Công an xã trong kỷ nguyên vươn mình

Kỳ cuối: Phát huy hiệu lực, hiệu quả trong kỷ nguyên số

Chủ Nhật, 11/05/2025, 07:45

Đối với lực lượng Công an xã những người “gần dân, sát dân” nhất trong hệ thống bảo vệ an ninh Tổ quốc, công nghệ đang mở ra một cánh cửa mới của đổi mới tư duy, nâng tầm nghiệp vụ, và hơn hết là cửa của một hành trình phụng sự nhân dân hiệu quả, sâu sát và nhân văn hơn bao giờ hết.

Trong nhịp chảy sôi động của thời đại số, nơi từng dòng dữ liệu lan tỏa như mạch máu của xã hội hiện đại, công nghệ không chỉ là công cụ, mà còn là “người đồng hành” đắc lực trên mỗi chặng đường gìn giữ bình yên cuộc sống. Đối với lực lượng Công an xã những người “gần dân, sát dân” nhất trong hệ thống bảo vệ an ninh Tổ quốc, công nghệ đang mở ra một cánh cửa mới của đổi mới tư duy, nâng tầm nghiệp vụ, và hơn hết là cửa của một hành trình phụng sự nhân dân hiệu quả, sâu sát và nhân văn hơn bao giờ hết.

Chuyển đổi số - Chìa khóa cho an ninh bền vững

Không còn là hình ảnh quen thuộc của những sổ sách dày cộp, những buổi đi từng ngõ, gõ từng nhà chỉ để tra cứu manh mối, giờ đây, Công an xã đã và đang “số hóa” chính mình, từ nắm hộ, nắm người qua dữ liệu dân cư, đến xử lý thủ tục hành chính bằng nền tảng điện tử, hay triển khai các tiện ích từ Đề án 06. Mỗi thao tác “nhẹ tay trên bàn phím” đều gắn với sự an toàn, an ninh và niềm tin của nhân dân.

Kỳ cuối: Phát huy hiệu lực, hiệu quả trong kỷ nguyên số -0
Lực lượng Công an cơ sở thuộc Công an tỉnh Lai Châu cấp căn cước cho người dân ở các bản, làng để xây dựng công dân số.

Giữa núi cao heo hút hay vùng đồng bằng đông đúc, bóng áo xanh của Công an xã vẫn lặng thầm tỏa sáng, không chỉ bằng tinh thần trách nhiệm, mà còn bằng khả năng tiếp cận và làm chủ công nghệ, xứng đáng là điểm tựa đầu tiên trong mạng lưới an ninh từ cơ sở. Họ đang viết nên những câu chuyện mới, nơi dòng chảy dữ liệu hòa vào dòng đời, nơi “số” không vô cảm mà chính là nhịp đập của  một trái tim biết sẻ chia, thấu hiểu và hành động vì nhân dân.

Tại trụ sở Công an xã Nậm Xe một xã vùng cao của huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, trong không gian giản dị nhưng ấm áp, ánh mắt Thiếu tá Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng Công an xã Nậm Xe ánh lên niềm vui rạng ngời khi thuật lại sự kiện được Trung tướng Phạm Thế Tùng, Thứ trưởng Bộ Công an cùng với đồng chí Giàng Páo Mỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu và các đồng chí lãnh đạo vào trụ sở thăm hỏi, động viên. Thiếu tá Nguyễn Thanh Sơn báo cáo với Thứ trưởng Phạm Thế Tùng và lãnh đạo Tỉnh ủy trước đây mỗi khi có vụ việc liên quan đến nhân khẩu, hộ khẩu, anh em trong đơn vị phải lục tìm từng tập hồ sơ cũ, từng trang giấy ố vàng vì thời gian. Mỗi một thông tin cần xác minh là một lần đi lại, tra cứu thủ công, có khi kéo dài hàng giờ, thậm chí cả ngày.

