Vụ mất trộm bản vẽ tên lửa đạn đạo từng chấn động Trung Quốc
Ngày 6-7-1982, tại nhà khách của Bộ Hải quân X ở thành phố D, một thành phố ven biển phía bắc Trung Quốc có một đoàn khách cực kỳ quan trọng. Họ là các lãnh đạo, chuyên gia và nhân viên kỹ thuật liên quan đến công trình gọi là dự án “8291”.
Dự án “8291” là một công trình nghiên cứu và phát triển lâu dài về khoa học quân sự tên lửa của Trung Quốc, nó dự kiến được phóng vào ngày 1 tháng 9 năm 1982 từ một tàu ngầm ở dưới mặt nước ở phía nam Thái Bình Dương.
Dự án này chỉ còn chờ lệnh của Quân ủy Trung ương vào ngày 1 tháng 9 và tên lửa phóng từ dưới mặt nước đầu tiên của Trung Quốc sẽ như con rồng lao vút lên bầu trời xanh, chắc chắn sự kiện này sẽ chấn động cả thế giới.
Tài liệu tuyệt mật bị đánh cắp
Đêm 6-7, ở trong nhà khách hải quân, kỹ sư trưởng Đinh, tổng công trình sư tên lửa nổi tiếng của Ủy ban Khoa học công nghệ và công nghiệp quốc phòng khi ăn tối xong vội vã bước vào buồng tắm. Hơn mười phút sau khi bước ra ông bàng hoàng phát hiện chiếc cặp tài liệu lớn đặt trên bàn cạnh giường đã biến mất. Chiếc cặp chứa 7 loại tài liệu tối mật quan trọng của dự án “8291” liên quan đến việc phóng tên lửa theo kế hoạch đã định.
Biết được điều này, Trưởng ban phụ trách công tác an ninh của dự án ra lệnh: Lập tức phong tỏa nhà khách và tiến hành ngay chiến dịch kiểm tra toàn bộ nhà khách. Hầu hết các chuyên gia cho rằng vụ án cực kỳ lớn liên quan đến bí mật nhà nước này là một âm mưu có tính toán từ lâu trong bối cảnh chính trị phức tạp.
Đánh giá từ thời gian và thủ đoạn gây án, có nhiều khả năng là những điệp viên từ nước ngoài xâm nhập vào thực hiện vụ trộm hoặc những người trong nội bộ phạm tội rồi tuồn ra ngoài. Cũng có người đưa ra sự nghi ngờ: Tính bảo mật của dự án “8291” là rất chặt chẽ, dựa vào tình hình và tin tức tình báo mà phân tích thì có thể nói rằng Hoa Kỳ, Liên Xô và các nước khác dường như không biết gì về “dự án 8291” mà Trung Quốc đang thực hiện.
Khi vụ việc ngày càng trở nên đáng ngờ, ông Vương Cát Trương, Giám đốc Sở Công an thành phố D, đã đưa ra một cách nhìn táo bạo: Vụ án “8291” do những tên trộm bình thường và không liên quan đến bối cảnh chính trị. Mặc dù nhiều người không đồng ý với quan điểm này nhưng cách nhìn của ông Vương Cát Trương chắc chắn đưa ra một cách nghĩ mới cho việc điều tra và phá vụ án này.
Xảy ra hàng loạt vụ trộm
Vào ngày 31 tháng 7 năm 1982, Sở Cảnh sát ở khu Thị Tây thành phố D nhận được tin báo rằng phòng số 6 viện điều dưỡng của công nhân mỏ than đã bị trộm. Bọn tội phạm đã lấy trộm hơn 700 nhân dân tệ tiền mặt và hơn 100 kg tem phiếu thực phẩm của tỉnh Liêu Ninh và một số nhu yếu phẩm hàng ngày do nhân viên điều dưỡng mang theo. Đầu những năm 1980, hệ thống tem phiếu lương thực do nước này thực hiện vẫn chưa bị hủy bỏ, lương tháng của người lao động bình thường chỉ từ 30 đến 50 nhân dân tệ, số tiền liên quan đến vụ án này không hề nhỏ, vì vậy Sở Cảnh sát lập tức lập chuyên án để điều tra.
