ở North Bergen, bang New Jersey rồi trở thành cổ đông chi phối, nắm quyền quyết định các hoạt động thương mại của công ty này.

tino1.jpg -0
Tino de Angelis

Vận may đến với Tino khi ông ta tình cờ đọc được “Đạo luật bữa trưa học đường quốc gia”, trong đó có điều khoản “cho phép bên thực hiện có quyền mua bất kỳ mặt hàng thực phẩm nào nếu bên bán có mức giá hợp lý”. Dựa vào lợi thế của Công ty giết mổ thịt heo Bronx và Công ty Adolf Gobel Inc, Tino giành được hợp đồng cung cấp thịt cho các trường trung và tiểu học ở thành phố New York. Cho đến khi hợp đồng kết thúc, Tino đã giao cho các trường hơn 1,5 triệu kg thịt heo, phần lớn xuất xứ từ những lò mổ lậu, không qua kiểm tra y tế. Tổng số tiền mà Tino kiếm được trừ mọi chi phí là 310.000USD (tương đương 3,1 triệu USD hiện nay).

Năm 1952, trước sự phản ảnh của ngành giáo dục, cảnh sát liên bang Mỹ (FBI) tiến hành điều tra. Kết quả cho thấy Công ty Adolf Gobel Inc đã bán thịt kém chất lượng dùng trong bữa ăn trưa ở các trường học, đồng thời Chính phủ Nam Tư cũng khởi kiện Tino về việc giao một lượng mỡ heo trị giá 1 triệu USD phẩm chất xấu nhưng do khéo dàn xếp, Tino chỉ phải bồi thường cho phía Nam Tư 100.000 USD. Đến cuối năm, Ủy ban Chứng khoán và giao dịch liên bang Mỹ, trong một báo cáo gửi các cổ đông Công ty Adolf Gobel Inc, đã cáo buộc Tino “cố tình làm giảm giá trị của công ty Gobel qua việc cung cấp thịt” nên tháng 7-1953, Tino phải nộp 1 triệu USD để khắc phục hậu quả.

Năm 1955, khi Chính phủ Mỹ triển khai chương trình “Lương thực vì Hòa bình” với mục đích bán rẻ thực phẩm cho một số quốc gia châu Âu để họ vực dậy nền kinh tế đã suy sụp sau Thế chiến II. Việc mua bán thực hiện theo nguyên tắc bên mua sẽ thanh toán bằng đồng nội tệ cho Chính phủ Mỹ còn Chính phủ Mỹ sẽ trả cho bên bán bằng USD theo giá thị trường nên Tino nhận ra đây là cơ hội bằng vàng.

Sau nhiều ngày thăm dò, Tino biết một trong những mặt hàng mà thời điểm ấy, chưa công ty nào nhận lời cung cấp là dầu đậu nành nên ngay lập tức, ông ta  thành lập “Tập đoàn dầu thực vật Đồng Minh”, trụ sở đặt tại Bayone, bang New Jersey. Tiếp theo, ông ta thuê 1 xưởng ép dầu cùng 100 bồn chứa, dung tích mỗi bồn là 2 triệu lít rồi tiến hành đàm phán với nhiều nhà buôn ngũ cốc, kể cả ở nước ngoài để thu mua đậu nành.

Từ đó đến năm 1960, Tập đoàn dầu thực vật Đồng Minh trở thành một trong những công ty cung cấp dầu đậu nành lớn nhất nước Mỹ. Nhiều ngân hàng Mỹ sẵn sàng mở hầu bao, cấp cho Tino những khoản vay lên đến hàng triệu USD, trong đó có American Express, một “ông lớn” nắm giữ thị phần khổng lồ về việc phát hành chi phiếu du lịch và thẻ tín dụng. Bằng cách lập ra một bộ phận gọi là American Express Warehousing chuyên về quản lý kho bãi, American Express chấp nhận những bồn chứa dầu đậu nành của Tino ở Bayone là tài sản thế chấp. Một thành viên của bộ phận quản lý kho bãi cho biết: “Ông Tino đưa tôi đến khu vực đặt các bồn chứa tổng cộng 120 triệu lít dầu đậu nành. Khi tôi theo cầu thang lên nóc bồn, 4 nhân viên của ông ấy mở cửa bơm hút cho tôi thấy lượng dầu đầy ắp…”. Trả lời báo chí, Tino cho biết tất cả các khoản vay đều được ông ta dùng vào việc thu mua đậu nành vì ông ta tin rằng khi chương trình Lương thực vì Hòa bình kết thúc, dầu sẽ ngày càng đắt hơn vì không còn được chính phủ trợ giá. Khi ấy, Tino sẽ mở kho, thị trường sẽ phải chấp nhận cái giá mà Tập đoàn lọc dầu thực vật Đồng Minh đặt ra.

