BLV Nguyễn Khắc Cường: “Càng làm, càng đi, tôi càng thấy mình nhỏ bé”

Thứ Bảy, 12/07/2014, 10:45

Bên cạnh những trận đấu nảy lửa đang diễn ra tại xứ sở của những vũ điệu Samba, thì những bình luận viên bóng đá của VTV3 - Đài Truyền hình Việt Nam cũng được quan tâm đặc biệt. Khen cũng nhiều, mà chê cũng chẳng ít. Nhưng đằng sau những màn "chém gió tơi bời" trên màn hình tivi, là những công việc rất đỗi bình dị, cần cù, tỉ mẩn của các bình luận viên, để góp phần tạo nên những khoảnh khắc giải trí sảng khoái cho khán giả. Những việc ấy, tôi chắc chắn rằng không phải khán giả nào cũng biết, cũng có thể thấu hiểu và cảm thông…

1. Hãy khoan nói đến những màn "ném đá" hội đồng trên mạng Facebook, những cái share (chia sẻ) chóng mặt của cái gọi là "50 câu nói kinh điển của bình luận viên"… Ta hãy thử xem một ngày của bình luận viên nhà đài như thế nào.

9h sáng ngày 26/6/2014, tức là 4h sau khi trận đấu cuối cùng của lượt đấu thứ 3, vòng đấu bảng World Cup 2014  kết thúc, tôi đã liên hệ với hai bình luận viên của VTV3 là Tạ Biên Cương và Nguyễn Khắc Cường. Cả hai máy đều đổ chuông, nhưng không thấy ai nhấc máy! Đoán các anh có lẽ đang ngủ, tôi để lại tin nhắn.

Mãi cho đến 14 giờ chiều cùng ngày, tôi mới nhận được trả lời của Khắc Cường. Hóa ra, Cường lúc này mới bắt đầu… bình minh, và mới check điện thoại để trả lời những cuộc gọi nhỡ, các tin nhắn… 30 phút sau, tôi gặp Cường tại một quán cà phê nhỏ, khá yên tĩnh trên phố Cầu Giấy.

Khác hẳn vẻ "bảnh choẹ" quần là áo lượt trên truyền hình hàng đêm, Cường mặc áo phông, quần ngố khá bụi bặm. Gọi một ly sinh tố ít đá, Cường bảo: "Lẽ ra giờ này em phải có mặt trên Đài để chuẩn bị cho buổi làm việc tối nay. Nhưng "may" là có anh mời đi uống nước, em mới tranh thủ được xả stress một lúc".

Và sau cuộc cà phê với tôi, Cường sẽ lại cuống cuồng đến trường quay để chuẩn bị cho 90 phút bùng nổ trên truyền hình. Thường những trận đấu diễn ra sớm (23h, giờ Việt Nam) thì khoảng 2h đêm Cường mới mò về đến nhà. Còn nếu trận vào lúc 3h sáng thì phải hơn 5h Cường mới rời khỏi Đài. Về đến nhà, Cường lập tức lên mạng để "soát" xem trận đấu vừa rồi mình có nói gì chưa chuẩn hay không, rồi vào các trang báo thể thao nước ngoài để đọc xem họ bình luận thế nào về trận đấu, thậm chí vào Facebook để xem khán giả  "chém" mình tơi tả ra sao…

"Sau một buổi bình luận, em không thể ngủ được ngay mà cứ phải 2-3 giờ sau bộ não mới hết hưng phấn, cơ thể mới được nghỉ ngơi hoàn toàn. Và tầm 13-14 giờ chiều là phải vùng dậy lên Đài truyền hình để chuẩn bị cho buổi bình luận tiếp theo".

Lúc này, tôi mới ngắm kỹ lại. Khác với vẻ mặt tươi tỉnh như trên truyền hình, tôi có thể thấy ít nhiều vẻ mệt mỏi trên khuôn mặt của anh, đặc biệt là đôi mắt thì  vẫn đỏ hoe. Thấy tôi tỏ ra ngại ngùng khi chiếm mất quỹ thời gian ít ỏi của mình, Cường bảo: "Bình luận viên bọn em bận nhất là mùa World Cup với Euro thôi anh ạ. Vì ăn uống thất thường, lại ngủ nghê không đúng giờ giấc cho nên cũng khó giữ được "nhan sắc".

