Bảo hiểm nhân thọ - Những quả tù mù

Thứ Hai, 15/12/2014, 11:45
Từ khi nền kinh tế khá lên, nhiều người ở nước ta đã nghĩ đến những rủi ro có thể xảy ra với mình trong tương lai. Vì vậy, họ ký hợp đồng với một số công ty bảo hiểm, mua loại hình bảo hiểm nhân thọ để nếu chẳng may gặp họa thì cũng không phải lo lắng chi phí tiền bạc.

Tuy nhiên, cũng có khá nhiều người do không tìm hiểu kỹ hợp đồng, hoặc do quá tin tưởng vào những lời thuyết phục "có cánh" của một số tư vấn viên nên khi xảy ra sự cố, món tiền mà hãng bảo hiểm chi trả chỉ là một "quả tù mù!".

Vài trường hợp ăn quả tù mù

Ngày 30/3/2011, ông Phan Vũ C., sinh năm 1963, kỹ sư xây dựng ở quận 11, TP HCM đã ký một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ trị giá 800 triệu đồng với Công ty Bảo hiểm D. (Cty D.). Cho đến ngày ông C. qua đời vào ngày 30/4/2012 vì nhồi máu cơ tim cấp, phù phổi cấp, ông C. đã đóng cho Cty D. 3 đợt, tổng cộng 90,6 triệu đồng.

Một nữ tư vấn viên đang thuyết phục khách hàng mua bảo hiểm.

Trước đó, ngày 8/1/2011 ông C. đã đi kiểm tra sức khỏe tại Bệnh viện (BV) Hoàn Mỹ. Kết quả chẩn đoán cho thấy ông bị dày thất trái, hở van hai lá… Từ ngày 9/1 đến ngày 29/1/2011, ông C. được chẩn đoán và điều trị bệnh cao huyết áp, tiểu đường và rối loạn chuyển hóa mỡ máu.

Sau khi ông C. mất, vợ ông là bà M.T đã đến Cty D. để làm thủ tục bồi thường vì hợp đồng bảo hiểm của chồng bà với Cty vẫn còn đang còn hiệu lực. Tuy nhiên, theo thông báo giải quyết quyền lợi bảo hiểm của Cty D. gửi bà M.T., thì nơi này từ chối chi trả vì ông C. đã không khai báo trung thực tình trạng sức khỏe của mình trước lúc ký hợp đồng: "Khi ký giấy yêu cầu bảo hiểm ngày 21/3/2011, ông Phan Vũ C. đã khai báo tình hình sức khỏe của mình là hoàn toàn bình thường, không điều trị bằng bất kỳ loại thuốc nào, chưa từng mắc phải hoặc điều trị bệnh tăng cholesterol, cao huyết áp, bệnh van tim hoặc bất kỳ rối loạn ở tim hoặc mạch máu và bệnh tiểu đường… Từ cơ sở này, Cty quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng, đồng thời căn cứ vào việc khai báo không trung thực, vi phạm hợp đồng, công ty không chi trả bất cứ khoản phí bảo hiểm  nào mà bên mua đã đóng, chỉ chi trả giá trị hoàn lại của hợp đồng là 2,9 triệu đồng…".

Trước sự việc tù mù này, bà M.T. đã làm đơn khiếu nại, gửi lãnh đạo Cty D.. Trong đơn, bà M.T. chứng minh rằng trước khi ký hợp đồng, chồng bà - là người mua bảo hiểm, và bà - là người thụ hưởng đã được kiểm tra sức khỏe tại một cơ sở y tế do Cty chỉ định. Kết quả cho thấy ông C. sức khỏe tốt (?!). Bà M.T. nói: "Từ kết quả ấy, Cty mới ký hợp đồng bảo hiểm với chồng tôi. Nếu cho rằng chồng tôi có bệnh trước khi tham gia bảo hiểm nhưng không khai báo thì tại sao cơ sở y tế do Cty chỉ định lại không phát hiện ra, mà nói rằng chồng tôi sức khỏe tốt. Phải chăng, đây là cách để họ rũ bỏ trách nhiệm với khách hàng?".

