10 năm đi vòng tròn của VPF
10 năm đã trôi qua kể từ ngày Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) được thành lập. Mang trong mình sứ mệnh nâng tầm giải vô địch quốc gia, biến V.League thành sân chơi lành mạnh và hướng đến mục tiêu làm ăn có lãi; nhưng đến thời điểm hiện tại, VPF dường như sắp quay trở về điểm xuất phát.
Ngày ra đời ồn ào
VPF chính thức thành lập vào ngày 5-12-2011 với mục đích trở thành pháp nhân quản lý, tổ chức và điều hành 3 giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia. Câu chuyện về sự ra đời của VPF bắt đầu từ 3 tháng trước đó, nơi ông bầu Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) khiến tất cả mọi người ngỡ ngàng ở hội nghị tổng kết thường niên của VFF.
"Bầu Long của Hòa Phát Hà Nội gần như đột quỵ sau trận thua trên sân Lạch Tray", "Chúng tôi nghỉ thì các anh đá bóng với ai", "Trước trận gặp Đồng Tâm Long An, có người nói Hòa Phát chi 500 triệu cho trọng tài thì đảm bảo thắng", "VFF bây giờ còn bao cấp hơn cả thời bao cấp"... Bầu Kiên liên tục công kích VFF bằng hàng loạt những câu nói có thể trích dẫn được.
Bản quyền truyền hình được bầu Kiên nhắc đến đầu tiên, nhưng đó chỉ là phần nổi của tảng băng. Những chuyện tiêu cực về công tác trọng tài, chuyện một ông chủ nhiều đội bóng, hay lãnh đạo các CLB chán chường không đến dự buổi họp đều được bầu Kiên nhắc tới. Ông dùng ngôn từ mạnh đến mức ở phía dưới khán phòng, những lãnh đạo cấp cao của VFF chỉ biết im lặng.
Những bài phỏng vấn, họp báo, chương trình truyền hình bầu Kiên tham gia sau đó đều hướng đến một nội dung duy nhất như ông từng đề cập đến: Lập ra 1 giải đấu mới. Ông mong mỏi đây sẽ là sân chơi lành mạnh cho những CLB tham gia, để không còn những tiếng còi méo, những câu chuyện dở khóc dở cười trên sân cỏ. Quan trọng hơn cả, bầu Kiên không muốn có thêm một doanh nghiệp lớn rút lui khỏi bóng đá như Tập đoàn Hòa Phát.
"Trường hợp Hòa Phát bỏ làm bóng đá là điều không bình thường chút nào", bầu Kiên đau đáu chia sẻ. "Tập đoàn Hòa Phát một năm lãi 2.000 tỷ đồng, chuyện họ bỏ 40-50 tỷ đồng đầu tư vào bóng đá chỉ là khoản chi nhỏ. Nhưng vì nó mà Chủ tịch Hòa Phát lao tâm khổ tứ. Quyết định bỏ V.League của họ cũng diễn ra sau rất nhiều cuộc họp. Không hiểu sao V.League lại nói đây là chuyện bình thường".
Cuối cùng, những hành động quyết liệt và gay gắt của bầu Kiên đã không đi đến kịch bản xấu nhất là 7 CLB ly khai giải đấu. Giải vô địch quốc gia 2012 do VPF tổ chức đã khởi đầu bằng tên Super League, sau đó trở lại với cái tên quen thuộc V.League. Ra đời ồn ào và mang sứ mệnh cao cả, hẳn những người điều hành VPF hồi ấy cũng không ngờ sóng gió sẽ xảy đến với họ trong 10 năm tới ra sao.
Những "cú đấm" đầu tiên
VPF được lập ra với nỗi sợ từ câu nói "Chúng tôi nghỉ thì các anh đá bóng với ai?" của bầu Kiên. Nhưng trên thực tế, quãng thời gian 10 năm hoạt động của VPF mới là 1 thập niên chứng kiến nhiều đội bóng bị khai tử nhất. Trái khoáy thay, bầu Kiên, người khởi xướng cho sự ra đời của VPF là nhân vật đầu tiên phải chia tay với bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.
