Bỗng thành nạn nhân trong cơn say “hoa hồng”
Từ “cộng tác viên”...
Dù có rất nhiều cảnh báo nhưng trong thời điểm cuối năm, tình trạng lừa đảo tuyển dụng bán hàng online có dấu hiệu bùng nổ. Các băng nhóm này lộ diện với cách thức lừa đảo tinh vi, chuẩn bị nhiều kịch bản khác nhau, giăng bẫy những người ít am hiểu pháp luật.
Một tuần nay, chị Hoàng Thị Dịu (35 tuổi, Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh) buồn bã, đau khổ vì không biết phải xử lý ra sao 25 triệu tiền yến sào. Đây là “tài sản” mà chị đã hùn vốn với đối tác trên mạng thông qua những cuộc giao dịch bằng tin nhắn Facebook và Zalo. Chị Dịu đang trong quá trình nghỉ thai sản, rảnh rỗi nên thường lên mạng xem tin tức. Chị đã đăng vài mẩu tin rao vặt tìm việc làm thời vụ trong dịp tết này nhưng vẫn chưa có nơi nào hồi âm.
Đang buồn lòng thì tự nhiên có một cô gái nhảy vào kết bạn Zalo với chị. Cô ta giới thiệu tên Thủy, đang là Giám đốc maketing của Công ty yến sào Hồng Hạc có trụ sở tại Q. Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh) và cho biết, hiện công ty đang tuyển cộng tác viên bán yến sào mùa tết. Thủy cho biết, yêu cầu tuyển cộng tác viên rất đơn giản, chỉ cần chị Dịu quảng cáo hàng trên trang Facbook và Zalo của mình, thường xuyên chia sẻ bài đăng. Mỗi tuần, công ty sẽ trả lương 2 triệu đồng. Nếu cộng tác viên bán được hàng thì tiền hoa hồng là 50%. Cảm giác như “đang đuối nước gặp được du thuyền”, chị Dịu háo hức muốn bắt tay vào làm ngay.
Container hàng điện tử của bà Nhung nằm chờ vì chưa bán được hàng. |
Tuần đầu tiên, chị Dịu nhiệt tình đăng bài rồi tag (điền tên) bạn bè, người thân của mình vào. Chưa hết, chị còn bắt chồng và em út phải chia sẻ, quảng bá link bài viết của chị. Đúng như cam kết, tuần đầu tiên, chị Dịu được trả 2 triệu đồng. Khỏi phải nói, bà mẹ một con này vui sướng đến mức độ nào. Với mong muốn có thêm một khoản tiêu tết, chị Dịu tích cực mời gọi rồi năn nỉ, thậm chí là ép buộc người thân mua yến sào của công ty. Không ai mua, cuối cùng để xây dựng uy tín với công ty, chị Dịu bỏ hẳn 5 triệu mua sản phẩm nhưng lấy tên của chồng để được chiết khấu 50%.
Sang tuần thứ 2, đang lang thang tìm cách câu kéo người mua hàng thì chị Dịu thấy có một anh chàng xa lạ nhảy vào chat. Anh này tự xưng là Đạt, làm nhân viên văn phòng của công ty du lịch ở Bình Dương, hiện đang muốn mua 5 giỏ yến làm quà biếu tết.
Mừng như bắt được vàng, chị Dịu lên đơn hàng ngay và gọi cho giám đốc công ty xuất hàng. Muốn lấy hàng, chị Dịu phải ứng tiền trước, xem như đây là hàng chị Dịu mua để đi bán lại. Tổng tiền hàng là 1,5 triệu đồng, hoàn toàn nằm trong khả năng của chị Dịu. Giao dịch được chuyển qua công ty chuyển phát nhanh, thông thường khi nào nhận hàng, xem hàng thì khách mới giao tiền nhưng Đạt chơi đẹp, chuyển tiền trước qua số tài khoản để chị Dịu yên tâm.
Phi vụ buôn bán đầu tiên thành công, chị Dịu thu về 750 ngàn đồng, cộng với tuần lương thứ 2, chị Dịu thu hoạch ngót 5 triệu. Ngày mới đầy năng lượng, chị Dịu dậy thật sớm lướt Fecabook để săn đơn hàng. Không để chị phải chờ lâu, Đạt lại nhảy vào mua hàng của chị. Lần này, anh ta đặt 20 giỏ yến với tổng giá trị 6 triệu đồng. Chị Dịu lại gọi ngay cho công ty lấy hàng, lát sau, Đạt nhắn tin lấy thêm 30 giỏ nữa vì công ty mới có đoàn khách Hà Nội vào thăm. Tổng tiền hàng phải thanh toán với công ty cung cấp là 15 triệu, chỉ cần giao hàng xong là chị Dịu có trong tay 7,5 triệu tiền hoa hồng từ công ty. Chưa đầy buổi sáng mà kiếm được khoản tiền cực lớn quả là lộc trời rơi trúng nhà. Tài khoản của chị Dịu chỉ còn 10 triệu, chị phải vay nóng cô em gái 5 triệu để chốt đơn.