Để trả lời, một phó tổng giám đốc nghiệp vụ của Cty D. cho rằng "do khách hàng đang uống thuốc điều trị nên các kết quả kiểm tra y tế không thể phát hiện ra bệnh". Thế nhưng lúc trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Mai Đức Huy, chuyên khoa tim mạch, hiện công tác tại BV An Bình TP HCM đã cho biết: "Đúng là một số bệnh như tiểu đường, cao huyết áp, rối loạn mỡ máu nếu điều trị đúng phác đồ thì khi kiểm tra có thể không phát hiện ra. Nhưng với các bệnh lý như dày thất trái, hở van hai lá thì không một loại thuốc nào có thể làm mỏng thất - hoặc thu hẹp van hai lá lại được, và việc kiểm tra qua siêu âm hoàn toàn có thể biết rõ".

Theo nhận định của giới chuyên môn, trước khi ký hợp đồng, các công ty bảo hiểm đều yêu cầu khách hàng phải thẩm định sức khỏe tại một cơ sở y tế nào đó do họ chỉ định. Nếu kết quả tốt, họ mới ký, còn không thì… nghỉ chơi! Tuy nhiên, khi người mua bảo hiểm tử vong vì bệnh tật vốn đã có từ trước, nhiều nơi lại phủi tay với kết quả thẩm định sức khỏe do chính họ chỉ định để từ chối bồi thường.

Một trường hợp khác: Ngày 15/11/2011, ông Trần Hậu T. ký hợp đồng mua bảo hiểm "an phát trọn đời" với Công ty Bảo hiểm B. (Cty B) với mức phí 10 triệu đồng/năm. Đến ngày 16/3/2014 - nghĩa là sau hai năm rưỡi mua bảo hiểm, ông T. qua đời vì bệnh. Tổng số tiền mà ông đã đóng cho Cty B. là 25 triệu đồng.

Sau khi ông T. mất, con trai ông đã làm thủ tục gửi Cty B., đề nghị giải quyết chế độ bảo hiểm cho cha mình theo hợp đồng. Tuy nhiên, ngày 7/5/2014, Cty B. có công văn từ chối, và gia đình ông T.  không được nhận được bất kỳ một khoản nào - kể cả khoản tiền gốc mà ông T. đã đóng cho Cty! Giải thích về điều này, một lãnh đạo của Cty B. cho biết, lúc ông T. mua bảo hiểm thì nhân viên Cty đã hướng dẫn khai đúng sự thật về sức khỏe bản thân, nhưng có một số nội dung ông T. khai không đúng. Do đó, Cty B. khẳng định người mua đã vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin theo các điều khoản trong hợp đồng. Vẫn theo Cty B., trong quá trình xác minh nhằm xem xét giải quyết quyền lợi bảo hiểm đối với rủi ro tử vong xảy ra với ông T., Cty B.  thu thập được thông tin, rằng ông T. đã điều trị bệnh phổi từ trước khi tham gia bảo hiểm.

Tuy nhiên, bệnh án tại BV nơi ông T. điều trị thì lại kết luận rằng ông chết do nhồi máu cơ tim trên cơ địa có hội chứng tắc nghẽn phế quản phổi (COPD). Ở đây, câu hỏi đặt ra là khi ông T. mua bảo hiểm - và cho dù ông có khai thế nào chăng nữa - thì tại sao Cty B. lại không kiểm tra sức khỏe của ông để hoặc bán bảo hiểm cho ông nếu ông hoàn toàn khỏe mạnh,  hoặc không bán nếu ông có bệnh mãn tính. Đến khi ông chết, Cty lại cho rằng ông "khai không trung thực" rồi từ chối trả tiền? 

Bảo hiểm nhân thọ là gì?

