Bản quyền về văn học, nghệ thuật: Bao giờ thoát khỏi căn bệnh trầm kha?

Thứ Năm, 09/03/2017, 17:45
"Xông đất" đầu năm mới bằng khá nhiều tranh cãi lẫn nỗ lực của đội ngũ những người làm công tác bảo vệ, thực thi bản quyền tác giả, quyền liên quan, tuy nhiên, bảo vệ bản quyền có thực bước sang hẳn một trang mới và thoát hẳn căn bệnh trầm kha?

Thống nhất phân chia thu phí: Chưa hết rối!

Cuối tháng 2-2017, "làng" bản quyền, đặc biệt là bản quyền âm nhạc "khởi động" khá ấn tượng: 3 tổ chức đại diện quản lý tập thể quyền tác giả, quyền liên quan (CMO) gồm Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV), Hội bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam (APPA) thống nhất ký kết hợp tác trong việc thu phí bản quyền âm nhạc. Người vui mừng nhất, có lẽ là NSND Thanh Hoa, Chủ tịch APPA. So với 2 tổ chức còn lại, APPA là CMO có "tuổi đời" trẻ nhất. APPA mới vừa "chào đời" được 1 năm tròn.

Tuy không đặt nặng mục tiêu thu phí bản quyền nhưng không ít lần NSND Thanh Hoa từng trăn trở khi thành quả lao động của phần nhiều nghệ sĩ biểu diễn đang hằng ngày, hằng giờ được sử dụng rộng rãi còn cộng đồng vẫn hồn nhiên làm lơ trả phí cho nghệ sĩ. Trừ một số ca sĩ nổi tiếng, có sự hậu thuẫn của cả ê kip làm việc chuyên nghiệp, tự bảo vệ được quyền lợi của mình, các nghệ sĩ còn lại, dù biết hay không biết quyền lợi của mình bị xâm hại vẫn thường chọn cách "ngậm bồ hòn làm ngọt".

Ngoài suy nghĩ bao cấp đã "ăn sâu, bám rễ" trong suy nghĩ của cả người có quyền lợi lẫn người sử dụng tác phẩm thì sĩ diện của người nghệ sĩ là một trong những nguyên nhân chính.

Ngay NSND Thanh Hoa cũng thừa nhận, bà đứng làm Chủ tịch APPA nhưng nghệ sĩ tính thì khó thay đổi. Bà tâm sự, sĩ diện của nghệ sĩ lớn hơn người bình thường, ngại liên quan đến vấn đề tài chính, có khi biết quyền lợi của mình bị xâm hại cũng ngại lên tiếng, sợ bị đánh giá, sợ lấm lem hình ảnh đã vất vả mới xây dựng được trong lòng công chúng.

Đại diện 3 CMO (VCPMC, RIAV, APPA) bắt tay hợp tác bảo vệ bản quyền trước sự chứng kiến của lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Việc đại diện thu phí bản quyền cho hội viên cũng thế. Ngay từ đầu, những người đứng đầu APPA đã nắm rất rõ cần bảo vệ quyền lợi cho hội viên, trong đó có chuyện thu phí bản quyền cho nghệ sĩ biểu diễn. Chỉ có điều, riêng thu phí bản quyền âm nhạc đã có đến 2 tổ chức thực hiện trước đó. Nếu thêm APPA, có đến 3 CMO cùng tiến hành thu phí bản quyền cho 1 sản phẩm. 1 cá nhân, tập thể, đơn vị có sử dụng sản phẩm âm nhạc phải tiếp đến 3 tổ chức, thực hiện trả phí 3 lần, chắc chắn, họ sẽ khó chịu.

Việc APPA, RIAV, VCPMC thống nhất hợp tác thu phí bản quyền là cần thiết, tạo thuận lợi cho cả chủ sở hữu quyền lẫn người sử dụng tác phẩm. APPA không đặt nặng hội viên của mình được chia bao nhiêu phần trăm trong tổng số phí bản quyền thu được mà chỉ hy vọng việc thu phí này đánh động ý thức của cộng đồng trong việc sử dụng thành quả lao động của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc và của chính các nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc.

Thực tế, ngay ý thức bản quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc cũng còn nhiều vấn đề phải bàn. Biểu hiện rõ nhất và gần nhất, có lẽ là scandal đầu năm mới: nữ ca sĩ Mỹ Tâm sử dụng ca khúc nhạc Pháp do nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng viết lời Việt - "Anh thì không" mà không xin phép ông. Phát hiện ra bị xâm phạm bản quyền, nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng bức xúc phản ánh trên trang cá nhân và truyền thông.