Tháng 8-2012, bầu Kiên bị bắt để điều tra các tội danh liên quan đến hành vi kinh doanh trái phép. Đội bóng của ông, CLB Hà Nội (tức Hà Nội ACB ngày trước) giải thể sau mùa giải V.League 2012 vì không còn người đủ sức đưa họ vượt qua thời kỳ khó khăn nữa. Những ngôi sao hàng đầu của bóng đá Việt Nam ngày ấy như Công Vinh, Thành Lương lâm vào cảnh thất nghiệp.
Việc CLB Hà Nội rời cuộc chơi cũng kéo theo 2 CLB khác giải thể là Navibank Sài Gòn và Khatoco Khánh Hòa ngay trong năm đó. Nối gót họ ở các mùa giải tiếp theo là Xi măng Xuân Thành Sài Gòn, Kienlongbank Kiên Giang (mùa 2013), Xi măng The Vissai Ninh Bình, Hùng Vương An Giang (mùa 2014). Chỉ trong vòng 3 mùa giải, đã có 7 đội bóng chuyên nghiệp Việt Nam bị khai tử.
Việc hàng loạt ông bầu từ bỏ làm bóng đá đã khiến VPF lâm vào thế khó. Họ phải liên tục tìm phương án tổ chức giải đấu với những CLB còn tham gia. Những CLB bỏ ngang giải đấu khi V.League vẫn đang diễn ra như trường hợp của Xi măng Xuân Thành Sài Gòn và Xi măng The Vissai Ninh Bình còn mang tiền lệ xấu, biến V.League trở thành đề tài bị châm biếm trên các phương tiện truyền thông quốc tế.
Bên cạnh chuyện những ông bầu bỏ giải, V.League dưới thời VPF còn chịu ảnh hưởng nặng nề từ những bê bối bán độ. Những cầu thủ Ninh Bình, Đồng Nai không chỉ tự biến mình trở thành tội đồ với trái bóng tròn. Bầu Thụy nản chí với những cầu thủ Ninh Bình. Sân Hoa Lư ngày nào nổi tiếng với màn tắm bia mừng đội nhà lên chơi V.League, nay trở thành tàn tích với những mảng tường loang lổ cùng cỏ mọc um tùm.
Một vấn đề khác VPF không thể khắc phục trong 10 năm qua là tình trạng một ông chủ nhiều đội bóng. Ở cuộc họp "dậy sóng" năm nào, bầu Kiên từng nhắc trực tiếp tên bầu Hiển vì liên quan đến 2 CLB Hà Nội T&T và SHB Đà Nẵng. Một thập niên trôi qua, số đội bóng bầu Hiển có tầm ảnh hưởng được bầu Đức đề cập tới bằng câu ví von "5 đánh 1" ở sân chơi V.League.
Điểm sáng duy nhất của VPF trong thời gian khó khăn đó là bất chấp thành tích thi đấu không tốt của đội tuyển quốc gia, họ vẫn cố gắng làm việc với đúng tôn chỉ của những người sáng lập. Ông Võ Quốc Thắng (Bầu Thắng), nguyên Chủ tịch VPF đã đem về những bản hợp đồng tài trợ tốt cho V.League. Các CLB có thể chưa làm ăn có lãi, nhưng họ đã nhận được một phần nguồn thu từ bản quyền truyền hình.
Những ông bầu lại "nổi dậy"
10 năm kể từ ngày bầu Kiên chỉ trích những yếu kém ở VFF để làm tiền đề sáng lập VPF, 7 đội bóng từng muốn "nổi dậy" năm nào giờ chỉ còn 2 ở sân chơi V.League. Hà Nội ACB, Khánh Hòa, Ninh Bình, Xuân Thành Sài Gòn đã giải thể. Long An bế tắc ở giải hạng Nhất. Chỉ có Bình Dương và Hoàng Anh Gia Lai là 2 CLB hiếm hoi vẫn bền bỉ gắn bó, đợi ngày trở lại xưng hùng.