Hiểu một cách đơn giản, bảo hiểm nhân thọ là sự cam kết giữa công ty bảo hiểm với người tham gia bảo hiểm mà trong đó, công ty bảo hiểm có trách nhiệm trả tiền cho người tham gia khi họ gặp phải những sự kiện đã được nêu trong hợp đồng, chẳng hạn như chết, tai nạn gây thương tật giai đoạn hoặc thương tật vĩnh viễn, ốm đau, hết hạn hợp đồng, sống đến một thời gian nhất định nào đó. Về phía người tham gia bảo hiểm, họ có trách nhiệm nộp phí bảo hiểm đầy đủ và đúng thời hạn.

Nên tìm hiểu kỹ từng điều khoản trong hợp đồng trước khi ký.

Thế nhưng, không phải ai cũng có thể đọc và hiểu hết từng điều khoản trong hợp đồng bảo hiểm. Phần lớn người mua bảo hiểm chỉ quan tâm đến quyền lợi mà họ được hưởng còn về phần nghĩa vụ, thường thì họ chỉ nghe theo lời giải thích của tư vấn viên. Chị Ngân, tư vấn viên của Cty Bảo hiểm P. cho biết: "Khi mời mua bảo hiểm, tư vấn viên thường viện dẫn những điều khoản có lợi nhất để nói cho khách hàng nghe, còn những điều bất lợi thì họ… làm lơ, để khách tự tìm hiểu. Trong hợp đồng bảo hiểm, nghĩa vụ của người mua được quy định nhiều hơn phần quyền lợi, và được viết bằng những từ ngữ chuyên môn nên người bình thường khó mà hiểu rõ. Bên cạnh đó, chẳng tư vấn viên nào lại không muốn khách hàng mua bảo hiểm của công ty mình vì cứ mỗi hợp đồng bán được, họ được hưởng một khoản tiền hoa hồng nên cách giải thích của họ về nghĩa vụ của khách hàng rất chung chung, khiến khách hàng không hề biết rằng mình cũng có trách nhiệm thực thi những nghĩa vụ phức tạp nên nếu chẳng may xảy ra tử vong, thương tật, ốm đau…, thì sự thiệt thòi cho người mua là rất lớn...". 

Một trường hợp phải chịu thiệt thòi là chị P., nhà ở quận 6, TP HCM. Trước đó, chồng chị mua bảo hiểm nhân thọ với thời hạn 15 năm. Cứ mỗi năm, anh phải đóng 4 kỳ, tổng cộng gần 20 triệu đồng. Được một năm rưỡi, anh mất trong một tai nạn. Do chồng là lao động chính, chị P. không còn khả năng đóng tiếp. Làm đơn đề nghị lấy lại số tiền chồng mình đã đóng thì công ty bảo hiểm gửi thông báo hủy hợp đồng với lý do "chị có đủ điều kiện về thừa kế nhưng chị không tiếp tục đóng nên công ty từ chối chi trả".

Về mặt lý thì công ty bảo hiểm không sai. Tuy nhiên theo lời chị P. thì khi còn sống, chồng chị đã đưa chị xem bản hợp đồng, trong đó có điều khoản: "Khi chủ hợp đồng chết trong thời hạn hợp đồng bảo hiểm còn hiệu lực, người thừa kế hợp pháp của chủ hợp đồng có quyền thừa kế toàn bộ quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến hợp đồng này với điều kiện người thừa kế hợp pháp của chủ hợp đồng hội đủ các điều kiện quy định. Nếu các điều kiện trên đây không được đáp ứng, hợp đồng bảo hiểm sẽ mất hiệu lực, công ty bảo hiểm sẽ trả lại cho người thừa kế hợp pháp của chủ hợp đồng giá trị nào cao hơn của toàn bộ phí bảo hiểm đã thu, hoặc giá trị giải ước tại thời điểm chủ hợp đồng chết". Chị nói: "Đọc xong điều khoản đó, tôi cảm thấy yên tâm vì nếu chẳng may chồng tôi chết, tôi sẽ được nhận lại toàn bộ chi phí bảo hiểm đã thu hoặc giá trị giải ước tại thời điểm chồng tôi chết". Thế nhưng, chính vì cụm từ "người thừa kế hợp pháp của chủ hợp đồng có quyền thừa kế toàn bộ quyền lợi và nghĩa vụ liên quan…" lại chẳng được ai giải thích rõ ràng cho chị hiểu, rằng chị có "nghĩa vụ" phải đóng tiếp tiền cho chồng nếu chồng chị chết nên mới xảy ra cơ sự!