Vừa chuyển tiền cho công ty, hàng cũng sắp về giao cho khách thì chị Dịu tiếp tục nhận được tin nhắn của Đạt đặt thêm 10 triệu nữa. Chị Dịu nói, giao đơn đầu tiên trước rồi sẽ giao đơn thứ hai nhưng Đạt không chịu, Đạt nói phải giao cùng một lúc vì khách hàng của anh ta không thể chờ đợi được. Đã vét sạch tiền trong tài khoản, giờ chỉ nhờ tới ông chồng, đang làm công nhân điện ở khu công nghệ cao.
Vì chồng không thể nghe máy khi đang làm việc, chị Dịu để con ở nhà, tức tốc bắt xe tới công ty nhờ người gọi chồng ra. Anh chồng giật mình, lo lắng vì thấy vợ tới tìm. Hóa ra cần tiền. Tài khoản của anh chỉ còn hơn 3 triệu nhưng vì vợ cần gấp, lại đang làm ăn trúng mánh nên anh chạy đi vay bạn bè cho đủ 10 triệu.
Chuyển tiền, lấy hàng xong, chị Dịu nở một nụ cười sảng khoái khi nghĩ tới cuộc giao dịch quá hời sắp diễn ra. Mở Facabook lên, sao đèn trong tài khoản của Đạt tối sầm, chị Dịu nhắn liên tiếp mấy tin cũng không phản hồi gì. Chị gọi vào số điện thoại trao đổi lần trước cũng không còn chuông nữa. Bầu trời trước mắt chị tối sầm lại, choáng váng, mồ hôi túa ra. Chị hoang mang quá, giờ chỉ còn cách gọi cho công ty yến sào, niềm hy vọng cuối cùng của chị Dịu vụt tắt khi đầu dây bên kia “tịt tò”, bà giám đốc đã tắt nguồn điện thoại hoặc hủy sim.
Yến sào chất đống trong nhà chị Dịu sau cú lừa ngoạn mục. |
Nhìn đống yến sào chất đầy trong căn phòng trọ chật chội, nước mắt chị Dịu lưng tròng. Chồng đi làm về, nhìn thấy cảnh tượng vợ rũ rượi như cọng rau muống luộc, chẳng hỏi cũng đoán được sự tình. Anh động viên chị, thôi một lần mất khôn cho nhớ và thấm. Trên đời này, làm gì có “hoa hồng” cao và dễ như thế. Hai vợ chồng dắt nhau tới văn phòng luật sư nhờ trợ giúp pháp lý, mong gỡ gạc chút nào hay chút ý.
Theo luật sư Lê Văn Tình (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh), đây là chiêu trò của kinh doanh đa cấp nhưng hình thức thì liều lĩnh và tinh vi, có yếu tố lừa đảo. Nạn nhân sẽ rất khó lấy lại được số tiền đã bị lừa, do giao dịch qua online nên hầu như không có thông tin về người đã lừa đảo mình. Rất có thể, giữa công ty cung cấp sản phẩm và người mua hàng là một nhóm đối tượng câu kết với nhau. Chúng ít nhiều biết về hoàn cảnh của chị Dịu, qua thông tin tìm việc làm của chị đăng trên mạng. Lợi dụng người cần việc và khát tiền, đối tượng đã lên kế hoạch lừa đảo bài bản thông qua việc “câu nhử con mồi”.
Chúng tôi đã tìm tới địa chỉ mà bà Thủy, tự xưng Giám đốc Công ty yến sào Hồng Hạc trên đường Điện Biên Phủ (Q. Bình Thạnh) và đúng như dự đoán, tại địa chỉ trên, không hề có công ty yến sào nào cả, đó là cửa hàng xe máy đã hiện hữu gần chục năm nay. Về phần sản phẩm yến sào Hồng Hạc, đại diện công ty cho biết, họ mới thành lập công ty, sản phẩm còn đang trong quá trình thử nghiệm nên chưa tung ra thị trường. Đây là công ty gia đình, không có bà nào tên Thủy làm giám đốc kinh doanh cả. Yến sào mang tên Hồng Hạc do chưa có chứng nhận độc quyền tên gọi nên họ không thể kiện tụng hay khiếu nại người dùng.
...đến “Đại lý số 1”
Cú lừa mất 100 triệu khiến bà Nguyễn Thị Kim Nhung (48 tuổi, Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh) quá đau xót và có ý định tự tử. Số là vào đầu tháng 12-2020, bà Nhung đi chợ và gặp được một nhóm người bán đồ điện tử. Ti vi, loa, đài, điện thoại... sản phẩm đổ thành đống rất to và quảng cáo là hàng Thái Lan chính hiệu, đồng giá 999 ngàn.
