"Bão hòa" danh hiệu NSND, NSƯT?

Thứ Hai, 09/08/2021, 09:24

Sau nhiều năm, những tiêu chí xét danh hiệu nghệ sĩ cứng nhắc đã bỏ sót những người xứng đáng, cả đời lặng lẽ cống hiến cho nghệ thuật thì năm nay, những tiêu chí xét tặng đã được nới lỏng. Nhưng nhìn vào danh sách NSND, NSƯT lần này, có nhiều ý kiến lo ngại, sự nới lỏng sẽ dẫn đến nguy cơ bão hòa danh hiệu và giá trị của danh hiệu “mất thiêng”.

Nguy cơ “được mùa” danh hiệu

Mới đây, danh sách đề nghị xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT vừa được công bố. Theo đó, hội đồng cơ sở Hà Nội có 48 hồ sơ, trong đó 16 hồ sơ đề cử danh hiệu NSND, và 32 hồ sơ đề cử NSƯT. Một số gương mặt được đề cử NSND trong đợt này gồm NSƯT Trần Đức, Thu Huyền, Tấn Minh, Thanh Tú... Nghệ sĩ Lê Mai cũng được đề cử NSƯT, dù chắc hẳn khán giả mặc định bà đã có danh hiệu này từ lâu. Hội đồng cơ sở thành phố Hồ Chí Minh công bố 57 hồ sơ đủ điều kiện đề xuất lên gồm 24 nghệ sĩ được đề cử NSND. Đó là NSƯT Thoại Mỹ, Kim Huệ, Thanh Thúy, Mỹ Uyên, Trịnh Kim Chi, Hữu Quốc. Còn danh hiệu NSƯT có những gương mặt trẻ như Quý Bình, Huỳnh Đông, Đại Nghĩa...

Danh hiệu NSƯT, NSND cần phải được trao cho những người thực sự có tài năng, cống hiến. (Ảnh mang tính chất minh họa). 

Thực tế, hồ sơ xét tặng danh hiệu lần thứ 10 đã tăng đáng kể so với những lần trước nhờ sự điều chỉnh về tiêu chí và cách thức bỏ phiếu đợt này. Hội đồng cấp Bộ của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) nhận 121 hồ sơ đề cử NSND, NSƯT của các lĩnh vực múa, âm nhạc, sân khấu và điện ảnh do hội đồng cơ sở trình lên, trong đó có 53 hồ sơ NSND, 68 NSƯT.

Sân khấu có đông đảo nghệ sĩ được đề cử NSND với những gương mặt quen thuộc như NSƯT Lê Đại Chức (Cục Nghệ thuật biểu diễn), NSƯT Phạm Chí Trung (Nhà hát Tuổi trẻ), NSƯT Trần Lực (Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội), NSƯT Cao Đình Lưu (Nhà hát Tuồng Việt Nam), NSƯT Đỗ Doãn Bằng (Nhà hát Tuổi trẻ)… và 68 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSƯT.

Ở lĩnh vực múa có 4 nghệ sĩ được đề nghị xét tặng danh hiệu NSND, gồm NSƯT Trần Ly Ly (Nhà hát nhạc Vũ kịch Việt Nam); NSƯT Trần Thanh Nam (Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam), NSƯT Nguyễn Như Bình (Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam), NSƯT Nguyễn Thị Thanh Xuân (Cục Nghệ thuật Biểu diễn) và 17 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSƯT.

 Nghệ sĩ Lê Mai được xét tặng danh hiệu NSƯT đợt này.

Lĩnh vực âm nhạc, có 23 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND trong đó có nghệ sĩ NSƯT Hoàng Xuân Bình (Nhà hát Ca múa Nhạc Việt Nam), NSƯT Bùi Công Duy (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), NSƯT Đoàn Thanh Lam (Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam), NSƯT Lê Thị Hồng Năm (Nhà hát Ca múa Nhạc Việt Nam)... và 57 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSƯT. Trong lĩnh vực điện ảnh, có 1 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND là NSƯT Phạm Đỗ Kỷ (Cục Nghệ thuật biểu diễn) và 13 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSƯT.

Hồ sơ xét tặng danh hiệu lần thứ 10 đã tăng đáng kể so với những lần trước, nhờ sự điều chỉnh về tiêu chí và cách thức bỏ phiếu đợt này. Nghị định 40/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2014 quy định về xét tặng danh hiệu được nới lỏng hơn.