Mỹ Tâm cũng đã có phản ứng khá nhanh khi xin lỗi trên trang cá nhân của cô: "Tâm sai vì quá vô tư trong việc sử dụng ca khúc. Do từ nhỏ đã nghe ca khúc này và nghĩ nó xưa quá rồi nên cứ làm mà không để ý về tác quyền. Thường thì các ca khúc này Tâm sẽ đóng tiền trên Cục Tác quyền, nhưng việc post trên YouTube lại cứ nghĩ chắc là nhạc ngoại lời Việt thì sẽ không sao, và với một ca khúc xưa như thế này nữa, nhưng điều này chính Tâm là người đã sai hoàn toàn".

Bản quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc được quan tâm ngày càng nhiều hơn trong cộng đồng.

Nữ ca sĩ cũng tạm dừng phát hành sản phẩm âm nhạc của mình trên YouTube, nhờ người mới viết lời mới cho ca khúc. Động thái này được nhiều người cho là hợp lý dù nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng khẳng định ca khúc "Anh thì không" đã được nhiều nghệ sĩ nổi tiếng ngay trước Mỹ Tâm sử dụng có xin phép đàng hoàng. Chuyện vi phạm bản quyền như trò chơi con trẻ khi người vi phạm bị phát hiện chỉ cần xin lỗi trực tiếp hay gián tiếp, gỡ bỏ vi phạm là... hòa cả làng như thế.

Đi ngược dòng số đông, quyết liệt trong bảo vệ bản quyền, không chấp nhận kiểu thu "được chăng hay chớ", cũng ngay trong những ngày cuối tháng 2-2017, nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc VCPMC công bố đang cùng các thành viên bộ phận pháp chế của trung tâm củng cố hồ sơ chuẩn bị khởi kiện 6 đơn vị, tập thể, cá nhân ra tòa vì sử dụng tác phẩm âm nhạc không trả phí tác quyền.

Hành động của VCPMC, dù được những người tâm huyết với hoạt động bảo vệ tác quyền ủng hộ nhưng khó kỳ vọng mang lại kết quả như ý muốn. Chưa kể, một số vụ việc, dù thắng kiện, kết quả được bồi thường cũng chưa chắc tương xứng với công sức bỏ ra để theo kiện. Đây cũng là một trong những căn nguyên khiến phần nhiều chủ sở hữu quyền này chấp nhận "sống chung" với vi phạm bản quyền, ứng xử theo cách được trả thù lao thì vui, không thì chịu, bức xúc quá thì la làng cho hả giận rồi thôi.

Vẫn "hụt hơi" bảo vệ tác quyền?

Nhiều năm trở lại đây, nhiều chủ thể quyền chưa có đủ điều kiện, khả năng kiểm soát, bảo vệ quyền lợi lựa chọn giải pháp ủy quyền cho các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả (CMO). Các CMO cho từng lĩnh vực cũng nối tiếp nhau "chào đời". Tuy nhiên, trừ "anh cả" của các CMO là VCPMC, các CMO còn lại vẫn đang đối diện với khá nhiều vấn đề về cả nhân lực lẫn vật lực.

NSND Thanh Hoa cho biết, APPA thành lập 1 năm nay, hội vẫn chưa thu một đồng phí nào của hội viên. Các hoạt động của APPA một năm qua, kể cả kinh phí thuê trụ sở hoạt động đều dựa vào sự hậu thuẫn của cá nhân, đơn vị tài trợ. Nếu bị rút tài trợ, APPA sẽ khó duy trì hoạt động.

Chủ tịch Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam (VIETRRO), ông Hoàng Trọng Quang cũng than thở, VIETRRO duy trì bộ máy hoạt động theo chế độ nhà nước song lại không có tài trợ, không có nguồn thu. Để duy trì bộ máy tổ chức, nhiều năm nay, Hiệp hội đều phải đi tìm thêm các dự án, nhận nhiều công việc khác về để làm, kể cả ký kết, thực hiện một số hợp đồng với bên... y tế, lấy nguồn thu này để trả lương cho nhân viên. Hiệp hội có 42 hội viên là cá nhân, 9 hội viên tổ chức và mỗi tổ chức này đều có hàng trăm tác giả, hàng ngàn tác phẩm độc quyền nhưng doanh số thu về không nhiều.

Sách chưa giúp tác giả mang về nguồn thu cao nhưng vẫn đang là một trong những lãnh địa nhiều… rắc rối về thực thi bản quyền.

