Bức tranh kinh tế thế giới 2020: Tăng trưởng chậm và tiềm ẩn rủi ro

Thứ Ba, 07/01/2020, 18:17
Được đánh giá tiềm ẩn của các nhân tố không xác định như xung đột thương mại, địa chính trị và rủi ro suy thoái, bức tranh kinh tế toàn cầu năm 2019 được cho là sẽ chạm đáy điểm rơi của “thời kỳ rối ren”.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước phát triển và các thị trường mới nổi đã cùng chậm lại một cách đồng bộ trên diện rộng. Triển vọng năm 2020, nền kinh tế toàn cầu vẫn sẽ tiếp tục đối diện với những khó khăn chồng chất, trong đó xung đột thương mại vẫn là rủi ro lớn nhất.

Chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên thế giới được cho là sẽ vẫn duy trì xu hướng nới lỏng, nếu xung đột thương mại không diễn biến xấu đi thì nền kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ chạm đáy nhưng sự hồi phục sẽ không đồng đều và có đà yếu. Các nền kinh tế như Mỹ, Nhật Bản, Anh... sẽ vẫn tăng trưởng chậm lại, trong khi các thị trường mới nổi có thể chạm đáy và phục hồi. Sự chênh lệch về chu kỳ có ảnh hưởng rõ nét đối với xu thế biến động của đồng USD và dòng vốn.

Ngoài chủ nghĩa bảo hộ thương mại và quan hệ Mỹ - Trung căng thẳng, còn có nhiều sự kiện rủi ro địa chính trị khác. Năm 2020 là năm mà Mỹ, Ba Lan, New Zealand, Hàn Quốc, Singapore... sẽ diễn ra các cuộc bầu cử quan trọng. Tình hình của khu vực sản xuất dầu thô như Trung Đông, Venezuela... có xu hướng ngày càng xấu đi, có thể trực tiếp tác động đến nguồn cung và giá dầu thô.

Ở châu Âu, quá trình Brexit của Anh và sự phối hợp chính sách giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) sau Brexit tồn tại tính không xác định. Vấn đề nợ của các nước như Italy, Tây Ban Nha, Hy Lạp... cũng có những rủi ro tiềm ẩn.

Trong một kịch bản cơ bản là xung đột thương mại không tiếp tục xấu đi, rủi ro xung đột địa chính trị được kiểm soát, năm 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể duy trì ở mức gần 3,0%. Chính sách nới lỏng của các ngân hàng trung ương các nước sẽ cung cấp môi trường tiền tệ thuận lợi cho nền kinh tế.

Brexit gây tác động tiêu cực đáng kể tới nền kinh tế Anh.

Để ngăn chặn suy thoái kinh tế, ngăn ngừa rủi ro, một “làn sóng nới lỏng” mới sẽ được mở ra và được duy trì trong năm 2020, dự kiến năm 2019 và 2020 sẽ đóng góp khoảng 0,5 điểm phần trăm cho tốc độ tăng trưởng của kinh tế toàn cầu, trở thành lực lượng hỗ trợ lớn nhất về phương diện chính sách.

Tiếp nữa là thị trường lao động ổn định, hỗ trợ sức bền của tiêu dùng. Năng lực thích ứng với các sự kiện như xung đột thương mại được nâng lên, kỳ vọng đã được điều chỉnh, ngành sản xuất chế tạo sẽ có sự chuyển biến tích cực. Một số thị trường mới nổi và các nước đang phát triển phục hồi nhẹ do các yếu tố suy giảm được cải thiện.

Năm 2020 cũng là năm bầu cử của Mỹ, để đảm bảo cho việc tái đắc cử, nhiều khả năng Tổng thống Donald Trump sẽ tiếp tục sử dụng chiêu bài kinh tế, thiên về kích thích kinh tế, ổn định thị trường, đồng thời tìm kết quả mang tính giai đoạn trên phương diện quan hệ thương mại Mỹ - Trung.

Nhìn từ góc độ của các quốc gia và khu vực khác nhau, trong số các nền kinh tế từng dẫn dắt tăng trưởng kinh tế toàn cầu 5 năm qua (Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Anh), ngoại trừ khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2020 sẽ tiếp tục chậm lại, trong đó tốc độ tăng trưởng GDP của một số thị trường mới nổi và kinh tế phát triển tăng trưởng 1,7% trong năm 2019 và giảm xuống 1,4% trong năm 2020. Tốc độ tăng trưởng của các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển sẽ tăng từ 3,9% năm 2019 lên 4,4% năm 2020.

Nước Mỹ, cùng với hiệu ứng kích thích của chính sách tài khóa dần suy yếu, nhân tố chu kỳ cộng với tác động của xung đột thương mại, xu thế sa sút của ngành sản xuất chế tạo sẽ lan sang các ngành khác, trong đó có ngành dịch vụ. Đầu tư thương mại và nhà dự kiến sẽ phục hồi trở lại. Thị trường lao động sẽ duy trì sự ổn định cơ bản, song số việc làm tăng mới bình quân sẽ giảm từ mức 160.000 người/tháng hiện nay xuống 120.000 người/tháng trong năm 2020.

Bóng mây suy thoái vẫn lửng lơ nhưng sức bền tiêu dùng sẽ giúp hạ thấp khả năng suy thoái. Dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục giảm xuống mức 1,8%. Kết quả này phụ thuộc rất nhiều vào quan hệ thương mại Mỹ - Trung.

Đối với khu vực Eurozone, ngành sản xuất chế tạo lún sâu vào suy thoái, và xu thế sa sút của nó sẽ lan sang ngành dịch vụ. Trong số các nước lớn, Đức chịu ảnh hưởng lớn nhất từ sự suy yếu của nhu cầu bên ngoài, điều này khiến cho đầu tàu của châu Âu mất tốc độ tăng trưởng nghiêm trọng. Năm 2020, dự báo tốc độ tăng trưởng của Eurozone chỉ đạt 1,1%.

Đối với nước Anh, sau khi loại trừ tính không xác định của Brexit, đầu tư sẽ có sự chuyển biến tích cực nhưng tác động tiêu cực của Brexit đối với kinh tế vẫn còn kéo dài. Dưới tác động của sức ỳ kinh tế toàn cầu, năm 2020, dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế Anh sẽ giảm từ mức 1,3% của năm 2019 xuống 1,1% và tốc độ tăng trưởng sẽ chạm đáy trong năm 2020. Nền kinh tế Nhật Bản cũng sẽ phải chịu sức ỳ tương tự. Dự báo tốc độ tăng trưởng của nước này sẽ giảm xuống 0,4% từ mức 0,9% của năm 2019. CPI lõi cũng sẽ dao động ở mức thấp 0,5%.

Đối với các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, dưới sự hỗ trợ như chính sách tài khóa của chính phủ, hiệu quả nới lỏng của chính sách tiền tệ, hiệu ứng cơ bản thấp..., năm 2020, các nền kinh tế như Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Nga, Chile... có triển vọng tốt hơn năm 2019, sẽ chạm đáy và phục hồi sớm hơn so với các nền kinh tế phát triển.

Lan Ngọc (tổng hợp)
.
.