“Giờ thì khác rồi”, Thiếu tá Nguyễn Thanh Sơn mỉm cười, ánh mắt đầy tự hào khi tâm sự với chúng tôi. “Chỉ vài cú nhấp chuột, toàn bộ thông tin của công dân được hiển thị đầy đủ, chính xác ngay trên màn hình. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thực sự là một cuộc cách mạng trong cách làm việc của chúng tôi”- Thiếu tá Nguyễn Thanh Sơn cho biết. Từ sổ sách cồng kềnh đến phần mềm tra cứu thông minh, từ những buổi họp dân phổ biến thủ tục đến việc người dân đến trụ sở chỉ mất chưa đầy 15 phút để hoàn tất giấy tờ, Công an xã Nậm Xe cũng như hàng nghìn đơn vị Công an xã trên cả nước đang từng bước chuyển mình trong dòng chảy chuyển đổi số quốc gia. “Người dân giờ cũng thấy tiện lợi hơn hẳn”, Thiếu tá Nguyễn Thanh Sơn chia sẻ thêm. “Không còn cảnh đi lại nhiều lần, không còn phải giữ cả tập giấy tờ trong người. Mọi thứ đều được số hóa và bảo mật”. Những thay đổi ấy không chỉ làm nhẹ công việc của lực lượng Công an xã, mà còn mở ra một diện mạo mới cho công tác quản lý hành chính tại cơ sở nơi mà mỗi cải tiến dù nhỏ cũng mang ý nghĩa lớn đối với đời sống người dân, nhất là tại vùng sâu, vùng xa.

Chuyển đổi số không phải là những điều to tát, mà bắt đầu từ chính việc người dân ở Nậm Xe, Dào San hay Mù Sang có thể làm thủ tục cấp căn cước công dân, đăng ký khai sinh, kết hôn, xác nhận thông tin cư trú... ngay tại trụ sở Công an xã, thậm chí tại nhà, với sự hỗ trợ tận tình của cán bộ Công an. Có những cụ già lần đầu tiên được chụp ảnh thẻ bằng camera kỹ thuật số, có những người dân tộc thiểu số không biết chữ nhưng vẫn hoàn tất đăng ký tạm trú nhờ phần mềm dịch vụ công trực tuyến và sự hướng dẫn tận tâm của cán bộ Công an. Với họ, "chuyển đổi số" không còn là khái niệm xa lạ, mà là thực tế hiện hữu thân thiện, gần gũi và hữu ích.

Nhắc đến hành trình thiêng liêng và ý nghĩa của đơn vị trong tháng 4 lịch sử khi thu thập 100% mẫu ADN của thân nhân các liệt sĩ trên địa bàn, Đại tá Tô Anh Dũng, Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam cho biết: Một trong những cú hích lớn nhất giúp lực lượng Công an xã bước thẳng vào kỷ nguyên số chính là Đề án 06 của Chính phủ, đề án mang tầm chiến lược, đặt nền móng cho việc xây dựng chính quyền số, xã hội số và công dân số. Với lực lượng Công an, đặc biệt là Công an cấp xã, Đề án 06 không chỉ là một nhiệm vụ chính trị mà còn là động lực chuyển mình, là “bệ phóng” để thay đổi toàn diện phương thức phục vụ nhân dân. Từ căn cước công dân gắn chip đến định danh điện tử VNeID, người dân giờ đây có thể dễ dàng đăng ký thủ tục hành chính ngay trên điện thoại di động không cần phải xếp hàng, không cần nộp giấy tờ bản cứng. Với sự vào cuộc chủ động của Công an xã, từng bước chân chuyển đổi số đã chạm đến tận các bản làng vùng sâu, vùng xa, đưa công nghệ phục vụ mọi tầng lớp nhân dân một cách thiết thực và gần gũi.

