Bản sắc và hội nhập trong thực hành mỹ thuật đương đại

Thứ Sáu, 31/05/2019, 16:30
Hội nhập trong văn hóa và nghệ thuật là xu hướng tất yếu trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Với riêng hoạt động mỹ thuật, cánh cửa hội nhập đã mang lại nhiều điều kiện thuận lợi để các nghệ sĩ khẳng định tên tuổi của mình cũng như định vị bản sắc của mỹ thuật Việt Nam trên thế giới.

Tuy nhiên để xây dựng và gìn giữ bản sắc trong sáng tạo mỹ thuật, đó không phải là chuyện dễ dàng. Câu chuyện bản sắc đã và luôn là vấn đề mà các nghệ sĩ nhiều thế hệ cũng như các nhà nghiên cứu, phê bình mỹ thuật băn khoăn, trăn trở.

Chủ động hội nhập

Mỹ thuật Việt Nam trải qua nhiều giai đoạn phát triển, ở từng giai đoạn, bản sắc văn hóa luôn trở thành một vấn đề được các nghệ sĩ tìm tòi thể hiện. Đầu thế kỷ XXI, khi nền kinh tế thị trường Việt Nam hội nhập, bản sắc mỹ thuật cũng chịu những thử thách, ảnh hưởng và nhiều yếu tố tác động qua những văn hóa ngoại nhập từ bên ngoài. Đặc biệt, từ sau năm 2000 với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ  thông tin và internet cũng đã làm phân hóa rõ nét các xu hướng thực hành sáng tác mỹ thuật.

Theo họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, xu hướng phổ biến trong số đông các họa sĩ thường sử dụng khi đề cập đến vấn đề “bản sắc” là hình tượng hóa các biểu tượng mang tính bản sắc văn hóa địa phương hay các biểu tượng được cho là phổ quát về văn hóa dân tộc và thể hiện trên các chất liệu truyền thống. Một nhóm các nghệ sĩ khác thì cố gắng theo đuổi các thực hành nghệ thuật theo xu hướng hội nhập quốc tế. 

Du khách thích thú với các tác phẩm trong dự án nghệ thuật đường hầm tòa nhà quốc hội. Ảnh: Đặng Thủy.

Xu hướng này được thực hiện theo hình thức các dự án nghệ thuật, nhấn mạnh vào quá trình thực hiện với phương pháp tiếp cận đa dạng theo xu hướng liên ngành bao gồm từ quá trình nghiên cứu điền giã, thực hành đa phương tiện bằng nhiều hình thức khác nhau từ vẽ, in ấn, ký họa, nhiếp ảnh, video, sắp đặt, sử dụng các đồ vật có sẵn, tạo tác các vật phẩm kết hợp với các nghệ nhân thủ công. 

Các vấn đề được đề cập nhiều trong các tác phẩm dự án kiểu này thường chất vấn những yếu tố như lịch sử, văn hóa, truyền thống, bản sắc, thân phận, quyền lực, môi trường…

Thực tế cho thấy nhiều nghệ sĩ luôn tìm tòi thử nghiệm và đưa vào sử dụng những chất liệu mới, cách thể hiện mới để truyền tải sự tiếp nối truyền thống qua lăng kính thẩm mỹ của người Việt. Không ít nghệ sĩ lựa chọn những vấn đề nảy sinh trong xã hội đương đại đã trở thành chất liệu để nghệ sĩ khai thác, sáng tác, bằng các loại hình nghệ thuật mới như sắp đặt, trình diễn, video... 

Đặc biệt, trong hơn 10 năm trở lại đây, các nghệ sĩ đã bắt đầu chủ động thực hành và tìm kiếm cơ hội tham gia học hỏi nâng cao khả năng hội nhập quốc tế.

Đã có những nghệ sĩ Việt Nam hoặc gốc Việt Nam như Lê Quang Đỉnh, Jun Nguyễn Hatsushiba, An Mỹ Lê, Nguyễn Oanh Phi Phi, Ưu Đàm Trần Nguyễn... khẳng định được tên tuổi và thành danh trong các thiết chế nghệ thuật quốc tế. 

Việc các nghệ sĩ sử dụng hình thức liên phương tiện để thực hành nghệ thuật phản ánh chân thực đời sống của người Việt Nam đã cho thấy sự thay đổi trong biểu hiện bản sắc, tính dân tộc trên con đường hội nhập ở giai đoạn mới của mỹ thuật Việt Nam. 

