Bao giờ di tích thôi kêu cứu?

Thứ Hai, 13/02/2017, 20:00
Rất nhiều nguyên nhân khiến cho việc quản lý và phát huy giá trị di tích thời gian qua chưa đạt hiệu quả. Thế nhưng, sự hạn chế về năng lực của đội ngũ nhân sự mới là nguyên nhân đặc biệt khiến di tích sau trùng tu trở nên mới hóa, mai một, mất mát các giá trị.


Còn nhiều bất cập

Di tích chính là những trang sử sống mang dấu ấn về sự biến động, thăng trầm của nhiều thời kỳ lịch sử, đồng thời cũng là một bộ phận quan trọng cấu thành kho tàng di sản văn hóa của dân tộc. Với một hệ thống di tích dày đặc (khoảng 4 vạn di tích) ở nước ta hiện nay thì việc quản lý nhằm bảo vệ và phát huy có hiệu quả giá trị của di tích trong cuộc sống đương đại là rất quan trọng.

Thời gian qua, đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực này được từng bước hoàn thiện. Công tác quản lý nhà nước cũng ngày càng được tăng cường. Tuy nhiên, công tác quản lý và phát huy giá trị của di tích thời gian qua vẫn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập, gây không ít bức xúc trong dư luận và ảnh hưởng nghiêm trọng tới giá trị lịch sử, văn hóa của di tích.

Bia quốc học trước và sau khi được trùng tu.

Đơn cử, việc chấp hành pháp luật về di sản văn hóa ở một số địa phương còn chưa nghiêm dẫn đến một số vụ việc vi phạm. Thêm nữa, còn có sự chồng chéo trong quản lý về di tích ở địa phương dẫn đến việc "cha chung không ai khóc". 

Việc quản lý và sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả nguồn vốn xã hội hóa trong tu bổ di tích chưa được chú ý. Trong khi đó, quản lý nguồn thu, nguồn công đức cũng như giải quyết vấn đề giữa bảo tồn di tích với xây dựng công trình mới còn tỏ ra lúng túng, thiếu kiên quyết. Đặc biệt, đội ngũ làm di sản còn mỏng, nhiều cán bộ chưa hề được đào tạo, thậm chí là tập huấn về các văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực này.

Hà Nội dù là thủ đô của cả nước, cũng là nơi tập trung khá đông các di tích (với trên 5.000 di tích, 42,6% trong số đó đã được xếp hạng di tích quốc gia và cấp tỉnh) nhưng ngay đến đội ngũ làm công tác quản lý di tích cũng rất thiếu và yếu về chuyên môn. Có tới 600 di tích đang xuống cấp nghiêm trọng cần phải tu bổ nhưng chỉ tiêu bố trí nhân sự lại hạn chế, dẫn tới tình trạng không có người làm.

"Đóng  góp" vào hành trình "tiêu diệt di sản cha ông", có một nguyên nhân cơ bản là xã hội hóa không chọn lọc, dẫn đến sự tham gia của các công ty tu bổ tư nhân thiếu chuyên môn, kém năng lực, đội ngũ thợ trùng tu tay nghề hạn chế…

Thực trạng "mới hóa di tích", trùng tu "đầu cua tai nheo", "râu ông nọ cắm cằm bà kia" thực sự đã không còn xa lạ những năm qua. "Hàng trăm doanh nghiệp tư vấn và thi công đã thực hiện các gói thầu về tu bổ di tích. Trong đó phần đáng kể là các doanh nghiệp mới thành lập". Và rõ ràng, sự tăng trưởng bột phát ấy không dễ gì tránh được sự pha loãng về chất lượng đội ngũ.

Nhận xét về lực lượng trực tiếp tham gia trùng tu hiện nay, PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng, hiện ở ta đang rất thiếu những nghệ nhân bậc thầy trong các ngành nghề thủ công truyền thống gắn với hoạt động tu bổ di tích (nề, ngõa, mộc…)…

Còn Chủ tịch Hội - GS.TSKH Lưu Trần Tiêu thì vạch rõ: Nhân lực bảo tồn di tích phần lớn không được đào tạo chuyên sâu về bảo tồn, tính chuyên nghiệp chưa cao, người được đào tạo, tập huấn bảo tồn di tích phần lớn không được sử dụng đúng chuyên môn, thậm chí thành người ngoài cuộc…

Bởi thế mà đã xảy ra nhiều cảnh "dở khóc dở cười" như phê phán của GS.TS Hoàng Văn Khoán - ĐH Quốc gia Hà Nội: Nhiều nơi việc trùng tu tôn tạo không làm đúng các quy định hiện hành, vứt bỏ các hiện vật gốc, thay vào đó là các vật liệu và điêu khắc hiện đại làm biến dạng các di tích. Đó quả thực là sự đe dọa và hơn thế, là thực tế và nguy cơ gặm nhấm, hủy hoại đối với 3.200 di tích đã được xếp hạng quốc gia cùng hàng vạn di tích cấp tỉnh đã và chưa được xếp hạng ở Việt Nam hiện nay.