Không dừng lại ở đó, các mô hình “Công an thông minh” đang dần được hình thành, nơi dữ liệu, công nghệ và con người cùng hợp lực tạo nên một hệ sinh thái an ninh chủ động, linh hoạt. Tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác, các tổ công tác Công an xã đã triển khai ứng dụng phản ánh trực tuyến cho phép người dân phản ánh tình hình an ninh trật tự ngay trên ứng dụng VNeID hoặc cổng dịch vụ công. Thay vì phải đến trụ sở, người dân chỉ cần một chạm điện thoại là thông tin đã đến với lực lượng chức năng. Hàng nghìn phản ánh đã được tiếp nhận, xác minh và xử lý kịp thời không chỉ giúp phát hiện sớm các hành vi vi phạm mà còn tạo ra một mạng lưới cộng đồng gắn kết chặt chẽ với chính quyền cơ sở. Đó không chỉ là minh chứng cho hiệu quả của chuyển đổi số, mà còn là biểu hiện sinh động cho một xã hội an toàn, văn minh được vận hành trên nền tảng công nghệ và dữ liệu. Nhờ những bước tiến này, lực lượng Công an xã không chỉ nâng cao hiệu quả quản lý mà còn xây dựng được lòng tin vững chắc từ nhân dân.

Tương lai trong kỷ nguyên số

Thống kê từ Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ cho thấy, các cơ sở dữ liệu quốc gia đang được hoàn thiện và khai thác ngày càng hiệu quả, tạo nên một nền tảng vững chắc cho công tác quản lý Nhà nước. Hàng trăm triệu dữ liệu quan trọng từ dân cư, bảo hiểm, giáo dục đến các đối tượng xã hội đã được xác thực và đồng bộ, góp phần làm giảm sai sót, tăng cường tính minh bạch và rút ngắn thời gian xử lý thủ tục hành chính.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã mở ra một kỷ nguyên mới trong việc kết nối, xác thực thông tin giữa các cơ quan, từ đó nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Chỉ trong năm 2024, hơn 99,6 triệu thông tin nhân khẩu tham gia bảo hiểm đã được xác thực, hàng triệu hồ sơ về học sinh, giáo viên, đối tượng trợ giúp xã hội, và dữ liệu di động được đồng bộ hóa, tạo ra một mạng lưới thông tin liên kết chặt chẽ và nhanh chóng. Đặc biệt, lần đầu tiên, dữ liệu dân cư và đất đai đã được sử dụng để giải quyết các thủ tục hành chính về đăng ký cư trú, mang lại sự tiện lợi cho người dân ở nhiều tỉnh thành.

Với sự phát triển mạnh mẽ của ứng dụng VNeID, 100% người dân đã sử dụng nền tảng này để đăng nhập vào dịch vụ công trực tuyến, ghi nhận hơn 93,7 triệu lượt truy cập tính đến cuối năm 2024. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 45%, tăng trưởng mạnh mẽ so với năm trước. Cổng Dịch vụ công quốc gia hiện cung cấp hơn 4.400 dịch vụ trực tuyến, chiếm 70,8% tổng số thủ tục hành chính, giúp hàng triệu người dân tiếp cận nhanh chóng, thuận tiện và hiệu quả.

Ứng dụng VNeID không chỉ giúp người dân dễ dàng thực hiện các thủ tục hành chính mà còn đưa Việt Nam tiến gần hơn đến mục tiêu số hóa toàn diện. Với hơn 55 triệu tài khoản người dùng được kích hoạt, VNeID đang trở thành công cụ không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi công dân. Những bước tiến này cũng tạo nền tảng vững chắc cho các lĩnh vực y tế, giáo dục, và thanh toán không dùng tiền mặt. Đặc biệt, sự phát triển mạnh mẽ của chữ ký số và tài khoản thanh toán số đã giúp nâng cao khả năng quản lý, thúc đẩy nền kinh tế số và đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu trong khu vực Đông Nam Á về thanh toán không tiền mặt.

