Vẹn nguyên một ân tình

Thứ Hai, 31/10/2022, 11:04

Tròn 11 năm đã trôi qua, nhưng cảm giác ôm em bé mấy ngày tuổi bị bắt cóc năm xưa bằng đôi cánh tay rắn chắc, so với cảm giác ngay lúc này, khi em bé đã là một cậu học sinh lớp 6, đối với Đại tá Nguyễn Tiến Tần vẫn vẹn nguyên niềm xúc động. Anh vẫn nhớ những bước chân có thể bay lên được của mình khi đôi tay đã ẵm gọn em bé. Anh vẫn nhớ câu nói đầu tiên của người mẹ khi được chạm vào đứa con bé bỏng sau mấy ngày xa cách.

Một rừng người, một rừng hoa ngay sân Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã chờ sẵn, đợi những người lính mang tin vui trở về. Còn chúng tôi, những nhà báo bám rất chắc từng bước chân của đội phá án khi ấy, cũng không khỏi bồi hồi, cứ như thể mình cũng trực tiếp tham gia vậy.

1. Không ai biết rằng, chỉ sau khi trao em bé cho người mẹ và hoàn tất các thủ tục tố tụng ban đầu khi đã tối muộn, Nguyễn Tiến Tần phải vội vã bắt xe ngay vào bệnh viện vì một cơn đau ập đến từ chiều, tức là đúng lúc anh cùng đồng đội đang tìm cách tiếp cận nhà đối tượng. Cắn răng chịu đựng để hoàn thành nhiệm vụ, và ca mổ cấp cứu mà anh là bệnh nhân được thực hiện ngay trong đêm đó.

Vẹn nguyên một ân tình -0
Cậu bé Phạm Văn Trường và Đại tá Nguyễn Tiến Tần trong phút giây gặp mặt.

Cách đây chục năm, Facebook, Tik Tok chưa phát triển, thông tin cũng không đa dạng kiểu “mỗi người dân là một nhà báo facebook” như bây giờ. Vì thế, cánh nhà báo chúng tôi chủ yếu tiếp cận thông tin qua  các điều tra viên hoặc những người trực tiếp phá án. Tiếng là suốt ngày sang uống nước trà bên số 7 Thiền Quang “hóng gió” và đối với riêng Đội trưởng Đội 12 - Thượng tá Nguyễn Tiến Tần - khi ấy với chúng tôi quá thân thiết, dù nắm được thông tin chắc chắn là “quân ta” đã tóm được thủ phạm bắt cóc cháu bé rồi nhưng gọi điện kiểu gì, anh cũng không chịu nghe máy.

Thực ra với tâm lý người viết, chỉ là muốn nắm được những thông tin bên lề để sau này bổ sung vào bài cho sinh động, vì thông tin “hậu trường” bao giờ cũng hấp dẫn hơn so với tin họp báo, bởi khi đã họp báo thì tất cả đều là thông tin đại trà, không có gì đặc biệt. Sau này, Nguyễn Tiến Tần cười khà khà thú nhận, anh vừa cắn răng chịu cơn đau từ chiều, vừa bị áp lực phải đưa cháu bé về an toàn bằng mọi giá, nên chấp nhận nghe lời trách móc và chịu phạt từ các “ông em”, “bà em” nhà báo bằng một chầu bia cỏ.

Thực ra, đối tượng Nguyễn Thị Lệ khi ấy cũng là một người đàn bà đáng thương. Đã từng có chồng, có một đứa con gái, nhưng cuộc sống không hạnh phúc khiến chị ta bỏ đi lang bạt khắp nơi. Sau này gặp anh X, nhà ở Đông Anh, chị ta sống như vợ chồng với anh này nhưng không đẻ được con. Và đó chính là nguyên nhân khiến người đàn bà nảy sinh ý định phạm tội. Cháu bé Phạm Văn Trường, sinh ngày 1/11/2011, là con của sản phụ Trần Thị Thơm, quê ở Hưng Yên. Điều đặc biệt, vợ chồng chị Thơm cũng hiếm con, mãi mới sinh thêm được cháu Trường.