"Nói thật với anh, mỗi ngày chỉ được chợp mắt nhiều nhất là 4-5 tiếng, quả thật là em cảm thấy rất mệt mỏi. Có cảm giác lúc nào cũng có thể đánh một giấc 2-3 ngày liền. Nhưng cứ nghĩ đến lúc được ngồi vào cabin bình luận, thì những mệt mỏi ấy tự nhiên tan biến đi đâu hết" - Cường bắt đầu tỏ ra hào hứng, hệt như giây phút bắt đầu bình luận một trận đấu bóng đá…

2. Là sinh viên thuộc lớp "Cử nhân tài năng" của khoa Tiếng Anh (Đại học Hà Nội), chàng bình luận viên 29 tuổi chia sẻ về cái "duyên" với nghề bình luận một cách hóm hỉnh.

Từ nhỏ Cường đã có niềm say mê đặc biệt với "túc cầu giáo". Và cậu chàng quyết định học ngoại ngữ cũng là vì tha hồ được tìm hiểu về môn thể thao hấp dẫn nhất hành tinh này, bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Khi chuẩn bị ra trường, quá nửa bạn bè cùng lớp của Cường đều chọn sẽ ở lại để làm giảng viên. Cũng có những lời khuyên Cường nên chọn một công việc tương đối "an nhàn" như các bạn. Nhưng Cường lắc đầu.

Do đã được trang bị nhiều kỹ năng ở giảng đường như thuyết trình trước đám đông, cách tổng hợp tài liệu… Cường đã mạnh dạn xin vào Ban Thể thao giải trí, thông tin kinh tế của Đài Truyền hình Việt Nam. Nhận thấy năng khiếu của Cường, lãnh đạo đài đã bố trí cho cậu "thử việc" bằng cách biên tập các bản tin thể thao.

Sau một thời gian, Cường được "đôn" lên đọc các bản tin. Nhờ trời phú cho một giọng đọc chuẩn, rõ ràng và "có sức sống" nên Cường tiếp tục được cho thử sức để bình luận các trận đấu "nguội". Vạn sự khởi đầu nan, không biết bao nhiêu lần Cường ngồi vào cabin, thu bài bình luận rồi đem nộp, và bị… trả về làm lại.

Mãi rồi các "sếp" cũng duyệt chương trình của mình, và cho phát. Khỏi nói Cường đã vui mừng đến thế nào khi được nghe lại giọng mình phát trên tivi. Nhưng cũng ngay sau đó, Cường nhận ra con đường bình luận viên không phải được trải toàn bằng hoa hồng.

Đó là những ngày tháng Cường phải lăn lộn với biết bao nguồn tài liệu về thể thao. "Khán giả truyền hình nhiều người rất giỏi, họ cũng đầy đủ khả năng để đọc báo nước ngoài, và tự cập nhật cho mình những thông tin nóng hổi. Bởi vậy, bình luận viên cần phải hiểu sâu, hiểu kỹ hơn họ. Chứ nếu chỉ nói ra rả những điều mà… ai cũng biết thì chắc chắn khán giả sẽ phản ứng" - Cường chia sẻ.

Rồi Cường phải dành thời gian tham gia các "cua" học ngoại ngữ như tiếng Italia, tiếng Pháp… để có thể ít ra là đọc đúng được… tên của các cầu thủ. Bên cạnh đó, Cường phải mò mẫm, đào bới xới lộn các thông tin, clip bóng đá từ… thế kỷ trước để có thể nắm được đầy đủ lịch sử ra đời, sự phát triển, các xu hướng…

Một buổi bình luận trước trận đấu tại VTV3 - Đài truyền hình Việt Nam.

