13 năm một “Hành trình Thiện Nhân”

Chủ Nhật, 30/06/2019, 13:20
13 năm trước, qua báo chí, chị biết tin về cậu bé bị mẹ vứt bỏ bên hàng rào, bị thú ăn mất chân và bộ phận sinh dục. Trong suốt 13 năm qua, nỗ lực của chị để có lại “con chim xinh xinh” cho cậu con nuôi và giúp những cậu bé khác cũng bị khuyết tật, hỏng hóc bộ phận sinh dục được báo chí quan tâm đặc biệt.

Có lẽ, đây chính là lý do mà chị đã nuôi dưỡng cảm hứng bất tận cho truyền thông: “13 năm trước, tôi bắt đầu một hành trình dài khi nhận nuôi bé Thiện Nhân. Trong suốt hành trình ấy, tôi chưa bao giờ đóng vai một người làm báo. Tôi chỉ là một bà mẹ yêu con, đau nỗi đau của con. Và vì thế, thông cảm với những bậc cha mẹ có con khuyến tật cơ quan sinh dục”.

1. Chị vốn là nữ sinh Tổng hợp văn (Đại học Tổng hợp cũ, nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội). Yêu văn chương, Mai Anh chọn nghề báo để được đi nhiều. Làm việc ở tạp chí Heritage, chị càng có điều kiện hướng ngoại. Hiện đại, trẻ trung, quảng giao nhưng nữ nhà báo có hai cậu con trai đáng yêu và người chồng cùng nghề đã vượt hàng nghìn km để về huyện Núi Thành, Quảng Nam, thăm cậu bé vừa được cứu sống sau 3 ngày bị vứt bỏ với đầy thương tật.

Trở về Hà Nội, trái tim người mẹ trong chị đã không nguôi nghĩ về đứa bé, về điều kiện sống quá khó khăn cũng như thương tật mà nó đang gánh chịu. Chị tiếp tục quay lại Núi Thành, quyết định nhận đứa bé làm con nuôi dù rằng đã lường trước phần nào khó khăn. Khi chị mới nhận nuôi Thiện Nhân, chúng tôi đã đến căn nhà chị thuê trên phố Hàng Bạc và gặp mẹ chị. Chúng tôi cảm nhận được tình yêu bà dành cho chị rất lớn. Bà tâm sự rằng “nếu nhận nuôi thằng bé, Mai Anh sẽ rất vất vả”.

 Lúc này, Thiện Nhân mới gia nhập vào “đội’ của mẹ Còi (tên gọi thân mật của chị Mai Anh). Thằng bé có đôi mắt trong veo, bò cầu thang thoăn thoắt với cái chân còn lại vừa ngộ nghĩnh, vừa đáng yêu. Tôi vẫn nhớ như in chị còn kể rằng, khi mới đón về, Thiện Nhân chỉ ăn được thứ hoa quả duy nhất là chuối. Thằng bé nhận được sự quan tâm đặc biệt của cả gia đình, từ bà nội, ông bà ngoại, bố mẹ nuôi đến hai anh Minh (Thiên Minh và Hải  Minh).

Chị Mai Anh và những tình nguyện viên Chương trình “Thiện Nhân và Những người bạn”.

Cậu bé Thiện Nhân là trung tâm của cả nhà và hai anh Minh, đặc biệt là anh Minh “bé”, dẫu chẳng lớn hơn cậu em út là mấy nhưng rất nhường nhịn em. Lúc đó, tôi thầm nghĩ, Thiện Nhân thật may mắn. Và thời gian đã chứng minh, cậu bé này thật may mắn khi có những người anh này.

Đúng như chị tâm sự, trong hành trình dài nhận nuôi bé Thiện Nhân, chị chưa bao giờ đóng vai nhà báo. Mọi người biết đến chị chủ yếu với vai trò là mẹ nuôi của Thiện Nhân - một người mẹ đặc biệt. Bởi, người mẹ ấy đã “tha lôi” cậu bé đi đến những bệnh viện, những cơ sở y tế tốt nhất trong nước và trên thế giới; đã gặp gỡ, “nhờ vả” những bác sỹ hàng đầu; đã bỏ ra rất nhiều công sức, tâm lực, trí lực, tiền bạc... Tất cả chỉ vì “con chim xinh xinh” của Thiện Nhân.

Điều đặc biệt hơn nữa là, người mẹ này đã tạo cơ hội cho hơn 400 bé khuyết tật bộ phận sinh dục có được “con chim xinh xinh” như mong muốn mà chị dành cho Thiện Nhân. Chị là một trong những người khởi tạo ra chương trình “Thiện Nhân và những người bạn”. Chương trình này tổ chức phẫu thuật tái tạo bộ phận sinh dục cho trẻ em Việt Nam không may bị khiếm khuyết bộ phận sinh dục do bẩm sinh hoặc do tai nạn và hỗ trợ các gia đình chi phí đi lại, ăn ở.

