Hướng tới Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024):

Ghi ở thao trường huấn luyện diễu binh kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thứ Hai, 25/03/2024, 08:38

Chúng tôi đến xã Yên Bài, huyện Ba Vì, Hà Nội - một trong ba địa điểm huấn luyện diễu binh của lực lượng CAND tham gia Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) khi công tác huấn luyện đã qua một nửa chặng đường.

Tiếng còi hiệu lệnh, tiếng hô vang "một hai - một hai", xen lẫn tiếng bước chân đi đều tăm tắp... cho thấy không khí huấn luyện nghiêm túc, đầy khí thế của CBCS, học viên nơi đây, hướng tới lễ kỷ niệm lớn của quốc gia.

Vinh dự và trách nhiệm

Thời tiết những ngày cuối tháng ba ấm hơn, chỉ lất phất mưa xuân, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác huấn luyện. Góc này là khối nữ chiến sĩ Cảnh sát đặc nhiệm (CSĐN), góc kia là khối nữ CSGT, cách một khoảng là khối nam chiến sĩ Cảnh sát cơ động (CSCĐ), khối nam chiến sĩ Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC)... tất cả đều say sưa nhịp bước theo sự hướng dẫn của cán bộ huấn luyện. Màu áo đa dạng của các lực lượng CAND với những động tác diễu binh theo khối đã tô điểm cho không gian thao trường thêm phần rộn ràng, trang nghiêm.

20240322-1711101001014.jpg -0
Khối nam sĩ quan Cảnh sát nhân dân luyện tập tại thao trường.

Vừa quan sát tổng thể, vừa trực tiếp đôn đốc, uốn nắn các hàng, khối luyện tập, Thượng tá Phạm Đại Đồng, Phó Trưởng Phòng Huấn luyện và hướng dẫn nghiệp vụ CSCĐ, Bộ Tư lệnh CSCĐ, Phó Chỉ huy thường trực Sở chỉ huy diễu binh, diễu hành Bộ Công an cho biết, thực hiện kế hoạch của lãnh đạo Bộ Công an về việc tham gia diễu binh cấp Nhà nước kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Bộ Tư lệnh CSCĐ được giao huấn luyện 11 khối, gồm 2 khối đứng và 9 khối đi. Việc huấn luyện được thực hiện ở 3 địa điểm, với hơn 1.200 cán bộ, học viên tham gia; trải qua 3 giai đoạn: từ 20/1-19/2, từ 20/2-9/4, từ 20/4 đến khi kết thúc lễ kỷ niệm.

Riêng địa điểm tại xã Yên Bài này, gồm 800 cán bộ quản lý, huấn luyện và học viên, tân sinh viên các trường CAND được bố trí ăn ở, huấn luyện tập trung bắt đầu từ giai đoạn hai, ngày 20/2 đến nay. Hằng ngày, tại khu doanh trại, đúng 5h30 báo thức, thực hiện các chế độ trong ngày, từ thể dục, vệ sinh cá nhân, ăn uống... đảm bảo nội vụ theo Điều lệnh CAND. 6h45, tất cả lực lượng đều tổ chức ra thao trường huấn luyện. Việc huấn luyện kéo dài đến 11h, sau đó ăn trưa, nghỉ ngơi, 13h45 lại tiếp tục đến 17h30. Sau hoạt động thể thao, vệ sinh cá nhân, giờ cơm tối, các học viên sẽ được nghe thời sự, sinh hoạt chính trị theo lịch từng ngày. Đúng 21h30 tắt điện đi ngủ để hồi phục sức khoẻ, chuẩn bị cho ngày tập luyện hôm sau.

"Chúng tôi xác định đây vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm để đoàn kết, thống nhất hoàn thành tốt nhiệm vụ. Mỗi buổi huấn luyện được chia làm 3 giờ: giờ đầu học các động tác kỹ thuật ke tay, ke chân cơ bản; giờ thứ hai hoàn thiện bước đi, có kẻ sân và khung kẻ tập để các bạn thực hiện đúng bước đi theo quy định của Điều lệnh đội ngũ, đồng thời hoàn thiện các động tác chuyển bước tiếp lệnh, các bước đi nghiêm; giờ thứ ba sẽ ghép hàng, hoàn thành khối đi", Thượng tá Phạm Đại Đồng chia sẻ. Theo anh, việc duy trì các động tác kỹ thuật cơ bản đến giờ phút này giúp các học viên chuẩn chỉnh kỹ thuật, tỉ mỉ, chi tiết từng động tác. Phó Chỉ huy thường trực Sở chỉ huy diễu binh, diễu hành Bộ Công an cũng cho hay, các khối diễu binh tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đồng thời được phục vụ tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống lực lượng CSCĐ (15/4/1974 - 15/4/2024) sắp tới.