Các nhà chuyên môn gọi di tích là một loại "tài nguyên" đặc biệt, một loại nguồn lực cho phát triển. Nhưng liệu rồi đây, dưới những đôi tay vụng về, những hiểu biết không đến nơi đến chốn của những đơn vị trùng tu đặt lợi nhuận cao hơn việc cứu di tích, thì những "tài nguyên" mất giá trị có thể giúp gì cho phát triển? Và hơn thế là sự tổn thất về văn hóa khi di sản sau trùng tu không còn là chính nó.

Bao giờ lỗ hổng lấp đầy?

Lộn xộn trong công tác tu bổ, tôn tạo di tích đòi hỏi chuẩn hóa quy trình, các công đoạn và đội ngũ tham gia tu bổ, tôn tạo. Do trực tiếp thực hành trùng tu di tích, trình độ của đội ngũ chuyên gia, cán bộ, tay nghề công nhân kỹ thuật… được đòi hỏi rất cao. Nhưng như trên đã nói, hiện tay nghề thợ, kiến thức văn hóa, lịch sử, mỹ thuật của lực lượng này thiếu sự bồi dưỡng và trong thi công thiếu sự chặt chẽ về kiểm soát nên dễ dẫn đến chất lượng tu bổ yếu kém.

Nhưng cũng "ngược đời" thay khi thực tế hoạt động trùng tu, tôn tạo diễn ra đã lâu và thường xuyên mà ở nước ta chưa có chuyên ngành đào tạo. Ngay cả những khóa bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao tay nghề ngắn hạn dành riêng cho từng bộ phận thợ kỹ thuật cũng chưa được thực hiện. 

Suối Giải oan - Yên Tử từng bị xâm hại.

Nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền nhiều lần thể hiện nỗi bức xúc về những di tích bị biến dạng sau trùng tu thời gian qua. Ông kêu gọi những người làm công việc trùng tu: Hãy đừng chỉ vỗ ngực vì có cái tâm, mà trước hết phải có trí tuệ, nếu không sẽ dẫn đến mù quáng, sai lầm! Theo ông Biền, đã có nhiều sách công cụ về tu bổ được cung cấp mà hình như người ta không đọc.

KTS Nguyễn Thành Vinh, Viện trưởng Viện Bảo tồn Di tích từng nói, việc trùng tu đòi hỏi sự hiểu biết, nhận thức và kỹ năng của người thực hiện, nói ngắn gọn là đòi hỏi tính chuyên nghiệp của người trùng tu.

Có được điều đó cần nhiều yếu tố, mà quan trọng nhất là nhân sự. KTS Hoàng Đạo Kính đã khẳng định trên một bài báo rằng, đầu tư lớn cho di tích đòi hỏi phải có lực lượng nhân sự là nhà khoa học và nghệ nhân. Không thể tính bằng giá thành vật liệu mà phải bắt đầu từ đào tạo đội ngũ. Nếu không, công trình sẽ chỉ còn là xây dựng cơ bản theo ý nghĩa kinh tế thuần túy.

Về vấn đề này, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình cho biết, bản thân Viện Mỹ thuật nơi anh làm việc có chức năng nghiên cứu và không ít người có chuyên môn cao về mỹ thuật cổ, nhưng ít khi Bộ Văn hóa kêu gọi Viện cùng vào cuộc trong lĩnh vực trùng tu di tích. Vì vậy, đến nay Viện chủ yếu nghiên cứu và cho ra các sản phẩm sách, dù nhiều nhưng hầu như chỉ để cho sinh viên và những người quan tâm tham khảo. "Dường như Bộ đã quên đi vai trò quan trọng nhất của một viện nghiên cứu là áp dụng các công trình nghiên cứu vào thực tiễn", anh Bình tỏ vẻ tiếc nuối.

Thêm nữa, bên cạnh những hạn chế về năng lực, chuyên môn nghiệp vụ của các cơ quan đứng ra bảo quản, tu bổ, phục hồi, cơ chế kiểm soát của các cơ quan chuyên môn và độc lập trong suốt quá trình trùng tu vẫn còn bị coi nhẹ.

Cùng với yêu cầu xây dựng cơ chế này, vấn đề cấp thiết nữa đang đặt ra là xử lý như thế nào đối với việc bảo tồn di tích, tu bổ, phục hồi không đúng, không đảm bảo chuyên môn nghiệp vụ, dẫn đến làm sai, làm hỏng, hoặc lợi dụng tình trạng hư hỏng ít để trục lợi bằng việc trùng tu lớn.

