1.001 chiêu lừa đảo, chiếm đoạt sim số đẹp

Thứ Sáu, 13/04/2012, 12:30

Tứ quý, tam hoa, tam hoa kép, thần tài, lộc phát, sinh tài lộc phát… là những con “sim đẹp” đang được rao bán nhan nhản trên thị trường sim số. Để trở thành chủ nhân của những sim số đẹp, nhiều người đã không tiếc tiền, bỏ ra hàng chục triệu đến hàng tỉ đồng chỉ để “tậu” lấy một “con sim”. Chính vì sim đẹp có giá trị lớn như vậy nên tình trạng “ăn cắp”, chiếm đoạt sim đang từng ngày gia tăng với nhiều thủ đoạn hết sức tinh vi…

Người tiêu dùng tố nhà mạng "ăn cắp"

Anh Nguyễn Hồng Đào (45 tuổi, ngụ phường Long Thạnh Mỹ, quận 9, TP HCM) cho biết: Khi phát hiện sim số 0906081091 (seri 8401060403568802) của mình còn nguyên kít, nguyên thẻ sim, có cả decal, đã bị mất cắp, ngày 15/9/2011 anh đến Trung tâm giao dịch Mobifone để tìm hiểu và được biết sim điện thoại trên đã được một đại lý ở Nam Định đăng ký, thay sim và kích hoạt sử dụng từ ngày 29/10/2009 và đến nay đã thay đổi qua nhiều chủ sử dụng. Tiếp đó, anh lại tiếp tục phát hiện 3 sim đẹp có đuôi Thần Tài gồm: 0904953939 (seri 8401100514378477), 0934653939 (seri 8401090616552811) và số 0936193939 (seri 8401070263772047) của mình cũng bị mất cắp trong tình trạng y hệt như trên, vẫn còn nguyên kít, nguyên cả thẻ sim.

Quá bức xúc, anh đã làm đơn khiếu nại đến Mobifone tại đường Bà Huyện Thanh Quan (quận 3) về việc 4 thẻ sim bị mất cắp. Sau 2 tháng nộp đơn, tháng 12/2011, anh nhận được điện thoại của đại diện Mobifone chi nhánh 2 TP HCM thông báo là đã phục hồi, trả lại vào sim gốc cho anh 3 sim. "Còn si số 0936193939, Mobifone trả lời là đã được đấu bán cho khách hàng Vũ Quang Minh vào lúc 14 giờ 30 phút 21 giây ngày 16/11/2011 tại cửa hàng 71 đường Nguyễn Chí Thanh - Hà Nội.

“Tôi thấy cũng hơi lạ là vì sim này đấu trả sau trong khi theo quy định thì sim từ trả trước muốn chuyển sang trả sau thì phải được sử dụng 6 tháng (?). Khi tôi khiếu kiện, đại diện Mobifone cho biết sim này không thể thu hồi được do khách hàng Vũ Quang Minh đang sử dụng không chịu trả", anh Đào cho chúng tôi biết như vậy. Không chịu bỏ cuộc, ngày 20/2, anh tiếp tục gửi đơn đến chi nhánh Mobifone 37 - 39 Võ Văn Ngân - Thủ Đức tiếp tục khiếu nại để đòi lại quyền lợi của mình…

Đang đau đầu vì những "con sim" đẹp liên tục bị mất cắp chỉ trong thời gian ngắn, anh Đào chưa hết bàng hoàng thì lại phát hiện sim số 0xx86.686868 (seri 8984048501080005325) của mình đang còn nguyên kít, nguyên thẻ sim tiếp tục bị mất cắp. Theo lời chủ nhân của những "con sim" trên thì: "Nếu sim số 0936193939 có giá thị trường khoảng 15 triệu đồng thì sim 0xx86.686868 bị mất lần này đẹp hơn, có giá thị trường lên đến 110 triệu đồng".

Lần tìm "dấu vết" của chiếc sim đã mất, anh Đào được biết sim của anh đã được một đại lý ở Quảng Ninh lấy, thay sim và kích hoạt sử dụng vào ngày 5/3/2012. "Ngày 9/3 tôi đã làm đơn khiếu nại gửi cửa hàng giao dịch của nhà mạng ở đường Lê Văn Việt (quận 9, TP HCM) để đề nghị xem xét và xử lý sự việc, lấy sim trả lại cho tôi nhằm đảm bảo quyền lợi của khách hàng. Đồng thời, có biện pháp ngăn chặn việc các đại lý của nhà mạng lấy cắp số đẹp của khách hàng. Ba ngày sau, tôi nhận được điện thoại nhà mạng từ Quảng Ninh gọi vào thừa nhận nhân viên lấy cắp bán cho khách hàng. Tuy nhiên, số này hiện không thể thu hồi được do quá đẹp nên người mua không chịu trả lại". Anh Đào quả quyết "những sim số đẹp vẫn còn nguyên kít nhưng bị mất như trên là do đại lý ăn cắp thay đổi thông tin để bán ra thị trường. Việc ăn cắp này chỉ khi nào bị khách hàng phát hiện thì lúc đó sim mới phục hồi, chuyển trả sim lại cho chủ cũ".

