Bội thực văn hóa lệch chuẩn trên YouTube

Thứ Ba, 26/05/2020, 10:12
Khi nhu cầu “nghe, nhìn” đang lấn át dần văn hóa đọc, YouTube ngày càng cho thấy sức hút của mình, cũng là thời điểm những sản phẩm “độc hại” được chia sẻ tràn lan, thiếu kiểm soát.

Từ trào lưu đám đông

Giữa tháng 4/2020, Nguyễn Xuân Đường (SN 1971, trú tại số nhà 366, đường Lê Quý Đôn, phường Kỳ Bá, TP Thái Bình), hay còn gọi là Đường "Nhuệ" bị cơ quan chức năng bắt tạm giam, nhiều người mới giật mình nhớ lại những bộ phim mà nhân vật này từng tham gia diễn xuất. Theo đó, Đường "Nhuệ" từng góp mặt trong nhiều dự án được giới thiệu thuộc dòng phim giang hồ, xã hội đen như: “Chạm mặt giang hồ” 1 và 2, “Luật lệ giang hồ”, “Tỷ phú đè đại gia”, “Gangster - gã giang hồ”...

Trong phim, hầu như các phân đoạn có sự xuất hiện của võ sư Đường “Nhuệ” đều được sắp xếp vào những khoảnh khắc cực kỳ quan trọng. Chẳng hạn, người này sẽ xuất hiện trước cuộc thanh trừng giữa 2 phe phái, trước khi lưỡi dao của ai đó được hạ xuống để tiêu diệt kẻ yếu thế hơn. Đường “Nhuệ” có mặt để phân tích phải trái, đúng sai, dạy đạo lý làm người. Bất kể khi nào Đường “Nhuệ” xuất hiện, anh ta như một tượng đài được anh em kính nể (?!).

Đường “Nhuệ” từng tham gia diễn xuất trong một số phim chiếu mạng.

Đáng nói, những bộ phim này không phải dòng phim chính thống mà chỉ được chiếu trên YouTube lại thu hút hàng chục, trăm triệu lượt xem, thu về hàng tỷ đồng - con số mà không ít nhà sản xuất nội dung chân chính, có tính giáo dục cao trên YouTube phải mơ ước. Trong đó, MV ca khúc “Đời là thế thôi” - nhạc phim “Chạm mặt giang hồ” do Đường "Nhuệ" - Phú Lê thể hiện đạt con số kỷ lục lên tới 122 triệu lượt xem.

Hay, trước khi bị xóa, kênh YouTube của Khá “Bảnh” có khoảng gần 2 triệu người theo dõi, với 410 video đăng tải cùng gần 400 triệu lượt xem. Kênh của nhân vật này được Socialblade xếp vào nhóm A- (mức gần như cao nhất) nên số tiền mà YouTube trả cho nhân vật này khoảng 15.300 USD đến 244.700 USD, tương đương khoảng 354,8 triệu - 5,67 tỷ đồng mỗi tháng. Tương tự, kênh YouTube của Dương Minh Tuyền có hơn 500.000 người theo dõi đồng nghĩa với việc thu về số tiền hàng chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu đồng mỗi ngày.

Đường "Nhuệ", Khá “Bảnh”, Dương Minh Tuyền... chỉ là một trong số ít “giang hồ mạng” bị sa lưới vì những sai phạm ngoài đời thật. Đây cũng chỉ là một phần nhỏ giữa “cả một trời” những clip phản cảm, hút khách đang xuất hiện trên kênh YouTube hiện nay. Thậm chí, nó còn vô tư tồn tại, vô tư cung cấp những kiến thức, kỹ năng sai lệch cho giới trẻ.

Đến sự lệch lạc về quan niệm sống

Trong văn hóa của người Việt, thần tượng thường được dùng để nói đến sự cao đẹp, có ý nghĩa với cộng đồng một cách thực sự và đã được kiểm chứng, chẳng hạn như là những anh hùng dân tộc, anh hùng trong lao động sản xuất, trong chiến đấu hoặc là các danh nhân văn hóa... Thì bây giờ, nhiều người trẻ lại quay sang tôn sùng những “nhân vật ảo nhưng hiệu ứng thật”, dễ làm cho giới trẻ mất phương hướng trong quan điểm, làm thay đổi cả lối sống nhận thức của người tiếp nhận.

Còn nhớ, tháng 3/2019, một trong những vụ việc báo động về tác hại của YouTube trên toàn thế giới là bộ phim hoạt hình “Peppa Pig” (Chú heo Peppa) hay “Thử thách Momo”. Điểm chung của những bộ phim hoạt hình, trò chơi này là nội dung phản cảm, độc hại như dạy trẻ uống thuốc tự tử, cách đâm người, cách cắt tay tự tử và nhiều trò bạo lực khác.

Những kênh YouTube khác như Bà Tân Vlog, Khoa Pug, N.T.N Vlog cũng từng gây nhiều tranh cãi. Những nội dung nhảm như thử thách "24 giờ làm chó”, thử thách “ngủ với lợn”... chẳng hiểu sao lại được nhiều bạn trẻ ngưỡng mộ, tung hô vì thành tích "phá cách” độc đáo?