Hiện trong lĩnh vực trùng tu, các quy định vẫn chỉ dừng lại ở việc phát hiện, thông báo, ngăn chặn, bảo vệ chứ chưa cụ thể trong những hình thức xử lý, xử phạt. Việc này cần phải áp dụng triệt để đối với những đơn vị, cá nhân gây ra hậu quả, từ chủ đầu tư cho đến đơn vị, lực lượng thi công. Kể cả những cơ quan giám sát, tư vấn, nếu dung túng hay không kịp thời phát hiện sai phạm cũng phải chịu một phần trách nhiệm. Cần bắt buộc phải tự đầu tư sửa chữa, phục hồi lại một cách khoa học cho đến khi đạt yêu cầu, đồng thời phạt tiền, thậm chí có thể xử lý trước tòa án.

Thực ra, rất nhiều ý tưởng, đề xuất đã được đưa ra nhưng rốt cuộc vẫn như "đá ném ao bèo". Sau những ồn ào, mọi thứ lại lắng xuống và tình hình chung lại trở nên chậm chạp như không có gì phải vội vã. Giải quyết được thực trạng xám ngoét này thì tương lai của các di tích mới có khả năng sáng sủa! Nếu chậm trễ, khi thắng được sự trì trệ thì e rằng các giá trị của di tích cũng chẳng còn mấy để mà sửa sai.

Băn khoăn giải pháp

Thời gian qua, các nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều ý tưởng, kiến nghị nhằm xây dựng ngành bảo tồn di tích ở bậc đại học. Mong muốn của nhiều người là có được những chương trình đào tạo, nâng cao cho các đối tượng: nhà quản lý; nhà tư vấn lập dự án, thiết kế, hướng dẫn, giám sát, điều hành thi công; những người thợ, công nhân trực tiếp tu bổ di tích.

Có những ý kiến đề xuất xây dựng chương trình đào tạo riêng cho kiến trúc sư và công nhân. Đồng thời, đào tạo liên ngành xây dựng, kiến trúc, văn hóa, lịch sử, mỹ thuật, tôn giáo tín ngưỡng…

Có ý kiến đặt vấn đề đào tạo quốc tế thông qua các trung tâm uy tín của quốc tế ở Politecnic, ICRROM (Italia), Melbourne (Australia), Toronto University (Canada), NLIRC (Lucknow, India)… để hình thành một đội ngũ hạt nhân trong hoạt động trùng tu.

Với thực tế sát sườn hiện nay, PGS.TS Đặng Văn Bài nhấn mạnh: Nên ưu tiên bảo tồn và phát huy các nghề thủ công truyền thống liên quan đến hoạt động tu bổ di tích. Cùng với đó, hình thức chứng chỉ chính quy cũng được đặt ra như một sự đảm bảo về chất lượng và điều kiện bắt buộc cho việc hành nghề trùng tu, tu bổ di tích.

GS.TS. Ngô Đức Thịnh cho rằng, không thể cứ áp đặt một mô hình quản lý duy nhất trong việc quản lý di sản cho tất cả các địa phương được. Chính cách làm rập khuôn, máy móc đã dẫn đến tình trạng chồng chéo quản lý như thời gian qua. Khi có sự việc xảy ra thì hết xã đổ trách nhiệm cho huyện là đơn vị quản lý, huyện lại thoái thác đó là trách nhiệm trực tiếp của xã.

Quanh đi quẩn lại chẳng bên nào chịu nhận trách nhiệm của mình để rồi có hướng xử lý thích hợp. Với cách quản lý như hiện nay, người dân dường như bị gạt ra ngoài công tác quản lý và phát huy giá trị di sản, mặc dù di sản chính là từ nhân dân mà ra. Bởi vậy, cần phải có sự thay đổi. Cần phải tùy thuộc vào tình hình thực tế từng địa phương để có thể đưa ra mô hình quản lý phù hợp.

Về điểm này, GS.TS. Trần Lâm Biền cũng thống thiết rằng "không thể đua nhau lấy cái bằng về tu bổ, tôn tạo di tích là được mà phải thực sự yêu di sản mới có thể làm những điều tốt nhất cho di sản".

Còn GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính từng nhắc: "Có những người cho rằng, phải mang lại bản sắc dân tộc cho di tích trong trùng tu, trong khi đó bản thân di sản văn hóa đã chứa đựng bản sắc, phản ánh bản sắc. Hãy xây dựng những cái mới của thời đại mới có bản sắc. Giữ gìn lại cho di sản tính nguyên gốc, tức là đã góp phần duy trì bản sắc dân tộc rồi".

Theo KTS, họa sĩ Lý Trực Dũng thì: "Người phụ trách công tác trùng tu phải hiểu các công đoạn, phải có kiến thức văn hóa, có trách nhiệm bảo vệ di sản, đồng thời phải liên tục giám sát hiện trường, quan tâm đến từng hạng mục nhỏ. Cái gì còn giữ được thì phải tuyệt đối giữ. Làm đến nơi đến chốn sẽ được nhiều việc, tiết kiệm tiền bạc, thời gian, công sức. Không thể lấy di sản để kinh doanh được. Di sản vốn không để khoe, mà đơn giản là để gìn giữ!".

Lâm Chi
.
.