Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ:

Tập huấn công tác cứu nạn cứu hộ cho cán bộ chỉ huy toàn miền Bắc

Thứ Ba, 07/04/2015, 19:07
Nhằm nâng cao trình độ nghiệp vụ cho lực lượng, ngày 7/4, Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ đã tổ chức tập huấn chuyên đề công tác cứu nạn cứu hộ cho các lãnh đạo phụ trách công tác này tại khu vực phía Bắc, với sự tham gia của Cảnh sát PCCC 31 địa phương từ Huế trở ra.

Trước nhiệm vụ ngày càng nặng nề và đòi hỏi bức thiết từ thực tế về công tác cứu nạn, cứu hộ, đặc biệt qua những vụ việc lớn xảy ra thời gian qua như sập giàn giáo Formosa (Hà Tĩnh), vụ sập hầm thuỷ điện Đạ Dâng... nhằm nâng cao trình độ nghiệp vụ cho lực lượng, ngày 7/4, Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC & CNCH) đã tổ chức tập huấn chuyên đề công tác cứu nạn cứu hộ cho các lãnh đạo phụ trách công tác này tại khu vực phía Bắc, với sự tham gia của Cảnh sát PCCC 31 địa phương từ Huế trở ra. Đợt tập huấn sẽ diễn ra trong 10 ngày.

Kể từ khi Thủ tướng ban hành Quyết định số 44/2012 quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy đến nay, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công an ban hành nhiều văn bản hướng dẫn triển khai các hoạt động công tác CNCH, và cũng từ đó công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng PCCC bước đầu đã có những chuyển biến tích cực, nhiều vụ sự cố, tai nạn đã được lực lượng PCCC kịp thời xử lý, được dư luận và nhân dân khen ngợi.

Theo số liệu thống kê, năm 2014 lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH trên toàn quốc đã thực hiện 694 vụ, tổ chức hướng dẫn thoát nạn được hàng ngàn người; trực tiếp cứu được 255 người; tìm được 163 xác nạn nhân bàn giao cho lực lượng chức năng xử lý. 

Các cán bộ chỉ huy cứu nạn cứu hộ của lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy tại lớp tập huấn.

Tuy nhiên, trên thực tế đã xảy ra nhiều sự cố, tai nạn trong lao động, sản xuất, sinh hoạt; tai nạn giao thông; người bị mắc kẹt trong tình trạng nguy hiểm v.v… vẫn chưa được cập nhật thống kê đầy đủ và số vụ lực lượng PCCC trực tiếp tham gia cứu nạn, cứu hộ còn rất ít. 

Đặc biệt, những vụ CHCN lớn thời gian gần đây như sập giàn giáo Formosa (Hà Tĩnh), vụ sập hầm huỷ điện Đạ Dâng... càng cho thấy đòi hỏi bức thiết của thực tế, cần những lực lượng tinh nhuệ trong thực hiện nhiệm vụ CHCN.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh – Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC & CNCH cho biết: Qua 2 năm thực hiện nhiệm vụ CNCH đã cho thấy lực lượng đã phát huy rất tốt, làm được rất nhiều việc, thực hiện nhiệm vụ một cách khá thành công, dù chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn và vẫn còn rất nhiều vấn đề đặt ra về nghiệp vụ, phương tiện và lực lượng, hành lang pháp lý... 

“Tuy đã làm được nhiều việc, nhưng muốn đạt những kết quả cao hơn, chúng ta phải học tập, nâng cao nghiệp vụ, tiếp cận kinh nghiệm quốc tế và đặc biệt là trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau. Dù đây là lĩnh vực còn mới mẻ, nhưng chúng ta không ngại. Được dân tin hay không, dân yêu hay không chính là ở các đồng chí, những người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ” – Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh chia sẻ.

Tại đợt tập huấn này, cán bộ làm công tác CNCH sẽ được tập huấn quy trình tổ chức CNCH 1 vụ tai nạn, sự cố và những vấn đề cơ bản về chiến kỹ thuật CNCH đối với 1 số tình huống cơ bản đặc thù. Công tác lập và thực tập phương án cứu nạn cứu hộ tập trung vào 5 tình huống cơ bản được quy định tại điều 12 Quyết định số 44/2012/QĐ-TTg ngày 15/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ. 

Thực hành chỉ huy cứu nạn, cứu hộ trong một số tình huống cụ thể: Có người bị mắc kẹt trong phương tiện giao thông bị tai nạn; Cứu người trên cao; Cứu người bị mắc kẹt trong không gian hạn chế có khí độc; Chiến thuật sử dụng phương tiện cứu nạn cứu hộ trong các tình huống tai nạn, sự cố. 

CHCN là một nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp đòi hỏi phải rất khẩn trương, tiếp nhận và xử lý thông tin, triển khai hoạt động cứu nạn, cứu hộ các sự cố, tai nạn với phương châm "giây vàng, phút vàng, giờ vàng". 

Chưa kể đến, hiện nay tình hình các vụ sự cố, tai nạn xảy ra ngày càng nhiều và phức tạp cả về tính chất và mức độ thiệt hại nghiêm trọng. Do vậy, việc nghiên cứu, nâng cao trình độ nghiệp vụ công tác cứu nạn, cứu hộ phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, đặc biệt là công tác chỉ huy, điều hành trong tổ chức các hoạt động cứu nạn, cứu hộ.

Cùng ngày, đoàn công tác của Cục Cảnh sát PCCC & CHCN do Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh dẫn đầu cũng đã kiểm tra công tác PCCC tại Công ty xăng dầu B12 – đơn vị quản lý kho cảng xăng dầu lớn nhất miền Bắc, một mục tiêu quan trọng của công tác phòng chống cháy nổ. 

Với cảng nước sâu 40 triệu tấn, Công ty không chỉ phụ trách bán lẻ xăng dầu cho 4 tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên mà còn là đầu mối tiếp nhận xăng dầu cho 27 tỉnh phía Bắc. Tại đây, công tác PCCC đã được thực hiện rất bài bản. Công ty còn được trang bị 2 tàu lai dắt chữa cháy, trong đó có tàu Cửa Lục được coi là tàu chữa cháy hiện đại nhất miền Bắc hiện nay, sẵn sàng chi viện, chữa cháy và cứu nạn trên biển. 

Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh và đoàn công tác đã đánh giá rất cao tinh thần trách nhiệm, sự hiểu biết và trang bị phương tiện đầy đủ của đơn vị này.

Vũ Hân
.
.