Theo quy định, VIETRRO được phép trích lại 20% để duy trì hoạt động. Nếu trích đủ, số tiền này cũng chưa đủ trả tiền thuê trụ sở...

Với Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam (VLCC), tình hình cũng có vẻ không khá hơn. Phó Giám đốc kiêm Chánh văn phòng Trung tâm, nhà văn  Đỗ Hàn cho biết, từ khi thành lập đến nay, người làm lãnh đạo của VLCC đều là kiêm nhiệm. Không chuyên sâu về lĩnh vực bản quyền, nhiều nhà văn tham gia hoạt động của trung tâm với tinh thần vì tập thể là chính.

Kho tác phẩm của VLCC hiện có 8.679 đầu sách, trong đó có 485 tác phẩm là sách cứng, 438 tác phẩm là file mềm. Tuy nhiên, việc thiếu kiến thức chuyên sâu về bản quyền, vừa làm vừa mày mò học của người trong bộ máy của VLCC và cả những nhà văn, tác giả ủy quyền cho trung tâm thời gian qua đã khiến bảo vệ bản quyền văn học đã khó chồng thêm khó.

Vất vả một thời gian dài, VLCC mới thu phí được bản quyền sách giáo khoa. Chưa kịp mừng, trung tâm đã "vấp" ngay phải chuyện nhà văn phản ứng gay gắt chuyện tác phẩm bị bán quá rẻ khi trung tâm cho khai thác bản kỹ thuật số. Vụ việc này xảy ra đã khoảng 1 năm nhưng nhà văn Đỗ Hàn cũng cho biết, đến nay, câu chuyện tạm lắng, song người trong cuộc thì vẫn chưa xốc lại được tinh thần...

Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV), ông Trần Chiến Thắng cũng chia sẻ, RIAV đang đối diện với rất nhiều vấn đề: tệ nạn sao chép, in sang, buôn bán băng đĩa lậu, sao chép cung cấp bản quyền bản ghi karaoke. Rất nhiều trung tâm, cửa hàng dịch vụ kinh doanh điện thoại di động, thiết bị điện thoại vẫn ngang nhiên sử dụng bản ghi sản phẩm âm nhạc mà không xin phép, không trả tiền bản quyền sản phẩm bản ghi cho chủ sở hữu.

Riêng với hoạt động khai thác bản ghi âm, ghi hình dưới hình thức karaoke, sau nhiều nỗ lực đấu tranh, đơn vị sản xuất đầu máy karaoke bắt đầu hợp tác, trả phí sử dụng. Nhưng chỉ được một thời gian ngắn, RIAV tiếp tục phát hiện, nhiều đối tác chỉ thống kê một số rất ít bản ghi đã được sử dụng. Mục đích là để đối phó với các cơ quan chức năng.

Thực tế, trên đầu máy karaoke sử dụng ổ cứng của họ đang kinh doanh thường lưu trữ đến trên 10.000 bài hát, bản ghi chứ không phải là một số ít đã được họ kê khai với RIAV...

Được biết, để đồng hành cùng các tập thể, cá nhân bảo vệ bản quyền, tăng cường năng lực quản lý và thực thi có hiệu quả pháp luật bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, đầu năm 2017, một đề án nhằm kiện toàn bộ máy thực thi tác quyền trong nhiều năm tới đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo đề án này, đến năm 2020, hệ thống các cơ quan quản lý và thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan từ trung ương đến địa phương sẽ được kiện toàn, đồng bộ và có sự phối hợp chặt chẽ, trong đó tập trung vào các tỉnh, thành phố trọng điểm đã hình thành các ngành công nghiệp văn hóa.

Đề án cũng đặt mục tiêu, đến năm 2025, 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có cán bộ kiêm nhiệm hoặc chuyên trách quản lý, thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan, 100% cán bộ công tác trong lĩnh vực này được tập huấn nghiệp vụ và 700 lượt chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan được tham gia các lớp tập huấn về bản quyền.

Cục Bản quyền tác giả cũng sẽ xây dựng bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản quyền tác giả, quyền liên quan theo thông lệ quốc tế. Việc quản lý quyền tác giả, quyền liên quan sẽ chặt chẽ hơn khi bộ công cụ quản lý và tra cứu phát hiện vi phạm trên internet được xây dựng, cơ sở dữ liệu về đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan liên thông với hệ thống dữ liệu của cơ quan thực thi, tạo điều kiện thuận lợi trong kiểm tra, phát hiện vi phạm về bản quyền...

Minh Hải
.
.