Áo giáp bằng tơ nhện cho điệp viên

Thứ Năm, 21/06/2012, 15:50

Việc chế tạo được loại áo giáp từ tơ nhện nhưng siêu bền là một thành công lớn của những nhà khoa học Mỹ để thay chiếc áo giáp hiện thời. Dù không nặng nề như áo giáp thời Trung cổ, chiếc áo giáp lâu nay vẫn thường dùng cũng không phải là lý tưởng đối với binh lính và cảnh sát.

Với loại áo giáp nặng nề cũ, khi chiến đấu, binh lính và cảnh sát buộc phải mặc chúng lên người có thể chống đạn vốn đã được trang bị ít nhất 2 tấm gốm lớn dày cộp được thiết kế nhằm bảo vệ phần trên thân thể khỏi trúng đạn hay mảnh đạn, nhưng muốn tăng cường khả năng che chắn, áo giáp cứng được may thêm nhiều túi để nhét thêm nhiều tấm gốm nữa, kết quả là áo giáp càng nặng nề, cồng kềnh thêm, rất bất tiện trong khi chiến đấu.

Nguy cơ tử vong xuất phát từ súng của đối phương cao gấp 14 lần đối với những nhân viên thi hành luật pháp mà không được trang bị vũ khí và vật dụng bảo vệ. Mặc dù thế, người sử dụng lại hay phân vân không biết có nên mặc áo giáp hay không vì chiếc áo xưa nay vốn nặng nề khiến họ di chuyển chậm chạp và khó khăn hơn, nhưng nếu không mặc, khả năng họ bị trúng đạn tăng cao hơn gấp bội. Còn đối với binh sĩ việc phải mặc áo giáp cứng khiến họ xoay sở rất khó khăn. Còn đa số cảnh sát hay điệp viên tình báo, thường hay mặc loại áo giáp mềm thường làm chậm đường đạn hay mảnh đạn nhờ nhiều lớp áo dày và chắc chắn được dệt giống lưới nhện.

Tuy nhiên, một loại áo giáp vừa nhẹ vừa chắc chắn như áo giáp cứng trước đây vẫn nằm ngoài tầm với của những chuyên gia về áo giáp. Tơ Kevlar của Hãng DuPont được dùng may áo giáp mềm thường được mô tả là cứng gấp 5 lần thép, nhưng loại tơ nhện mới này vẫn chứng tỏ sự vượt trội hơn hẳn về độ dày, độ bền và sự chắc chắn.

Sau khi nghiên cứu, so sánh, các khoa học gia thừa nhận rằng, tơ do nhện nhả ra có độ linh hoạt và dai gấp 3 lần sợi Kevlar và  gấp 5 lần thép. Bất chấp kích thước và trọng lượng rất nhẹ, tơ nhện  có khả năng hấp thu một lực tác động cực lớn mà không hề hấn gì.

Sau nhiều nỗ lực trong hơn 4 năm, các khoa học gia thuộc Trường đại học Wyoming (Mỹ) đã thực sự đạt được bước đột phá mới khi tạo ra được loại tằm có thể nhả tơ chắc chắn và bền hơn tơ nhện gấp nhiều lần. Họ đã nghiên cứu, phát hiện một loài nhện đặc biệt sinh sống ở Madagascar (châu Phi) vào năm 2009 tên là Caerostris Darwin. Loài nhện hi hữu này không chỉ tạo ra mạng lưới rất lớn trải dài đến 25m, mà còn là loại tơ bền và chắc chắn nhất trong những loại tơ nhện vốn có từ trước tới nay, có thể hấp thu năng lượng cao hơn nhiều lần so với các loại sợi tơ dai bền khác.

Theo các nhà khoa học, ứng dụng của tơ nhện lai tằm mới được trải rộng qua nhiều lĩnh vực, từ vật dụng như dù, trang phục thể thao các loại, túi khí dành riêng cho xe hơi, đến các mục đích điều trị y khoa như băng phủ vết thương, dây chằng và gân nhân tạo, chỉ khâu, hỗ trợ những khớp lành sau khi bị chấn thương nặng, thậm chí còn giúp dây thần kinh phục hồi và tái tạo.

Sau thành công với chiếc áo giáp bằng tơ nhện rất hiện đại, các nhà nghiên cứu của Mỹ đã hợp tác với Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ cùng các cơ quan tình báo tiến hành sản xuất hàng triệu chiếc áo giáp hiện đại này để cho những điệp viên, cảnh sát và binh lính sĩ quan Mỹ sử dụng với mục đích bảo vệ mạng sống của họ (ảnh), nhất là những điệp viên nhận những công tác tuyệt mật trong chống khủng bố, nguy hiểm đến tính mạng

Khánh Phương (theo Discovery)
.
.