Arập Xêút: Nền điện ảnh sống trong bí mật

Thứ Năm, 25/10/2012, 10:40

Tại một quốc gia như Arập Xêút, nơi mà văn hóa giải trí bị tuyên bố là "haram" (độc hại) và các rạp chiếu phim bị buộc đóng cửa trong thập niên 70 thế kỷ trước, do đó quyết định chiếu một bộ phim cho người dân thưởng thức có thể được coi là một hành động mang tính cách mạng!

Một nhóm nhỏ các nhà làm phim Arập Xêút đã có quyết định táo bạo khi tổ chức chiếu cho người dân xem những bộ phim của họ khai thác các đề tài chính trị và xã hội nóng bỏng như quyền phụ nữ, đời sống của người nhập cư, làn sóng đô thị hóa và sự tin tưởng vào lang băm.

Hôm 11/10 vừa qua, ngay sau buổi cầu kinh chiều, hơn 60 người tụ tập trong căn nhà kho rộng lớn ở thành phố Abha, miền Nam Arập Xêút, để xem bộ phim của rạp chiếu phim bí mật có tên gọi Red Wax. Sau khi xem xong bộ phim có nội dung về đời sống công nhân nhập cư  phục vụ một trong những dự án xây dựng lớn của Arập Xêút, khán giả tụm lại bàn tán về vấn đề và tỏ thái độ bức xúc trước lệnh cấm các rạp chiếu phim hoạt động của chính quyền nước này - đạo diễn bộ phim và cũng là một trong những người thành lập Red Wax cho biết.

Các rạp chiếu phim ở Arập Xêút bị đóng cửa vào thập niên 70 thế kỷ trước sau vụ ám sát Vua Faisal, người chỉ trích nặng nề việc du nhập tivi vào vương quốc. Các nhân vật tôn giáo bảo thủ coi các hoạt động văn hóa, như là phim ảnh và ca nhạc, là vô đạo đức và chống lại các giá trị Hồi giáo. Nhưng cũng có những dấu hiệu về sự mở rộng tự do ở Arập Xêút sau khi Liên hoan Phim châu Âu thường niên được tổ chức tại thành phố Jeddah - với dân số 3,4 triệu người và được coi là thủ đô thương mại của Arập Xêút - vào năm 2006, nhưng các bộ phim chỉ được chiếu cho số khán giả chọn lọc từ các đại sứ quán và lãnh sự quán nước ngoài.

Tháng 5/2008, Liên hoan phim Arập Xêút chính thức lần đầu tiên được tổ chức tại thành phố Dammam, song sự kiện không được lập lại. Và vào cuối năm 2008, bộ phim hài "Menahi" - do Công ty Rotana Studios của Hoàng thân Waleed bin Talal, người cháu tỉ phú của Vua Abdullah, tài trợ và sản xuất - trở thành sản phẩm điện ảnh đầu tiên được công chiếu trong vòng 9 ngày tại hai thành phố lớn Jeddah và Taif, sau hơn 30 năm người dân Arập Xêút bị "cách ly" với điện ảnh. 

Khán giả Arập Xêút nô nức đến rạp xem phim hài "Menahi" ở thành phố Jaddah.

Nhóm chọn lọc gồm 5 đạo diễn - 4 nam và một nữ - cho biết đầu tiên Red Wax chỉ mở cửa cho nam giới với thành phần khán giả bao gồm sinh viên, nhà văn và nghệ sĩ tuổi từ 20 đến 40. Phụ nữ chỉ được tham gia các sự kiện trong tương lai dự kiến diễn ra tại các thành phố khác và được tổ chức thông qua các trang mạng xã hội nhằm thu hút lượng người xem rộng rãi hơn.

Theo đạo diễn của bộ phim được chiếu ở Red Wax, người dân Arập Xêút rất mê điện ảnh và nhiều người lái xe đến Bahrain hay bay đến Dubai vào mỗi cuối tuần chỉ để được xem phim; thậm chí người ta có thể tìm mua những đĩa phim DVD sao chép lậu với giá 2 hay 3 USD/đĩa ngoài chợ đen. Nhóm nhà đạo diễn đầy nhiệt huyết cho biết họ quyết định mở một rạp chiếu phim bí mật sau khi chính quyền Arập Xêút trừng phạt những nhà làm phim đưa tác phẩm của họ lên YouTube.