Đã có trường hợp khách hàng khiếu nại lên nhà mạng đối với sim chưa kích hoạt nhưng bị đổi sim số thuê bao 09xx991789. Chỉ đến khi bị khách hàng phát hiện, nhà mạng mới "phúc đáp" là số trên đã bị đại lý ở Thanh Hóa "đổi sim nhầm số thuê bao", đồng thời làm thủ tục chấm dứt hợp đồng với đại lý này và khôi phục lại số thuê bao 09xx991789 trên sim 8984041352003949463 cho khách hàng.

Tìm hiểu về vấn đề "ăn cắp" sim số đẹp, tôi được một người chuyên kinh doanh mặt hàng này giải thích: Sim bị ăn cắp là sim còn nguyên kít và sim đã sử dụng. Tuy nhiên, chỉ có nhân viên nhà mạng mới có thể xem được thông tin của khách hàng trên hệ thống như: Tên khách hàng, lịch sử cuộc gọi, thời gian nạp tiền, thời gian kích hoạt…và cũng chỉ cần vài thao tác thì nhân viên nhà mạng cũng có thể thay đổi thông tin. Vì vậy, nếu cố tình ăn cắp sim số đẹp nào đó của khách hàng là điều không khó.

Nhiều số đẹp được rao bán với giá hàng triệu đến hàng trăm triệu đồng.

Khai tử người sống để chiếm đoạt sim số đẹp

Thời gian vừa qua, trong giới mua bán sim số vẫn không ngớt lời bàn tán về trường hợp chiếm đoạt sim số đẹp của đối tượng lừa đảo bằng thủ đoạn "động trời" mà không ai có thể ngờ tới. Đó là trường hợp của Đinh Tuấn Anh (Quảng Ninh). Sim số 0986xxx888 do Đinh Tuấn Anh bán cho anh Trần Tiến Công vào khoảng giữa năm 2011 và đã sang tên chính chủ thuê bao cho anh Trần Tiến Công. Thế nhưng, mới đây khi lắp sim vào máy, anh Công phát hiện số không hoạt động nên gọi điện đến nhà mạng kiểm tra. Lúc này, anh Công mới tá hỏa khi biết ngày 22/2 đã có người tên Đinh Tuấn Anh nhận là họ hàng của anh Công mang giấy chứng tử ghi rõ tên anh Công (có xác nhận của địa phương) ra nhà mạng để làm thủ tục chuyển quyền sở hữu số thuê bao vì anh Công... đã chết.

Kiểm tra trên hệ thống nhà mạng, chủ thuê bao số điện thoại trên chính là của anh Trần Tiến Công. Quá trình xác minh sau đó cho thấy, dĩ nhiên những thông tin khai báo của Đinh Tuấn Anh là giả mạo. Đồng thời, anh Công cũng đã xuất trình được sổ hộ khẩu và chứng minh thư hợp lệ nên cuối cùng anh Công được nhà mạng khôi phục và trả lại số thuê bao.

Một trường hợp lừa đảo khác cũng khá tinh vi mà nạn nhân không bao giờ có thể ngờ tới, đó là khi đọc được tin rao bán sim số 091485xx89 được đăng trên trang web, ông N.T.S. (TP HCM) đã liên lạc với người bán và thống nhất giá 35 triệu đồng. Sau khi thỏa thuận xong, hai bên ra quầy dịch vụ của Vinaphone để làm thủ tục thay đổi thông tin thuê bao.

Trên phiếu yêu cầu thay đổi dịch vụ trả trước, người bán ghi tên N.M.N, số chứng minh nhân dân và địa chỉ cư trú. Sim sau khi mua đã được ông S. bán lại cho một người khác. Tuy nhiên, chỉ mấy ngày sau, người mua sim của ông S. thông báo là sim trên đã bị khóa và yêu cầu ông S phải hoàn trả lại tiền. Lúc này, ông S vội liên lạc với N.M.N. nhưng thật bất ngờ, số điện thoại không thể liên lạc được.

