Bao giờ hết “sợ” cảnh nóng?

Thứ Tư, 24/08/2016, 16:25
Lần đầu tiên trên sóng truyền hình quốc gia, một bộ phim đề cập thẳng thắn về tình yêu, tình dục với nhiều cảnh "giường chiếu", những đoạn thoại về chuyện "người lớn" hay thậm chí các diễn viên tự nhiên phô bày cơ thể lên màn ảnh được trình chiếu.

Dù hiện nay dư luận vẫn tranh cãi gay gắt về việc nên hay không nên, nhưng qua việc phát sóng này có thể thấy dường như các nhà quản lý và điện ảnh Việt đã bắt đầu đối diện thẳng thắn với vấn đề  "sex trong phim".

Phim Việt có… cảnh "nóng"

Thực tế thì không phải đến nay khán giả Việt mới được "thưởng thức" cái gọi là cảnh nóng. Mà ngay từ thời sơ khai của điện ảnh Việt, trong các bộ phim "Làng Vũ Đại ngày ấy", "Cô gái trên sông", cho tới "Người tình trong mơ", khán giả đã được chứng kiến những khuôn ngực căng tròn, những bờ lưng thon thả và thậm chí cả cảnh yêu đương nồng nhiệt. Tuy nhiên, điểm khác biệt giữa các cảnh nóng xưa và nay có lẽ không chỉ ở góc quay mà còn ở thông điệp lẫn mục đích mà nhà sản xuất muốn hướng tới.

Cảnh trong phim “Sex and the city”.

"Làng Vũ Đại ngày ấy" được xem là bộ phim tiên phong trong việc đưa cảnh nóng lên màn ảnh. Có thể nói, cảnh Chí Phèo vạch yếm “chộp” cả hai tay lên ngực Thị Nở hay cảnh Thị Nở cởi yếm để lộ rõ hai bầu ngực trần là những cảnh quay chưa phim nào trước "Làng Vũ Đại ngày ấy" dám làm, dám chiếu. Nó khiến các nhà kiểm duyệt phim… choáng váng.

Nếu không phải có một vị lãnh đạo cấp cao nhận xét rằng: "Cắt cảnh này đi thì còn gì là phim" thì có lẽ điện ảnh Việt đã không có một nhà tiên phong đứng mũi chịu sào đưa cảnh nóng lên phim. Nhà quay phim Phạm Việt Thanh cũng từng khiến khán giả phải tấm tắc trước những cảnh nóng trong phim "Cô gái trên sông".

Những cảnh sex của "Cô gái trên sông" không khiến người xem thấy dung tục hay phản cảm, mà ngược lại, phim còn tạo được sự cộng hưởng của khán giả bởi cảm giác xót xa, cảm thông cho một phận đời ba chìm bảy nổi phải rơi vào bước đường cùng làm gái bán hoa trên dòng Hương giang…

Hoa hậu Hà Kiều Anh trước khi trở thành hoa hậu cũng đã từng tham gia một vai có cảnh khỏa thân hoàn toàn cho họa sĩ vẽ trong bộ phim "Người tình trong mơ". Sau khi Hà Kiều Anh trở thành hoa hậu Việt Nam cùng năm sản xuất bộ phim, khán giả cũng có xì xào to nhỏ về cảnh nude của cô trong phim, nhưng hồi đó, gần như không ai cho rằng đó là một cảnh quay câu khách rẻ tiền vì nó quá đẹp, quá thánh thiện và hoàn toàn tự nhiên.

Nói vậy để thấy, không phải bất cứ cảnh nóng nào cũng bị lên án. Dung tục hay nghệ thuật, hiển nhiên còn phụ thuộc vào người xem là ai. Nhưng rõ ràng, nếu những cảnh nude hay sexy được thực hiện một cách có ý đồ, xuất hiện một cách hợp lý thì chắc chắn nó sẽ được khán giả chấp nhận như là một phần không thể thiếu của bộ phim.