Kết quả khám nghiệm hiện trường cho thấy hung thủ cạy lưới bảo vệ cửa thông gió ở trên cửa chính cách mặt đất hơn 2m rồi chui vào phòng, tình huống này rất giống với thủ đoạn phạm tội của vụ án “8291”. Ông Vương Cát Trương quyết định đích thân phụ trách vụ trộm bình thường này.
Nửa tháng sau, có một vụ trộm khác lại xảy ra tại khu điều trị thứ ba của viện điều dưỡng thợ mỏ than. Ông Vương Cát Trương một lần nữa đọc hồ sơ về vụ trộm ở khu điều dưỡng công nhân mỏ than “ngày 31 tháng 7” và so sánh nó với vụ trộm này. Ông tin rằng cả hai vụ có nhiều điểm giống nhau, đặc biệt là địa điểm gây án giống nhau một cách đáng ngạc nhiên và chắc chắn rằng hai vụ trộm này có mối liên hệ với nhau. Điều quan trọng hơn là từ hai vụ trộm này dường như nhìn thấy một chút manh mối dấu vết của vụ trộm “8291”.
Tình cờ bắt giữ được tội phạm
Ngày 15 tháng 8 năm 1982, cảnh sát hình sự Quách Đức Văn và cảnh sát của đồn công an Phó Gia Trang đi tuần tra các bãi tắm bên bờ biển và bắt gặp một tên lưu manh đang nhìn trộm vào nhà vệ sinh nữ. Khi bắt giữ trên người tên lưu manh này có hai bao thuốc lá thơm và một hộp nhân sâm Bắc Kinh là những thứ hiếm có ở thành phố D, việc này đã gây sự chú ý của công an khu Thị Tây.
Ông Vương Cát Trương đã tập trung vào tên lưu manh này. Dựa trên các tài liệu điều tra tại chỗ khác nhau do Đội cảnh sát hình sự báo cáo, ông Vương Cát Trương đã phân tích và xác định rằng: Hai vụ trộm xảy ra tại khu điều dưỡng của công nhân mỏ than vào ngày 31-7 và ngày 14-8 ở thành phố D và 9 vụ trộm đồ ở khách sạn và các khu dân cư trong vòng một tháng, từ thủ đoạn phạm tội và vật chứng thu thập được tại chỗ như nhóm máu, dấu tay đều do một mình lưu manh này gây ra.
Trước những bằng chứng không thể chối cãi tên lưu manh đã thú nhận tất cả. Nhìn bề ngoài có vẻ như đã đặt dấu chấm hết cho các vụ án nhưng ông Vương Cát Trương nhận ra những rằng vụ án vẫn thể chưa kết thúc. Dựa vào kinh nghiệm điều tra tội phạm nhiều năm của mình và mạch suy nghĩ của ông tự nhiên mở rộng đến vụ án “8291”. Ngày 19-8, sau khi nghiên cứu kỹ, tổ công tác của công an thành phố D đã xin ý kiến của cấp trên tiến hành điều tra tổng hợp những vụ trộm cắp đồ và chuyên án “8291”.
Sau khi điều tra, xác định Lưu Nghênh Phúc 25 tuổi là công nhân nhà máy điện máy số 2 thành phố D. Lưu Nghênh Phúc làm lính cứu hỏa trong nhà máy nên được đào tạo đặc biệt kỹ thuật leo trèo. Hắn cao lớn, nhanh nhẹn, linh hoạt hơn nữa nhà hắn lại cách hiện trường vụ án “8291” không xa và ngày 6-7 là ngày nhà máy điện số 2 nghỉ làm việc, vì vậy, Lưu Nghênh Phúc có đủ thời gian để hành động phạm tội.
Ông Vương Cát Trương đã đích thân tiến hành một cuộc thẩm vấn bất ngờ với Lưu Nghênh Phúc. Trước những sự thật không thể chối cãi, Lưu Nghênh Phúc đã thành thật khai về vụ trộm tài liệu quốc phòng tối mật. Buổi chiều ngày 6-7, hắn nhàn rỗi lang thang đi đến nhà nghỉ của bộ hải quân cách nhà hắn không xa. Hắn nhìn các sĩ quan hải quân ra ra vào vào với một sự khó chịu: “Người ta nói sĩ quan hải quân lương cao, được đãi ngộ tốt chắc họ có nhiều tiền, đêm nay không có việc gì lẻn vào đây kiếm chác”.