Kiểm tra các thông tin N. khai trong phiếu yêu cầu thay đổi dịch vụ thì ông S. mới biết tất cả các thông tin trên đều là giả mạo. Ông S. vội đến điểm giao dịch Vinaphone khiếu nại thì được biết, trước ông S. cũng đã có người gọi lên tổng đài báo mất sim đã nêu. Đồng thời có một người tên M. ở Hà Nội đã ra trung tâm Vinaphone đòi sim. Sau khi kiểm tra số sêri sim mà ông S. đang giữ, nhân viên nhà mạng cho rằng ông S. đã bị lừa và sẽ trả số cho người giữ sim gốc.

Qua xác minh cũng được biết, N.M.N. không phải tên thật của đối tượng mà đó là tên giả mạo. Không chỉ lừa một mình ông S, đối tượng này đã sử dụng chứng minh nhân dân giả để đăng ký thông tin nhiều sim số đẹp và cái tên N.M.N đang nằm trong nhiều hồ sơ tranh chấp số tại nhà mạng…

Những sim số đẹp còn nguyên KIT đã bị mất cắp, trong số đó có 3 sim đã được nhà mạng phục hồi trả cho chủ cũ.

Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi, tình trạng mua bán sim số đẹp trên thị trường vô cùng phức tạp. Nếu người kinh doanh cố tình chiếm đoạt sim đẹp của khách hàng thì cũng sẽ có vô số thủ đoạn mà nếu khách hàng không thận trọng sẽ dễ dàng bị "sụp hố". Anh N.V.A. (ngụ quận 7) cho chúng tôi biết, do hoạt động trong lĩnh vực bất động sản nên anh tìm mua sim 7777 với ý nghĩa "an bề gia thất" để làm ăn được may mắn, suôn sẻ. Sau khi đăng tin cần mua, có người liên lạc "cần bán" và sau khi thỏa thuận giá cả, anh đã chuyển tiền qua tài khoản cho người bán. Tuy nhiên, chờ mãi nhưng vẫn không nhận được sim. Lúc này, anh mới liên lạc với người bán thì phát hiện "số thuê bao đang ngoài vùng phủ sóng".

Gọi vào sim của mình vừa đặt mua thì càng bất ngờ hơn vì có người nhấc máy và khẳng định mình chính là chủ thực thụ của số thuê bao trên. Thực tế đã có không ít trường hợp khách hàng mua sim qua mạng đã trở thành nạn nhân giống như trường hợp của anh A. Ngoài ra, một chiêu lừa khác hiện cũng đang phổ biến, đó là là tình trạng đăng ký thông tin cá nhân trước khi bán số đẹp cho người khác. Với chiêu này, khi đăng ký mới cho sim trước khi bán cho khách hàng, người bán đã chủ ý khai báo bằng thông tin cá nhân khác. Nếu khách hàng không kiểm tra lại thông tin về chủ thuê bao, thì sau một thời gian sử dụng, người bán trước đây có thể mang chứng minh nhân dân lên trung tâm dịch vụ khách hàng báo hủy sim cũ và xin cấp lại sim mới…

Thực tế, tình trạng lừa đảo khi mua bán sim số đẹp trên thị trường đã và đang xảy ra khá phổ biến. Thế nhưng hầu hết các nạn nhân thường không báo với Cơ quan Công an vì nghĩ rằng khoản tiền bị lừa không lớn nên tình trạng này không những không được ngăn chặn mà còn có chiều hướng ngày càng tăng.

Trước tình trạng "loạn" thị trường sim số đẹp, để tránh gặp phải đối tượng lừa đảo, anh Nguyễn Tất Cường, một người kinh doanh sim số lâu năm khuyên người tiêu dùng nên cảnh giác với những sim số đẹp nhưng có giá cực rẻ đang được chào bán trên thị trường. Nhất là những sim đầu số cũ (090, 091, 098…). Khi mua sim, chỉ khi nào khách hàng nhận được sim thì lúc đó mới giao tiền, không nên chuyển tiền trước nếu không biết rõ thông tin về người bán. Tóm lại là mua sim ở những nơi có uy tín. Để tránh bị người khác chiếm đoạt sim, khi mua phải đăng ký đầy đủ thông tin cá nhân với chiếc sim của mình và nên đăng ký trả sau. Nếu không may xảy ra sự cố tranh chấp sim, thì những thông tin trên sẽ là bằng chứng để khiếu nại

Ngân Hà
.
.