Một trường hợp khác là anh K. Do làm việc trong một xưởng sản xuất cơ khí, nguy cơ tai nạn luôn rình rập nên nghe lời một tư vấn viên bảo hiểm, anh mua gói bảo hiểm tàn tật. Anh nói: "Tôi đã đóng được 4 năm, tổng cộng hơn 40 triệu đồng thì bị một thanh sắt đè trúng chân, gãy xương". Phải mổ 2 lần để đóng đinh cố định rồi bó bột suốt 3 tháng, nhưng khi anh yêu cầu bảo hiểm thanh toán thì nơi này từ chối với lý do anh mua "bảo hiểm tàn tật" nên chỉ khi nào anh mất hẳn chân tay hoặc mù mắt… thì bảo hiểm mới chi trả. Còn gãy chân là "thương tật hoàn toàn có thể phục hồi!".

Cần làm gì khi muốn mua bảo hiểm nhân thọ?

Theo chị Ngân, tư vấn viên của Cty Bảo hiểm P., trước khi mua bảo hiểm, người mua nên yêu cầu nhân viên tư vấn giải thích rõ từng điều khoản trong hợp đồng, nhất là các điều quy định về nghĩa vụ của người mua. Nếu thấy nhân viên tư vấn trả lời mập mờ, hoặc nói chung chung thì hãy khoan đặt bút ký kết, mà nên mang bản hợp đồng ấy hỏi những người có chuyên môn, kinh nghiệm. Chị kể: "Tôi đã gặp trường hợp một cặp vợ chồng ở Tiền Giang, mua bảo hiểm trọn đời của một công ty bảo hiểm, thời gian đóng là 20 năm, mỗi năm đóng một lần 7 triệu. Sau 9 năm, đóng được 63 triệu, do kinh tế gia đình khó khăn, họ muốn ngừng hợp đồng vì trước lúc ký, tư vấn viên đã cho họ biết rằng "sau khi đã đóng đủ 2 năm thì từ năm thứ 3 trở đi, muốn ngừng lúc nào cũng được, công ty sẽ hoàn lại tiền". Thế nhưng, lúc đề nghị thanh lý hợp đồng, công ty bảo hiểm cho biết đây là gói bảo hiểm trọn đời nên nếu ngừng lại, họ sẽ không được nhận một đồng nào hết! Còn nếu tiếp tục đóng nữa thì tiền sẽ được cộng tiếp....

Một điều nữa, theo chị Ngân thì sau khi ký hợp đồng, tuyệt đối không đóng tiền trực tiếp cho tư vấn viên dù đó là người thân quen, mà nên đóng cho văn phòng hoặc đại lý chính thức của công ty bảo hiểm vì đã xảy ra trường hợp tư vấn viên gom tiền của khách hàng rồi… biến mất. Chị Ngân nói: "Một số công ty bảo hiểm chi "hoa hồng" cho tư vấn viên 40% trên tổng số tiền mà khách hàng đóng trong năm đầu tiên nhưng sau đó, khoản "hoa hồng" này ngày càng thấp dần nên sau khi thu của khách hàng một vài đợt, tư vấn viên bỏ luôn. Về phía công ty bảo hiểm, khi thấy khách hàng không đóng tiền đúng hạn, họ hủy hợp đồng còn về phía khách hàng, do không thấy tư vấn viên đến thu nên họ tưởng rằng… có trễ cũng chẳng hề gì!". Hậu quả là số tiền đã đóng coi như mất trắng.

Vũ Cao
.
.