Bộ sưu tập chân dung văn nghệ sĩ và cuộc hội ngộ thầy trò lịch sử
Nhắc đến Nguyễn Đình Phúc, người ta sẽ nghĩ ngay đến những nhạc phẩm bất hủ như “Tiếng đàn bầu”, “Cô lái đò”… Hiển nhiên rồi, bởi đó là những tác phẩm đã khẳng định được chỗ đứng trong đời sống cũng như lịch sử âm nhạc Việt Nam. Nhưng vẫn còn một Nguyễn Đình Phúc khác vô cùng tài hoa trong khí nhạc, trong nghiên cứu, trong hội họa mà đặc biệt là bộ tranh của ông vẽ chân dung nhiều văn nghệ sĩ - danh nhân đương thời, với số lượng hơn 120 bức có một không hai.
Năm vừa qua ghi một dấu ấn vui với gia đình cố nhạc sĩ tài danh Nguyễn Đình Phúc bởi có một tác phẩm của ông đã được tìm thấy, sau hơn 40 năm lưu lạc. Tác phẩm có tên là "Hữu ngạn sông Thao".
Nhạc sĩ Nguyễn Việt Bình, con trai nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc, hiện là Trưởng khoa Chỉ huy dàn nhạc - Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam kể rằng, việc tìm thấy "Hữu ngạn sông Thao" là rất tình cờ. Mặc dù cả gia đình đã có ý thức sưu tầm và lưu giữ mọi tư liệu liên quan đến nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc, song trước đó, không ai trong gia đình biết về sự tồn tại của tác phẩm này. Nhạc sĩ Nguyễn Việt Bình bảo, thế rồi một ngày, nhạc sĩ Lê Mây điện thoại, hỏi có biết bài "Hữu ngạn sông Thao" là bài gì không?
Thì ra lúc ấy nhạc sĩ Lê Mây đang ngồi đối diện với nhân chứng lịch sử, cũng là người gần như duy nhất lưu giữ bài hát ấy. Đó là ca sĩ Hoàng Vũ. Ông Vũ năm nay cũng đã ngoài 60 tuổi, hiện đã về nghỉ ngơi tại quê nhà Hưng Yên. Ông nguyên là học sinh trung cấp thanh nhạc của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam những năm còn sơ tán.
Năm 1966, khi nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc lên Xuân Phú, Bắc Giang nghe một cuộc thi hát thì gặp ca sĩ trẻ Hoàng Vũ. Hoàng Vũ hát xong, nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc bèn vẫy chàng ca sĩ trẻ lại và nói rằng cậu có giọng hát rất hợp với một bài hát này, nó chưa từng được đưa cho ai hát, cậu có thích hát không?
Còn phải nói! Một ca sĩ trẻ mới đang chập chững vào nghề, bỗng đâu được nhạc sĩ của "Cô lái đò" đề nghị hát tác phẩm mới, thì còn gì bằng. Ca sĩ Hoàng Vũ nhận lời ngay, và được nhạc sĩ trực tiếp truyền dạy… Đó chính là lần "xuất bản" đầu tiên của "Hữu ngạn Sông Thao", một ca khúc được viết cùng thời với "Chiến sĩ Sông Lô" và "Bình Ca". Những câu hát ca ngợi hình ảnh anh lính Việt Minh - Bộ đội cụ Hồ tuy khó khăn gian khổ nhưng cũng rất ngạo nghễ: "…Ta nổ súng xé trời… Miệng ta thét làm nao lòng quân giặc… Đồn giặc xiêu xiêu. Hố hầm xô lệch. Ta ngất cười nhìn chúng nó như điên…".
Về sau, trong quá trình tìm hiểu, xác minh thêm, nhạc sĩ Nguyễn Việt Bình cho biết còn có một người nữa cũng biết và đã hát bài này, đó là nam ca sĩ Trần Khánh của Đài Tiếng nói Việt Nam. Tuy nhiên, đáng tiếc là "Hữu ngạn sông Thao" chưa bao giờ được thu âm, và cũng giống như 2 nhạc phẩm cùng giai đoạn là "Chiến sĩ sông Lô" và "Bình Ca" mang âm hưởng của khí nhạc - dạng trường ca nhiều hơn là một ca khúc thông thường, nên tính phổ biến của tác phẩm này cũng bị hạn chế.
Ngay sau khi tìm về được với gia đình "chính chủ", "Hữu ngạn sông Thao" đã được nhạc sĩ Nguyễn Việt Bình tổ chức phối khí, thu âm hoàn chỉnh lại và sẽ chính thức phát hành trong nay mai.