Các hình thức của biểu hiện này rất phong phú, từ những video art và trình diễn của Lại Thị Diệu Hà, các sắp đặt của Đặng Thị Khuê, các sắp đặt kết hợp trình diễn của Ly Hoàng Ly về người phụ nữ Việt, video art của Jun Nguyễn Hatsushiba, Lê Trần Hậu Anh, Lưu Chí Hiếu về đời sống lao động hay các phong tục truyền thống, một số tác phẩm trúc chỉ của Phan Hải Bằng hay những sắp đặt tranh in, book art mới xuất hiện gần đây về các khía cạnh khác nhau của văn hóa Việt Nam…

Từ thực tế sáng tác cũng như giao lưu với các họa sĩ trong và ngoài nước, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn cho rằng, trong thế giới phẳng, toàn cầu hóa hôm nay câu chuyện “bản địa” trong mối tương quan đa chiều với các vấn đề phổ quát tầm quốc tế chính là “chìa khóa” để mang câu chuyện dân tộc, nền văn hóa tới những giá trị chia sẻ chung của nhân loại. 

Mẫu số chung này nhìn lại cũng thấy khá rõ ở những nền mỹ thuật đương đại mới nổi trong những thập niên gần đây như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia…

Khoảng trống mỹ thuật

Theo Th.s Vũ Huy Thông – Viện Mỹ thuật, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, nền mỹ thuật của Việt Nam cũng đã có những thời kỳ, giai đoạn lịch sử ghi dấu ấn rõ nét của bản sắc dân tộc trong mỹ thuật, điển hình như mỹ thuật Đông Sơn, Lý, Trần, Chămpa, nghệ thuật trang trí đình làng, mỹ thuật thời kỳ Đông Dương, mỹ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa và hiện nay đang đối diện với dòng chảy quốc tế của thời kỳ hậu hiện đại. Tuy nhiên, những biểu hiện về phong cách, bản sắc hậu hiện đại trong mỹ thuật Việt Nam hoàn toàn chưa mang tầm phổ quát mặc dù đã xuất hiện những nghệ sĩ, những tác phẩm mang dấu ấn rõ nét của nghệ thuật đương đại thế giới.

Nhìn nhận vấn đề bản sắc và hội nhập từ các triển lãm mỹ thuật trẻ Việt Nam trong những năm gần đây, Th.s Nguyễn Thị Loan, Viện Mỹ thuật, Đại học Mỹ thuật Việt Nam cho hay mỹ thuật hiện đại đã không còn bó gọn trong phạm vi hội họa hay điêu khắc mà mở rộng sang hình thức nghệ thuật mới như sắp đặt, nghệ thuật trình diễn, thậm chí body art, video art... 

Tuy nhiên hầu hết các bảo tàng tại Việt Nam đều thiếu không gian trưng bày cho những loại hình nghệ thuật mới cùng các hình thức như sắp đặt, trình diễn, video art chưa có nhiều công chúng, chỉ có anh em họa sĩ và những người liên quan đến mỹ thuật thưởng ngoạn. 

“Nghệ sĩ dần phải xuất khẩu những tác phẩm đó đến nơi mà chúng thuộc về. Số lượng tác phẩm sắp đặt, video art, trình diễn… tham dự dần ít hơn hẳn, có lẽ là do không gian trưng bày? Dù là một cuộc hội tụ “thuần trẻ” song có rất ít các loại hình nghệ thuật đương đại, thay vào đó hội họa giá vẽ vẫn chiếm số lượng lớn. Phải chăng những sắp đặt, trình diễn, video art… chưa thật sự đi vào đời sống nghệ thuật trẻ hay vì những lý do nào khác vẫn là một dấu hỏi. Trong khi các sự kiện mỹ thuật trẻ ở nhiều nước gần với chúng ta như Thái Lan, Indonesia luôn rất phong phú các tác phẩm đương đại” - Th.s Nguyễn Thị Loan trăn trở.

TS. Hoàng Thị Đào, Phó Viện trưởng Viện Mỹ thuật, Đại học Mỹ thuật Việt Nam nhận định, việc xây dựng và giữ gìn bản sắc trong mỹ thuật Việt Nam hiện nay đang phải đối mặt với tốc độ phát triển nhanh, tác động mạnh mẽ, trái chiều nhau. Sự thay đổi về chất liệu, bút pháp, tư tưởng trong sáng tác… tạo nên những hiệu quả thị giác mới cả tích cực và tiêu cực. Thực tiễn đang diễn ra phức tạp bởi tính công nghiệp hóa đã tràn vào đời sống thẩm mỹ làm thay đổi một vài quan niệm trong quá khứ.

Từ quá trình tiếp biến văn hóa, giao lưu mỹ thuật Việt Nam những năm đầu thế kỷ 21, một số ý kiến cũng bày tỏ băn khoăn khi các phương diện hoạt động sáng tác, tác giả tác phẩm và nhu cầu hưởng thụ của công chúng vẫn chủ yếu tập trung ở vài thành phố lớn. 

Trên bình diện cả xã hội thì vẫn là khoảng trống mỹ thuật rất lớn, phần nhiều công chúng vẫn chưa thụ hưởng được nhiều từ các hoạt động sáng tạo mỹ thuật. Sự hội nhập về kinh tế làm “bùng nổ” khâu sáng tạo, nhưng tiếc thay, người sáng tác vì “quên” hay “cố tình” không nghĩ đến công chúng nên dẫn đến tình trạng thừa tác phẩm nhưng lại rất thiếu công chúng nhất là công chúng vùng sâu vùng xa.