Nghị định 40 bổ sung một số trường hợp đặc biệt dành cho các nghệ sĩ có cống hiến nổi trội, tài năng kiệt xuất nhưng không có dịp thi thố nên thiếu giải thưởng, nhằm tháo gỡ những vướng mắc nhiều năm nay. Bởi thực tế có một thế hệ nghệ sĩ tài năng, cống hiến nhưng chưa đáp ứng được tiêu chí xét danh hiệu. Bên cạnh đó, tỷ lệ đồng thuận của hội đồng giảm từ 90% xuống còn 80%, tuy nhiên, quy định về thành viên hội đồng bỏ phiếu chặt chẽ hơn.

"Phải dựa vào cả quá trình cống hiến..."

Với những thay đổi, nới lỏng trong tiêu chí xét tặng đó, chắc hẳn năm nay, chúng ta sẽ không bỏ sót những nghệ sĩ có nhiều cống hiến, được công chúng biết đến. Nhưng bên cạnh đó, nhiều nghệ sĩ, giới chuyên môn lo ngại, danh hiệu sẽ bị bão hòa vì số lượng quá đông và cách xét duyệt có phần dễ.

NSƯT Thanh Huệ, Thanh Kim Điền được đề nghị xét tặng danh hiệu NSND. 

Trả lời báo chí, PGS, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội nhận định: “Chúng ta không đáng lo khi nới lỏng tiêu chí xét tặng danh hiệu sẽ làm danh hiệu bão hòa, vì danh hiệu là sự ghi nhận những đóng góp, cống hiến của người nghệ sĩ trên mặt trận văn hóa, nghệ thuật. Việc nới lỏng tiêu chí xét danh hiệu sẽ động viên kịp thời những nghệ sĩ làm nghề có nhiều cống hiến mà không có điều kiện tham gia các cuộc thi hoặc họ hoạt động ở những lĩnh vực ít có cuộc thi. Điều đó rất cần thiết. Quan trọng là khi xét danh hiệu, chúng ta làm có tình có lý hay chỉ căn cứ vào tiêu chí một cách cứng nhắc mà thôi. Làm thế nào để danh hiệu thực chất, tôn vinh được những người làm nghề thực sự, điều đó mới quan trọng”.

 Vấn đề là trên những tiêu chí đó, chúng ta sẽ xét tặng như thế nào để không bỏ lọt những người có đóng góp, cống hiến cho đời sống nghệ thuật nhưng cũng không quá dễ dãi để việc tôn vinh trở nên đại trà, làm mất uy tín, giá trị của danh hiệu.

NSƯT Trung Đức (Bên trái - cảnh trong  phim “Hướng dương ngược nắng”) có tên trong đợt xét tặng danh hiệu NSND. 

Theo NSND Nguyễn Hữu Phần, ngày nay việc xét tặng danh hiệu có phần dễ hơn so với trước. “Tôi nghĩ, danh hiệu không nên cứng nhắc chỉ dựa vào các huy chương, rồi quy đổi huy chương từ tập thể sang cá nhân. Tôi đồng ý với việc nới lỏng các tiêu chí để không bỏ sót những nghệ sĩ có nhiều đóng góp nhưng không có nghĩa là chúng ta cứ mặc nhiên áp tiêu chí đó một cách máy móc. Ví dụ như 2 huy chương vàng sẽ được phong tặng danh hiệu từ NSƯT lên NSND, là hơi dễ. Nếu cứ áp dụng một cách máy móc thì sắp tới danh hiệu NSND sẽ rất nhiều. Mà huy chương bây giờ, có thực giá trị hay không, vì chỉ một liên hoan, một hội diễn với nhau, nhiều khi khán giả còn không biết tác phẩm đó, vai diễn đó. Do đó, tôi nghĩ, chúng ta nên cân nhắc việc xét tặng danh hiệu, phải dựa vào cả quá trình cống hiến, đóng góp lâu dài của một nghệ sĩ chứ không nên chỉ căn cứ vào huy chương”.

NSND Lê Tiến Thọ nhiều năm ngồi trong hội đồng xét tặng danh hiệu cũng cho rằng: “Cần cẩn trọng khi trao tặng danh hiệu cho một nghệ sĩ. Các tiêu chí được nới lỏng dẫn đến nguy cơ bão hòa danh hiệu và mất giá trị của danh hiệu, vốn là sự ghi nhận những đóng góp, cống hiến của người nghệ sĩ cho đời sống văn hóa, nghệ thuật”.