Từ những kinh nghiệm chữa trị cho Thiện Nhân, chị Mai Anh, ông Greig Craft (nhà hảo tâm người Mỹ) đã cùng bác sỹ Roberto De Castro thành lập chương trình, phối hợp với các bệnh viện để tổ chức hai kỳ khám và phẫu thuật hằng năm từ năm 2011. Chương trình đã nhận được sự hợp tác, tham gia và hỗ trợ từ các bệnh viện lớn như Bệnh viện Đại học Y, Nhi Trung ương, Vinmec, Việt - Đức, Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, Nhi đồng 2 TP Hồ Chí Minh...

Chỉ tính từ tháng 8-2011 tới nay, đã có 13 đợt bác sĩ Roberto và các bác sĩ từ Ý, Mỹ sang Việt Nam phẫu thuật 410 ca, khám, tư vấn miễn phí cho hơn 1.500 trẻ em không may khiếm khuyết bộ phận sinh dục. Bên cạnh các hoạt động về khám chữa bệnh, chương trình “Thiện Nhân và Những người bạn” đã phối hợp với các bệnh viện tổ chức 3 hội thảo trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực tiết niệu và tái tạo bộ phận sinh dục với hàng trăm bác sĩ chuyên ngành vào tháng 11-2011 tại Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội), tháng 6-2014 tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng (Đà Nẵng), tháng 11-2015 tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP Hồ Chí Minh) và tháng 6-2017 tại Bệnh viện Việt - Đức (Hà Nội); chương trình cũng gây quỹ để trang bị dụng cụ phòng mổ cho các bệnh viện.

Đặc biệt, từ ngày 4 đến ngày 22-11-2019, kỳ phẫu thuật thứ 14 sẽ diễn ra tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh. Dự kiến trong kỳ phẫu thuật này, chương trình sẽ khám và tư vấn miễn phí cho 200 bệnh nhân, phẫu thuật cho 60 bệnh nhi theo danh sách đã thống nhất với bệnh viện.

Nhà báo Trần Mai Anh.

Điều gì khiến chị Mai Anh tạo nên cảm hứng và sức lan tỏa khiến hoạt động nhân đạo này thành công? Trò chuyện với tôi, chị bảo rằng, chính là nhờ ngòi bút. Ngòi bút giúp chị chuyển tải thông tin, mỗi dòng chị viết ra trên Facebook đều có chủ đích. Trên Facebook của chị chỉ có 2 chủ đề: Con và... chim. Chị không theo trào lưu tham gia mạng xã hội để đăng ảnh selfie, khoe váy áo, khoe những chuyến du lịch... Facebook cá nhân của chị được sử dụng theo đúng mục đích nhất định.

Ngoài ra, đồng hành với chị còn có  nhiều nhà báo, cơ quan báo chí trong việc làm lan tỏa câu chuyện, khơi dậy và chia sẻ yêu thương. Có những nhà báo ban đầu đến với chị như đến với một nhân vật nhưng sau đó là cả thời gian dài họ sát cánh với chị trong chương trình “Thiện Nhân và Những người bạn” như một tình nguyện viên.

2. Vào Facebook Mai Anh Tran của chị Mai Anh, nơi có số lượng người theo dõi rất lớn mới thấy, chị rất có trách nhiệm với độc giả của mình. Chỉ có 2 chủ đề: con và... chim nhưng cách chị đưa thông tin, chuyển tải thông điệp rất tinh tế, dễ đi vào lòng người. Bởi mọi thứ chị viết đều rất gần gũi, từ sự quan sát và trái tim ấm áp.

Theo chị, “tút” (status) có nhiều like (thích) nhất không phải chị viết về Thiện Nhân, về... chim hay hai anh Minh mà về một người cha có con bị khuyết tật bộ phận sinh dục kèm theo bức ảnh của anh được một người bạn chụp trộm bên hành lang Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP Hồ Chí Minh). Người cha này có tên Du. 9 năm trước, con trai anh sinh ra với nửa người dưới từ xương chậu, bàng quang, hậu môn... đều không có và dị dạng.

Bệnh viện nơi cậu bé sinh ra không cấp cứu, coi như đã chết và trả về nhà. Anh đã không giây phút nào vứt bỏ đứa con của mình, ôm thằng bé dị dạng chỉ còn thoi thóp cầu xin các bác sĩ cứu mạng. Trong 9 năm qua, nhiều lần các bác sĩ khác trả về, khuyên bố mẹ em đừng phí công phí của nhưng vợ chồng anh vẫn không nguôi hy vọng. Cậu bé có cái tên ngộ nghĩnh - Sơn “bô xanh” coi chị như mẹ và có những lần khi buồn, người chị gọi để nói chuyện là nó.

