Bảo tồn, tôn vinh di sản văn hóa phi vật thể: Muộn còn hơn không…

Thứ Sáu, 26/12/2014, 11:15
Chỉ còn hơn 1 tuần nữa sẽ đến hạn chót đợt nhận hồ sơ xét tặng Nghệ nhân nhân dân (NNND), Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đưa ra trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể (Theo nghị định 62 của Chính phủ). Rất nhiều nghệ nhân cũng như những người tâm huyết trong lĩnh vực này mong chờ những kết quả tốt đẹp sẽ đến, bởi vì đã quá lâu họ chờ đợi được ghi nhận, được vinh danh mà cả đời làm nghề họ cống hiến.

Việc bảo tồn các giá trị văn hóa cổ truyền nói chung, trong đó có Văn hóa phi vật thể nói riêng cần phải quan tâm hàng đầu trước nguy cơ đang bị mất đi nhanh chóng trong sự biến đổi xã hội theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với các cấp quản lý trong lĩnh vực này.

Ông Nông Quốc Thành (Phó Cục trưởng Cục Di sản Bộ VH-TT&DL):

Thực tế thì Cục Di sản là cấp quản lý nhà nước về các vấn đề di sản, còn từ xưa đến nay, các vấn đề khen thưởng… lại thuộc quyền quản lý của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Tuy nhiên, thời gian qua Cục cũng đã phê duyệt, triển khai nhằm phát huy các giá trị của văn hóa phi vật thể. Đặc biệt chúng tôi cũng chỉ đạo sát sao các địa phương có di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận phải bám theo chương trình hành động trong hồ sơ đã đệ trình lên UNESCO, tùy vào điều kiện kinh tế, xã hội của tỉnh mình để có thể thực hiện tốt nhất các vấn đề bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể.

Về việc vinh danh, khi Nghị định 62 của Chính phủ có hiệu lực, chúng tôi sẽ chỉ đạo các địa phương thực hiện theo các quy chế về việc vinh danh các NNND, NNưT đúng với các khung đã đưa ra. Có những ý kiến cho rằng, có thể việc ban hành, thực thi nghị định muộn khiến một số nghệ nhân lớn tuổi chưa kịp hưởng quyền lợi đã ra đi, điều này chúng tôi cũng biết và nắm rất rõ, tuy nhiên, đưa ra một chính sách thì phải rộng khắp, tuần tự, nội dung phải phù hợp không thì sẽ bị chồng chéo lên nhau. Không có cách nào khác, chúng ta phải chờ đợi mà thôi.

PSG.TS Đặng Văn Bài (Phó Chủ Tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, đại diện của Việt Nam trong Ủy ban Di sản thế giới):

Trước đây, do nhận thức chưa đầy đủ về di sản văn hóa phi vật thể, coi nó chỉ là một bộ phận mang tính chức năng của di sản văn hóa vật thể mà không phải là một dạng di sản có tính độc lập tương đối. Vì thế, việc bảo vệ và phát huy giá trị chưa được quan tâm thỏa đáng, dẫn đến tình trạng nhiều giá trị văn hóa phi vật thể bị biến dạng và thậm chí còn bị mai một, thất truyền.

Chỉ sau cuộc họp Đại hội đồng lần thứ 32, UNESCO đã thông qua Công ước Bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể, chúng ta mới có cách tiếp cận tương đối toàn diện về loại hình di sản văn hóa này. Tuy nhiên, trong thực tế từng quốc gia vẫn có cách định nghĩa và phân loại riêng, phù hợp với điều kiện lịch sử và văn hóa của mình.

Ở Việt Nam, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được coi là hai bộ phận hữu cơ cấu thành kho tàng di sản văn hóa dân tộc. Chúng luôn gắn bó mật thiết, có tác động tương hỗ và tôn vinh lẫn nhau, nhưng vẫn có tính độc lập tương đối. Đặc biệt, di sản văn hóa phi vật thể, tồn tại phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức và hành vi của các chủ thể sáng tạo văn hóa và chủ sở hữu di sản.