Vì vậy, chứng kiến những giọt nước mắt đau khổ của bố mẹ cháu bé khi bị Lệ đóng giả là bác sĩ và bế con mình đi mất, những người lính như anh Tần không cam lòng. Y, bác sĩ Bệnh viện Phụ sản áp lực đã đành, những người trực tiếp làm nhiệm vụ như anh Tần và các đồng đội ở Đội 12 thì còn áp lực gấp 10. Hứa trước Ban Giám đốc Công an TP Hà Nội sẽ bằng mọi giá tìm được em bé, tự trọng nghề nghiệp là một phần, nhưng cái chính là nhìn nỗi đau của người mẹ vừa sinh mổ, vừa phải chịu cơn đau thể xác, vừa phải chịu nỗi đau tinh thần mất con khiến anh em trong Đội 12 thầm hứa với lòng mình, chỉ có một lựa chọn duy nhất là phải hoàn thành nhiệm vụ.

2. Gia đình anh X. - người chồng hờ bị Lệ lừa -  làm nghề gỗ, rất khá giả, ở xã Vân Hà, huyện Đông Anh. Thấy một ông “khách sộp” vào hỏi thăm muốn đóng bàn ghế, giường tủ thì bố anh X vui vẻ mời ngồi. Vị “khách sộp” giả vờ đi dạo vòng quanh ngó nghiêng đồ gỗ. Qua câu chuyện với chủ nhà, vị khách nắm được thông tin gia đình vừa liên hoan tổ chức ăn uống linh đình vì cô con dâu mới sinh cháu; bàn ghế, phông bạt, bát đũa vẫn còn nguyên chưa dọn. Ngước lên dây phơi thấy tã lót, áo trẻ sơ sinh treo lủng lẳng, vị khách mừng như vớ được vàng. Anh tiếp tục ngó nghiêng thì phát hiện Lệ cùng anh X đang nằm ngủ trong buồng, cháu bé nằm trong cùng.

Vẹn nguyên một ân tình -0
Lãnh đạo Bệnh viện Phụ sản Trung ương chia sẻ phút giây hạnh phúc của chị Thơm và gia đình khi ấy.

“Bằng một cách nào đó, tôi đã đi những bước catwalk, nhón chân qua hai người lớn và nhẹ nhàng bế cháu bé lên mà cả hai không hề hay biết. Nhìn thấy cháu bé có cái mũi khá to, đặc điểm nhận dạng mà bố cháu cung cấp, tôi như muốn bay lên” - Đại tá Nguyễn Tiến Tần rưng rưng xúc động. Những việc tiếp theo, đồng đội của anh thực hiện, còn nhiệm vụ của anh là phải đưa cháu bé về ngay lập tức và nhanh nhất có thể.

Buổi tối hôm ấy, chúng tôi là những người ở lại rất muộn khi Nguyễn Thị Lệ đã được đưa về trụ sở Công an và được lấy lời khai ban đầu. Trò chuyện với người đàn bà này, cũng thấy cám cảnh cho cuộc đời chị ta. Chắc chắn là từ lúc đấy cho đến khi vào trại tạm giam, người nhà chị ta cũng bỏ mặc không quan tâm chứ đừng mong là chị ta sẽ được người nhà mang quần áo, đồ dùng cá nhân tiếp tế. Gọi điện cho anh Tần khi đó đã nhập viện, anh bảo: “Cô xem mua cho con bé đó ít quần áo, lúc nào ra viện anh trả tiền”. Làm gì có cửa hàng thời trang nào mở cửa đêm hôm. Đang loay hoay, tôi chợt nghĩ ra bộ quần áo vừa mua lúc chiều chưa giật tem mác, bèn ra xe lấy đưa cho Lệ. Đây không biết là lần thứ bao nhiêu tôi phải lấy đồ của mình hoặc là đi mua đồ cho can/phạm nhân, vì đôi lúc lòng trắc ẩn trỗi dậy khiến hành động theo con tim mách bảo.

