Ai Cập sắp khai trương một phần bảo tàng lớn nhất thế giới
Sau 15 năm kể từ khi đặt viên đá đầu tiên, với chi phí xây dựng tăng gấp đôi so với ngân sách ban đầu, Đại bảo tàng Ai Cập (GEM) sẽ khai trương một phần vào năm 2018.
Tiến sĩ Tarek Tawfik, Giám đốc GEM, cho biết: “GEM được lên kế hoạch xây dựng để trưng bày các hiện vật của Ai Cập cổ đại - những di sản quan trọng trong di sản của nhân loại và du khách chắc chắn sẽ thỏa mãn khi chiêm ngưỡng chúng. Tuy nhiên, chưa một quốc gia hay tổ chức quốc tế nào tỏ ý muốn giúp đỡ về mặt tài chính đối với dự án khổng lồ này.
Ai Cập đang thực hiện việc này một mình”. GEM sẽ trưng bày 100.000 hiện vật, trong đó 50.000 cho lần đầu tiên.
Ngay sau khi sự kiện đặt “viên đá đầu tiên” xây dựng Gem, Ai Cập đã thu hút hàng ngàn du khách mỗi tuần. Vào thời điểm đó, mỗi năm có khoảng 10 triệu khách nước ngoài tới thăm quê hương của các kim tự tháp và Pharaoh và con số này nâng lên 15 triệu vào năm 2010, một năm sau cuộc cách mang Tahrir, vốn ảnh hưởng nhiều tới lượng du khách.
Sau đó, những vấn đề với đơn vị thi công, những món nợ và khủng hoảng kinh tế trầm trọng, vốn khiến Ai Cập phải phá giá đồng tiền gần 50%, đã trì hoãn tiến độ xây dựng và hoàn thành GEM trong nhiều năm liền, mặc dù Chính phủ Ai Cập đã nhiều lần hứa rằng sẽ sớm hoàn thành công trình khổng lồ này.
![]() |
Hình ảnh 3D khu vực tham quan bên trong GEM. |
“Hạn cuối”, là do giám đốc mới của GEM, tiến sĩ Tawfik, đưa ra, dự kiến rơi vào khoảng tháng 3 hoặc tháng 4-2018, với hi vọng có thể hoàn thành một phần của bảo tàng để đưa vào phục vụ du khách và phần hoàn thành “sẽ khác biệt hoàn toàn so với các bảo tàng khác, phô trương nghệ thuật Ai Cập cổ đại trên thế giới qua các bối cảnh, chứ không chỉ tập trung vào các tác phẩm”.
Khi GEM bắt đầu mở cửa đón du khách vào năm 2018, lần đầu tiên trong lịch sử, bộ sưu tập hoàn thiện của pharaoh Tutankhamun sẽ được trưng bày với hơn 5.000 vật phẩm, 2/3 trong số này được tái xuất kể từ năm 1922, khi nhà khảo cổ học và Ai Cập học người Anh Howard Carter khám phá ra lăng mộ gần như còn nguyên vẹn của Tutankhamun. Sự kiện này đã tạo nên một cơn chấn động trên toàn thế giới, khơi dậy lại sự quan tâm của công chúng đối với Ai Cập cổ đại.
Các vật phẩm này trên sẽ được chuyển tới GEM từ hàng chục kho nằm rải rác trên khắp đất nước và từ Bảo tàng Ai Cập, nơi đang bảo quản chiếc mặt nạ của Tutankhamun. Đây là một mặt nạ xác ướp bằng vàng của Pharaoh Tutankhamun và là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của nghệ thuật cổ đại thế giới.