"Bi, đừng sợ" từng được giới chuyên môn đánh giá cao, nhưng những cảnh nóng của "Bi, đừng sợ" vẫn khiến khán giả thấy đỏ mặt gai mắt và đương nhiên nhiều cảnh quay đã bị cắt bỏ sau khi ra rạp. Rất nhiều bộ phim đương đại trở thành tiêu điểm tranh luận của giới chuyên môn cũng như công chúng, nhất là sau khi bị cấm hay bị cắt trước khi chiếu rạp. "Hot boy nổi loạn...", "Bẫy cấp ba" là những trường hợp như thế.

Câu hỏi đặt ra cho nhà làm phim là: Tại sao, khi chưa mở cửa, khi "cơ chế" còn rất đóng, chúng ta (bao gồm khâu kiểm duyệt và khán giả) hết choáng lại sốc nhưng vẫn dễ dàng chấp nhận những cảnh nude, cảnh nóng của "Làng Vũ Đại ngày ấy" hay "Cô gái trên sông", thì lại tỏ ra khó chịu trước những cảnh sex của "Bi, đừng sợ"; "Hot boy nổi loạn...", "Bẫy cấp ba"…?

Câu trả lời có lẽ nằm ở thông điệp của nhà sản xuất muốn hướng tới là vì nghệ thuật hay câu khách bán vé? Và xa hơn, hẳn còn phụ thuộc vào tài năng chuyển tải thông điệp của chính họ. Trong khi câu hỏi chưa được trả lời thì VTV đã quyết định tiếp tục chiếu "Sex and the city" - bộ phim đề cập một cách trực diện về nhu cầu tình dục của phụ nữ

Thực tế thì trước đó, vào năm 2014, "Sex and the city" từng được kênh VTV2 phát sóng, mở màn cho khung giờ phim dành cho người lớn. Thế nhưng quyết định này đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ cả công chúng lẫn người làm nghề khiến cho VTV2 đành đột ngột dừng phát sóng series "Sex and the city" mà không đưa ra bất cứ lời giải thích nào. Khung giờ dành cho người lớn cũng vì thế mà chìm trong im lặng. Thế nhưng, ngay cả hiện nay, sau khoảng thời gian không ngắn để công chúng làm quen thì "Sex and the city" vẫn khiến dư luận tranh cãi… gay gắt.

Ở nhiều nước trên thế giới như Thổ Nhĩ Kỳ, Đài Loan, Thụy Sĩ, Thái Lan… đã có khung giờ từ 22 giờ đến 5 giờ sáng là khung "giờ vàng" cho thể loại 18+. Đài truyền hình của họ đã thực hiện điều này gần 10 năm qua và đang tiếp tục.

Nhưng còn ở nước ta, dư luận luôn chia ra thành hai luồng quan điểm, bên ủng hộ bởi cho rằng chiếu phim 18+ trên truyền hình là cách tốt để giáo dục giới tính; mặt khác việc này cũng không làm ảnh hưởng gì đến trẻ vì đó là giờ quá khuya, trẻ đa số đã ngủ. Phe này cũng phản biện lại ý kiến cho rằng không thể kiểm soát được đối tượng khán giả dưới 18 tuổi khi cho rằng, nếu muốn xem thể loại 18+, 21+ thì các em hoàn toàn có thể dễ dàng xem trên internet chứ không phải đợi đến khi chiếu trên tivi…

Ở phía dư luận phản đối lại cho rằng có nhiều cách để giáo dục giới tính chứ không nhất thiết phải chiếu phim 18+ trên sóng đài truyền hình quốc gia. Và vấn đề trái thuần phong mỹ tục Việt Nam cũng được nhiều người đưa ra để kêu gọi nên dừng khung giờ phát "phim người lớn" này lại.

Tuy nhiên, dù là ủng hộ hay phản đối thì hầu hết đều có chung một mối quan ngại là vấn đề kiểm soát đối tượng khán giả. Bởi dẫu là chiếu khung giờ muộn, 23 giờ, dẫu có dán nhãn cảnh báo 18+ nhưng làm sao có thể chắc chắn trẻ không xem?

Có nên tiếp tục bài xích?