Với những người lính như Nguyễn Tiến Tần thì đây là một kỷ niệm không thể quên đối với cuộc đời đánh án, còn đối với chúng tôi, những nhà báo may mắn được theo sát chân các anh trong nhiều vụ án, thì đây cũng là những kỷ niệm rất đẹp. Tối muộn hôm đó, Nguyễn Thị Lệ đã trải lòng với chúng tôi về cuộc đời nhiều sóng gió của chị ta, và tất nhiên là nước mắt, là ân hận. Không nhớ chị ta “cà kê” những gì, chỉ biết là tôi đã hùng hục phi về nhà cách đó cả chục cây số lấy thêm một cơ số quần áo nữa mang đến cho chị ta. Còn nhớ, hồi nữ sinh viên sát hại người tình cũ trong xe Lexus bị bắt về số 7 Thiền Quang, tối đó, tôi và một chị bạn đồng nghiệp cũng được anh em điều tra nhờ đi mua giúp một số đồ cá nhân cho thủ phạm khi người nhà cô ta chưa kịp gửi vào. Những kỉ niệm nho nhỏ trong cuộc đời cầm bút luôn thú vị, để sau này, trong mỗi bài viết, lại có thêm những chi tiết sinh động.

Thoáng đó mà đã 11 năm, giờ này, chắc là Lệ cũng đã trả hết án từ lâu. Hi vọng, chị ta sẽ có một cuộc sống khác, thiện lương hơn và chúng tôi cũng không bao giờ mong muốn gặp lại chị ta trong những hoàn cảnh tương tự.

3. Bé Phạm Văn Trường sinh ngày 1/11/2011. Những con số mà theo phong thủy là rất đẹp. Cũng có thể vì “rất đẹp” nên vợ chồng chị Thơm mới có cơ hội gặp lại con, như cách chị Thơm chia sẻ với chúng tôi sau 11 năm gặp lại. Chị Thơm là giáo viên một trường cấp hai trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, còn chồng chị làm nghề xây dựng. Chị kể rằng, dù đã nhiều năm trôi qua, nhưng những ký ức hãi hùng vẫn khiến chị bàng hoàng mỗi khi nhớ lại. Có những đêm giật mình tỉnh giấc, chị hốt hoảng vùng dậy tìm con và nước mắt cứ thế tuôn khi thấy cậu bé vẫn đang thiêm thiếp ngủ ngon lành. Hồi ấy, vẫn nhớ chị ngồi trên xe lăn giữa sân bệnh viện phụ sản, yếu ớt và tái nhợt, run rẩy, lo lắng.

Cho đến khi xe chở bé Trường tiến vào, biển người hò hét, vẫy gọi, vỗ tay rào rào, chị như bừng tỉnh, bao nỗi lo lắng như quả tạ ngàn cân đeo trên vai bỗng chốc tan biến. Khi được chạm tay vào sinh linh bé bỏng của mình, chị không diễn tả được cảm xúc lúc ấy, cho đến giờ cũng không thể đặt tên cho cảm xúc ấy, bởi vì, như chị nói, đó là khoảnh khắc duy nhất trong cuộc đời, không thể xảy ra lần thứ hai.

Vẹn nguyên một ân tình -0
Biển người chào đón chiến công của những người lính Cảnh sát hình sự Hà Nội.

Từ đó đến nay, vợ chồng chị Thơm coi những cán bộ, chiến sĩ Đội 12 Phòng CSHS Công an TP Hà Nội như người thân của mình. Riêng với Đại tá Nguyễn Tiến Tần thì cho dù sau này anh đã đảm đương rất nhiều nhiệm vụ ở các đơn vị khác nhau (hiện giờ anh là Trưởng Công an huyện Thường Tín, Hà Nội), nhưng mối lương duyên với bé Trường và gia đình cháu bé khiến tình cảm ngày càng vun đắp. Hôm rồi, vợ chồng chị Thơm cho con trai đến thăm lại ân nhân năm xưa. Chứng kiến cậu bé tựa đầu vào bờ vai vững chãi của người lính, một cảm giác bình yên và ấm áp lan tỏa, khiến bất cứ ai cũng cảm thấy xúc động.

Đời làm báo, được chứng kiến những giây phút bình yên ấy, được theo dõi những câu chuyện thú vị trong suốt một hành trình dài của nhân vật, luôn là những ấn tượng, những năng lượng tích cực đối với chúng tôi, để lan tỏa thêm những điều tốt đẹp.

     

Đinh Hiền
.
.