Trong “tút” này, chị còn chia sẻ rằng, cậu bé Sơn khoe bố nó thường đi lấy cơm từ thiện, hôm nào đi sớm thì cơm có thịt... Gia cảnh nghèo khó, bệnh con khó chữa nhưng ánh mắt người cha ấy luôn chan chứa tình yêu và tự hào dõi theo cậu con trai, nhẫn nại chăm bẵm đứa con dị tật...

Cũng trên trang cá nhân của mình, chị viết “tút”: Định nghĩa về người Bố rằng: Đã hơn 10 năm rồi, kể khi bắt đầu biết gọi tiếng Bố đầu tiên, Thiện Nhân đã dành tặng từ thiêng liêng này cho anh Thiên Minh. Rồi sau đó nhiều ngày tháng Nhân vẫn cứ gọi anh Minh lớn là Bố em bởi với Nhân, Bố là để gọi một ai đấy thật đàn ông, bao dung, chở che, chăm sóc và thấu hiểu mình. Chả có ai đúng hơn anh Thiên Minh có thể được nhận lời gọi đầu tiên thiêng liêng đấy.

Chị Mai Anh và ba người con.

Anh Thiên Minh là người duy nhất Thiện Nhân tin tưởng để tâm sự những nỗi đau tế nhị và thầm kín nhất. Đó là khi nửa đêm Nhân trùm chăn bặm chặt môi khóc thầm vì đoạn xương cụt nhức lên đau quá... Đó là ngày Nhân cố tình cấu cạy chân cụt của mình chảy máu để mẹ đang chăm Minh “bé” sốt cũng phải chú ý đến mình. Đó là giây phút Nhân nói được ra bằng lời là Nhân buồn lắm vì đã biết từ lâu lắm rồi mẹ Mai không phải là người đẻ ra Nhân mà chỉ là đón Nhân về thôi...

Chả có một ý nghĩa nào của từ Bố trong bất cứ văn bản khai sinh hay từ điển nào đúng với Thiện Nhân cả bởi anh Thiên Minh đã làm điều đó tốt hơn bất kỳ người đàn ông nào trên thế gian này”.

Những câu từ giản dị của chị đã lay động trái tim người đọc. Nó khiến người ta hiểu về Nhân, về “Hành trình Thiện Nhân” hơn. Nó lay động lòng người, khơi dậy bản tính thiện trong mỗi chúng ta cũng như làm lan tỏa tình yêu thương.

Trong một lần chia sẻ với các nữ đồng nghiệp tại một diễn đàn, chị bảo rằng: “Nếu không có báo chí, không có những đồng nghiệp thân yêu thì hành trình của tôi có lẽ đã dừng lại từ rất lâu. Rất nhiều tờ báo, rất nhiều nhà báo đã đến cạnh tôi trong những ngày tháng mẹ con tôi cùng tìm cách phẫu thuật cho hàng nghìn đứa trẻ đang bị khuyết tật cơ quan sinh dục trên khắp cả nước.

Mỗi năm, Quỹ Thiện Nhân và Những người bạn thực hiện thăm khám và phẫu thuật cho hàng trăm trẻ khiếm khuyết cơ quan sinh dục. Mặc dù các thành viên đều xác định tinh thần tình nguyện, từ bác sỹ Roberto cho đến các tình nguyện viên nhưng chi phí của mỗi mùa phẫu thuật có thể lên tới hàng trăm triệu đồng. Nếu không có báo chí, sẽ không thể có sự chung tay của nhiều “Mạnh Thường Quân” đến thế.

Nhiều nhà báo nữ, vốn không có thế mạnh trong các loại hình phóng sự điều tra và chống tiêu cực so với các đồng nghiệp phái mạnh nhưng đôi lúc rung cảm mạnh hơn bằng bản năng, vẫn có thể thực hiện trách nhiệm xã hội thông qua những thông tin rất giản dị. Ví dụ như ai đang cần giúp, tại sao phải giúp và giúp như thế nào. Quỹ Thiện Nhân và Những người bạn đã may mắn có được sự giúp đỡ của báo chí”.

3. Chị Mai Anh nhận nuôi Thiện Nhân và chia sẻ, giúp đỡ những trẻ em khuyết tật bộ phận sinh dục bằng trái tim của một người mẹ. Và bởi, người mẹ đó là một nhà báo nên chị có cách của riêng mình để lan tỏa, nuôi dưỡng “Hành trình Thiện Nhân”. Và, cũng chính trong ngày này, cứ 5 giờ sáng hằng ngày, chàng trai trẻ Bùi Huy Hoàng bắt đầu hành trình xuyên Việt chinh phục 70 km để gây quỹ cho chương trình “Thiện Nhân và Những người bạn”.

Giữa chị, Hoàng và Thiện Nhân vốn không có sự quen biết nhưng chính cái đẹp trong mỗi người, cùng sự kết nối của truyền thông đã khiến họ trở thành những mắt xích trong “Hành trình Thiện Nhân”.

Cao Hồng
.
.