Bóng ma khủng hoảng lương thực
Trong khi đang vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế từ 4 năm nay, thế giới lại bị bóng ma của cuộc khủng hoảng lương thực ám ảnh. Hạn hán, thiên tai ở nhiều nước, đặc biệt tại những nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu lương thực đã và đang đẩy giá lương thực tăng vọt do nhiều quốc gia cùng lúc đổ xô đi thu mua đề phòng bất trắc.
Mỹ đang trải qua trận hạn hán tồi tệ nhất trong 56 năm của mình và thời tiết khô hạn cũng được ghi nhận ở các vùng nông nghiệp chủ chốt như Ấn Độ, Kazakhstan, Nga và Ukraina.
Hạn hán ở Mỹ đã khiến giá ngô, đỗ tương và lúa mì tăng vọt. Các chính phủ cũng bắt đầu tỏ ra lo ngại khi Mexico - quốc gia nhập khẩu ngô lớn thứ 2 thế giới và từng phải trải qua "cuộc khủng hoảng bánh ngô" năm 2007 - tiến hành thu mua lương thực với quy mô lớn hồi tuần trước. Trong bối cảnh ngày càng có những quan ngại rằng hạn hán sẽ làm giảm sản lượng lúa mì tại khu vực Biển Đen, các khách hàng tại khu vực Trung Đông đầy bất ổn cũng đang đổ xô tới các thị trường này.
J.Peter Pham - Giám đốc Hội đồng Đại Tây Dương của Mỹ (một trung tâm tư vấn), đồng thời là người cố vấn cho các chính phủ châu Âu và Mỹ về các vấn đề chiến lược - nói: "Phản ứng này hoàn toàn có thể hiểu được và có khả năng xảy ra bởi giá lúa mì đã tăng gần 50% kể từ đầu tháng 7-2012. Tuy nhiên, một số quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới có thể sẽ bị tác động".
Một số người cho rằng vấn đề lần này đơn giản hơn cuộc khủng hoảng lương thực 2007-2008 và họ cho rằng nguyên nhân là bởi tình trạng hạn hán tại Mỹ - quốc gia sản xuất ngô, lúa mì và đỗ tương hàng đầu thế giới. Giá lương thực thế giới đã tăng cao trong tháng 6 và tháng 7 vừa qua, khi giá ngô và đỗ tương tăng lần lượt là 50% và 20%.
Tình trạng này gây ảnh hưởng sâu rộng bởi ngô không chỉ là thực phẩm cho con người mà còn dùng trong chăn nuôi và chế tạo ethanol - loại nguyên liệu đang là nhu cầu lớn trong bối cảnh các chính phủ nỗ lực tiến tới sử dụng nhiên liệu sinh học và giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch.
Những thân ngô khô héo vì hạn hán ở một cánh đồng tại Oakton, Indiana. |
Các chính phủ, tổ chức nhân đạo và các công ty thực phẩm đều kết luận rằng việc tăng giá lương thực gần đây không nghiêm trọng như năm 2007-2008. Giai đoạn 2007-2008, giá lương thực tăng cao do giá dầu nhảy vọt, đẩy chi phí sản xuất lên cao, cùng với đó là việc các thị trường hàng hóa tiến hành đầu cơ tích trữ và các quốc gia nông nghiệp hàng đầu thế giới áp đặt lệnh hạn chế xuất khẩu. Tình trạng này đã khiến các quốc gia nghèo bị tổn thương nhiều nhất, gây bất ổn tại nhiều quốc gia, từ Ai Cập tới Mozambique và Mexico. Tuy nhiên, giá lương thực sớm giảm xuống một cách ngoạn mục, khi nền kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, giá dầu giảm và các thị trường đặt cược vào khả năng nhu cầu về lương thực sẽ giảm xuống.