Đại tá Vũ Văn Tấn, Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an, Thư ký Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ cho biết: Để Đề án 06 tiếp tục đi đúng hướng và đạt được những kết quả bền vững, lực lượng Công an, với vai trò là người đi đầu, phải là tấm gương mẫu mực trong mọi hành động. Trong đó, vai trò của Công an xã và cảnh sát khu vực càng trở nên đặc biệt quan trọng, không chỉ trong việc đảm bảo ANTT mà còn trong việc xây dựng nền tảng số hóa vững chắc cho đất nước. Cục Cảnh sát quản lý hành chính về TTXH, với vai trò cơ quan thường trực, không ngừng nỗ lực đôn đốc các địa phương, chỉ đạo lực lượng Công an cơ sở, để mỗi ngày, dữ liệu dân cư luôn phải “đúng, đủ, sạch, sống”, những tiêu chí vàng để đảm bảo tính chính xác và hiệu quả trong công tác quản lý.

Những bước đi tiếp theo không chỉ là việc rà soát và thu nhận hồ sơ cấp căn cước cho 100% công dân đủ điều kiện, mà còn là quá trình xác thực thông tin, cấp mã định danh cá nhân cho toàn bộ công dân. Công việc này là một phần quan trọng trong việc tổ chức thu nhận hồ sơ tài khoản định danh điện tử, đặc biệt là các thủ tục liên quan đến đăng ký cư trú, cấp hộ chiếu phổ thông, và phân cấp đăng ký xe. Tất cả những nhiệm vụ này, tuy có thể chưa nhìn thấy ngay kết quả cụ thể, nhưng lại là những viên gạch xây dựng nền móng vững chắc cho một tương lai phát triển bền vững, không chỉ cải cách thủ tục hành chính mà còn tiết kiệm chi phí, phòng chống tham nhũng, tiêu cực và lãng phí.

Thượng tá Nguyễn Thành Vĩnh, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu Quốc gia, Bộ Công an đánh giá: Số hóa, vốn dĩ không còn là sự lựa chọn mà đã trở thành một phần không thể thiếu trong công tác đảm bảo ANTT. Với sự tiến bộ không ngừng của công nghệ, lực lượng Công an xã càng cần một chiến lược toàn diện, từ hạ tầng, nhân lực đến mô hình vận hành, để có thể không chỉ quản lý tốt hơn mà còn đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trong thời đại số. Bộ trưởng Bộ Công an từng chia sẻ rằng, chuyển đổi số không chỉ là công cụ giúp nâng cao hiệu quả công việc mà còn là chìa khóa để Công an xã hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ ANTT, đặc biệt trong bối cảnh không còn tổ chức Công an cấp huyện.

Việc thực hiện Nghị quyết 57 của Quốc hội về việc đổi mới và nâng cao chất lượng công tác đảm bảo ANTT trong tình hình mới đang tạo ra một yêu cầu cấp thiết về việc tăng cường ứng dụng công nghệ, cải cách hành chính, đồng thời thắt chặt mối quan hệ giữa lực lượng Công an xã với chính quyền và nhân dân. Những thành tựu từ chuyển đổi số không chỉ giúp Công an xã làm tốt hơn công việc của mình mà còn góp phần xây dựng một xã hội văn minh, hiện đại và an toàn. Công nghệ giờ đây không còn chỉ là công cụ, mà trở thành người bạn đồng hành, hỗ trợ lực lượng Công an xã trong từng bước đi của công cuộc gìn giữ trật tự và an ninh xã hội.

Với những thay đổi mạnh mẽ, Công an xã không chỉ tiếp tục là lực lượng nòng cốt trong công tác bảo vệ ANTT, mà còn là cầu nối vững chắc, kết nối chính quyền với nhân dân. Từ những chiến lược và bước đi đầy kiên định, Bộ Công an đang cùng nhau chung tay xây dựng một xã hội không chỉ an toàn mà còn hiện đại, phát triển bền vững. Hành trình ấy, dù còn gian nan, nhưng chắc chắn sẽ mang lại một tương lai tốt đẹp, nơi mỗi người dân đều cảm nhận được sự bảo vệ, chăm lo từ chính những người lính Công an nơi thôn xóm.

Hoàng Phong
.
.