Bộ sưu tập tranh cổ chưa từng thấy ở Việt Nam

Thứ Sáu, 30/10/2009, 19:50
Bấy lâu nay, sưu tập tranh vẫn thường được coi là thú vui tao nhã của nhiêu người. Vì, để có một bức tranh độc nhất vô nhị, người sưu tập thường phải bỏ ra một số tiền khổng lồ, thậm chí phải leo vào những cuộc "tranh đua" khốc liệt như những cơn "sóng ngầm" dữ dội với không ít trò… khó ai có thể tưởng tượng nổi.

Tranh càng cổ, hay của họa sĩ càng tên tuổi thì càng có giá trị. Và người ta thường nghĩ những người sưu tập tranh là lắm tiền nhiều của. Ấy vậy mà, ngày 21/9 vừa qua tại Nhà triển lãm Viet Art Centre - (42 Yết Kiêu, Hà Nội) ông Phạm Đức Sĩ, làm nghề đóng khung tranh với biệt danh giản dị Sĩ “mộc” đã ra mắt một bộ sưu tập tranh cổ độc đáo.

Sự lựa chọn có một không hai

Ngành hội họa đã có hàng trăm, hàng nghìn cuộc trưng bày, triển lãm tưng bừng và rầm rộ. Nhưng, có lẽ, chưa bao giờ, lại có cuộc trưng bày tranh kỳ lạ như của Phạm Đức Sĩ. Kể cả bây giờ, khi nhiều người có cái thú đua nhau sưu tập tranh đương đại, của các tác giả nổi tiếng đương thời cho đáng "đồng tiền bát gạo" thì Sĩ “mộc” lại chơi chiêu "độc nhất vô nhị" là đi săn lùng tranh cổ thờ Đạo giáo, Phật giáo của dân tộc có lịch sử ra đời cách đây 300- 400 năm trước. 

Đây là một câu chuyện tình cờ nhưng cũng như duyên số sắp đặt. Ngay từ đầu thập niên 90 thế kỷ trước, nhóm 3 người bạn, gồm Nguyễn Linh, Trần Hạnh, Phú Sĩ có tuổi đời và nghề nghiệp khác nhau nhưng cùng chung một ước vọng, trước tình cảnh những di sản văn hóa ngày càng mai một, họ đã có một thỏa thuận nhẹ nhàng, nhưng đầy khó khăn là cả ba sẽ đi gom nhặt sản phẩm nghệ thuật truyền thống. Linh thì sưu tập đồ gốm thời Lý, Trần và tranh Nguyễn Tư Nghiêm. Trần Hạnh sưu tập gốm men lam, tranh của họa sĩ Đông Dương. 

Phạm Đức Sĩ  sưu tập tranh dân gian, đặc biệt là tranh thờ miền núi và đồ gốm Đông Sơn, gốm Hán. Thỏa thuận là vậy, nhưng  hỡi ơi! Lấy đâu ra tiền cơ chứ!  Và, để giải quyết vấn đề "đầu tiên" này, cả ba đã phải chia tay với ngành nghề mà mình đã được học để quay như chong chóng vào việc kiếm tiền mua hiện vật.

Nguyễn Linh vốn là một họa sĩ có tiếng từ thời còn sinh viên thì mở thêm cửa hàng cơm. Trần Hạnh ngoài làm việc cho các tổ chức quốc tế, còn dư chút thời gian nào thì dạy ngoại ngữ, còn Phạm Đức Sĩ thì làm một một công việc rất chi là bình dân - nghề mộc. Căn phòng nhỏ được gọi là xưởng chỉ có duy nhất một mình anh vừa là chủ vừa là thợ.

Lúc đó, Trường đại học Mỹ thuật Hà Nội luôn cần một thợ mộc đóng khung tranh, làm bục tượng cho các bài thi tốt nghiệp và các triển lãm khác. Công việc này đã qua tay nhiều người nhưng rồi chỉ được một thời gian ngắn là họ lại ra đi. Duy chỉ có Sĩ là ở lại gắn đời mình với công việc chính thức làm nghề mộc, lại chuyên làm việc... đóng khung tranh.

Cũng phải nói thêm rằng ngay từ những năm đầu của thập niên 90, ngành hội họa Việt Nam được "bốc" lên như "nắng hạn gặp mưa rào", nhiều họa sĩ đương đại  qua một đêm là trở nên giàu sụ, và bước vào một đời sống đẳng cấp khác, thì anh chàng Sĩ đã làm một công việc cặm cụi, cần mẫn là đóng khung tranh. Công việc của anh uy tín đến nỗi, mỗi khi cần làm khung cho một bức tranh giá trị cao người ta không nghĩ tới ai khác ngoài Sĩ “mộc”.

