Băn khoăn nhân đọc bài “Chúng ta có ngồi nhầm lớp không?”
Là bạn đọc từ nhiều năm của Chuyên đề ANTG, hôm thứ Tư ngày 5/9/2007 giở số báo số 686, đập vào mắt tôi là bài viết nhan đề "Suy nghĩ từ câu hỏi: "Chúng ta có ngồi nhầm lớp không?" của tác giả Nguyễn Đức Luận. Tôi đọc đi đọc lại nhiều lần vì nội dung của bài báo liên quan đến quốc sách giáo dục, sự nghiệp của toàn dân với trách nhiệm công dân, tôi không thể không nghiêm túc suy nghĩ và thấy cần có đôi lời để hiểu cho đúng về vấn đề này, tránh đi những khía cạnh phiến diện.
Hình ảnh của thầy cô trong con mắt học sinh
Nghĩ mình không phải nhà giáo dục học nhưng tôi mạo muội nói rằng, tước đi niềm tin ngây thơ của các em bằng cách để các em hiểu đúng về khả năng, phẩm chất của các thầy cô, khi các em còn chưa biết đời là gì, chưa chắc đã là chuyện nên làm. Ở đây xin phép không bàn chuyện của những thầy chưa hẳn là thầy.
Cứ xem lũ con cháu của tôi nghĩ về các thầy cô của chúng thì mới thấy lòng tin của trò đối với thầy, dù ngây thơ đến đâu, cũng quan trọng biết bao. Liệu những đứa trẻ già trước tuổi có phải là mẫu hình của các em hay không, có phải là cái chúng ta đang cần không?
Cứ suy từ bản thân chúng ta hay con cháu chúng ta thì thấy, chúng ta, các em không “bị lừa” khi chúng ta chưa biết thật đúng về các thầy cô. Lớn lên mọi người sẽ dần hiểu, đừng lo. Đấy là một sự nhầm lẫn đáng yêu mà ở tuổi ấy không ai tránh được. Nó giống như niềm tin về sự tồn tại của chị Hằng Nga, nhất là vào dịp rằm tháng tám.
Đối với các em, niềm tin ấy vẫn hay hơn, đẹp hơn cái sự thật trần trụi: Đó là một thiên thể không có sự sống, là vệ tinh của trái đất thuộc hệ mặt trời trong hằng hà sa số các ngôi sao của dải Ngân Hà. Mặt trăng “chẳng là cái gì của vũ trụ bao la này” phải không?
Chính những cái ngây thơ đó làm các em sống vô tư với độ tuổi của mình, không có chuyện stress để các em phát triển lành mạnh cả về thể xác lẫn tâm hồn, tư duy. Lớn lên các em sẽ hiểu và sẽ chẳng bao giờ hối hận về sự “nhầm lẫn” này của mình.
Tôi không tin rằng, trong chúng ta đây, khi gặp lại các thầy cô dạy ở cấp một rồi phổ thông sau đó lại có ai có ý xem thường vì các thầy, cô chỉ học hết bậc thành trung (Diplome) thời Pháp thuộc, Học xá Nam Ninh (thời kháng chiến chống Pháp)... Còn ta nay là tiến sĩ, thậm chí là tiến sĩ khoa học, phó giáo sư, giáo sư... của thời đại công nghệ thông tin, điều khiển học, tự động hóa, thời đại tên lửa, du hành vũ trụ...
Dân ta có truyền thống tôn sư trọng đạo, quan niệm “nhất tự vi sư” không phải đối với hình mẫu lý tưởng chung chung nào mà là đối với các thầy, cô cụ thể bằng xương bằng thịt vì cái triết lý “nhân vô thập toàn” rất nhân bản!
Học thuộc lòng hay học vẹt?
Phải chăng chúng ta đã lẫn lộn khái niệm học thuộc lòng với khái niệm học vẹt hay vì chúng ta chưa bao giờ định nghĩa chính xác hai khái niệm này để dẫn đến lầm lẫn? Chúng ta bài xích cách học vẹt là đúng, cách học ra rả cuốc kêu “rắn là loài bò...”.
Học thuộc lòng, theo tôi hiểu, không phải là học vẹt, mà là một trong những phương pháp giúp ta nhớ, tăng cường bộ nhớ hay hoạt hóa chức năng nhớ của bộ óc, một nơi chứa nhiều bí ẩn nhất ở con người. Phản xạ có điều kiện có phải là kết quả của việc nhắc lại nhiều lần để cho nhớ, đến khi gặp lại không cần suy nghĩ, động não có thể phản ứng nhanh hơn, có lợi cho mình?