Trong những trường hợp cá biệt, chủ thể sáng tạo văn hóa và chủ sở hữu di sản là một cộng đồng cư dân, thì ý chí, khát vọng, nhu cầu, thậm chí lợi ích của họ cũng có tác động không nhỏ đến sự tồn vong của di sản văn hóa phi vật thể. Và chính họ là nhân tố quyết định những di sản văn hóa phi vật thể nào cần được bảo tồn, phương cách bảo tồn, sử dụng và khai thác chúng nhằm thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ văn hóa của cá nhân và cộng đồng. Muốn bảo tồn di sản văn hóa, trước hết phải nắm vững vốn văn hóa dân tộc mà ta đang kế thừa và đặc biệt là phải nhận biết những giá trị văn hóa tiêu biểu cần được bảo vệ và phát huy.

Sự kết hợp sức mạnh tổng hợp của các nhà quản lý, nhà khoa học, của doanh nhân (chủ yếu trong lĩnh vực du lịch) và từng thành viên cộng đồng làng xã có vai trò quyết định sự tồn vong của di sản văn hóa. Vì thế, Nhà nước chỉ nên đóng vai trò định hướng và hướng dẫn. Việc nhận diện giá trị, lựa chọn các loại hình di sản cần được bảo vệ, phương pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa thì nên trao lại cho chính các chủ thể văn hóa - những người đã sáng tạo và hiện đang sử dụng, khai thác và bảo vệ chúng.

GS.TSKH Lưu Trần Tiêu (Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH-TT&DL):

Có một thời gian dài vấn đề tôn vinh nghệ nhân được giao cho Bộ Công thương (cùng với ngành nghề thủ công truyền thống), đến vừa rồi, mới giao cho Bộ VH-TT&DL chủ trì. Vì lằng nhằng mấy năm trời như thế nên việc trao tặng các danh hiệu cho các nghệ nhân bị muộn. Thật ra, tôi cho rằng, xét duyệt cái này không thể máy móc như NSND - NSƯT được, ví dụ tham gia trong ngành bao nhiêu năm, bao nhiêu huy chương vàng, huy chương bạc… mà xét trên cơ sở thực tiễn của họ, xem cộng đồng có chấp nhận hay không, rồi họ đã có những cống hiến thời gian qua ra làm sao, đào tạo đối với nghệ nhân trẻ như thế nào, có những đóng góp gì cho bảo tồn phát huy di sản… Tuy nhiên, nói gì thì nói, ý kiến của tôi cũng chỉ là một ý kiến, còn phải nằm trong quy định, quy chế chung.

Cũng có nhiều tỉnh làm tốt, ví dụ như Bắc Ninh chẳng hạn. Chính quyền đã trích ra một số tiền nhất định để hỗ trợ cho nghệ nhân một tháng bao nhiêu tiền… Các anh bí thư, chủ tịch tỉnh phải mạnh tay chi như thế thì mới giúp các nghệ nhân ổn định cuộc sống, chứ mà chờ quỹ quốc gia thì rất khó, rất nhiều quy trình… Dù các nghệ nhân không phải sống nhờ tiền hỗ trợ nhưng mình hỗ trợ một phần nào đó thể hiện sự quan tâm thì tinh thần của họ sẽ ổn định hơn và yên tâm để giữ gìn di sản trọn vẹn.

Nhạc sĩ Hồ Hữu Thới (Quỹ Hỗ trợ bảo tồn Di sản Văn hóa Việt Nam):

Với phương châm "Người Việt Nam chung tay hành động vì di sản văn hóa Việt Nam", Quỹ Hỗ trợ bảo tồn Di sản văn hóa Việt Nam là "nhịp cầu văn hóa" gắn kết di sản văn hóa với cộng đồng. Nhiều tổ chức cá nhân quan tâm đến việc bảo vệ di sản, trong đó có di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt là việc hỗ trợ các nghệ nhân có những đóng góp cho cộng đồng. Dù chỉ mới đi vào hoạt động được nửa năm, song tôi có thể nói rằng, cộng đồng là nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời, cộng đồng cũng luôn có tấm lòng và tình yêu với di sản văn hóa, họ luôn sẵn sàng chia sẻ trí tuệ, nguồn nhân lực và tài chính cho sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa dân tộc.

