Bulgaria: Nạn “chảy máu chất xám” y tế
Theo Tiến sĩ Tsvetan Raychinov, chủ tịch Liên đoàn bác sĩ Bulgaria, hàng năm Bulgaria mất khoảng 500-600 bác sĩ vì lương thấp, ít có cơ hội phát triển nghề nghiệp, môi trường làm việc thiếu công bằng, nên họ thường sang Đức, Anh và Pháp tìm cơ hội việc làm tốt hơn.
Lương quá thấp, nạn tham nhũng, chính trị không ổn định gây "chảy máu" y tế Bulgaria?
Một nghiên cứu năm 2011 đã chỉ ra Bulgaria xếp hạng thấp nhất ở châu Âu về thù lao dành cho bác sĩ chỉ có 417 USD/tháng so với 3.000 USD ở Anh, 5.230 USD ở Đức và 6.200 USD ở Pháp. Rất ít bác sĩ ở bệnh viện công lập được hưởng lương cao gấp đôi, nhưng chỉ có một vài người may mắn được nhận việc như vậy. Thậm chí năm 1997, khi đó Bulgaria vướng vào cuộc khủng hoảng kinh tế nặng nề nhất trong lịch sử nước này, lương của một bác sĩ mới tốt nghiệp khoảng 10 USD/tháng.
Gloria Petrova - sinh viên y khoa năm thứ 5 thường hãnh diện nói về cha của cô, một bác sĩ chuyên khoa tim mạch nổi tiếng ở Bulgaria, người có bước khởi nghiệp khá khiêm nhường đã phải làm việc rất vất vả để trở thành bác sĩ và như thế ông mới có đủ khả năng chu cấp tài chính cho con gái nối nghiệp cha, đồng thời giúp Petrova khởi nghiệp. Nhưng ngay cả khi có các mối quan hệ cùng sự hậu thuẫn của cha, Petrova vẫn đang xem xét đến việc ra nước ngoài để hoàn tất khóa học và bắt đầu làm việc với trách nhiệm của một bác sĩ.
"Tôi muốn ra đi, lên kế hoạch và phát triển cuộc đời mình ở nơi khác bởi vì tôi không thấy có nhiều cơ hội ở đây. Ở đây có quá nhiều sự bất công và tôi không hề thích điều đó… tôi muốn đi đến một nơi tôn trọng luật pháp", Petrova nói. Cô giải thích sự thiếu nghiêm minh và trách nhiệm không chỉ ở lĩnh vực y tế mà còn các khía cạnh khác trong đời sống xã hội tại Bulgaria tất thảy đều khiến cô có suy nghĩ sẽ ra nước ngoài tìm việc.
"Bạn có thể làm việc gì ở đây mà kiếm được 300 leva/tháng? Bạn không thể tự lập ra một gia đình. Cha, mẹ bạn phải hỗ trợ bạn, chồng và con của bạn" - cô Ivelina - bạn thân, học cùng khóa với Petrova, cho biết, phát biểu nêu trên của Ivelina đề cập đến đồng lương tháng ít ỏi mà hầu hết các bác sĩ trẻ ở Bulgaria được lĩnh trong suốt 4 năm làm việc cật lực sau khi tốt nghiệp. Do đó, cũng như bạn mình, Ivelina cũng có dự định sẽ qua Đức làm việc.
Một bác sĩ gây mê hồi sức yêu cầu được giấu tên vì cô không được phép nói chuyện với truyền thông cho biết, kể từ khi Bulgaria gia nhập Liên minh châu Âu (EU) năm 2007, 4 đồng nghiệp của cô hiện công tác ở một trong những bệnh viện công lập lớn nhất ở thủ đô Sofia đã đến Pháp, còn một người thì sang Đức. Cô cho biết, số lượng bác sĩ gây mê hồi sức đã giảm một nửa trong 5 năm qua, và bệnh viện nơi cô đang làm việc thiếu trầm trọng nhân viên có trình độ chuyên môn này.
Mặc dù nhắc đến tiền bạc là một phần động lực khiến các bác sĩ trẻ ra đi, Petrova cùng đồng nghiệp cũng đề cập đến những câu chuyện về tham nhũng, gia đình trị, "ngồi nhầm chỗ" và cơ sở vật chất nghèo nàn. Một lý do chủ đạo làm nản lòng bác sĩ trẻ theo đuổi sự nghiệp của họ ở Bulgaria là do những khó khăn mà họ phải đối mặt để cố gắng trở thành bác sĩ chuyên khoa.