Nếu không thuộc lòng và nhớ thì sao có bài văn 9,5 điểm tại kỳ thi tốt nghiệp năm 2007 vừa rồi mà chúng ta thực sự thán phục vì những trích dẫn chính xác dùng để minh họa đã làm ta bị thuyết phục trước lý lẽ trong bài.
Ta chê bai học thuộc lòng tức là ta đã vô tình chê rất nhiều cuộc thi mang tính trắc nghiệm đang có thể thấy hàng ngày trên các chương trình phát sóng của các đài truyền hình trong nước như “Ai là triệu phú”, “Đấu trường 100”, “Rung chuông vàng” và nói chung, những cái tương tự.
Tôi có cảm giác, nếu không cẩn thận ta sẽ tự mâu thuẫn với mình. Chỉ có thần đồng hay những người siêu việt mới đọc qua được một lần là nhớ, là hiểu đúng và đầy đủ cái mình đọc. Khả năng ở mỗi người một khác nhưng ở từng cá thể hãy nỗ lực làm cho cái đầu của mình “to ra”.
Nói như trên là tôi vẫn muốn các em học sinh phổ thông, kể cả sinh viên đại học, hãy thuộc lòng càng nhiều càng tốt và hiểu cho hết “nhẽ” cái mình đã thuộc ấy. Để có được cái đó các em phải cần cù học tập, tức là phải lao động. Chỉ có lao động mới tạo nên giá trị đích thực.--PageBreak--
Phương thức truyền đạt gợi mở không hề là “kẻ thù” của việc học thuộc lòng. Chúng không phủ định nhau mà chỉ hỗ trợ cho nhau. Một học sinh ngơ ngác trước cái mới phần lớn là do không biết nó từ đâu ra (do không nhớ cái cũ) sẽ rơi vào tâm lý hoang mang, lúc đó mọi cánh cửa dung nạp sẽ khép lại, thì việc không hiểu được cái mới là đương nhiên.
Khái niệm “chữ thầy trả thầy” là nói lên sự “quên tuyệt đối”. Mà đã quên đến mức ấy thì làm sao hiểu được cái mới trong biểu thời gian có hạn?
Thậm chí cũng chẳng biết đâu mà làm cả khi có sách trong tay. Tôi chưa thấy ai phản đối “phương pháp gợi mở”, song phương pháp này chỉ có thể có hiệu quả khi người học đã hiểu và nhớ những điều cần thiết làm cơ sở giúp cho tư duy của họ thiên về hướng đúng để có thể đạt được mục tiêu phải vươn tới.
Ta thường nói đến hiện tượng "mất cơ bản" chính là nói đến khái niệm quên quá nhiều. Ai đã từng đứng trên bục giảng, từng làm thầy đều có thể thấy được điều đó.
Còn thầy nào từ chối giải đáp thắc mắc của người học thì cần xem lại tư cách hay khả năng làm thầy của mình. Đây mới thực sự là “đứng nhầm chỗ” và “đứng nhầm lớp” theo “thuật ngữ” đang được thịnh hành hiện nay.
Tôi lại có thể nói hoặc khẳng định rằng, chính không thuộc lòng (mà thực chất là không nhớ) mới phải giở phao, giở sách, gây nên bao chuyện tiêu cực, không công bằng bấy lâu nay trong xã hội. Không thể lấy chuyện ngoài đời khi thiết kế cái này cái nọ ta vẫn thường giở sách...
Nên nhớ rằng những người làm việc đó đã phải trải qua nhiều năm học hành để tăng bộ nhớ, trải qua nhiều thử thách trong các kỳ thi sạch (học kỳ, chuyển cấp, cuối khóa).
Việc giở sách, tham khảo ở đây là nguyên tắc vàng của thiết kế, vì hoạt động này dính liền với sản phẩm, can hệ về kinh phí, an toàn, độ tin cậy, thậm chí liên quan đến sinh mạng con người. Các thầy của tôi thường nhắc nhở rằng, về thực chất, học (đại học) là học cách biết tìm đến những điều mình cần ở đâu (tức là ở sách nào, nguồn thông tin nào).
Hơn nữa, nói chung công việc thiết kế ở “ngoài đời” (trong sản xuất) thường ít bị gông thời gian chi phối mà là gông an toàn, gông chất lượng. Người mất cơ bản (theo nghĩa rộng) sẽ chẳng tìm được cái gì hay ho cả.