Sau  hàng chục năm trời, như trâu cày với nghề mộc, Sĩ  đã dành dụm của nả để đi gom nhặt những thứ mà đã có một thời gian dài bị lãng quên. Cũng may, bộ sưu tập tranh của anh quý nhưng không quá đắt. Vì theo những người buôn tranh cổ trên phố Hàng Bạc, Mã Mây, Thanh Oai, Hà Tây thì người Việt cũng ít mặn mà đến tranh dân gian cổ dòng Đạo giáo, Phật giáo thế nên không có giá cạnh tranh.

Có chăng, tìm mua loại tranh này chỉ có anh Sĩ "chịu chơi" và những khách ngoại quốc. Bộ tranh cổ dân gian thờ cúng của người Dao đỏ anh mua với giá cao nhất chỉ hơn 2.000 USD. Tại cuộc triển lãm anh cho ra mắt bộ sưu tập tranh cổ gồm 150 bức tranh thờ cùng 4 áo thầy cúng, 30 mặt nạ gỗ (của thầy cúng), 3 khuôn in tranh và 4 giấy cấp sắc cho thầy cúng.

Đây chỉ là một phần vốn liếng trong kho trữ liệu đồ sộ của anh. Thực chất, Sĩ chẳng giàu gì, đã thế tính nghệ sĩ vốn hay sơ sẩy, vừa mới năm ngoái anh bị trộm nẫng đi một xe máy, phương tiện duy nhất của cả gia đình, vợ con bảo mua cái xe máy trên 30 triệu để tối tối cả gia đình nhỏ còn "bồng bế" nhau đi chơi phố. Nhưng, Sĩ nhất quyết chỉ mua cái xe cũ oặt ẹo, cà tàng trên chục triệu. Số tiền dư dôi ra đấy còn phải để... mua tranh. Sở thích nhất đời của Sĩ là hàng giờ liền anh ngồi bất động ngắm những bức tranh do mình sưu tầm và trân trọng giữ khư khư coi đấy là báu vật.

Đến và xem

Hàng chục năm trời kỳ công sưu tập, cuối cùng Sĩ “mộc” cũng ra được cuộc triển lãm tranh cổ đầu tiên, may mắn anh lại được sự ủng hộ của Phan Cẩm Thượng một họa sĩ, nhà lý luận phê bình mỹ thuật nổi tiếng là khó tính, kỹ tính, đứng ra giới thiệu.

Để dẹp tan sự nghi ngờ vì cứ như mắt thường của những người thuộc diện "ngoại đạo" như tôi thì thật khó mà phân biệt được đâu là hàng thật đâu là hàng giả?! Và ngay cả anh, khi được hỏi làm cách nào để phân biệt, thì con người giản dị này  (anh Sĩ) chỉ có nhõn một cách là nhoẻn miệng cười: "Hãy nhìn những bức tranh bằng cảm quan, nhãn quan, chứ nếu chỉ nói trên lý thuyết thì thật khó...".

Quả đúng vậy, nhưng thôi, ta hãy cứ tin tưởng vào những bậc thành danh trong ngành nghiên cứu và phê bình mỹ thuật nước nhà như Phan Cẩm Thượng và Phan Ngọc Khuê khi cả hai ông đều tấm tắc, xuýt xoa trước bộ sưu tập tranh cổ dân gian khổng lồ. Và, trong câu chuyện đùa vui giữa các bác nổi đình nổi đám trong làng hội họa, có người còn đề nghị phong cho Sĩ hàm “giáo sư”, khi anh trình làng bộ sưu tập quý giá này.

Quả thực, bộ tranh này khiến người xem thích thú bởi tất cả đều được vẽ bằng thảo mộc trên giấy dó, mà bây giờ chẳng có thể "bói" đâu ra. Trải qua hàng trăm năm thất lạc vậy mà những bộ tranh vẫn giữ được sắc màu tươi mới. Màu xanh được tạo nên bởi lá cây tràm. Màu vàng được tinh chế từ lá cây hoàng đằng. Màu đỏ được chiết xuất từ son nghiền ra pha với nhựa cây thông, cây bưởi... --PageBreak--

Tất cả những tranh này không phải là tranh để trang trí mà dùng trong hành lễ đạo giáo với đặc quyền sử dụng  là các thầy phù thủy, thầy mo, thầy cúng, thầy tào, ông Then, bà Then... mỗi khi đi cúng, làm lễ cấp sắc, đám cưới, đám ma, đám phạt... họ đem "các thần" đã được vẽ bỏ vào trong túi rồi đến nhà gia chủ trải ra và làm lễ.

Những bức tranh này không phải được vẽ dưới bàn tay họa sĩ chuyên nghề hội họa mà chính từ những tác giả khuyết danh của dân tộc thiểu số  ở các tỉnh miền núi phía Bắc, hoặc từ các thầy phù thủy của các dân tộc thiểu số như Tày, Cao Lan,  Sán Chỉ, Sán Dìu, Dao, Giáy...