Trong đó, N.T.N Vlog còn có nhiều video dành cho thiếu nhi hướng dẫn cách nuôi búp bê Kumathong. Ở đó, người nuôi đóng vai các thành viên trong gia đình và thể hiện nhiều tình huống có hành động bạo lực, thử thách, khi đổ tất cả mọi thứ lên đầu búp bê, thậm chí còn cho búp bê tắm cả... mỳ tôm, hay đổ nước mắm lên đầu của mẹ... 

Đáng nói, chủ kênh YouTube này cũng không hề đưa ra cảnh báo nguy hiểm, hay động thái nhắc nhở những cô cậu học trò đừng dại dột làm theo bởi nếu con trẻ bắt chước như một trò vui, hệ lụy sẽ thật khôn lường. 

Tháng 11/2019, Bệnh viện Nhi đồng 2 phải cấp cứu cho một cậu bé 8 tuổi ở Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh, sau khi em suýt mất mạng vì học theo một trò chơi trên YouTube hướng dẫn cách treo cổ tự tử mà không chết là một minh chứng đau lòng.

Hay, mới đây, kênh A Hy TV từng bị khán giả lên án dữ dội. Kênh này xây dựng “thương hiệu” bằng những video gắn mác người dân tộc thiểu số phía Bắc cùng bối cảnh vùng cao đặc trưng. Nhân vật "anh Tộc" thường xuyên dùng những lời lẽ khiêu khích, gợi dục với phụ nữ. Người này cũng được đặt để trong những tình huống nhạy cảm, dẫn đến việc đụng chạm thân thể phụ nữ nhằm mục đích gây cười. Đặc biệt, các nhân vật nữ trong clip cũng mặc trang phục hở hang, không phù hợp.  

Thế mà, chẳng hiểu sao đây vẫn được coi là là kênh YouTube “ăn nên làm ra” khi sở hữu hơn 700.000 lượt người đăng ký. Trung bình, mỗi video có hàng trăm nghìn lượt xem, có khi đạt đến triệu view. Ngoài ra, lượng tương tác cùng chia sẻ của người dùng với con số không nhỏ cũng khiến dư luận lo ngại sự phát tán của những clip có nội dung phản cảm như trên.

Đã có không ít phản hồi lên án về những kênh YouTube nhảm nhí, câu view bằng mọi giá. Đáng lo ngại là những cái tên kể trên đều nổi tiếng, đều thu hút sự quan tâm theo dõi của hàng triệu người dùng, đặc biệt là khán giả trẻ. Và cách họ chọn hướng đi thu hút sự tò mò, hiếu kỳ của số đông người trẻ bằng mọi giá mà dường như không chịu sự kiểm soát từ chính YouTube đang khiến nhiều bậc phụ huynh cảm thấy bất an.

Chuyên gia tâm lý Hoàng Thúy Hải.

Theo chuyên gia tâm lý Hoàng Thúy Hải, những điều này về lâu về dài sẽ có tác động tiêu cực đến tâm sinh lý, hành vi của trẻ. “Ở góc độ xã hội, trong thời đại 4.0, việc trẻ dễ dàng tiếp xúc với nhiều luồng thông tin là hệ quả tất yếu. Đặc biệt, với những luồng thông tin độc, lạ, gây sốc, thường mang tính tiêu cực sẽ rất kích thích sự tò mò của giới trẻ.

Ở góc độ tâm lý, tuổi vị thành niên là tuổi đang ở giai đoạn chuyển tiếp giữa độ tuổi trẻ con và người lớn mà người ta vẫn thường gọi là hiện tượng “dở ông, dở thằng”. Giai đoạn này, các bạn thích thể hiện, khẳng định bản thân mình là người lớn, thích thể hiện cái tôi, bản ngã của mình. Nên thường bắt chước những thói quen xấu của người lớn như uống rượu, hút thuốc, đánh bạc, đua xe... Chính vì vậy, quá trình từ nghe, nhìn đến hành động là khoảng cách không quá xa vô cùng nguy hại.

Hơn nữa, trong độ tuổi này, các bạn vẫn chưa định hình nhân cách, chưa trải nghiệm cuộc sống nên dễ hành động theo bản năng, bắt chước hình ảnh, phim ảnh được xem. Chưa kể, nhiều em nếu không giống chúng bạn đang theo trào lưu kia thì sẽ cảm thấy lạc lõng, cô lập”, bà Hoàng Thúy Hải phân tích.

Cần nghiêm túc ngăn chặn “văn hóa độc”

Nhìn vào độ phủ sóng trên khắp các “mặt trận” như Facebook, Instagram... của những chủ kênh YouTube gây tranh cãi kể trên, có thể thấy, các sản phẩm của họ đều được thực hiện một cách bài bản, có chủ ý và ê-kíp hậu thuẫn. 

