Lũ lụt, sạt lở ở Cao Bằng: Sóng Viettel duy trì liên lạc cứu hộ, cứu nạn

Thứ Tư, 11/09/2024, 16:14

Tại huyện Nguyên Bình, sau vụ sạt lở đất ở xã Ca Thành cuốn trôi một xe ô tô khách, một ôtô cá nhân và nhiều xe máy và vẫn chưa xác định được hết các nạn nhân, sóng Viettel là sợi dây duy trì liên lạc cho người dân và các lực lượng cứu hộ.

Sáng 8/9, mưa lớn do hoàn lưu bão số 3 khiến cho hàng loạt sườn núi ở huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng sạt lở. Đất đá đổ xuống các tuyến đường và làm đổ cột, đứt cáp. Đến nay mưa lớn vẫn tiếp tục, mạng lưới điện và theo đó là viễn thông bị ảnh hưởng diện rộng. Nhiều nhà mạng “trắng sóng”.

1.jpg -0
Anh Vi Văn Ngọc (áo mưa tím) đưa 2 can xăng lên trạm qua sườn núi sạt lở, trơn trượt.

Liên lạc ra bên ngoài trở thành nhu cầu cấp thiết vì đây là điểm nóng của công tác cứu hộ cứu nạn đối với nơi bị sạt lở nghiêm trọng nhất và thiệt hại nhiều nhất về người trong tỉnh Cao Bằng. Chỉ trong 2 ngày 9 và 10/9, Bí thư Tỉnh uỷ và Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng đều có mặt tại đây để trực tiếp tham gia công tác cứu hộ,

“Mấy ngày nay, sóng Viettel là công cụ duy nhất của các lực lượng cứu hộ, cứu nạn liên lạc ra ngoài”, anh Ngân Dương Lộc Thành, Phó Trưởng Công an xã Ca Thành, người trực tiếp tham gia lực lượng cứu hộ nơi xảy ra sự cố sạt lở đất, cho biết. Anh Thành cho biết thêm lực lượng cứu hộ tới ứng cứu đều phải chuyển sang sim Viettel để giữ liên lạc.

“Chúng tôi tìm mọi cách để có thể duy trì liên lạc cho người dân và lực lượng cứu hộ, cứu nạn”, anh Đào Duy Thái, Giám đốc chi nhánh Viettel Cao Bằng, khẳng định.

Khi sạt lở đất, do sườn núi bùn đất trơn trượt và dốc đứng, trạm và đường cáp nếu đã gặp sự cố sẽ rất khó tiếp cận, còn gọi là bị chia cắt hoặc cô lập. Trong khi nguy cơ ảnh hưởng đến các nhà mạng viễn thông là như nhau, thì Viettel duy trì mạng lưới liên lạc nhờ nỗ lực của đội ngũ kỹ thuật.

2.jpg -1
Mưa lớn gây sạt lở, chia cắt nhiều tuyến đường của tỉnh Cao Bằng.

“Chúng tôi chia thành từng đội, toả các hướng tiếp cận các trạm bị cô lập. Vì lở đất cản trở di chuyển và phải làm việc trong mưa lớn, quá trình ứng cứu thông tin khó khăn hơn lúc thường gấp nhiều lần”, anh Vi Văn Ngọc, Giám đốc Trung tâm kỹ thuật Viettel huyện Nguyên Bình, cho biết.

Chiều ngày 10/9, trên đường tỉnh 212 đoạn qua Nguyên Bình, anh Ngọc cùng đồng đội đưa 2 can xăng lên một sườn đồi sạt lở để tiếp nhiên liệu cho máy phát điện phục vụ phát sóng. Để đến điểm này, đội anh Ngọc dắt xe máy hàng chục cây số đi vòng xuống các cánh đồng để dễ chở theo thiết bị. Đến vị trí sạt lở, đội kỹ thuật tạm bỏ lại xe, xách theo những can xăng và thiết bị để lên trạm.

Đến nay, đội kỹ thuật huyện Nguyên Bình đã tiếp cận và khôi phục thành công số trạm phát sóng di động bị cô lập. Viettel là nhà mạng duy nhất duy trì sóng viễn thông trong huyện. Trên toàn tỉnh, số vị trí bị gián đoạn thông tin được đưa về dưới 10%.

3.jpg -2
Các kỹ thuật viên Viettel hàn cáp, khắc phục sự cố ngay trong mưa lớn, sạt lở.

“Chúng tôi tiếp tục khắc phục các điểm gián đoạn thông tin còn lại để đảm bảo các dịch vụ 2G, 4G, sẵn sàng khắc phục các sự cố do sạt lở trong những ngày tới để không gián đoạn liên lạc của người dân và các đội cứu hộ”, anh Thái cho biết tối ngày 10/9.

Hiện tại, Viettel hỗ trợ cộng 20.000 đồng vào tài khoản cho hơn 700.000 khách hàng ở các khu vực bị cô lập, ảnh hưởng của ngập lụt và sạt lở đất, trong đó có Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Phú Thọ, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Lào Cai, Bắc Giang. Số tiền này có thể dùng để gọi, nhắn tin và truy cập data trong 5 ngày. Đến nay, Hơn 1,3 triệu khách hàng chịu ảnh hưởng từ thiên tai đã được Viettel hỗ trợ cộng miễn phí tài khoản để duy trì liên lạc trong lúc khẩn cấp.

PV
.
.