Những nhà sáng lập VPF năm nào, kể cả bầu Thắng, giờ gần như không còn gắn bó với bóng đá nữa hoặc dần lui vào hậu trường. Điều đó làm cho VPF ở thời điểm hiện tại phải hứng chịu với một khó khăn mới. Sự phản đối từ các đội bóng trong thời điểm V.League phải ngừng thi đấu vì dịch bệnh đã vô tình phơi bày sự mong manh của VPF, cũng như thế tiến thoái lưỡng nan của họ lúc này.
Ban đầu VPF muốn tạm hoãn V.League 2021 vô thời hạn và trở lại vào tháng 2-2022. Việc này xuất phát từ những điều kiện ràng buộc liên quan đến hợp đồng tài trợ, bởi VPF có thể phải bồi thường số tiền rất lớn nếu như giải đấu phải hủy ngang. Một điều khoản miễn trách có thể được VPF viện ra, nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với nguy cơ không có doanh nghiệp nào muốn đứng ra tài trợ V.League mùa tới.
Các CLB không đồng ý với quyết định tạm hoãn V.League 2021 của VPF, mà muốn hủy ngay lập tức. Cuộc họp quyết định số phận giải đấu trở thành nơi các ông bầu "nổi dậy" như bầu Kiên năm nào. Hàng loạt lãnh đạo các CLB chỉ trích cách làm việc của VPF, nói họ được lập ra để đảm bảo lợi ích cho CLB nhưng lại không hành động vì CLB. Có đội còn lên tiếng đòi VPF trả lại khoản lệ phí dự giải đã nộp hồi đầu mùa.
"Phí tham dự V.League" là khoản tiền kỳ quặc bầu Kiên từng đề cập đến từ 10 năm trước. Tại sao các đội bóng phải bỏ tiền để đấu trong khi V.League thu về hàng chục tỷ đồng từ bản quyền truyền hình mỗi năm? Bầu Kiên muốn hướng đến bãi bỏ khoản phí đó, nhưng việc ông rời bỏ VPF quá sớm dường như đã khiến bóng đá Việt Nam không đi theo con đường ông đã vạch ra.
Trong tình huống xấu nhất, V.League có thể lâm vào một cuộc khủng hoảng giống như 10 năm trước. Những ông bầu bỏ tiền làm bóng đá đã lên tiếng phản đối, và sau đó là cuộc tháo chạy của họ. Than Quảng Ninh đã nổ phát súng đầu tiên tương tự Hòa Phát năm xưa, và những CLB nào sẽ trở thành Hà Nội ACB, Ninh Bình hay Kiên Giang thứ 2?
Cầu thủ Quảng Ninh ra sao sau khi đội bóng dừng hoạt động?
Không lâu sau khi bầu Hùng tuyên bố trả lại đội bóng cho tỉnh Quảng Ninh, CLB này cho biết sẽ tạm dừng hoạt động trong vòng 1 năm. Toàn bộ những cầu thủ đội một sẽ được làm thủ tục thanh lý hợp đồng. Tuy nhiên phía đại diện CLB không đưa ra bất kỳ thông tin nào liên quan đến việc thanh toán khoản nợ lương thưởng cho cầu thủ. Tổng số tiền Than Quảng Ninh nợ lên tới 60-70 tỷ, dồn đọng lại từ năm 2019 đến nay. Có nhiều người đã rời CLB mà vẫn chưa được thanh toán tiền nợ.
Nhiều cầu thủ Than Quảng Ninh nói việc bị CLB nợ lương thưởng khiến họ phải sống trong hoàn cảnh khó khăn nhiều tháng qua. Từ chỗ đảm bảo nguồn thu nhờ chơi bóng, nay các cầu thủ phải tạm chuyển nghề, phụ giúp công việc kinh doanh cùng gia đình trong thời điểm V.League tạm hoãn vì COVID-19. Khi biết CLB sẽ tạm dừng hoạt động và thanh lý hợp đồng, họ muốn biết thời hạn thanh toán nợ và liệu họ có được trả đủ số tiền còn thiếu hay không.