Do lương thấp và có ít cơ hội để phát triển nghề nghiệp, nhiều bệnh viện ở ngoại ô các thành phố lớn phải gồng hết sức mình để phục vụ bệnh nhân do thiếu nhân viên. Ông Raychinov cho rằng điều này đã buộc các bệnh viện nhà nước có quy mô nhỏ hơn phải đóng cửa. Từ năm 2009-2013, Bulgaria có ít nhất 9 bệnh viện đã phải đóng cửa, hầu hết ở các thành phố nhỏ. Bây giờ, người dân ở khu vực nông thôn đôi khi phải mất nhiều giờ đi đến thành phố lớn gần nhất để chữa bệnh.
Lựa chọn xa quê để ra nước ngoài làm việc không phải là một quyết định dễ dàng và chẳng một ai hoặc Petrova hoặc các bạn của cô mong muốn thực hiện điều đó. Nhưng tương lai phát triển nghề nghiệp của họ ở Bulgaria vào giai đoạn này rất ảm đạm. "Nào đâu có sự công bằng để làm việc hay học tập nên người dân đành lòng phải xa gia đình", Petrova, mắt ngân ngấn lệ, giải thích lý do phải rời đất nước, xuất ngoại tìm việc.
Lễ tốt nghiệp của sinh viên Đại học Y Sofia, Bulgaria năm 2013. |
"Sự độc tôn" của bác sĩ già sẽ khiến ngành y Bulgaria ngày càng khủng hoảng?
Ông Raychinov cho rằng: để giải quyết vấn đề giữ chân bác sĩ trẻ, Liên đoàn Bác sĩ Bulgaria đã đề xuất việc thay đổi chế độ tiền lương để tạo điều kiện cho họ phát triển chuyên môn và trả lương xứng đáng cho bác sĩ mới ra trường. Liên đoàn Bác sĩ Bulgaria cũng thành lập một đoàn chuyên gia để cải tổ mô hình hệ thống y tế, nhưng vì lý do chính trị, nên chưa có ai nêu ra đề xuất của họ.
Trong khi các nhà chính trị tiếp tục né tránh trách nhiệm cải cách vô cùng bức thiết của ngành y tế Bulgaria, thì cuộc khủng khoảng trong lĩnh vực y tế đang trở nên nghiêm trọng hơn, vì ngày càng có nhiều bác sĩ trẻ rời quê hương ra nước ngoài làm việc.
Nhân viên y tế ra nước ngoài làm việc là hiện tượng toàn cầu. Ở các nước phương Tây, chẳng hạn như: Anh, Pháp và Đức, hầu hết đều chào đón lao động nhập cư, họ có kinh nghiệm riêng về lao động y tế nhập cư. Chỉ có một số bác sĩ của Anh, Pháp, Đức chuyển đến các nước trả lương và chế độ đãi ngộ tốt hơn, chẳng hạn như khu vực Scandinavia, Mỹ và Canada.
Khác với khu vực Tây Âu, những quốc gia nghèo hơn như: Bulgaria phải gánh chịu sự khủng hoảng sâu sắc xét về mặt nhân khẩu học, nước này không có nguồn bác sĩ ngoại để lấp chỗ trống. Mặc dù Bulgaria đang phải nếm trải sự thiếu hụt bác sĩ chuyên khoa ở nhiều lĩnh vực y khoa và gần 70% bác sĩ đang làm việc đều trên 46 tuổi, sinh viên tốt nghiệp ngành y vẫn rất khó tìm được sự công bằng với các bác sĩ lớn tuổi đã ổn định "vị thế".
"Người ta có thể thấy rõ một sự độc tôn toàn diện thuộc về các giáo sư và học giả y khoa, những người đang trên đỉnh cao sự nghiệp và không muốn để cho các bác sĩ trẻ đạt được chứng chỉ cao cấp để hưởng lương cao hơn bởi vì bác sĩ trẻ sẽ “ăn cắp” bệnh nhân của họ", Dimitrova phân tích.
"Tôi không tài nào hiểu nổi sự độc tôn này. Chúng tôi phải đào tạo tầng lớp bác sĩ trẻ vì họ sẽ là những người trị bệnh cho người dân. Dân số ngày càng già đi, ngày càng có nhiều người bị bệnh, do đó có đủ việc làm cho mọi người. Giấu "mối làm ăn" của bạn với những người khác chẳng tốt đẹp gì", Tiến sĩ Georgi Nikolov, bác sĩ làm việc trong một bệnh viện nhà nước ở thành phố Pleven bức xúc nêu lên quan điểm của ông về sự "bất công" trong ngành y tế Bulgaria.
"Chúng tôi sẽ đạt đến đỉnh điểm mà sẽ chẳng còn ai ở lại để trị bệnh cho người dân, cho thế hệ của tôi nữa", một bác sĩ yêu cầu giấu tên, thở dài cảnh báo