Qua những bức tranh người xem tìm thấy niềm thành kính ngưỡng vọng sâu sắc với thế giới xung quanh. Tranh cúng cùng các vật cúng tế như một thứ gia bảo  truyền nghề của các thầy phù thủy. Theo các nhà nghiên cứu, một bộ tranh đầy đủ cũng tới 150  vị thần, có bộ tranh dài hàng chục mét. Nhưng cũng có bộ tranh cúng chỉ có ba bức.

Mỗi một bộ tranh của từng dân tộc đều có vị thần thánh phù trợ riêng, và được vẽ dưới bút pháp, màu sắc, bố cục khác nhau.  Qua thưởng thức những bức tranh cổ của người xưa mới hé lộ một điều, yếu tố cuộc sống vật chất bên ngoài của từng dân tộc đã đi vào đời sống tâm linh, gắn chặt với dân tộc đó.

Như người Dao đỏ, quần áo hằng ngày là màu đỏ sặc sỡ thì màu sắc chủ đạo trong tranh, các vị thần đều khoác áo đỏ. Người Dao Thanh Nhi với trang phục xanh, (Thanh nhi, nghĩa là xanh) thì các vị thần đều khoác một màu áo xanh.

Dòng tranh vẽ chân dung các hệ thần (thế giới thần) trong thế giới thần linh trên trời, dưới đất, dưới nước của Đạo giáo trên giấy dó bồi cuộn trục. Có điều thú vị, các vị thần này đều được nhắc đến rất nhiều trong Tây Du Ký.

Ở một khía cạnh nào đấy, thông qua những bức tranh, hiểu thêm được đời sống tinh thần, cùng với phong tục tập quán của từng dân tộc và cả triết lý nhân quả của người xưa. "Tam giáo đồng lưu" gồm Phật, Đạo, Nho... được đưa vào tranh cúng thể hiện rõ nét.

Để rồi các nhà nghiên cứu mỹ thuật qua tranh cổ được lưu truyền đã đúc kết ra: Số lượng thần Đạo giáo rất đông và phức tạp, và có một số vị thần đã không xuất hiện ở Việt Nam và ngược lại  trong hệ Đạo giáo của người Trung Quốc  không có Tam tòa Thánh mẫu như ở nước ta, mà xuất hiện những nữ thần khác.

Ở Việt Nam tranh thờ đạo mẫu ở đồng bằng và tranh thờ Đạo giáo ở miền núi vô cùng phong phú. Bộ sưu tập tranh của Phạm Đức Sĩ là câu trả lời cho những ai muốn tìm hiểu về tranh dân gian cổ Việt Nam.

Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật dân gian Phan Ngọc Khuê: Cái đáng quý ở những bức tranh của các dân tộc nhưng đều có tiếng nói chung chính là giá trị nhân đạo. Cuộc đời con người từ khi sinh ra không ai tránh khỏi quy luật Sinh, Lão, Bệnh, Tử.

Ngày xưa con người không có sự bảo trợ của xã hội, trong lúc đó, đã tưởng tượng ra lực lượng siêu nhiên để bảo vệ  cuộc sống của chính mình. Những vị thần thánh linh thiêng và bất tử được thờ cúng chính là mơ ước, khát vọng chính đáng của khắp người dân trong từng bộ tộc của cả nước chứ không riêng gì một tộc người nào.

Nhà lý luận phê bình mỹ thuật Phan Cẩm  Thượng phát biểu: "Triển lãm bộ sưu tập tranh thờ của Phạm Đức Sĩ là một việc  làm có ý nghĩa trong hoàn cảnh những giá trị truyền thống và đặc sắc  dân tộc đang được chú trọng và có thể giúp cho cộng đồng xích lại gần nhau hơn khi thông hiểu văn hóa của nhau”.

Còn, Sĩ “mộc” bấy nay trong quá trình đi sưu tầm tranh, đã không ít lần anh được khách nước ngoài trả với giá rất hời cho một bộ tranh cổ dân gian, thậm chí gấp hàng chục lần so với giá gốc anh bỏ tiền ra mua, nhưng, anh nhất định không chịu bán. Những kẻ kì kèo, nèo kéo anh bán tranh  khi không mua được tức quá liền bảo đổi tên cho anh ngoài tên Sĩ “mộc” thành Sĩ “gàn”.

Nhưng, tất cả những điều anh làm mà người khác cho là "gàn" chỉ vì muốn giữ nguyên một mục đích là để lưu tồn văn hóa cho đời sau. "Việc nghiên cứu chúng sẽ là những gợi ý rất lớn cho hành trình của các họa sĩ đương đại trên con đường sáng tạo ra những tác phẩm vừa bản sắc - vừa hội nhập.

Chúng xứng đáng là một tài sản của dân tộc, bị bán ra nước ngoài rất nhiều nên tôi mua lại với mục đích để giữ lại trong nước. Nếu như có một bảo tàng trong nước nào có quan tâm với bộ sưu tập này với một thái độ  tôn trọng giá trị đúng mực thì tôi sẵn sàng tặng lại họ".  Phạm Đức Sĩ đã rất thành thật như thế

Trần Mỹ Hiền
.
.