Là tân sinh viên Học viện Cảnh sát nhân dân được chọn tham gia Khối nam chiến sĩ CSĐN, Hoàng Công Mạnh đến từ Nghệ An bày tỏ vinh dự, tự hào được đứng trong hàng ngũ đại diện lực lượng CAND góp phần vào thành công của lễ kỷ niệm. "Mặc trang phục CSCĐ cảm giác là lạ nhưng cũng khá đặc biệt, súng ban đầu cầm thấy nặng nhưng giờ chúng tôi đã quen rồi. Động tác khó nhất theo mình là đi nghiêm, đánh mặt sang phải chào, vì lúc đó mắt hướng lên khán đài, không được nhìn thẳng phía trước nên sợ bị "xô" hàng. Anh em bảo nhau cố gắng gióng hàng, chân vuốt lên cho đúng kỹ thuật và duy trì thể lực suốt quãng đường", Mạnh nói.

Các tân sinh viên trước khi tham gia sự kiện này đã được huấn luyện đầu khoá hơn 3 tháng tại Bộ Tư lệnh CSCĐ nên cơ bản cũng đã quen với nếp sinh hoạt "nhà binh". Cả tuần tập luyện mệt nhoài, không được sử dụng điện thoại (chỉ chủ nhật được dùng điện thoại hay có người nhà thăm, gặp-PV) nên đôi khi Mạnh và các bạn cũng nhớ nhà. Tuy nhiên, các hoạt động sinh hoạt chung, giao lưu văn nghệ, thể thao đã giúp học viên phấn chấn tinh thần, quên đi nỗi nhớ nhà hay thói quen sử dụng điện thoại 24/24h. Quy định 21h30 đi ngủ, nhưng nhiều hôm chưa đến giờ đó, mọi người đã ríu mắt, đúng giờ là chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay.

"Vượt nắng thắng mưa" - bảo đảm tiến độ

Với trang phục nữ CSCĐ, mang bộ đàm, treo khoá số 8, đi giày ghệt, tác phong khẩn trương, nhanh nhẹn, quân dung tươi tỉnh, nữ sinh Nguyễn Thị Huyền Anh của khối nữ chiến sĩ CSĐN nổi bật với chiều cao gần 1m70. Từng có 2 năm thực hiện nghĩa vụ tham gia CAND tại Trại giam Ngọc Lý (huyện Tân Yên, Bắc Giang) nên Huyền Anh không còn lạ lẫm với điều lệnh, quân sự, võ thuật. Tuy nhiên, nữ sinh này thừa nhận, đợt tập luyện này cường độ cao hơn, không chỉ là việc của từng cá nhân mà liên quan đến 85 người trong khối đi, nên khó nhất là sự đồng đều, ăn khớp với nhau.

20240322-1711100697296.jpg -0
Khối sĩ quan Cảnh sát cơ động luyện tập tại thao trường.

Rất nhiều kỷ niệm được Huyền Anh hồi tưởng lại sau gần 2 tháng huấn luyện. Giai đoạn 1 huấn luyện ở Chương Mỹ, có hôm lạnh 8 độ C, mọi người xuýt xoa với nhau "lạnh thế", tưởng không tập nổi, vậy mà tập luyện một lúc là ấm người, "loáng cái là hết giờ". Giày ghệt mới phát, nhiều bạn bị đau chân, phồng rộp, sưng đỏ song được lực lượng quân y chăm sóc tận tình, chu đáo, hướng dẫn cách khắc phục; cán bộ huấn luyện cũng điều chỉnh phương pháp huấn luyện để thuận tiện hơn cho học viên. "Các thầy rất quan tâm, động viên, còn các cô quản lý luôn chăm lo cho chúng tôi từng bữa ăn, giấc ngủ; nhiều đêm học viên ngủ rồi nhưng các cô còn thức, kiểm tra, đắp chăn giữ ấm sức khoẻ cho các bạn. Bạn nào gầy, có chế độ ăn bổ sung; bạn nào "trộm vía quá" thì được vào danh sách chạy thể dục cùng các thầy mỗi chiều và đưa ra chỉ tiêu mỗi tuần giảm bao nhiêu cân để bảo đảm đội hình cân đối, đều đẹp...", Huyền Anh tâm sự.