Lưu Nghênh Phúc trèo tường vào khu nhà khách nấp ở dưới cửa sổ một biệt thự, từ khe hở của rèm cửa hắn nhìn thấy một “thủ trưởng” đặt chiếc cặp da căng phồng trên bàn đầu giường rồi cởi quần áo đi vào phòng tắm. Lưu Nghênh Phúc cho rằng đây là “cặp tiền” và không nên bỏ qua cơ hội này, với kỹ năng leo trèo giỏi hắn dễ dàng vào được phòng lấy được chiếc cặp rồi nhanh chóng chuồn đi.
Các mảnh rách của tài liệu đã xuất hiện
Theo lời khai của Lưu Nghênh Phúc, sau khi lấy trộm được chiếc cặp hắn không về nhà ngay mà đi xe điện gần đến công viên Hải Tân trên bờ biển. Hắn vào một nhà vệ sinh công cộng lục xem bên trong chiếc cặp có những gì. Hắn thực sự thất vọng khi thấy trong chiếc cặp chỉ là những xấp giấy dày và không có gì khác nữa.
Dưới ánh đèn mờ ảo, đột nhiên Lưu nhìn thấy trên tờ giấy có dòng chữ “Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa” và dấu đỏ “Tối mật”, hắn giật mình và toát mồ hôi và hắn ý thức được rằng mình đã gây ra họa lớn. Hắn lo lắng ngồi trong nhà vệ sinh suy nghĩ hồi lâu và cho rằng bất kể thế nào mình cũng không thể tự châm lửa đốt mình và đã không làm thì thôi đã làm thì làm đến cùng, hắn thuận tay ném chiếc cặp da vào thùng chứa phân và xé tất cả giấy tờ ra thành từng mảnh ném vào đó.
Đã hơn một tháng kể từ khi vụ việc xảy ra, các điều tra viên của công an khu Thị Tây được biết từ trung tuần tháng 7 đến trung tuần tháng 8 bể chứa phân đã được hút 3 lần và toàn bộ số phân được đưa ra khu vực thôn Tân Trại ở ngoại ô thành phố. Tháng 8, các nhà điều tra vội vã đến thôn Tân Trại. Theo cán bộ thôn việc trồng rau rất cần phân bón nên phân của thành phố chuyển đến là đem đi bón ngay bao gồm cả phân được lấy từ các nhà vệ sinh công cộng ở công viên Hải Tân, còn việc phân được bón phân ở cánh đồng nào thì không ai có thể biết được.
Sáng hôm sau, hơn 200 cảnh sát vũ trang và binh sĩ đến cánh đồng rau ở thôn Tân Trại mỗi người một cái cào sắt. Theo quy định, mỗi chiến sĩ chịu trách nhiệm hai luống đất bới đất tìm tài liệu, khi làm phải đảm bảo rau không bị hư hại, vừa đảm bảo không sót một tấc đất nào và khi tìm thấy tờ giấy nào có chữ phải nộp ngay cho lãnh đạo. Khoảng giữa trưa trong ruộng trồng cà rốt, một người lính tìm thấy một mảnh giấy có chữ, chữ viết trên đó đã bị mờ nhưng có thể đọc được ba chữ “Trung ương nghiên”.
Một người lính khác cũng tìm thấy một mảnh giấy, trên mảnh giấy có thể lờ mờ nhận ra hai chữ “Quân ủy”. Sau đó một số binh sĩ tìm thấy những mảnh giấy có in chữ. Ghép các mảnh giấy lại với nhau có thể khẳng định rằng đây là những mảnh giấy của tài liệu tuyệt mật trong vụ án “8291” bị đánh cắp. Điều này có nghĩa là vụ án “8291” kéo dài hơn một tháng cuối cùng cũng được giải quyết và kết luận nó chỉ là một vụ trộm cắp thông thường.
Từ ngày 7 đến 16 tháng 10 năm 1982, Trung Quốc đã phóng thành công tên lửa từ tàu ngầm ở khu vùng biển nam Thái Bình Dương đúng như kế hoạch đã dự định. Thành công này đánh dấu một bước phát triển mới trong kỹ thuật chế tạo tên lửa của Trung Quốc.