Bí mật cơ thể của các nhân vật nổi tiếng thời Victoria
Ngón tay trỏ của Thủ tướng Anh
Ông William Gladstone thiếu một ngón tay trỏ bên bàn tay trái. Ông mất ngón tay này trong một tai nạn bắn súng khi còn trẻ. Tuy nhiên, nhìn vào bất kỳ bức chân dung nào của ông Gladstone người ta lại thấy ông có đầy đủ cả mười ngón tay.
Sự thật là những nhân vật quan trọng thời Victoria (1837-1901) cảm thấy có điều gì đó không phù hợp khi thủ tướng lại mất một ngón tay. Do vậy, các họa sĩ vẽ chân dung đã ngầm thống nhất là vẽ thêm ngón tay bị mất cho ông Gladstone. Trong khi đó, những người cùng thời với ông Gladstone lại không dám thắc mắc vì đây là chuyện tế nhị.
Đối với hầu hết sử gia, chuyện này sẽ chẳng có giá trị mấy, có chăng chỉ là một câu ghi chú về Thủ tướng Gladstone. Tuy nhiên, đối với Kathryn Hughes, đây là khởi đầu cho quá trình khám phá thú vị về cách người thời Victoria nhìn nhận cơ thể của mình và người khác.
Đối với phần lớn các nhà viết tiểu sử thời Victoria, nhân vật của họ hầu như không có đặc điểm gì về hình thể. Các nhân vật được viết tiểu sử “bị rút cạn máu”, như “búp bê nhồi cám”, kể lại một cách vô hồn về những câu chuyện trong cuộc đời họ. Lý do không có gì khó hiểu. Các tiểu sử gia thời Victoria càng viết ít về hình thể của nhân vật thì họ càng không phải đề cập tới chức năng của cơ thể. Do đó, tác giả Hughes đã “đắp thịt” vào “bộ xương già cỗi” của các nhân vật bằng cách tập trung vào 5 bộ phận cơ thể.
Câu chuyện liên quan cái bụng của nữ hoàng
Năm 1839, Lady Flora Hastings, một nữ quý tộc là thị nữ của mẹ Hoàng hậu Victoria đã mắc một căn bệnh bí ẩn phải nằm liệt giường. Chẳng bao lâu sau, tin đồn bắt đầu bay nhanh giữa những người thời đó vốn không thích Lady Flora rằng cô ta có thai. Người ta nói rằng bụng Flora đã to bất thường.
Lady Flora phẫn nộ bác bỏ mình có thai nhưng tin đồn vẫn dai dẳng không dứt. Bác sĩ hoàng gia, một tay lang băm bất tài, tự tin tuyên bố rằng Lady Flora bị táo bón. Trùng hợp kỳ lạ là khi bụng Lady Flora ngày càng to hơn thì bụng Nữ hoàng Victoria cũng vậy dù với nguyên nhân dễ thấy hơn. Thủ tướng Lord Melbourne ý nhị nói rằng Nữ hoàng cần kiểm soát cân nặng bằng cách chỉ ăn khi nào đói. Đáp lại, bà nói bà sẽ ăn cả ngày.
Trong khi đó, tình trạng của Lady Flora ngày một xấu hơn. Cô đã gần như hói hoàn toàn và buộc phải trải qua một cuộc kiểm tra xấu hổ trước mặt vài thành viên trong hoàng gia. Mặc dù Lady Flora được tuyên bố là “còn nguyên vẹn” nhưng điều này cũng không an ủi cô là mấy và cô đã chết không lâu sau đó, rõ ràng là bị ung thư.
Bộ râu che vết chàm của Darwin
Cùng thời gian xảy ra tin đồn về bụng của Lady Flora, nhà tự nhiên học Charles Darwin cũng có vấn đề về cơ thể. Ông quyết định nuôi râu. Bề ngoài, không có gì kỳ lạ về việc này vì phần lớn nam giới thời Victoria đều có râu, càng rậm càng tốt. Theo quan niệm thời này, những bộ râu có những tác dụng huyền bí như đánh tan cơn đau răng, phòng ngừa quai bị và thậm chí còn kéo dài tuổi thọ.
Tuy nhiên, bộ râu cũng là nguồn cơn gây nên một số tình huống xã hội dở khóc dở cười. Khi họa sĩ Thomas Woolner tình cờ gặp họa sĩ Dante Gabriel Rossetti ở công viên Holland tại London một hôm nọ, họ để râu rậm tới mức thậm chí không nhận ra nhau.
Tuy nhiên, tới thời nhà bác học Darwin, để râu không còn là thời thượng nữa, nhưng ông quyết tránh xa chiếc dao cạo. Nguyên nhân là vì Darwin có một điều để che giấu: căn bệnh chàm bội nhiễm.
Một số nhân vật thời Victoria nổi tiếng khác cũng từng dùng râu để che giấu một số thứ. Nhà văn Charles Dickens nuôi râu để che đi cái cằm yếu ớt. Nhà thơ Alfred Tennyson để râu nhằm không cho ai chú ý tới việc mình bị sâu răng. Tuy nhiên, bộ râu của Darwin mới là vô địch khi nó dài tới 22 cm xuống tận ngực.
Đôi bàn tay của nhà văn George Eliot
Ai từng gặp nhà văn George Eliot đều đồng ý rằng bà trông rất bình thường. Tuy nhiên, có một đặc điểm gây tranh cãi, khiến những người yêu mến bà ngạc nhiên, đó là bàn tay phải to hơn bàn tay trái.
Theo một số nhân chứng, bàn tay phải của bà Eliot to một cách bất thường do hồi còn bé, bà thường xuyên phải dùng tay này để đánh bơ ở cửa hàng bơ sữa. Nhiều người khác không tin là bà từng phải lao động chân tay và coi giải thích này là điều vô lý.
Trong tiểu sử của mình, chồng bà Eliot từng nói bà có “đôi bàn tay cân đối, mảnh mai”. Tuy nhiên, không phải ai cũng tin vào điều đó. Mãi tới khi chiếc găng tay phải cỡ 6 bé xíu của bà Eliot xuất hiện cách đây vài năm, tin đồn về bàn tay ngoại cỡ mới bị dập tắt.
Qua cuộc tranh cãi về bàn tay của nhà văn Eliot, người ta thấy rằng quan điểm khi viết tiểu sử đã thay đổi nhiều. Người dưới thời Nữ hoàng Victoria cho rằng bất kỳ điều gì không hoàn hảo hoặc những chuyện như thiếu ngón tay cần phải bị che giấu trong những bức tranh. Bây giờ, xu hướng lại ngược lại. Các nhà viết tiểu sử tìm mọi điều không hoàn hảo để vẽ chân dung các nhân vật, khiến họ trở nên thật hơn.
Bằng lối viết sinh động, tác giả Kathryn Hughes đã thành công lớn khi tái hiện lại các nhân vật trong cuốn sách mà chỉ cần tập trung vào một bộ phận cơ thể của họ.