Đang tập thì trời Ba Vì bỗng nhiên đổ mưa nặng hạt, các khối tập được tạm nghỉ, trú mưa trong các lều dã chiến để đảm bảo sức khoẻ. Nhưng mưa bóng mây cũng chỉ một lúc là tạnh, trời lại hửng để công tác luyện tập được tiếp tục. Theo Thượng tá Phạm Anh Lê, Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ I, Phó Chỉ huy trưởng Sở chỉ huy diễu binh, diễu hành Bộ Công an cho biết, từ khi tham gia huấn luyện đến nay, các anh gần như thường trực ở thao trường; toàn lực lượng tham gia chưa nghỉ một ngày nào trong quỹ thời gian tập luyện từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần. Mỗi tuần sẽ nghỉ ngày chủ nhật để giãn cơ rồi sang tuần mới lại vào guồng, "mưa nhỏ thì coi như không mưa" để bảo đảm tiến độ theo quy định.

"Các bạn sinh viên rất cố gắng, CBCS tham gia đợt huấn luyện quyết tâm cao vì tất cả đều nắm rõ được mục đích, ý nghĩa của việc thực hiện nhiệm vụ, dù thời tiết không ủng hộ lắm, khi thì nồm, rét, lúc nắng nóng khắc nghiệt. Các bạn học viên chưa thích nghi với cường độ cao ngay, nhưng được sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, đến giờ này, có thể nói, các bạn đang vượt tiến độ so với chương trình huấn luyện chi tiết của chúng tôi, đã được lãnh đạo Bộ Công an phê duyệt. Đặc biệt, các bạn đã làm rất tốt, vượt qua giai đoạn 2 là tăng cường thể lực", Thượng tá Phạm Đại Đồng thông tin thêm.

Ấn tượng với chiều cao 1m83, Huỳnh Văn Nhật Hào, tân sinh viên Đại học PCCC, người Hậu Giang được chọn làm nhiệm vụ vác cờ trong Khối nam sĩ quan Cảnh sát PCCC. "Tự hào lắm khi mình được tham gia vào nhiệm vụ diễu binh lần này, góp phần thể hiện màu cờ sắc áo của lực lượng CAND", Hào trải lòng bằng chất giọng miền Tây đặc trưng. Đối với nam học viên này, khó khăn khi vác cờ là giữ đúng vị trí, khi phất cờ lên không để bị che mặt người ở bên, cũng như không bị xoắn cờ, che chữ... Mọi thứ đều khác biệt, từ phong tục, vùng miền, thời tiết lúc nóng, lúc lạnh không thuận lợi, nhưng Nhật Hào đang hoà mình vào khối đi, cùng các bạn hoàn thiện kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu, chất lượng.

Đại uý Lê Đức Bình, cán bộ Phòng Huấn luyện và hướng dẫn nghiệp vụ CSCĐ, giáo viên chính Khối nam sĩ quan An ninh cho rằng, khối điều lệnh tay không khó hơn các khối điều lệnh có súng vì phải kết hợp cả chân, cả tay trong quá trình di chuyển. Kinh nghiệm anh chia sẻ là trong quá trình tuyển chọn học viên cần đáp ứng các yêu cầu về chiều cao, kỹ thuật ban đầu. Khi tập trung khối thì tiếp tục sàng lọc về chiều cao, kỹ thuật, lựa chọn những đồng chí cứng cáp cả vóc dáng, động tác, khuôn dung tươi tỉnh đưa vào tổ cờ, sắp xếp đứng hàng bìa... để dẫn dắt các bạn trong khối ngày càng tiến bộ.

Đúng như những khẩu hiệu nổi bật tại thao trường: "Tham gia diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ là vinh dự, trách nhiệm, tự hào của mỗi CBCS"; "Nêu cao tinh thần đoàn kết, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, đảm bảo an toàn trong huấn luyện"..., mỗi CBCS, học viên nơi đây đều đang chung sức, đồng lòng, nỗ lực, cố gắng để tạo nên những khối đi thống nhất, thuần thục động tác, chuẩn chỉnh, đều đẹp...

Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ được tổ chức vào sáng 7/5/2024, bao gồm 4 lực lượng: Lực lượng pháo lễ; lực lượng Không quân bay chào mừng; lực lượng diễu binh, diễu hành; lực lượng khối đứng trên sân hơn 12.000 người. Khối diễu binh gồm 4 khối Nghi trượng và 24 khối của Quân đội, Dân quân tự vệ, Công an; Khối diễu hành gồm 9 khối: Cựu Chiến binh, Thanh niên xung phong, Dân công hỏa tuyến, Công nhân, Nông dân, Trí thức, Thanh niên, Phụ nữ, Khối các dân tộc Tây Bắc; phần trình diễn của Khối Nghệ thuật. Lễ diễu binh, diễu hành là điểm nhấn, quan trọng của lễ kỷ niệm, nhằm biểu dương lực lượng, khẳng định ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử vĩ đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ.   

Quỳnh Vinh - Chiến Thắng
.
.