Còn từ góc nhìn của một nghệ sĩ trẻ, ca sĩ Đinh Trang, một giọng ca thính phòng có nhiều đóng góp cho âm nhạc đỉnh cao cũng bày tỏ: “Tôi luôn tâm niệm, là một nghệ sĩ, hãy cống hiến hết mình, hát thật hay để phục vụ khán giả, không vì điều gì khác ngoài âm nhạc. Danh hiệu đến hay không là sự ghi nhận của khán giả, đồng nghiệp chứ không cố bằng mọi cách để có được danh hiệu. Bây giờ, để đạt danh hiệu, có lẽ cần nhiều kỹ năng khác ngoài tài năng. Đó là một thực tế đáng buồn, khiến những người làm nghề thực sự, có nhiều cống hiến sẽ chạnh lòng. Tôi cho rằng, danh hiệu là điều gì đó rất thiêng liêng, cao quý, chúng ta cần bảo vệ được những giá trị đó, cần tinh chứ không cần số lượng.

Danh hiệu là sự ghi nhận đóng góp của người nghệ sĩ qua thời gian,  bằng thực lực và tâm huyết của chính họ. Rất nhiều nghệ sĩ không có huy chương nhưng khán giả và đồng nghiệp vẫn ghi nhận sự cống hiến của họ, và họ được vinh danh trong nhiều năm qua như NSND Trần Hạnh, NSND Minh Vương, NSND Thanh Tuấn... Họ là những người xứng đáng vì  đã  dành cả cuộc đời cho nghệ thuật, cống hiến không mệt mỏi cho đến khi tuổi đã già. Tuy nhiên, có một vấn đề mà việc xét tặng danh hiệu lần này đặt ra, đó là những nghệ sĩ đã từng thành công trong quá khứ, hiện tại không còn làm nghề nhưng thì không nên đưa vào xét tặng danh hiệu.

Biên đạo múa Tuyết Minh- Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam - một người đam mê và có nhiều cống hiến cho nghệ thuật múa thẳng thắn chia sẻ: “Tôi ủng hộ những trường hợp các nghệ sĩ tên tuổi có nhiều tác phẩm đi cùng năm tháng được xét trường hợp đặc cách phong danh hiệu (kể cả khi nghệ sĩ ấy đã qua đời). Nhưng việc xét danh hiệu theo tiêu chuẩn đặc cách hay căn cứ theo huy chương cần phải có phạm vi cho những tác phẩm, tác giả, nghệ sĩ từ thời điểm Hội diễn toàn quốc lần đầu tiên được Bộ Văn hóa tổ chức đến nay đổi thành Cuộc thi, Liên hoan bởi trên thực tế tiêu chí được quy đổi từ nhiều thành tích, nhiều vai trò ngay cả khi nghệ sĩ đó không có, hoặc chỉ có 1, 2 huy chương nhưng lại không phải huy chương cá nhân cho tác phẩm nghệ thuật độc lập theo loại hình nghệ thuật mà người nghệ sĩ ấy đăng ký xét danh hiệu.

Ví dụ trong đợt xét danh hiệu lần này, ngay trong 4 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND của lĩnh vực múa thì cũng có 1 trường hợp (từ Hội đồng cấp cơ sở của Cục Nghệ thuật biểu diễn) những người làm nghề chúng tôi đều nhận thấy nếu xét về nghệ sĩ biểu diễn họ không có ấn tượng xuất sắc, còn xét về biên đạo múa thì họ cũng không có tác phẩm nào được giới trong nghề biết đến chứ chưa nói về sự lan tỏa. Nếu trường hợp này mà được xét danh hiệu NSND thì có lẽ, danh hiệu thực sự đã bão hòa, làm mất đi giá trị và quan trọng nhất là không còn niềm tin cho những thế hệ nghệ sĩ trẻ. Bởi sứ mệnh của người nghệ sĩ là sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật chân, thiện, mỹ chứ không phải phấn đấu có huy chương để được xét tặng danh hiệu. Trong các cuộc thi, liên hoan cũng có những giải Vàng, giải Bạc khiến giới chuyên môn tâm phục khẩu phục, những cũng có không ít giải thưởng khiến giới nghệ sĩ bàn tán. Đấy cũng là một trong các nguyên nhân làm cho giải thưởng, danh hiệu và tiêu chí xét danh hiệu không còn giá trị nghề như trước”.

Hơn cả danh hiệu, biên đạo múa Tuyết Minh cho rằng: “Có lẽ trong thời điểm đại dịch COVID-19 như hiện nay, tôi càng thấy nghệ sĩ cần có trách nhiệm hơn với cộng đồng, với những tác phẩm nghệ thuật của mình sao cho có ý nghĩa giúp cho đời sống tinh thần đồng bào ta vững vàng, chia sẻ với những người dân khó khăn, những chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch hoặc mang lại sự lạc quan, giá trị đạo đức nhân văn cho con người. Đó mới là danh hiệu cao quý nhất của người nghệ sĩ”.

Bảo Linh
.
.