Băn khoăn quản lý lễ hội chọi trâu Đồ Sơn sao cho đúng

Thứ Ba, 12/09/2017, 20:06
Sau vụ trâu chọi húc chủ tử vong vào đầu tháng 7 gây nhiều tranh cãi gay gắt, ngày 7-9, nỗi lo lắng lễ hội truyền thống của địa phương có thể bị cơ quan quản lý Nhà nước cấm tổ chức của người dân Đồ Sơn, Hải Phòng đã chấm dứt.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định tiếp tục duy trì lễ hội vào nửa đầu tháng 8 âm lịch hàng năm theo thông lệ. Thế nhưng, tổ chức lễ hội như thế nào để vừa đảm bảo an toàn, lành mạnh, đúng bản chất lễ hội truyền thống, vừa góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương thì vẫn là bài toán chưa có đáp án cuối cùng của lễ hội cả nước, không phải riêng với chọi trâu Đồ Sơn.

Nhà nghiên cứu cũng hiểu sai về lễ hội?

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Dân gian Việt Nam khẳng định, hội lễ là cách gọi hiện đại. Người xưa không nói tổ chức lễ hội mà thường chỉ khoe làng tôi mở hội. Chữ hội không dịch theo nghĩa của từ “festival” vì “festival” là liên hoan, vui vẻ còn hội thì phải nghiêm túc. Nếu hiểu hội theo nghĩa của festival là làm mất giá trị của lễ hội.

Ông lý giải: Lễ thì nghiêm trang, hội hè là vui vẻ. Thể thao cũng mang lại niềm vui cho con người nhưng không thể là lễ hội. Bản thân lễ hội trong đó có chọi trâu mang tính lễ. Chọi trâu như là một nghi thức, nằm sâu trong tiềm thức của cộng đồng, không có lý do gì để cấm. Chọi trâu Đồ Sơn cũng tương tự như đấu bò tót ở Tây Ban Nha, đã ăn sâu vào tâm thức của người dân.

Khi có nhiều ý kiến lên tiếng phản đối tổ chức lễ hội chọi trâu, Hội Dân gian Việt Nam đã nhận được rất nhiều thư, ý kiến từ người dân Đồ Sơn đề nghị Hội lên tiếng. Có những cụ ông đã hơn 80 tuổi, có bà bán rau ở Hải Phòng, viết chữ còn nguệch ngoạc cũng tha thiết kiến nghị rằng “ông làm ơn nói với Nhà nước nước rằng chọi trâu là của chúng tôi!”.

Tuy nhiên, cũng theo Giáo sư Tô Ngọc Thanh thì “trả lại lễ hội cho cộng đồng là cần thiết nhưng làm thế nào để lễ hội phải trở nên trong sạch, trong sáng, là niềm hứng khởi từ trẻ em cho đến ông già 80 tuổi, bà bán rau ngoài chợ, làm sao để lễ hội là di sản, xứng đáng là di sản văn hóa còn là trách nhiệm của chính quyền”.

Giáo sư Trần Lâm Biền cũng cho hay: Chúng ta đang nhìn bản chất lễ hội không đúng. Đã có 1 thời chúng ta chia hội ra làm đôi, định hướng tổ chức theo kiểu tăng hội giảm lễ. Quan niệm lễ chỉ là cúng bái thật vô cùng sai lầm, vì hội là sự tập hợp 1 cộng đồng nhất định để thực hiện những điều về lễ. Trong đó, lễ là ứng xử của con người với thiên nhiên, thần linh, là đối xử với cộng đồng và với chính mình trong những ngày nhất định.

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, Hải Phòng sẽ được tổ chức trở lại vào tháng 8 âm lịch sắp tới.

Lễ hội là để dẫn dắt con người đi theo điều tốt đẹp của truyền thống. Vì hiểu bản chất lễ hội không đến nơi đến chốn nên chúng ta ứng xử với lễ hội sai lầm. Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn là một ví dụ. Chọi trâu là hình thức tác động đến tâm hồn con người một cách mạnh mẽ nhất nhưng lễ hội không chỉ có chọi trâu và cũng không chỉ có ở Đồ Sơn mà ở rất nhiều nơi.