Và không chỉ American Express, các “ông lớn” khác trong lĩnh vực tín dụng như Bunge Limited, Staley, Procter&Gamble, Bank of America…, cũng nhảy vào cuộc để cung cấp cho Tino những khoản vay thế chấp, và điều này đã khiến các quan chức ở Bộ Nông nghiệp Mỹ bối rối bởi lẽ nếu căn cứ vào các khoản vay dành cho Tino thì số lượng dầu đậu nành được dùng làm tài sản thế chấp vượt quá số lượng dầu dự trữ của toàn nước Mỹ. Tuy nhiên lúc ấy Tập đoàn dầu thực vật Đồng Minh thực hiện các hợp đồng giao hàng cho chương trình Lương thực vì Hòa bình đều đúng về thời hạn và số lượng nên Bộ Nông nghiệp chẳng có lý do gì để điều tra. Mãi đến năm 1963, khi vụ lừa đảo vỡ lở, các cuộc điều tra của FBI cho thấy trong số hàng chục triệu tấn đậu nành, có khoảng 1/6 là loại kém phẩm chất, được Tino mua với giá rẻ mạt rồi trộn lẫn nhau, ép thành dầu, giao cho chương trình Lương thực vì Hòa bình.

Tino2-1660313475900.jpg
Các bồn chứa dầu đậu nành của Tập đoàn dầu thực vật Đồng Minh ở Bayone

Với người dân New York, Tino là điển hình của mẫu đàn ông chăm chỉ, cần cù. Mặc dù là chủ của hai cơ sở kinh tế tầm cỡ nhưng ông ta ăn mặc rất xuề xòa, quần áo chỉ là những bộ vest may sẵn giá rẻ. Ông ta không hề đeo đồ trang sức đắt tiền và cũng không đi lại bằng xe hơi sang trọng. Ngôi nhà gạch 6 phòng trên danh nghĩa là của Tino thì thật ra lại là nhà của cha vợ cho Tino ở nhờ. Cũng hiếm khi thấy ông ta ăn uống ở những nhà hàng lớn nên suýt chút nữa, Tino đã được tờ tạp chí New Yorker bình chọn là “Người của năm” sau khi New Yorker cho đăng một bài giới thiệu về ông ta: “Ở đây chúng tôi có một người đàn ông sinh ra và lớn lên tại một khu vực nghèo khó nhất New York. Tuy vậy, bằng những nỗ lực tuyệt vời, ông ấy đã trở thành người điều hành hàng chục công ty, nhà máy trên khắp đất nước, mang lại việc làm cho hàng chục nghìn người…”.

Ngựa quen đường cũ

Tháng 9-1960, một lần nữa Tino lại gặp rắc rối. Trong một thương vụ vận chuyển dầu đậu nành đến Tây Ban Nha thông qua Công ty vận tải biển Isbrandtsen, Tập đoàn dầu thực vật Đồng Minh của Tino đã cấu kết với Isbrandtsen, sửa chữa vận đơn để nhận tiền tài trợ.  Khi vụ việc bị Bộ Tư pháp Mỹ phát hiện, Tino và Công ty vận tải biển Isbrandtsen phải trả lại 1 triệu USD cộng với 500.000USD tiền phạt hành vi gian lận nhưng ông ta cho rằng điều đó là một phần trong âm mưu của Bộ Nông nghiệp Mỹ nhằm loại bỏ mình. Tại một buổi gặp gỡ báo chí, Tino nói: “Trong khi tôi thành công với việc bán hàng trên toàn thế giới, đã có một lực lượng rất mạnh chống lại tôi". Và mặc dù không nêu đích danh nhưng các phương tiện truyền thông đều hiểu rằng “lực lượng rất mạnh” ấy chính là 2 đại gia trong ngành dầu ăn Mỹ: Công ty Shortening Corp và Công ty Trans World Refining. Tuy nhiên tất cả những việc này cũng không ngăn cản doanh thu của Tập đoàn dầu thực vật Đồng Minh đạt 250 triệu USD/năm và có những thời điểm, nó cung cấp 75% lượng dầu đậu nành xuất khẩu của Mỹ. Hầu hết khách hàng đều đồng ý rằng Tino báo giá thấp hơn các đối thủ cạnh tranh nên cũng dễ hiểu vì sao Tập đoàn dầu thực vật Đồng Minh thường có được những hợp đồng lớn.

Giữa năm 1962, Tino nhận được tin dữ, rằng các khách hàng truyền thống của Tập đoàn dầu thực vật Đồng Minh ở châu Âu sẽ chấm dứt việc mua dầu đậu nành của ông ta, bắt đầu từ tháng 6-1963 vì họ đã tự túc được loại sản phẩm này, Vì thế, Tino tung tin với các ngân hàng, các tổ chức tín dụng - là chủ nợ của ông ta - rằng Tập đoàn dầu thực vật Đồng Minh đang chuẩn bị ký một hợp đồng khổng lồ với Liên Xô vì họ mất mùa hướng dương, vốn là loại cây chủ lực để làm ra dầu ở quốc gia này. Chỉ một sớm một chiều, giá dầu đậu nành ở Mỹ từ 9,2 xu (cent) một pound (0,86 lít) lên 10,3 xu và kéo dài từ đầu tháng 9 đến giữa tháng 11, tạo cơ hội cho Tino xuất bán phần lớn lượng dầu còn tồn kho rồi đề nghị ngân hàng, tổ chức tín dụng cấp thêm cho ông ta những khoản vay mới để thực hiện hợp đồng.