Đạo diễn Phan Đăng Di từng cho biết, khi làm phim, anh thường quan tâm đến những vấn đề  liên quan đến đời sống của một con người, khiến họ vui sướng hay buồn khổ. Trong đó, sex là một nhu cầu tự nhiên và căn bản. Đạo diễn "Bi, đừng sợ" cũng không ngần ngại khẳng định ngay ở châu Á, Nhật Bản cũng là đất nước rất phát triển nền công nghiệp tình dục. Nhưng hãy nhìn người Nhật khi họ đi ra ngoài xem, có vì thế mà họ trở nên thấp kém không?

Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân.

Theo đạo diễn Nguyễn Thanh Vân thì cái quan trọng nhất chính là việc mà thế giới đã làm trước chúng ta từ rất lâu với nhiều nghiên cứu về tâm lý, sinh lý, nhận thức của người xem. Họ cân nhắc rất kĩ đến tâm lý lứa tuổi người xem, căn cứ vào đó để nhà sản xuất phim làm ra những sản phẩm phù hợp cho từng đối tượng.

Bên cạnh đó, việc phân loại phim theo lứa tuổi cũng là cách chúng ta quản lý việc nhập khẩu hay xuất khẩu phim theo quy định quốc tế. Thực tế, đối với các đạo diễn, sẽ không có tình trạng quá chú trọng đến những yếu tố tình dục hay kích thích trong những bộ phim 18+. Bởi theo tình hình hiện nay ở những kinh đô điện ảnh lớn, các đạo diễn đã và đang phải sửa chữa, phải cắt cúp, phải điều chỉnh lại phim của mình để mở rộng đối tượng khán giả tới những lứa tuổi 16+, 17+ chứ không chỉ phục vụ riêng cho lứa tuổi 18+.

Đạo diễn cũng không phủ nhận tình trạng cái gì càng cấm thì càng muốn xem, càng muốn biết, phim nào càng dán nhãn 18+ thì lại càng thu hút người xem. Nhưng tất cả tình trạng này sẽ chỉ diễn ra ở giai đoạn đầu khi chúng ta mới áp dụng hình thức dán nhãn phim theo lứa tuổi, bởi sau những tò mò ban đầu, khán giả của chúng ta sẽ tuân thủ theo đúng những nhãn phim theo lứa tuổi. Vì thế, ông khẳng định đã đến lúc chúng ta cần bắt kịp xu hướng của thế giới, không cần thiết quá e ngại cảnh nóng hay phim nóng.

"Thực ra, nếu để lo lắng thì có rất nhiều nỗi lo, nhưng không thể để nỗi lo, nỗi sợ khiến chúng ta không làm những việc đúng với tiến trình phát triển. Khán giả Việt không dễ đánh lừa như chúng ta nghĩ", đạo diễn của "Đời cát" khẳng định.

Đạo diễn Nhuệ Giang.

Còn theo đạo diễn Nhuệ Giang thì phải cởi bỏ suy nghĩ cố hữu về phim truyền hình. Đây được xem là một bước đi mới mẻ cho thể loại phim chiếu trên truyền hình. Bởi rõ ràng mục đích ở đây là giáo dục giới tính. Thời điểm chúng ta đang sống là thời đại mở cửa, những quan niệm cũng cần cởi mở hơn và cũng là lúc nghệ thuật cần phải đi sâu, đi sát hơn vào đời sống của con người. Việc chiếu những bộ phim 18+ trên sóng truyền hình, theo ông thấy ở các nước có nền điện ảnh phát triển khác họ đã làm từ lâu rồi.

Điều cơ bản là làm sao để phim 18+ không trở thành dung tục. Ông cho biết đã từng xem phim "Người đàn bà cuồng dâm", bộ phim này rõ ràng có rất nhiều cảnh "nóng". Nhưng không chỉ ông mà nhiều chuyên gia về điện ảnh đều thừa nhận đó là một bộ phim rất nghệ thuật, để lại cho người xem những ấn tượng sâu đậm, tính giáo dục chiến thắng sự dung tục.