Tôi hoàn toàn nhất trí với ông Luận là một số thầy, nhất là ở lớp già không chịu tự học tập để bắt kịp nhịp thở của thời đại, ngại công nghệ thông tin... thì đó cũng là hệ quả của cách quản lý không trọng phương thức phân loại, hay dùng cách đánh giá trên cảm tính, quan hệ, quá khứ hư ảo.
Nhưng cũng có thể đấy là hiện tượng mệt mỏi, hết phông, già cỗi, có học cũng không vào thì tốt nhất là khai thác những gì còn dùng được trong cái bộ nhớ đã nạp từ xưa. Ta không thể đòi hỏi hơn vì đối với họ cách ứng xử đó là tối ưu. Biết đâu học cái mới lúc này đối với họ là một sự “tra tấn” không hơn không kém.
Tôi nghĩ xã hội cần coi trọng cái thực chất khi lựa chọn con người. Như vậy sẽ tránh được chuyện phân biệt xuất xứ của họ: học chính quy hay tại chức.
Ví dụ, muốn tuyển nghiên cứu sinh thì cần đưa ra yêu cầu trình độ rồi căn cứ vào kết quả kiểm tra, sát hạch (được tổ chức nghiêm túc, khách quan công bằng) mà chọn. Như thế là đủ.
Nếu chúng ta đủ bản lĩnh và sáng suốt để không cần xem câu nói đúng ấy từ miệng ông thánh hay của kẻ vô danh, chúng ta sẽ có một đầu vào hay một đầu ra cần có. Bị đè nặng bởi một quá khứ thi tuyển có nhiều vấn đề, chủ yếu là ở khu vực tại chức, chúng ta như “chim sợ cành cong” vậy thôi.
Không thể vì sức ép nhất thời mà quên đi cái mục đích cuối cùng. Gượng ép như thế tôi e rằng năm, mười năm nữa ta sẽ phê phán, lại “đổi mới” cái hôm nay ta làm, với thái độ cứ như một người không hề liên đới.
Trắc nghiệm hay tự luận?
Đành rằng chúng ta đang gặp khó khăn trong việc tổ chức một kỳ thi tuyển sinh “sạch”. Vì thế, để đối phó với những cái tiêu cực ta bỏ hình thức tự luận. Tôi cho rằng, đây chỉ là biện pháp tình thế, tạm thời. Nếu coi đó là biện pháp “vàng” cho mãi mãi thì chưa biết hậu quả sẽ thế nào.
Vào cuối những năm 60, 70 của thế kỷ trước, nhiều nước ở châu Âu đã áp dụng hình thức trắc nghiệm, nhưng chỉ để kiểm tra kiến thức tối thiểu và sử dụng nó như phiếu vào phòng thi. Họ không bỏ hình thức tự luận.
Cứ xét một số kết quả cực trị (cực đoan) thì cũng rõ. Có thể nói sẽ không có, hay cực ít, điểm không (0) trong thi trắc nghiệm, mà trong thi tự luận ta thấy không ít. Tình hình cũng tương tự đối với điểm mười (10) ở nhóm học giỏi. Như vậy ở nhóm học yếu, học giỏi khó đảm bảo công bằng trong phân loại, đánh giá.
Nhiều năm qua chúng ta kêu học sinh ta yếu tiếng mẹ đẻ, viết chẳng ra làm sao. Bỏ thi tự luận sẽ bồi thêm một đòn chí mạng vào nỗ lực cải thiện tình hình này. Bởi vì không chỉ môn văn dạy người ta làm văn. Như thế là chúng ta đổ hết gánh nặng này cho môn văn và môn ngôn ngữ một cách không tự giác.
Trong khi đó lại bỏ đi một phương pháp tư duy khúc triết, ngắn gọn của các môn tự nhiên, một công cụ hữu hiệu hỗ trợ cho việc học văn và rèn giũa tiếng mẹ đẻ cho học sinh. Rất có thể trắc nghiệm sẽ đẻ ra một thứ ngôn ngữ “có và không” cộc lốc mà không cần lý giải vì sao, cơ sở để đánh giá chính xác khả năng tư duy lôgíc và chiều sâu của kiến thức.
Vì những lẽ trên tôi đề nghị lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo hãy chấp nhận giải pháp kết hợp (với tỉ lệ 50/50) trắc nghiệm với tự luận cho các môn tự nhiên để vẹn cả đôi đường. Đây không phải là giải pháp trung dung của kẻ không có lập trường rõ ràng mà là một sự thể nghiệm hết sức có trách nhiệm. Tuyệt đối tránh đưa học sinh vào một cuộc thể nghiệm sự đúng sai của một quan điểm, cho dù đôi khi ta buộc phải dấn thân