“Chúng tôi sẽ trưng bày bộ sưu tập này theo cách hoàn toàn khác so với bình thường. Tutankhamun sẽ xuất hiện trong nhiều bối cảnh, theo một cách nhìn hoàn toàn khác. Sự hấp dẫn sẽ là đời sống thường nhât của ông: tủ quần áo, đôi giày, đồ trang sức của ông... Chúng tôi sẽ “rời xa” hình ảnh Tutankhamun là một pharaoh được mạ vàng và “tiếp cận” một Tutankhamun như một con người bình thường. Tất nhiên, giá trị của nó sẽ không bị mất đi”, tiến sĩ Tawfik nói.
Xin được nói qua về Tutankhamun. Tutankhamun, hay Vua Tút, là vị pharaoh nổi tiếng nhất của Ai Cập, thuộc vương triều thứ 18 (trị vì vào khoảng năm 1332-1323 TCN theo bảng niên đại quy ước), trong giai đoạn Tân vương quốc của lịch sử Ai Cập. Tutankhamun lên ngôi từ khi còn rất trẻ, khi mới lên 9 hoặc 10 tuổi, với vương hiệu là Nebkheperure.
Sau khi lên ngôi, ông đã kết hôn với với người chị cùng cha khác mẹ với mình là Ankhesenpaaten, sau đó đổi tên thành Ankhesenamun. Họ có hai người con gái với nhau nhưng đều bị chết yểu. Nghiên cứu chụp cắt lớp vi tính được thực hiện vào năm 2011 cho thấy một người con gái đã mất khi đang ở tháng thứ 5-6 của thai kì và người còn lại đang ở tháng thứ 9. Không có bằng chứng nào trong cả hai cả xác ướp cho thấy dấu vết của các dị tật bẩm sinh hoặc một nguyên nhân dẫn đến cái chết.
Còn về cái chết của Tutankhamun thì tới nay vẫn là một bí ẩn. Nhiều nghiên cứu khoa học đã được tiến hành để tìm nguyên nhân gây ra cái chết của ông. Theo một số bằng chứng do giáo sư sinh học Ralph Mitchell tới từ Đại học Havard đưa ra, Tutankhamun có thể được chôn cất một cách vội vã.
Giáo sư Mitchell giải thích rằng, những đốm màu nâu sẫm trên những bức tường được trang trí trong phòng chôn cất của Tutankhamun cho thấy ông đã được chôn cất ngay trước khi màu sơn có thể khô. Kết quả chụp cắt lớp vào năm 2005 cho thấy, Tutankhamun bị gãy chân trái, không lâu trước khi ông qua đời, và nó đã bị nhiễm trùng.
Phân tích DNA được tiến hành năm 2010 cho thấy sự xuất hiện của bệnh sốt rét trong cơ thể của ông, dẫn đến giả thuyết rằng, bệnh sốt rét và bệnh Kohler là nguyên nhân khiến ông qua đời. Ngày 14-9-2012, hãng tin ABC đã đưa ra một giả thuyết khác nữa về cái chết của Tutankhamun, được phát triển bởi bác sĩ phẫu thuật Hutan Ashrafian ở Đại học Hoàng gia London.
Bác sĩ Ashrafian cho rằng, bệnh động kinh thùy thái đã gây ra một cú ngã chết người và khiến chân trái của Tutankhamun bị gãy. Nghiên cứu được các nhà khảo cổ, X-quang, và di truyền học, tiến hành vào năm 2005 thông qua việc chụp CT những xác ướp được tìm thấy lại chỉ ra rằng, Tutankhamun không qua đời bởi một cú đánh vào đầu, như những suy nghĩ trước đây.
Những hình ảnh CT mới đã chỉ ra các khiếm khuyết bẩm sinh vốn phổ biến hơn ở những đứa trẻ sinh ra từ sự loạn luân như việc ông có dấu hiệu mắc chứng hở hàm ếch cùng những khuyết tật bẩm sinh khác.
GEM hy vọng sẽ thu hút được ít nhất 5 triệu du khách mỗi năm, khoảng 10.000 du khách mỗi ngày, tới chiêm ngưỡng những tác phẩm của nền văn minh Ai Cập cho tới thời La Mã.