Trong mỗi tác phẩm nghệ thuật có sử dụng cảnh nóng thì ranh giới giữa nghệ thuật và dung tục, khiêu dâm là rất mong manh. Vậy nên, cái mà mọi người cần khi nhà đài thực hiện ý tưởng này là để khán giả thưởng thức được chất nghệ thuật trong bộ phim đó. Còn lại, những lo sợ về hệ lụy do dòng phim này gây ra đối với đối tượng xem phim thì trước đây chúng ta đã có những suy nghĩ cố hữu rằng, nó không được chiếu trên truyền hình. Nhưng thực tế là có rất nhiều những sai lầm trước đây mà người lớn mắc phải khi che đậy "chuyện khó nói", đó là làm nảy sinh tính tò mò của các em nhỏ.

Từ tò mò, các em ham khám phá bằng cách chỉ sau một cái click chuột là các em có thể tiếp cận với mọi thứ… Rồi từ đó phát sinh những sai lầm, những rủi ro không đáng có. Và cũng chính tư tưởng cố hữu này đã hạn chế tính sáng tạo của các nhà làm phim… Vậy nên, đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận đúng đắn về vấn đề này, cần giáo dục một cách nghiêm túc về giới tính. Và ông kỳ vọng rằng nghệ thuật thứ 7 làm được điều đó.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng thì cho rằng không thể để nỗi lo, nỗi sợ khiến chúng ta không làm. Ông không nghĩ việc chiếu phim 18+ trên truyền hình sẽ ảnh hưởng tới giới trẻ bởi hiện nay trên kênh mạng xã hội, internet còn phức tạp hơn gấp nhiều lần. Tuy nhiên chúng ta cần cảnh báo. Việc cảnh báo nhằm mục đích để khán giả biết bộ phim như thế nào nên xem. Đó là công bằng cho người làm phim và cả khán giả.

Thường thì người ta dán nhãn hạn chế lứa tuổi hay cảnh báo thì họ sẽ không cắt những cảnh có yếu tố đó. Nói thật lòng thì cũng không đơn giản để làm ra những bộ phim như vậy đâu. Thậm chí, còn đòi hỏi đạo diễn có tay nghề rất cao. Như chúng ta lâu nay có quá nhiều quy định khiến nhiều bộ phim cắt đầu, cắt đuôi trở thành “người dị dạng”, thậm chí phim nhập cũng chịu chung số phận. Vậy nên, bản thân là người làm phim mà cũng mong muốn sẽ được xem những bộ phim với bản hoàn chỉnh.

Đạo diễn cho hay ở Mỹ có hiệp hội phụ huynh để đưa ra khuyến cáo và dán nhãn. Vì họ sẽ biết những gì con họ không nên xem. Nhưng đó là ở Mỹ, họ có một nền điện ảnh phát triển nhất thế giới, và quan trọng nữa là nền tảng văn hóa, việc giáo dục của họ cũng khác. Người Việt ta lại hay có tâm lý đám đông và thường tò mò.

Mặt khác phim có những đặc thù riêng, thường là các ranh giới rất mong manh, lại còn phụ thuộc vào cảm nhận của người xem. Chưa kể, đặc thù văn hóa của từng nước cũng không giống nhau nên cá nhân tôi cho rằng quan trọng là chúng ta làm thế nào để việc phân loại trở thành cánh cửa cho các đạo diễn sáng tạo ra nhiều bộ phim hay, xuất sắc chứ đừng để tạo ra một xu hướng ăn theo phim 18+.

Ngay chính phim Việt ra rạp, trong thời gian có sự kiểm duyệt gắt gao thì cũng không ít phim đã tranh thủ hướng tác phẩm của mình đến những đề tài nhạy cảm. Thậm chí không ít phim còn tranh thủ tiếp cận theo hướng dung tục.

Vì thế, một dòng phim 18+ trong tương lai gần như chắc chắn sẽ xảy ra, vấn đề chỉ còn là chúng ta ứng xử với việc này như thế nào khi mà một số lượng lớn khán giả VN ít có sự tự giác tuân theo quy định! Theo đạo diễn thì chắc chắn giai đoạn đầu chúng ta sẽ phải đối phó với không ít khó khăn, nhưng dần dần nó trở thành chuyện bình thường thì sẽ quen đi. Cũng đã đến lúc chính bản thân mỗi người Việt chúng ta phải tự học cách biết đọc, biết xem có chọn lọc…

Trần Mỹ Hiền
.
.