Lẽ dĩ nhiên là các ngân hàng, tổ chức tín dụng đồng ý vì những bồn chứa dầu vẫn nằm trong tay họ. Thế nhưng nhằm che giấu trò lừa đảo, Tino cho bơm nước lã vào các bồn chứa, phía trên chỉ đổ một lớp dầu mỏng, còn hợp đồng mua bán với Liên Xô thì ông ta sáng tác ra. Và bởi vì thời điểm ấy giữa Liên Xô và Mỹ đang xảy ra Chiến tranh Lạnh, nhất là vụ khủng hoảng tên lửa ở Cuba nên việc thẩm tra các hợp đồng của Tino với đối tác Liên Xô là việc rất khó thực hiện. Cứ mỗi tuần, khi thành viên bộ phận chuyên về quản lý kho bãi của Arerican Express Warehousing đến kiểm tra, Tino lại chi cho họ 20.000USD để họ nhanh chóng ký vào biên bản. Thậm chí một doanh nhân người Pakistan khi đến gặp Tino để yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với một lô hàng dầu đậu nành kém phẩm chất, Tino đã đưa cho doanh nhân này một phong bì chứa 50.000USD rồi nói: “Quên nó đi”.

Vụ lừa đảo chấn động nước Mỹ -0
Để quảng cáo cho Tập đoàn dầu thực vật Đồng Minh, Tino đã bỏ tiền tài trợ một cuộc đua xe đạp

Ngày 15-11-1963, 7 ngày trước khi xảy ra vụ ám sát Tổng thống Mỹ Kennedy, Tino gặp phải một sai lầm nghiêm trọng. Khi tiến hành bơm dầu ở bồn chứa vào các xe téc, thay vì chỉ đạo nhân viên bơm từ các bồn chứa dầu thật vì lúc ấy vẫn còn khoảng 2 triệu lít, Tino lại bảo họ bơm từ các bồn chứa nước lã. Vụ việc nhanh chóng bị phát hiện đã khiến sàn chứng khoán New York như ngồi trên quả bom nổ chậm. Các nhà đầu tư đã cấp những khoản tín dụng cho Tập đoàn thực vật Đồng Minh nhốn nháo tìm cách thu hồi tiền. Và không chỉ ở Mỹ, 20.700 khách hàng mua dầu của Tino ở nhiều nơi trên thế giới cũng vội vã “bán chạy” trước khi giá dầu lao dốc trong bối cảnh ngày 18-11-1963, Tino nộp đơn xin phá sản Tập đoàn dầu thực vật Đồng Minh.

Ngày 22-11-1963, Tổng thống Kennedy bị ám sát. Nửa giờ sau, 2,6 triệu cổ phiếu của Tập đoàn dầu thực vật Đồng Minh bị bán tháo, chỉ số Dow giảm 24 điểm trong 27 phút. Sàn giao dịch chứng khoán New York buộc phải đóng cửa sớm hơn 83 phút nhằm tránh sụp đổ. Tino ra tòa, lĩnh án 7 năm tù giam đồng thời buộc phải thanh toán các khoản vay tín dụng nhưng sau khi đấu giá tài sản của Công ty Adolf Gobel Inc và Tập đoàn dầu thực vật Đồng Minh, vẫn còn hơn 180 triệu USD (tương đương 1,8 tỉ USD hiện nay) không thu hồi được.

Năm 1970, Tino được trả tự do. Đến năm 1980, ông ta lại chủ mưu một vụ lừa đảo khác, lần này liên quan đến lĩnh vực chăn nuôi ở miền Trung Tây nước Mỹ. Bằng cách sử dụng pháp nhân của 2 cơ sở giết mổ gia súc là Rex Pork và Mister Pork, Tino đã lừa những người buôn bán gia súc ở bang Indianapolis để lấy số heo thịt trị giá 7 triệu USD (khoảng 38 triệu USD hiện nay). Lần này Tino lĩnh án 7 năm tù.

Năm 1993, 6 năm sau khi ra tù lần thứ 2, Tino lại nhận thêm án tù 7 năm vì đã làm chứng thư bảo lãnh giả mạo để mua 1 triệu USD thịt heo của một công ty Canada. Tino mất ngày 26-9-2009 ở tuổi 93. Theo tờ New York Times, cho đến lúc ấy Tino không hề tỏ ra hối hận vì những gì đã làm. Và cũng bởi vợ ông ta đã ly dị sau vụ thịt heo nên số tiền lừa đảo mà Tino kiếm được, chẳng ai biết nó ở nơi nào…

Vũ Cao (Theo Economist)
.
.