Tôi đến thăm bà Trần Thị Bảo, vợ của cố nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc tại căn nhà cũ của ông bà, trong khu tập thể văn nghệ sĩ. Qua cổng là một khoảnh sân nhỏ, để vừa được 3 chiếc xe máy, với một cây dâu rất to, đang mùa rụng lá lác đác, trên cành những quả chín tím thẫm. Lên bậc tam cấp, bước vào nhà là một không gian nghệ thuật đặc quánh với sách vở, tranh treo, tranh xếp tầng tầng lớp lớp.
Nguyễn Đình Phúc là một nghệ sĩ có sức sáng tạo khổng lồ. Ngoài những nhạc phẩm đã công bố, được công chúng biết đến, sơ qua trong kho lưu trữ của gia đình còn có hơn 500 bức tranh; 7 cuốn tiểu thuyết; 13 vở kịch; 3 tập thơ mỗi tập hơn trăm bài (đã xuất bản được 1 tập). Sách nghiên cứu của ông thì hàng chồng, như Sổ tay Văn nghệ, Ca - Múa - Nhạc. Sang công tác bên nước bạn Campuchia thì ông có “Vài nét về văn nghệ truyền thống Campuchia”.
Hay nổi tiếng nhất là cuốn "Tiếng nói của bàn tay" đã trở thành cẩm nang của nhiều người đam mê nghiên cứu thuật tướng số lâu nay. Nguyễn Đình Phúc còn được biết đến là nhạc sĩ đầu tiên viết nhạc phim của nền điện ảnh Việt Nam. Cả 5 phim ông viết nhạc đều được giải thưởng. Hiện trong kho lưu trữ của gia đình vẫn còn các bản giao hưởng của ông - 2 bản Concerto viết cho Violin và Cello và dàn nhạc, Giao hưởng số 2 cho dàn nhạc dân tộc và 2 vở thanh xướng nhạc. Ngoài ra còn có các tác phẩm nhạc múa, nhạc sân khấu…
Đối với một người nghệ sĩ, số lượng tác phẩm tuy chưa phải là tất cả, nhưng nó cũng thể hiện một sức sáng tạo mãnh liệt và bền bỉ, nhất là đối với một người nghệ sĩ hầu như chỉ tự học là chính. Trong kho tư liệu đồ sộ này, tôi đặc biệt quan tâm tới bộ sưu tập chân dung văn nghệ sĩ - danh nhân đương thời của ông, do chính tay ông vẽ, số lượng khoảng 120 bức. Người ta thấy trong bộ sưu tập này nhiều gương mặt quen thuộc như Văn Cao, Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Xuân Diệu, Tô Hoài, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, Trà Giang…
Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết những dòng lưu niệm đằng sau bức chân dung do nghệ sĩ Nguyễn Đình Phúc vẽ. |
Có một điều đặc biệt của bộ sưu tập này, theo như bà Bảo, đó là hầu hết chân dung của các văn nghệ sĩ đều vẽ không mẫu. Hiểu theo cách khác, chính là nghệ sĩ Nguyễn Đình Phúc đã đóng vai người ghi chép, bằng tài năng và nghệ thuật của cây cọ, đã khắc họa lại hình ảnh các văn nghệ sĩ, từng người một, theo cách cảm nhận rất riêng chứ không phải đơn thuần là một bức truyền thần. Chẳng hạn như bức chân dung 2 ông Xuân Diệu - Huy Cận, chỉ có gương mặt 2 ông là hai vòng tròn lồng không khít nhau, một màu vàng sáng, một màu đỏ sẫm trên nền 2 khoảng xanh đậm - nhạt… Có lẽ chính điều này đã tạo nên tính độc đáo và riêng nhất của bộ sưu tập này.
Được biết sinh thời, ông Nguyễn Đình Phúc đã từng tổ chức triển lãm bộ ảnh độc đáo này. Tuy nhiên lúc ấy chưa đầy đủ, mới chỉ có khoảng 80 bức. Bức chân dung cuối cùng trong bộ sưu tập mà gia đình hiện lưu giữ, là vẽ họa sĩ Nguyễn Phan Chánh, hoàn thành chỉ 2 ngày trước lúc ông mất. Và nếu tính từ bức chân dung đầu tiên đến bức cuối cùng, thì tổng thời gian thực hiện bộ sưu tập này là ngót 20 năm.--PageBreak--
Đã có rất nhiều lời đề nghị mua lại bộ sưu tập độc đáo này với giá cao, song gia đình bà Bảo cương quyết không bán. Bà Bảo kể, không phải là không cần tiền. Không ít tranh của ông đã phải bán đi (nằm ngoài số 500 bức được lưu giữ trong kho tư liệu của gia đình). Nhưng bộ sưu tập này thì tuyệt đối không. Tuân lời ông, bà muốn giữ lại để cho hậu thế sau này thêm một cách nhìn về từng nhân vật, về một thế hệ văn nghệ sĩ của ông.