Sau một thời gian chuyên bình luận các trận đấu "nguội", Cường được lãnh đạo giao bình luận trực tiếp. Cường không bao giờ có thể quên được 90 phút đầy hạnh phúc, mà cũng đầy lo lắng đó. "Mặc dù đã chuẩn bị kịch bản rất kỹ lưỡng, nhưng cả buổi chiều mùa đông năm đó em vẫn rất bồn chồn. Em cứ ra ra vào vào cabin, nói đi nói lại hàng trăm lần câu chữ trong kịch bản để có thể tạo ra một âm thanh lọt tai nhất. Đó là trận đấu giữa hai câu lạc bộ  Inter Milan gặp Villarreal trong khuôn khổ Champions League.

Khi trọng tài chính bắt đầu thổi còi cho trận đấu bắt đầu, Cường vẫn rất run, mồ hôi vã ra như tắm. Nhưng Cường cố gắng điều chỉnh nhịp thở, rồi các tình huống trên sân cứ cuốn đi cho đến lúc trận đấu kết thúc. Bước ra ngoài cabin, nghe tiếng vỗ tay khen ngợi của sếp, lúc bấy giờ Cường mới tin là mình chọn đúng nghề!

Cá nhân tôi đã được tận mắt chứng kiến không ít những sinh viên báo chí, ngôi sao bóng đá hoặc huấn luyện viên bóng đá bình thường thì có thể "thao thao bất tuyệt" về bóng đá. Từ tên tuổi các cầu thủ, huấn luyện viên; rồi chiến thuật các kiểu, lịch sử đội bóng, thông tin ngoài lề… cứ gọi và vanh vách. Ấy thế nhưng khi thấy máy quay chĩa vào mình, hoặc ngồi trong cabin bình luận thì… bỗng nhiên câm như hến. Có người vẫn nói được song cứ lắp ba lắp bắp, hoặc nói được dăm câu đầu trôi chảy, đến các câu sau cứ yếu dần yếu dần…

Bởi vậy, để có thể ngồi đủ 90 phút, hoặc 120 phút hoặc hơn trong cabin của bình luận viên nhà đài thực sự không phải là việc dễ dàng, không muốn nói là cực khó. Hơn nữa, lại là bình luận trực tiếp - có nghĩa là phải "biên tập", xử lý rất nhanh câu chữ của mình, một lời đã nói ra là phải chuẩn.  Đó thực sự là một áp lực rất lớn với các bình luận viên, không riêng gì Nguyễn Khắc Cường.

"Bên cạnh đó, nhiều người cứ nghĩ công việc của bình luận viên truyền hình chỉ đơn giản là viết kịch bản, rồi chờ đến giờ trận đấu diễn ra và… bình luận. Song ít ai biết được rằng, để có được một buổi tường thuật trực tiếp hoàn hảo, hay ít ra cũng "đỡ sạn" thì bình luận viên phải có mặt tại trường quay rất sớm. Để cùng với quay phim, các nhân viên nhà đài tổ chức sắp xếp kê dọn bàn ghế, phông màn… và ti tỉ những việc không tên khác nữa".

Mặc dù công việc căng thẳng và áp lực cao nhưng Cường vẫn rất yêu nghề bình luận viên - phóng viên thể thao. Công việc cho phép Cường đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, nhiều miền đất, nền văn hóa khác nhau. "Càng đi nhiều, càng làm nhiều tôi lại càng thấy mình nhỏ bé" - Cường tâm sự.

3. Còn nhớ từ World Cup 2010, các bình luận viên của Đài Truyền hình Việt Nam đã phải nhận không ít "gạch đá" từ khán giả truyền hình. Nhiều người thậm chí còn lập cả Group: "Hội những người phát cuồng vì bình luận viên A, B, C…".

