27 tỷ đồng cho Quang Hải: Rẻ hay đắt?

Thứ Năm, 06/01/2022, 13:41

Thông tin CLB Hà Nội chào mời tiền vệ Nguyễn Quang Hải bằng một bản hợp đồng triệu đô có thời hạn 3 năm đang dần được hé lộ. Nhưng ngay cả khi Hải "con" phá kỷ lục tiền lương và lót tay ở V.League, điều đó cũng không có nghĩa đội bóng Thủ đô trả quá nhiều tiền cho anh. Sau 2 thập niên chuyển mình lên sân chơi chuyên nghiệp, giá trị những ngôi sao V.League dường như ngày càng… rẻ.

Quá khứ vàng son

Con số 27 tỷ đồng CLB Hà Nội dành cho Quang Hải bao gồm tiền lương 400 triệu đồng/tháng và mức lót tay 5 tỷ đồng/năm. Nói cách khác, nếu tính riêng tiền lót tay và phí chuyển nhượng, Quang Hải có giá 15 tỷ Nếu Quang Hải đặt bút ký vào bản hợp đồng mới cùng CLB Hà Nội, anh sẽ phá kỷ lục chuyển nhượng đã tồn tại hơn 1 thập niên của người đàn anh Lê Công Vinh.

27 tỷ đồng cho Quang Hải: Rẻ hay đắt? -0
Quang Hải hoàn toàn xứng với giá 1 triệu USD

Tháng 10-2011, Công Vinh "lật kèo" với Hà Nội T&T (CLB Hà Nội ngày nay) để đầu quân cho Hà Nội ACB của bầu Kiên với mức lót tay 14 tỷ đồng. Nhưng sau 10 năm, tiền lót tay Quang Hải nhận theo bản hợp đồng 3 năm chỉ hơn Công Vinh 1 tỷ. Ở thời kỳ hoàng kim của V.League giai đoạn 2008-2012, những bản hợp đồng như của Công Vinh không phải trường hợp cá biệt.

Công Vinh thực chất chỉ muốn nhận lót tay nhỉnh hơn những đồng nghiệp khác một chút, bởi anh khi đó được mặc định coi là tiền đạo số một Việt Nam. Những cầu thủ khác như Việt Thắng, Như Thành... không khó kiếm những bản hợp đồng có giá chuyển nhượng 9-10 tỷ đồng. Ở hậu trường V.League, bầu Kiên với tham vọng biến giải đấu thành mô hình Super Liga từng úp mở nói Công Vinh có giá 14 tỷ vẫn quá rẻ.

Đâu là căn cứ xác định giá trị một cầu thủ ở V.League? Tại sao Quang Hải lại chỉ được nhận lót tay nhỉnh hơn Công Vinh một chút dù đã 10 năm trôi qua? Xét về tầm ảnh hưởng, sức hút của Quang Hải giờ đây có vẻ hơn hẳn Công Vinh trong quá khứ. Hải có đội ngũ đại diện truyền thông và xây dựng hình ảnh tương đối chuyên nghiệp, đó là điều Công Vinh trước đây không có, và điều ấy khiến anh không ít lần mang tiếng oan.

Điểm khác biệt cơ bản khiến giá trị Quang Hải không hơn Công Vinh là bao sau 1 thập niên chính là dòng tiền các ông bầu đổ vào bóng đá. 10 năm trước, V.League là cuộc chơi của những đại gia đúng nghĩa. Không ít người trong số họ đã và đang là tỷ phú USD cùng khối tài sản đồ sộ lên tới nhiều nghìn tỷ ở bề nổi. Trên thực tế, không ai biết họ có bao nhiêu tiền.

27 tỷ đồng cho Quang Hải: Rẻ hay đắt? -0
Công Vinh giữ kỷ lục chuyển nhượng của bóng đá Việt Nam suốt 10 năm

Bầu Long (Hòa Phát Hà Nội), bầu Thụy (Sài Gòn Xuân Thành), bầu Trường (Xi măng The Vissai Ninh Bình) là những ông bầu một thời nổi tiếng chịu chơi. Họ có thể xuất phát sau hoặc không có thành tích tốt như bầu Đức, bầu Hiển, bầu Kiên, nhưng khả năng rót tiền vào bóng đá ở một đẳng cấp khác biệt so với phần còn lại. Họ sẵn sàng chi 3-4 tỷ đồng thưởng một trận thắng, và phá hợp đồng với giá 8-9 tỷ để chiêu mộ cầu thủ giỏi.