Bà Nhung ham quá, sà vào chọn lựa được chiếc smat phone màn hình láng bóng, hình ảnh sắc nét, loa kêu oang oang. Thấy bà chăm chú theo dõi, một người đàn ông trong nhóm đứng ra tỉ tê với bà. Anh này nói rằng, đây là hàng công ty xả kho cuối năm và đang rất cần tuyển đại lý số 1 cho dịp này. Anh ta chỉ vào chiếc điện thoại bà Nhung vừa mua và nói: “Cái này nếu chị làm đại lý thì công ty chỉ tính 500 ngàn thôi. Chị có thể bán 1 triệu hoặc bao nhiêu tùy ý”.
Những cuộc trao đổi chớp nhoáng của người mua hàng nhằm dẫn dắt "con mồi" sập bẫy của nhóm lừa đảo chuyên nghiệp. |
Họ bảo bà lưu số điện thoại, về nhà suy nghĩ cho thật kỹ, nếu đồng ý làm đại lý thì gọi điện, kết bạn Zalo để trao đổi. Bà Nhung không cần suy nghĩ, kết bạn ngay. Con mồi đã cắn câu, ngày hôm sau, bà Nhung nhận được tin nhăn từ Hùng (nhân vật hôm qua) bàn về việc làm ăn. Hùng cho biết, bà Nhung sẽ là đại lý điện tử số 1 của Công ty điện tử Ánh mặt trời, có trụ sở chính tại Khu công nghiệp Tân Tạo (Bình Tân). Bà Nhung hỏi ý kiến con gái hiện đang làm thợ hớt tóc và được cô gật đầu ngay. Vậy là hai mẹ con bắt tay vào thực hiện phi vụ béo bở cho mùa tết năm nay.
Điều kiện để làm đại lý số 1, bà Nhung phải bỏ ra tối đa 30 triệu đồng cho một đơn hàng. Bù lại, bà sẽ được hoa hồng lên tới 60 triệu. Nghe có vẻ hoang đường nhưng dễ hiểu và đều có thể chấp nhận được. 30 triệu đồng giống như tiền mua hàng với giá cực rẻ, bà Nhung bán hết số hàng đó sẽ lời ít nhất 60 triệu đồng. Để đánh tan nỗi lo lớn nhất trong lòng bà Nhung, Hùng tuyên bố chắc như đinh đóng cột, là sẽ thu nhận lại tất cả các mặt hàng bà Nhung không bán được.
Lấy đơn hàng đầu tiên, bà Nhung ra chợ đổ đống bán, số khác bà gửi vài người bạn buôn bán trong chợ Tân Mỹ (Q. 7). Con gái bà thì phụ mẹ bán hàng online. Hai tuần đầu, hàng bán lai rai được vài cái nhưng vẫn có lời. Sang tuần thứ 2, bà Nhung nhận được cuộc gọi từ Hùng, cho biết công ty đang đổ chuyến cuối cùng cho các đại lý số 1. Hùng nói bà Nhung cứ lấy hàng, không lo ế, vì có công ty bao thầu. Cú vớt chót, bà Nhung phải đi mượn nóng 70 triệu đồng. Hàng quá nhiều, nhà không còn chỗ chất, bà Nhung phải đi thuê một container của công ty gỗ để tạm gần khu chế xuất Tân Thuận.
Hơn một tháng, hàng bán vẫn chậm, không thấy “ánh sáng cuối con đường” nên bà Nhung có ý trả lại một số cho công ty. Bà gọi điện cho Hùng nhưng máy bị chặn. Bà nghĩ bụng, chắc Hùng đang trên máy bay hoặc tới vùng nào không có sóng. Mấy ngày trời bà gọi đến cháy máy vẫn không liên lạc được. Mường tượng sự chẳng lành, bà Nhung gọi cho con gái thông báo. Hai mẹ con chở nhau tới khu công nghiệp Tân Tạo tìm Công ty điện tử Ánh mặt trời để hỏi cho ra nhẽ. Tại đây, người ta thông báo cho hai mẹ con thông tin động trời, là chẳng có công ty nào tên Ánh mặt trời sản xuất hàng điện tử cả.
Hai mẹ con lại chở nhau về nhà, nhìn nhau chỉ biết khóc mà thôi. Bà Nhung nhờ luật sư làm đơn tố cáo ra công an. Luật sư Nguyễn Thị Hồng Thắm (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) cho biết: “Sự việc của bà Nhung là hình thức mua bán hàng hóa có trao và có nhận. Hai bên giao dịch trên cơ sở thuận tình nên rất khó để cơ quan có thẩm quyền xử lý. Việc Hùng nói công ty sẽ thu nhận lại nếu hàng không bán hết thì cũng chỉ là lời nói chót lưỡi đầu môi chứ không có bất cứ một giấy tờ hay hợp đồng nào chứng minh. Hình thức lừa đảo không mới nhưng đã bị biến tướng khiến rất nhiều nạn nhân rơi vào cạm bẫy”.