Định vị bằng bản sắc

Toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ và ngày càng sâu rộng. Ngoài tạo thêm nguồn lực ngoại sinh để cách tân, phát triển, toàn cầu hóa cũng tạo ra thách thức trong việc gìn giữ bản sắc quốc gia, dân tộc.

Tác phẩm sắp đặt của họa sĩ Đặng Thị Khuê.

Chính vì thế, thời gian gần đây vấn đề bản sắc và hội nhập được giới nghiên cứu ngày càng quan tâm và đặt ra những yêu cầu bức thiết cho mỗi ngành, mỗi lĩnh vực (trong đó có mỹ thuật) là phải có chính sách hữu hiệu để bảo tồn và phát huy bản sắc mỹ thuật dân tộc trong quá trình phát triển và hội nhập.

Trong bối cảnh hiện nay, với những tính chất đặc thù nên vấn đề giữa bản sắc và hội nhập trong mỹ thuật cần được tìm hiểu ở nhiều góc độ, xem xét một cách toàn diện, xác định nội hàm bản sắc mỹ thuật dân tộc là vấn đề không đơn giản.

PGS. TS Nguyễn Văn Minh, quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh cho rằng nếu không xem xét một cách toàn diện, nhiều chiều thì thật khó lý giải thấu đáo để có nhận thức đúng đắn về bản sắc mỹ thuật dân tộc.

“Bản sắc trong mỹ thuật là chất Việt ở cái hồn lẫn vào trong chứ không ở bề mặt. Đồ giả hay lối sao chép mô típ, bắt chước cách dùng nét, dùng màu cổ rồi nhồi vào nội dung mới, tạo ra món hàng thẩm mỹ “giao duyên” có thể đáp ứng thẩm mỹ không cao của người xem. Đi liền với cách này có một nguy cơ nữa là biến bản sắc thành đồ trang sức và du lịch, đánh vào tính hiếu kỳ, chuộng lạ. Đó là lối gia công truyền thống phục vụ tiêu dùng và hình thức, bóp chết dần truyền thống” - PGS. TS Nguyễn Văn Minh nhấn mạnh.

Một vấn đề được đông đảo các nhà quản lý nghệ thuật, nghệ sĩ và các nhà phê bình quan tâm đó là làm thế nào để nghệ thuật có thể đa dạng trong khi vẫn giữ gìn và phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc.

Theo PGS. TS Bùi Thị Thanh Mai – Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, trong giai đoạn hiện nay sự gia tăng về hợp tác ở khu vực và quốc tế diễn ra ở nhiều không gian, sự kiện và trên thị trường nghệ thuật, đặc biệt là truyền thông điện tử. Người nghệ sĩ có thể tự mình, hoặc thông qua các giám tuyển, nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật, gallery để tìm kiếm công chúng cho nghệ thuật của mình.

Họa sĩ Nguyễn Văn Chiến khẳng định mỹ thuật truyền thống mà cha ông ta truyền lại chứa đựng những giá trị và ý thức sâu sắc, sống còn về bản sắc văn hóa dân tộc. Bởi vậy sự phát triển của mỹ thuật hiện đại cần chú ý giữ gìn, kế thừa và phát huy truyền thống, kết hợp với học tập tinh hoa thế giới, đổi mới cùng thời đại, làm nên sức sống của nền nghệ thuật tạo hình giàu bản sắc dân tộc.

“Bản sắc dân tộc luôn phải gắn liền với sáng tạo là đòi hỏi trong mỗi tác giả trên con đường tìm những giá trị mới. Đây cũng là yêu cầu chung trong văn hóa – nghệ thuật và mỹ thuật” -  họa sĩ Nguyễn Văn Chiến bày tỏ.

Ranh giới giữa hiện đại và truyền thống, giữa sáng tạo từ truyền thống hay lai căng rất mỏng manh và giá trị của nó phần lớn phụ thuộc vào lối tư duy, tư tưởng của cá nhân nghệ sĩ, cho nên nhận diện một tác phẩm nghệ thuật mang bản sắc dân tộc hay không, không hề dễ dàng. Bản sắc và hội nhập trong mỹ thuật là những nét đặc trưng, độc đáo và cơ bản nhất để nhận diện nền mỹ thuật Việt Nam trong diễn trình tham gia hoạt động và phát triển cùng với các dân tộc, các quốc gia trên thế giới.

“Chúng ta đang chứng kiến sự thay đổi rất rõ của đời sống mỹ thuật theo chiều hướng ngày càng đa dạng. Chấp nhận, tạo điều kiện, môi trường kích thích những sáng tạo như vậy là cần thiết để định vị nền mỹ thuật Việt Nam trên bản đồ mỹ thuật thế giới” - Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, PGS. TS. Lê Văn Sửu nhấn mạnh.

Hà Thao
.
.