Năm 2011, một blogger tên là Feras Bugnah bị "cảnh sát đạo đức" bắt giam 2 tuần sau khi đưa lên YouTube một phim có nội dung về sự nghèo khổ ở thủ đô Riyadh của Arập Xêút và thu hút đến hơn 800.000 người xem. Phim ảnh ở Arập Xêút chỉ được xem kín đáo trong nhà qua những đĩa DVD sao chép và chỉ có một số nhà hàng dám bí mật chiếu phim cho thực khách xem.

Nhóm đạo diễn của Red Wax cho biết, bộ phim tiếp theo của họ sẽ khai thác về quyền phụ nữ và được quay với camera giấu sau lớp áo dài đen abaya truyền thống của người Arập. Ngoài ra, vấn đề sức khỏe, thay vì tin vào khoa học hiện đại thì người dân lại mê muội tin vào lang băm cũng được phim ảnh đề cập. Ví dụ, một đạo diễn kể có người bị viêm gan nhưng không chịu đến bệnh viện mà nghe người khác mách lấy máu gà trống lông đen thoa lên người để chữa bệnh!

Nữ đạo diễn Haifaa al-Mansour - tác giả của bộ phim "Wadjda" được chiếu lần đầu tiên tại Liên hoan Phim London 2012 - giải thích rạp hát bí mật Red Wax tạo điều kiện cho giới trẻ Arập Xêút được gặp nhau, kể những câu chuyện của họ và trao đổi nhiều vấn đề thông qua bộ phim. Mona Deeley, nhà sản xuất chương trình truyền hình về điện ảnh Arập Xêút trên BBC Arabic TV, nhận xét rạp hát bí mật Red Wax là sáng kiến đáng quan tâm giúp phá vỡ lệnh cấm điện ảnh và đồng thời cũng là hình thức phản kháng của người dân trong lĩnh vực văn hóa và xã hội.

Haifa al-Mansour, 39 tuổi, là nữ đạo diễn đầu tiên của Arập Xêút, theo học ngành điện ảnh tại Australia và trước khi thực hiện phim "Wadjda" bà đã làm 3 phim ngắn và một phim tài liệu đoạt giải thưởng có nội dung về cuộc sống của phụ nữ Vùng Vịnh.

Nữ đạo diễn Haifa al-Mansou.

Phim "Wadjda" kể câu chuyện về một bé gái 11 tuổi tên là Wadjda lớn lên trong xã hội truyền thống ở vùng ngoại ô của Riyadh và mơ ước có một chiếc xe đạp nhưng không được phép vì ở Arập Xêút con gái không được đi xe đạp! "Wadjda" khát khao cuộc sống hiện đại, muốn phá vỡ những định kiến về phụ nữ trong xã hội và muốn sống theo ý muốn của chính mình. Al Mansour hy vọng "Wadjda" sẽ giúp thay đổi định kiến đối với phụ nữ và điện ảnh ở Arập Xêút, đồng thời mong muốn bộ phim sẽ gợi cho nhiều cô gái nước này có ước mơ trở thành đạo diễn điện ảnh.

Al Mansour cho biết khi sống ở Arập Xêút, bà chỉ xem được phim ảnh từ những DVD thuê ở một cửa hiệu qua trung gian của người tài xế riêng bởi vì phụ nữ không được phép đi ra ngoài. Al Mansour cũng gặp rất nhiều thách thức, thậm chí bị đe dọa mạng sống khi bà làm phim trong một xứ sở cực kỳ bảo thủ.

Cách đây hai năm, Liên hoan Phim Jeddah đã lên kế hoạch nhưng bị hủy vào phút cuối cùng do một lệnh đặc biệt từ Bộ Nội vụ Arập Xêút! Nhưng hiện nay người ta nhận định nền điện ảnh Arập Xêút sắp tới có thể được chấp nhận một cách rộng rãi hơn ở vương quốc này sau khi Hoàng thân Waleed bin Talal tham gia tài trợ cho lĩnh vực phim ảnh thông qua Công ty Rotana Studios. Năm 2006, Rotana Studios sản xuất "Keif alHal" được coi là phim truyện đầu tiên của Arập Xêút, song nó được quay tại Dubai

Thục Miên (tổng hợp)
.
.