“Bộ tứ” chạy đua giành ngôi vua thời đại công nghệ

Thứ Tư, 31/08/2011, 16:25

Eric Schmidt, Chủ tịch điều hành Google, gọi họ là “bộ tứ”. Họ là 4 Titan (tạm dịch là người có thành tích phi thường) của công nghệ: Google, Apple, Facebook và Amazon. Họ có khả năng làm cho gần như mọi người tiêu dùng sẵn sàng móc hầu bao và đang nắm giữ sức mạnh to lớn trong nền kinh tế.

Những công ty này đang chạy đua giành ngôi vị vua của thời đại công nghệ, và mỗi công ty đang còn thiếu cái mà công ty khác nắm giữ. Nếu lắp ghép đầy đủ những mảng thiếu đó thì họ sẽ là tất cả cho mọi người - một hệ thống hoàn chỉnh mà người tiêu dùng sẽ dành hầu hết thời gian để xem video, đọc tin tức, viết thư điện tử và mua sắm.

Ted Morgan - Trưởng điều hành Skyhook Wireless, công ty cung cấp công nghệ định vị cho thiết bị di động - nhận định: "Đây là cuộc chiến lớn nhất và căng thẳng nhất trong lịch sử công nghệ. Nó còn lớn hơn cả cuộc chiến giữa Microsoft, Apple và IBM hồi thập niên 90 của thế kỷ trước". Ví dụ điển hình: mới đây, Google tuyên bố sẽ thâu tóm hãng chế tạo điện thoại di động Motorola - đây là bước tiến đưa công ty này "lấn sân" thị trường điện thoại thông minh của Apple.

Ngược dòng lịch sử của 2 công ty này, Google và Apple hoạt động ở 2 mảng khác biệt. Google, với thuật toán dò tìm mạnh mẽ, kiếm tiền nhờ bán quảng cáo (xuất hiện cùng với kết quả tìm kiếm). Thay vì tự sản xuất thiết bị của riêng mình, công ty này lại mở rộng bằng cách viết phần mềm Android để chạy trên điện thoại được chế tạo bởi những hãng khác, bao gồm Motorola, Samsung và HTC. Mặt khác, Apple làm nên thành công của mình bằng cách bán máy vi tính, điện thoại và máy tính bảng hoạt động với các phần mềm của họ. Sự tương phản giữa 2 công ty này là: Apple yếu thế về web, lĩnh vực thống trị bởi Google.

Nay, thỏa thuận với Hãng Motorola làm cho Google có vẻ nhỉnh hơn nhiều so với Apple, vì công ty này sẽ mạnh hơn không chỉ về phần mềm mà còn cả về việc tự sản xuất điện thoại đi động. Michael Gartenberg - một chuyên gia phân tích tại Gartner - đánh giá: "Apple là một hệ sinh thái hoạt động theo kiểu phân phối đầu - cuối, còn Google đang nhìn vào đó và nói: Hình thức này có lẽ sẽ hợp với chúng ta. Hai công ty này không phải luôn là kình địch của nhau. Cụ thể là, Schmidt từng ngồi ở vị trí lãnh đạo của Apple từ năm 2006 đến 2009 trước khi trở thành Trưởng điều hành của Google. Ông này rời khỏi Apple vào thời điểm Google đang ngày càng "lấn sân" của Apple.

Facebook, đối thủ non trẻ nhất trong bộ tứ này, là mạng xã hội phổ biến nhất trên thế giới. Nhưng tham vọng của nhà sáng lập Mark Zuckerberg lại rất lớn - và chúng "đánh" thẳng vào 3 Titan kia. Facebook hy vọng trở thành một phương pháp thay thế cho việc tổ chức mạng, một nền tảng để người tiêu dùng dành thời gian trực tuyến. Thay vì dùng thuật toán tìm kiếm của Google để tìm tin tức và thông tin, Zuckerberg hình dung một tương lai mà mọi người sẽ gặp gỡ nhau qua mạng. Điểm gay cấn nhất là nội dung của Facebook nằm trong tầm với của bộ máy dò tìm Google. Và hệ lụy là người tiêu dùng càng dành nhiều thời gian trên Facebook thì càng ít nhìn quảng cáo trên Google. Như để trả đũa việc này, Google mới đây cho phát hành Google Plus như một đối thủ về mạng xã hội của Facebook.

Facebook đang bắt đầu lấn sân mảng kinh doanh ứng dụng trên thiết bị của Apple. Công ty của Zuckerberg đã mau chóng trở thành đối thủ đáng gờm ở thị trường đang bùng phát games xã hội - trò chơi nổi tiếng FarmVille là một ví dụ. Và công ty này cũng đang "lăm le" thị trường điện thoại đi động không kém gì Google và Apple. Facebook là một trong những ứng dụng phổ biến nhất có mặt trên điện thoại Android của Google và iPhone của Apple. Điều này cho thấy mặc dù những công ty này đang "kình" nhau nhưng vẫn tùy thuộc vào nhau. Facebook cũng đang lấn "địa bàn" của Amazon bằng dịch vụ cho thuê phim và thanh toán bằng dạng tiền tệ của công ty này.

Amazon, nhà bán lẻ qua mạng lớn nhất thế giới, hiện đang hưởng lợi nhờ doanh số đang tăng vọt của Kindle, máy đọc sách và giải trí kỹ thuật số (bao gồm sách, phim và nhạc). Đây là sản phẩm cạnh tranh với iTunes của Apple. Nhưng quan trọng hơn, Amazon - cũng như Google - đang săm soi "địa bàn" chế tạo thiết bị của Apple. Không chỉ Amazon dùng Kindle cạnh tranh với Apple, mà công ty này cũng đang lên kế hoạch chế tạo máy tính bảng để "đấu" với iPad.

Bộ tứ Titan này là những công ty lớn nhất nước Mỹ. Apple, Amazon và Google có tổng vốn khoảng 616 tỉ USD - Apple vừa mới qua mặt Exxon Mobile để giành danh hiệu công ty cao giá nhất thế giới.

Chính phủ Mỹ cũng đã "để mắt" tới sức mạnh của 2 công ty này. Google - vốn có rất nhiều đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực tìm kiếm thông tin - hiện đang bị điều tra bởi các viên chức chống độc quyền ở Mỹ và châu âu. Các viên chức chống độc quyền của Mỹ cũng đã "dòm ngó" tới dịch vụ mua bán của Apple đối với iPad và iPhone. Ben Edelman, trợ giảng tại Trường đại học Kinh thương Harvard và đang làm cố vấn cho Microsoft, cho biết: "So với thời kỳ thống trị của Microsoft, thì rõ ràng những công ty này có thể "trắng trợn" nói rằng, bạn có thể và không thể cài đặt những gì trên thiết bị mà bạn sở hữu. Morgan - đang kiện Google vì "cấm" các nhà chế tạo điện thoại sử dụng công nghệ của Skyhook - cho biết: "Bọn họ đều có mánh lới và thế mạnh để ép đối tác phải theo ý họ"

Lê Hiếu (tổng hợp)
.
.