Nhắc đến chuyện này, Cường tỏ ra khá bình tĩnh. "Em xác định công việc "làm dâu trăm họ" thì phải tự mình rèn luyện tinh thần cầu thị, biết lắng nghe. Những góp ý đúng đắn, chân thành của khán giả thì ngay lập tức phải rút kinh nghiệm cho những lần bình luận sau. Còn những ý kiến chê bai, đả kích không chính xác thì nên bỏ ngoài tai anh ạ…". Ngay trung tâm sản xuất các chương trình thể thao của VTV3, hầu như ngày nào cũng có các buổi giao ban để tiếp thu ý kiến của khán giả truyền hình, kịp thời rút kinh nghiệm.

"Nghe bảo khách mời trường quay được thù lao 1 triệu đồng/trận. Vậy những đêm thức trắng phục vụ khán giả, Cường có được nhà đài quan tâm nhiều không?" - tôi hỏi

"Dạ cũng có anh ạ. Bọn em sẽ được phục vụ thức ăn, đồ uống miễn phí. Còn thù lao kia chỉ dành cho khách mời thôi. Bọn em thường sẽ được tính chỉ tiêu cho công việc ở cơ quan thôi anh…".

"Một số khán giả nhận xét, dường như Cường bình luận trận đấu nào thì hầu như cũng yêu một đội hơn đội còn lại phải không? Liệu Cường có đang… "đặt cược" vào đội đó?". "Sự thật là em là fan hâm mộ của Đội AC Milan, nên trong bất kỳ trận đấu nào mà Milan đá, thì em cũng đứng về phía đội này. Còn trong các trận đấu khác, khi được ngồi trong cabin bình luận em cũng sẽ đặt tình cảm vào một trong hai đội. Rõ ràng nhiều khán giả xem truyền hình cũng thường chọn lấy một đội để cổ vũ, tại sao bình luận viên lại không? Dĩ nhiên, em sẽ cố hạn chế hết sức những lời bình luận thiên vị đối với đội bóng mà em chọn" - Nguyễn Khắc Cường trả lời một cách khá sòng phẳng.

Lý giải về việc cư dân mạng đang lan truyền "50 câu nói bất hủ của bình luận viên…", Nguyễn Khắc Cường cho biết, thực ra trong số đó chỉ có một phần nhỏ là câu nói của bình luận viên. Còn lại là của các bình luận viên khác. Thế nhưng không hiểu sao nó lại được gán rịt vào, đến nỗi nhiều người tin chắc là của bình luận viên VTV3!

"Thi thoảng trong lúc hưng phấn cao độ, bình luận viên có lỡ nói một hai câu chưa thật chuẩn chỉnh, thế nhưng lập tức câu nói ấy sẽ được các khán giả nhắc đi nhắc lại ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác. Như vậy liệu có công bằng với bình luận viên hay không?" - Cường đặt câu hỏi.

"Thế còn vụ chỉ đi tất (không giày) trong một chương trình thể thao gần đây tại trường quay, thì sao? - tôi hỏi

"Quả thật đó là một sơ suất của em. Trong buổi truyền hình trực tiếp hôm đó, em vừa chạy ra ngoài để chỉnh lại một số khâu, đến lúc trở lại vị trí dẫn thì quên không mang giày. Đó thực sự là một sự cố nhớ đời, và em đã hết sức rút kinh nghiệm".

Cá nhân tôi cũng thử làm một cuộc điều tra nho nhỏ, một kết quả rất bất ngờ là hầu như khán giả nào lớn tiếng… ném đá, phê phán bình luận viên thì y rằng đội bóng mà anh ta đặt cửa (hoặc là fan hâm mộ) đang… thua liểng xiểng. Và cũng có không ít những người mặc dù… chả xem trận bóng đá nào, song thấy nhiều người "ném đá" bình luận viên thì cũng góp thêm một vài "viên" cho thêm phần "xôm tụ" (!?)

Tôi xin được kết thúc bài viết này bằng lời nói của nhà báo Đình Khải, một trong những bình luận viên từng được rất nhiều thính giả yêu mến, rằng: "Ở đời, việc gì cũng vậy, nói thì dễ, làm mới khó".

Nghề làm bình luận viên bóng đá cũng vậy!

Minh Tiến
.
.