Chính vì vậy, theo chuyên gia tâm lý Hoàng Thúy Hải, việc ngăn cấm con trẻ xem hình ảnh, clip tiêu cực sẽ rất khó, thậm chí còn gây “phản ứng ngược”. Thay vào đó, bản thân phụ huynh cần dành thời gian cho con, chơi với chúng, đưa chúng ra ngoài thiên nhiên, gặp gỡ mọi người thường xuyên và luôn giảng cho con những bài học về giá trị sống đúng đắn. Điều này sẽ giúp trẻ được định hình các bộ lọc trước khi những điều xấu xâm chiếm các con.

“Đôi khi, chúng ta nên dành một chút thời gian để xem những clip gây tranh cãi đó, để “thăm dò” và phân tích đúng - sai, điều nên làm - không nên làm. Sự yêu thương, gắn kết, tôn trọng của người lớn với trẻ con luôn là điều quan trọng nhất để giúp trẻ sống tích cực, nhân văn”, bà Hoàng Thúy Hải cho hay.

Ở góc độ pháp lý, mặc dù YouTube và Google đã có những động thái mạnh tay nhằm siết chặt quản lý nội dung trên các nền tảng của mình nhưng dù vậy người dùng vẫn có những cách “lách luật” nhằm thỏa mãn sự tò mò. Chỉ cần một vài thao tác chỉnh sửa tuổi trên hồ sơ cá nhân mà không cần bất cứ giấy tờ chứng minh nào, người dùng đã có thể tiếp cận với các video không phù hợp với độ tuổi.

Hiện YouTube đang trực tiếp quản lý hơn 130.000 kênh tiếng Việt, trong đó có 55.000 video có nội dung xấu, vi phạm pháp luật. Song, phía những nhà quản lý cũng thừa nhận rằng không có một công cụ công nghệ nào có thể quét hết những nội dung xấu trên website của họ và cũng không thể ngồi xem thủ công từng video.

Luật sư Trương Quốc Hòe.

Luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư Hà Nội) cho hay, các sai phạm liên quan đến nội dung phim ảnh, sản phẩm văn hóa nghệ thuật trên mạng xã hội sẽ được xử lý theo các hình thức xử phạt hành chính hoặc hình sự. Song, ông Hòe thừa nhận, thực tế, ngay như việc quản lý phim truyền hình, phim hài, phim quảng cáo được trình chiếu chính thống trên sóng truyền hình... vẫn còn nhiều vấn đề. 

Đôi khi vẫn còn để lọt những bộ phim phản cảm, thậm chí để diễn ra nhiều phim hài nhảm nhí, dung tục đã và đang bị phê phán. Huống hồ trên môi trường mạng xã hội, vốn đăng tải dễ dàng, kiểm duyệt lỏng lẻo, có thể nói là mạnh ai nấy làm, thực trạng tràn lan những sản phẩm “độc hại”. Điều đó buộc các cơ quan chức năng phải nhập cuộc.

“Khi cái xấu không những không bị lên án mà còn có môi trường để phát triển, thông qua mạng xã hội, tác động trực tiếp đến nhận thức, tư duy, thậm chí hành động của giới trẻ, đã gióng lên hồi chuông báo động về xu hướng thần tượng lệch lạc vô cùng nguy hiểm đang lây lan trong giới trẻ. Nó chẳng khác nào “virus độc hại” tiêm nhiễm những hành vi xấu vào lớp thanh niên đang hình thành nhân cách. Nhiều giá trị cuộc sống bị đảo lộn, những điều tốt đẹp trở nên lu mờ; hành vi xấu, thói giang hồ, côn đồ được tung hô, đón nhận và có chỗ để tung tác”, luật sư Trương Quốc Hòe nhận định.

- Trong trường hợp xác định được nhân thân của đối tượng cung cấp thông tin vi phạm các quy định hiện hành thì tùy theo mức độ, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ áp dụng hình thức xử lý kịp thời thông qua việc xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp kỹ thuật, áp dụng theo quy định tại Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện. Trường hợp vi phạm mức độ nhẹ thì nhắc nhở, rút kinh nghiệm, trường hợp vi phạm ở mức độ nặng có thể xem xét xử phạt vi phạm hành chính, thu hồi giấy phép, thu hồi tên miền...

- Trong trường hợp không xác định được nhân thân của tổ chức, cá nhân vi phạm thì Bộ gửi yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ như Google, YouTube, Facebook,... thực hiện các biện pháp ngăn chặn, gỡ bỏ theo quy định tại Thông tư 38/2016/TT-BTTTT.

Nghị định 27/2018/NĐ-CP sửa đổi quy định về quản lý, cung cấp sử dụng dịch vụ internet và thông tin mạng, thì phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với hành vi: lưu trữ, truyền đưa thông tin kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, lô đề, cờ bạc, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc; buộc thu hồi giấy phép thiết lập mạng xã hội đối với hành vi vi phạm quy định trên từ 2 lần trở lên trong 1 năm.


Bộ luật Hình sự có quy định hình phạt hành vi truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy có thể bị phạt tiền từ 5 đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Phạm tội có tổ chức thì bị phạt tù từ 3-10 năm và phạt tiền từ 3-30 triệu đồng...
Thảo Dung
.
.