Chỉ có điều, chúng ta sẽ phải xây dựng một cơ chế, chính sách thế nào cho phù hợp với tiêu chí đề ra mà thôi. Nói đến bảo tồn, tôi nghĩ có hai dạng, bảo tồn trong dạng "tĩnh", tức tiến hành điều tra sưu tầm, thu thập các dạng thức văn hóa phi vật thể như nó hiện có theo quy trình khoa học nghiêm túc, chặt chẽ, "giữ" chúng trong sách vở, các ghi chép, mô tả trong các băng hình (video), băng tiếng (audio), ảnh... Tất cả các hiện tượng văn hóa phi vật thể này có thể lưu giữ trong các kho lưu trữ, các viện bảo tàng, các viện nghiên cứu ở trung ương và địa phương.

Đó là "phiên bản" giúp ta sau này căn cứ trên đó có thể nghiên cứu, phục hồi các hiện tượng đã bị mai một. Bảo tồn "động", tức bảo tồn các hiện tượng văn hóa phi vật thể đó ngay chính trong đời sống cộng đồng. Cộng đồng chính là môi trường không chỉ sản sinh ra các hiện tượng văn hóa phi vật thể mà còn là nơi tốt nhất bảo tồn, làm giàu  và phát huy nó trong đời sống xã hội.

Tuy nhiên, hiện tại có một nghịch lý là nhiều hiện tượng văn hóa, nhất là văn hóa phi vật thể vốn là của nhân dân sáng tạo ra nay lại "xa lạ" với họ, thậm chí nay chỉ tìm thấy trên sách vở của các nhà nghiên cứu, do vậy, để bảo tồn chúng trong đời sống, chúng ta lại phải đưa nó trở lại với nhân dân "xã hội hóa" nó. Tôi cho rằng, văn hóa phi vật thể là văn hóa tiềm ẩn trong tâm thức và trí nhớ của một số người, mà lâu nay chúng ta mệnh danh họ là những nghệ nhân hay là những "báu vật sống".

Do vậy, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể còn đồng nghĩa với việc "bảo tồn" các "báu vật sống" đó. Đó chính là việc nhà nước, cộng đồng thừa nhận những tài năng dân gian đó, tôn vinh họ trong cộng đồng, tạo những điều kiện tốt nhất trong hoàn cảnh có thể, để họ sống lâu, sống khỏe mạnh, phát huy khả năng của mình trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong điều kiện xã hội hiện đại hóa và công nghiệp hóa ngày nay.

NSƯT Phạm Tiến Dũng (Phó Giám đốc sở VH-TT&DL Nghệ An):

Sau khi ví, dặm được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, các hoạt động bảo tồn, phát huy di sản được tiếp tục đẩy mạnh một cách bài bản với lộ trình từ nay đến năm 2020. Mục tiêu là ví, dặm phải sống trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

Hiện tại, ở Nghệ An - Hà Tĩnh có trên 70 câu lạc bộ ví dặm với trên gần 1.000 nghệ nhân, chưa tính những người làm chuyên nghiệp ở hai tỉnh (ở Nghệ An có trung tâm bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ nghệ, ở Hà Tĩnh có Nhà hát truyền thống Hà Tĩnh). Chúng tôi cũng đưa ra chiến lược cụ thể về các chính sách dành cho nghệ nhân lớn tuổi cũng như bồi dưỡng thêm về chuyên môn cho lớp trẻ. Bởi vì hiện nay lớp trẻ đã có sự thay đổi về quan niệm, thị hiếu âm nhạc, môi trường xã hội có nhiều thay đổi, thế hệ trẻ đam mê các thể loại âm nhạc hiện đại, không còn mặn mà với các loại hình nghệ thuật truyền thống, một bộ phận giới trẻ ít am hiểu về văn hóa truyền thống. Các nghệ nhân nắm vững bài bản đã thưa vắng dần; những người có thể sáng tác lời mới cho dân ca cũng không nhiều.

Đây là khó khăn đối với bảo tồn, phát triển dân ca nói chung ở các vùng miền, và ví, dặm cũng nằm trong tình trạng ấy. Ngày 31/1/2015 tới đây chúng tôi sẽ tổ chức lễ đón nhận bằng công nhận dân ca ví, dặm là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại tại tỉnh Nghệ An và thực sự đây là một điểm sáng văn hóa để chúng tôi có thể nối tiếp được truyền thống cha ông cũng như chung tay để giữ gìn một di sản đã được vinh danh của nhân loại. Cùng với cộng đồng, chúng tôi chắc chắn mình sẽ làm được và làm tốt điều đó.

Trần Hoàng Thiên Kim (thực hiện)
.
.