Từng có câu chuyện rằng nhà văn Lê Minh, con gái của nhà văn Nguyễn Công Hoan đã đề nghị được mua lại bức chân dung của cha mình "bằng mọi giá"! Bà Bảo đã coi đấy như một sự trân trọng với công sức của ông, nhưng tranh thì vẫn không thể bán. Bà không cho phép mình hoặc bất cứ ai làm thế. Bộ sưu tập mà không trọn vẹn thì không còn là bộ sưu tập nữa.
Trong số hơn 120 bức chân dung của bộ sưu tập, có một bức mang số phận khá đặc biệt. Đó là bức chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong tranh, Đại tướng của nhân dân đầu đã bạc, da đã nhăn, nhưng lại chỉ khoác trên mình bộ quần áo xanh bộ đội, không ve hàm, quân hiệu gì cả. Nom hiền lành và nhân từ như ông giáo làng chứ không có vẻ gì là một ông tướng lừng lẫy năm châu bốn biển.
Vào một ngày cuối tháng 6/1989, vợ chồng nghệ sĩ Nguyễn Đình Phúc và bà Trần Thị Bảo đột ngột đón những vị khách đặc biệt. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi cùng phu nhân và một hai người trợ lý, không báo trước, không dẹp đường, hộ tống gì cả. Hồi ấy, ông Phúc cùng vợ và các con đang ở trong một căn phòng 9m2 tại địa chỉ 106 - 108 phố Cầu Gỗ. Quá bất ngờ trước cuộc viếng thăm đến nỗi sau này, cứ mỗi lần nhắc lại kỷ niệm ấy, bà Bảo lại chỉ băn khoăn mỗi việc rằng có vĩ nhân như thế đến nhà mà bà chỉ kịp một ấm trà đón khách.
Bức chân dung kép hai ông Xuân Diệu - Huy Cận. |
Những năm 1930, khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn là một giáo viên dạy sử của Trường tư thục Thăng Long, cậu học trò gầy gò Nguyễn Đình Phúc đã được gần gũi thầy khá nhiều… Nào ai biết, sau chừng ấy năm, cả thầy và trò đều nổi tiếng. Thầy bước ra thế giới với võ công lừng lẫy năm châu, danh chấn bốn bể thì trò cũng tiếp bước, đưa "Tiếng đàn bầu" của Việt Nam vang xa ngoài địa giới.
Lại nói về cuộc viếng thăm hôm ấy, sau khi xem bộ sưu tập của người học trò năm xưa, đặc biệt là chứng kiến gia cảnh tuy nghèo mà đầm ấm của người nghệ sĩ "lãng tử", Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã xúc động ghi dòng lưu bút tặng người học trò ngay phía sau bức họa chân dung ông: "Căn phòng nhỏ hẹp. Tình cảm bao la. Nào thơ, nào họa. Chúc anh sống mãi cuộc sống thanh cao. Rất xúc động mối tình cảm của người học trò năm xưa, ngày nay là người nghệ sĩ tài ba. Đại tướng Võ Nguyên Giáp. 24/6/1989".
Một thầy, một trò sau hơn 50 năm gặp lại. |
Thấy bảo trong cuộc gặp gỡ đặc biệt ngày hôm ấy, có người đã thương cảnh khó của hai vợ chồng già mà gợi ý nhạc sĩ của “Tiếng đàn bầu” nên nói với Đại tướng một tiếng, nhờ Đại tướng giúp cho một chỗ ở khác dễ chịu hơn căn phòng nhỏ hẹp này. Nhưng nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc đã gạt đi ngay. Ông không muốn cuộc gặp gỡ thầy trò bị vướng bận bởi bất cứ điều gì khác. Càng trong hoàn cảnh như thế, cuộc viếng thăm của thầy giáo cũ - Đại tướng lại càng có ý nghĩa động viên rất lớn. Mà đối với người nghệ sĩ, còn gì lớn hơn lòng tri âm với công việc sáng tạo mà mình đang theo đuổi nữa?
Giờ thì cả hai đều đã là người thiên cổ. Trong căn hộ nhỏ nằm dưới tầng một của khu tập thể văn nghệ sĩ, gia đình nghệ sĩ Nguyễn Đình Phúc đã dành nguyên một căn phòng để cất giữ các sáng tác của ông. Sách thì trong tủ, tranh thì bọc giấy xếp xen khe trên kệ.
Đã đành tranh màu dầu với toan thì cũng bền lắm, nghe đâu cũng được chừng 500 năm nếu không có gì bất thường. Nhưng với thời tiết nóng ẩm bất thường như bây giờ, cách lưu trữ thế này có ổn mãi được không? Các cơ quan văn hóa, có lẽ cũng nên quan tâm một chút. Làm gì có Nguyễn Đình Phúc thứ hai?