Vì sao ông bầu rút?

Từng có thời điểm V.League là nơi các ông bầu đốt tiền một cách khủng khiếp mà chẳng mảy may nghĩ đến ngôi vô địch. Họ làm như vậy vì thích, vì yêu bóng đá một cách cuồng si và ngây ngô. Họ không thừa tiền, nhưng có thừa đam mê với môn thể thao vua. Nhưng chính tình yêu kiểu con trẻ đó khiến họ rút lui khỏi bóng đá rất nhanh chóng ngay khi tỉnh mộng. Tình hình kinh doanh khó khăn chỉ là cái cớ họ đưa ra khi nỗi ấm ức không thể giãi bày.

27 tỷ đồng cho Quang Hải: Rẻ hay đắt? -0
Bầu Long (Hòa Phát Hà Nội) bỏ bóng đá sau khi đội bóng của ông bị xử ép

Hòa Phát Hà Nội tuyên bố giải thể hồi cuối năm 2011, không lâu sau khi họ khởi công khu phức hợp tập luyện trị giá 200 tỷ đồng tại Mỹ Đình. Bầu Long đến giờ vẫn nói "làm bóng đá hồi đó rất vui", nhưng sự thực ông chỉ rút khỏi V.League sau khi chứng kiến đội nhà bị trọng tài bắt ép quá rõ. Ấm ức vì mình làm chủ doanh nghiệp nghìn tỷ nhưng phải khúm núm trước trọng tài, bầu Long tuyên bố rời bỏ cuộc chơi.

"Anh Long thiếu nước đột quỵ sau khi chứng kiến đội nhà bị xử ép trên sân Lạch Tray. Ở một trận đấu khác, có người nói Hòa Phát Hà Nội chi 500 triệu cho trọng tài thì họ đảm bảo giành chiến thắng". Đó là lời tuyên bố đầy gai góc của bầu Kiên trong ngày ông nổi dậy ở đại hội thường niên VFF. Những người cùng ông đứng lên ngày hôm đó, giờ chỉ còn bầu Đức tiếp tục làm bóng đá.

10 năm kể từ ngày chia tay bóng đá, Tập đoàn Hòa Phát của bầu Long thăng tiến một cách thần tốc. Ngoài bầu Long, những doanh nhân một thời từng gắn bó với bóng đá như bầu Thụy, bầu Trường vẫn tiếp tục kinh doanh thành công. Họ không thiếu tiền để làm bóng đá lâu dài, nhưng tình yêu dành cho cuộc chơi cùng môn thể thao vua không còn nữa. Có lúc, V.League trở thành đất của những ông chủ chắc lép. Tại CLB Thanh Hóa qua nhiều giai đoạn, ông Nguyễn Văn Đệ khiến không ít cầu thủ và huấn luyện viên phải ra đi không kèn không trống. Cầu thủ Lê Quốc Vượng và HLV Lê Thụy Hải là những người từng chấp nhận bỏ tiền đền bù hợp đồng cho Thanh Hóa để tự do tìm bến đỗ mới. Quang Thanh ra Bắc lại vào Nam sau khi phát hiện hợp đồng đưa cho mình có lương thưởng thấp hơn con số đã hứa.

10 năm trước, Quang Hải có giá bao nhiêu?

Bầu Đệ chặt chẽ tiền bạc tới mức… keo kiệt, nhưng ông lại là người lý giải đúng nhất cho sự chững lại của giá trị cầu thủ Việt Nam như hiện nay: "Bóng đá không cần cầu thủ hay HLV, mà cần những ông bầu rót tiền vào". Quả như vậy, chính những ông bầu mới là người quyết định một cầu thủ đáng giá bao nhiêu tiền. Cuộc chơi luôn được họ đạo diễn phía sau.