Khi tìm hiểu về lễ hội chọi trâu, chúng ta phải tìm được mối quan hệ giữa lễ hội này gắn với cư dân biển, cư dân nông nghiệp như thế nào. Phải đặt trong hoàn cảnh lịch sử để thấy thực chất lễ hội là cái gì, giải quyết vấn đề gì nhận thức của con người chứ không đơn giản là kích thích tính hiếu kỳ.

Nếu về Đồ Sơn nửa thế kỷ trước, chúng ta vẫn nghe người dân ở đây kể rằng lễ hội gắn với huyền tích 2 con trâu từ dưới biển đi lên, chọi nhau rồi về biển. Thực tế, các ngày 7,8,9 của tháng 8 âm lịch là ngày thủy triều lên. Vì vậy, chọi trâu đúng vào thời điểm này còn mang ý nghĩa tâm linh. Trâu chọi phải chọn cẩn thận và tự thân con trâu phải đảm bảo yếu tố này như sừng trâu cân phân như lưỡi liềm và khi 2 con trâu chọi nhau là tượng trưng cho sự vận động của thủy triều.

Chọi trâu thể hiện mong ước thủy triều, các vận động của thiên nhiên được điều hòa, không phá hoại cuộc sống yên ổn của người dân. Lễ hội là thể hiện ước vọng hạnh phúc có sự chứng giám của thần biển. Trâu chọi xong được đưa ra biển làm vật tế lễ. Nếu giải mã được các lễ hội đúng như bản chất ban đầu như thế sẽ không vướng phải kiểu ứng xử sai lầm là đè trâu ra giết thịt để lấy tiền như hiện nay.

Làm gì để tổ chức lễ hội truyền thống an toàn, lành mạnh?

“Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn hóa Dân gian Việt Nam cho biết, hoạt động nghiên cứu và kinh nghiệm của người làm quản lý văn hóa nhiều năm cho thấy, lễ hội truyền thống đang chịu nhiều những yếu tố tác động. Trong đó, cơ chế thị trường biến từ mục đích, chức năng chọi trâu bị biến dạng. Cơ chế thị trường là phải thương mại hóa nhưng lễ hội đang bị tận thu nhiều quá.

Lễ hội góp phần phát triển kinh tế địa phương thu hút khách du lịch nhưng hiện nay địa phương làm du lịch lễ hội chỉ thấy cái lợi trước mắt. Ví dụ, với chọi trâu, cái lớn nhất là thương hiệu thì khai thác không đúng, chỉ tính toán ngắn hạn là thu phí chủ trâu. Chủ trâu thì xẻ thịt bán lấy tiền, thu vốn là lấy lãi.

 Giáo sư, tiến sĩ Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội đồng di sản văn hóa quốc gia cũng nhận định: Đã làm di sản văn hóa đừng có so bì cao thấp vì văn hóa có tính vùng miền.  Chưa kể, hiện nay đang có quá nhiều lễ hội sân khấu hóa. Đạo diễn sân khấu nhận vài trăm triệu làm chương trình nên lễ hội na ná như nhau, trong khi đó văn hóa thuộc về nhân dân và rất đa dạng.

Giáo sư Trần Lâm Biền cũng lý giải: ở Việt Nam, khi 1 lễ hội nảy sinh ở làng nào là lễ hội của cộng đồng người sinh sống ở làng ấy và chỉ là lễ hội của làng ấy chứ không thể đại diện cho cả nước. Với người Việt, bất kỳ lễ hội nào cũng có sự chứng giám của thần linh. Nếu tách khỏi lãnh địa thiêng thì lễ hội tách khỏi cái gốc, đi từ đạo sang đời. Nếu tách lễ hội khỏi môi trường tâm linh của nó thì sẽ bị méo mó.

Nếu lễ hội biến dạng, tiêu cực, mất an toàn thì cần chấn chỉnh, đưa nó về với nguyên nghĩa, góp phần làm cho đời sống tâm hồn người Việt tốt đẹp hơn. Chính quyền địa phương luôn hỗ trợ cộng đồng thực hiện lễ hội của mình nhưng cũng phải nghiên cứu, lường trước tình huống có thể xảy ra sự cố để có chuẩn bị cần thiết, sẵn sàng ứng phó khi có sự cố, hạn chế tối đa rủi ro cho người tham dự…

Minh Hải
.
.