Đầu năm nay, Tổ chức Nông lương (FAO) của Liên Hiệp Quốc (LHQ) cũng đã đánh giá thấp vấn đề này. Tuy nhiên, ngày 9/8 vừa qua, FAO đã chính thức thừa nhận nguy cơ này. Abdolreza Abbassian - nhà kinh tế kỳ cựu, đồng thời là nhà phân tích lương thực của FAO - nói: "Giá (lương thực) có thể tăng cao hơn nữa. Có khả năng tình hình hiện nay sẽ diễn ra giống như những gì chúng ta đã trải qua năm 2007-2008".
Do hạn hán đang gây ảnh hưởng tới các nước sản xuất lúa mì lớn như Nga, Ukraina và Kazakhstan, khả năng các nước này sẽ áp đặt lệnh cấm xuất khẩu lúa mì nhằm bình ổn giá cả trong nước là rất cao. Thời tiết khắc nghiệt cũng đang xảy ra tại những quốc gia sản xuất lúa mì quan trọng khác là Australia và Ấn Độ.
Với mong muốn tránh lặp lại "cuộc khủng hoảng bánh ngô", Chính phủ Mexico đã thu mua mặt hàng này với số lượng lớn. Tuần trước, họ đã mua tới 1,516 triệu tấn ngô. Nhiều thương nhân cho rằng chiến thuật của Mexico có thể dẫn đến tình trạng các quốc gia khác, vốn đang lo ngại về vụ hạn hán trầm trọng diễn ra tại Mỹ, cũng thu mua ồ ạt. Tuần này, Iran, Algeria và Jordani cũng bắt đầu mua lương thực.
Trung Quốc cũng có những thách thức riêng, do kỷ nguyên thực phẩm rẻ đã kết thúc. Việc giá ngô gần đây tăng 60% lên mức cao kỷ lục kể từ ngày 15-6 là một vấn đề. Một vấn đề nữa là giá đậu tương tăng tới 35%, bởi cho đến nay Trung Quốc là nước nhập khẩu đậu tương lớn nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Giá lúa mì cũng đang trong tầm ngắm. Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại một cách nhanh chóng, do cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Âu làm giảm nhu cầu hàng xuất khẩu.
Các nhà hoạch định chính sách ở châu Á cũng đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan mới. Trong những năm gần đây, thách thức là thúc đẩy tăng trưởng. Cho dù cú sốc giá lương thực trong giai đoạn này được nhìn nhận là hiện tượng mang tính chu kỳ, thì điều này cũng sẽ qua đi một khi những người nông dân "đáp lại" bằng tăng nguồn cung lên.
Điều khác biệt vào thời điểm này là xu hướng nhân khẩu cho thấy nhu cầu thực phẩm tăng lên, trong khi tình hình thời tiết đang làm giảm nguồn cung. Trong bối cảnh nhiệt độ trên thị trường thế giới gia tăng, sản lượng nông nghiệp trở nên khó dự báo hơn bao giờ hết. Điều đáng lưu ý là nước cũng ngày càng trở nên khan hiếm hơn và được coi là "dầu mỏ mới".
Biện pháp khắc phục nhanh nhất là tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng và các chính sách của chính phủ. Phương thuốc đầu tiên có thể dễ dàng nếu không tính tới thể trạng ốm yếu của kinh tế thế giới hiện nay. Các quốc gia đang gặp khó khăn muốn khu vực tư nhân nhảy vào cuộc, nhưng sự xáo động thị trường hiện nay đang làm các nhà đầu tư ngại rủi ro.
Phương thuốc thứ hai sẽ đáng tin cậy nếu các nhà lãnh đạo nhìn xa trông rộng. Liệu có bao nhiêu chính trị gia Mỹ đủ can đảm để kết thúc tất cả các chính sách khuyến khích nguồn cung ngô bị lãng phí cho việc sản xuất cồn ethanol? Và liệu các nhà lãnh đạo châu Á có sẵn lòng cung cấp hệ thống an sinh rộng hơn? Nếu không, chi phí thực phẩm có thể sớm tác động xấu đến cuộc sống của nhiều người dân ở châu Á