27 tỷ đồng cho Quang Hải: Rẻ hay đắt? -0
Chanathip có giá gấp 3-4 lần Quang Hải do thi đấu ở giải trình độ cao

Mức lương 400 triệu đồng/tháng Quang Hải được đề nghị trong bản hợp đồng mới cùng CLB Hà Nội cao hơn khá nhiều so với đãi ngộ của các ngoại binh V.League. Nếu xét về mặt tiền lương, những gì Quang Hải nhận cao hơn Công Vinh trước đây khoảng 3-5 lần. Nhưng nếu Quang Hải thành danh ở thời kỳ V.League hoàng kim, liệu anh có thể được định giá lên đến 1 triệu USD hay không? Câu trả lời là hoàn toàn có thể. Xi măng The Vissai Ninh Bình của bầu Trường từng chi 9 tỷ đồng cho Nam Định hồi 2009-2010 để phá vỡ hợp đồng của tiền vệ Hoàng Danh Ngọc. Cá nhân Danh Ngọc bỏ túi 7,5 tỷ đồng từ thương vụ đó, và anh thú nhận "tiền trong tài khoản cứ rút ra tiêu mãi không hết".

Nếu các ông bầu không còn chịu chi, cầu thủ phải vươn ra thế giới để chứng tỏ giá trị. Vấn đề của Quang Hải, giống như “Messi Thái Lan” Chanathip Songkrasin đã nói thời gian gần đây, là anh cần chứng tỏ bản thân ở những môi trường cấp độ cao hơn. Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản là những quốc gia có thể đón nhận Quang Hải thử lửa trước khi anh quyết định đến những bến đỗ mới.

Nếu chứng tỏ bản thân tốt, con số 1 triệu USD dành cho Quang Hải sẽ không còn là số tiền quá lớn nữa. Ở chiều ngược lại, tiền vệ đang khoác áo CLB Hà Nội cũng đang phải chịu áp lực không nhỏ vì phải thi đấu với lương 400 triệu đồng/ tháng. Áp lực không tương xứng với những gì nhận về nếu gặt hái thành công sẽ là vật cản ngăn Quang Hải nhìn về tương lai, khi những Chanathip, Dangda... đã bỏ anh lại quá xa.

CHANATHIP CÓ GIÁ BẰNG 3 QUANG HẢI

Tại kỳ chuyển nhượng hè 2017, Chanathip Songkrasin rời Muanthong United để đầu quân cho Consadole Sapporo theo bản hợp đồng cho mượn có thời hạn 2 năm. Số tiền đội bóng Nhật Bản trả cho Muanthong để mượn Chanathip vào khoảng 550.000 USD quy đổi tương đương 12 tỷ đồng. Chứng kiến “Messi Thái Lan” thi đấu quá xuất sắc tại J.League, Sapporo không mất nhiều thời gian để quyết định mua đứt anh. Họ mất 1 tháng để thuyết phục Muangthong chính thức nhả người.

Cho đến giờ, thương vụ chuyển nhượng Chanathip vẫn là một trong những pha mua bán đắt giá nhất lịch sử J.League. Sapporo bỏ ra 2,7 triệu USD, tương đương 57 tỷ đồng để thuyết phục Muangthong nhả Messi Thái Lan. Tính ra, đội bóng Nhật Bản đã mất 3,2 triệu euro để biến Chanathip trở thành tài sản của CLB. Con số này lớn gấp 3-4 lần số tiền lót tay CLB Hà Nội chi ra cho Quang Hải.

Đâu là lý do khiến Chanathip có giá trị chuyển nhượng cao như vậy? Thống kê từ trang định giá Transfermkt cho thấy giá trị của một cầu thủ tăng lên hay giảm đi tùy thuộc vào cấp độ của nền bóng đá anh ta đang chơi. Quang Hải chỉ thi đấu trong Việt Nam, thế nên giá trị thực của anh thường bị định giá thấp hơn nhiều thực tế.

Ngược lại, Chanathip chơi bóng thường xuyên ở môi trường trình độ cao hơn nên anh cũng có giá cao hơn. Đây cũng là lý do giải thích vì sao giá trị của thủ môn Đặng Văn Lâm luôn giữ ở mức ổn định một thời gian dài dù anh không thi đấu nhiều do chấn thương.

Đơn Ca
.
.