COVID-19 thay đổi báo chí như thế nào?

Thứ Sáu, 25/06/2021, 21:15
Có thể nói, đại dịch COVID-19 đã làm đảo lộn mọi mặt của đời sống xã hội. Với nhiều nét đặc thù, báo chí thuộc nhóm các ngành chịu tác động rất lớn. Để tồn tại và thích nghi với tình trạng “bình thường mới”, những người làm báo trên khắp thế giới đã phải thay đổi hàng loạt khía cạnh trong công việc, từ điều kiện tác nghiệp, cách truyền đạt cho đến nội dung thông tin, qua đó đáp ứng nhu cầu tiếp nhận cũng như tâm lý của độc giả.


Điều kiện tác nghiệp

Cuối năm 2020, đại diện của PRSA, trang mạng tư vấn và đào tạo ngành Quan hệ công chúng (PR) tại Mỹ, đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Anahad OConnor đến từ Thời báo New York về những thay đổi trong công việc và cuộc sống của anh kể từ khi đại dịch bùng phát. OConnor cho biết, San Francisco, nơi gia đình anh sinh sống, đã trở thành “một thế giới rất khác” và mọi người đang nỗ lực làm quen với nó.

Anh chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng tôi cũng như rất nhiều đồng nghiệp có ít thời gian hơn, đặc biệt là những người đã có gia đình... Chẳng hạn, tôi đang ở nhà với vợ và cậu con trai gần 18 tháng tuổi. Khu vực của chúng tôi không có nhà trẻ, cũng không có dịch vụ trông trẻ, vì vậy chúng tôi phải kết hợp công việc hằng ngày với nhiệm vụ chăm sóc con nhỏ. Do đó, tôi không còn nhiều khoảng thời gian 30-40 phút rảnh rỗi trong ngày như trước đây để thực hiện một cuộc phỏng vấn qua Zoom. Tôi nghĩ rằng mọi người bị thúc ép về mặt thời gian hơn hẳn vì những hạn chế mà đại dịch mang đến”.

Phỏng vấn từ xa - "người bạn mới" của các phóng viên thời COVID-19.

Ngoài việc đảm bảo cùng lúc trách nhiệm công việc và gia đình, các nhà báo cũng dần hình thành thói quen mới trong phương pháp thu thập thông tin. Do đặc thù ngành nghề đòi hỏi sự linh hoạt nên OConnor và các đồng nghiệp đang tiếp cận báo chí theo nhiều cách khác nhau.

Trước đây, một trong những cách khai thác thông tin ưa thích của anh là tiến hành một “cuộc gặp bất chợt” với mọi người, trò chuyện ngẫu hứng bên ly cà phê thay vì thực hiện một cuộc phỏng vấn chính thức.

Nhưng, hiện tại, động lực đó đã hoàn toàn thay đổi. OConnor tâm sự: “Khi nhận những email về lịch hẹn phỏng vấn trực tuyến, tôi nghĩ: “Chà, kiểu phỏng vấn tại chỗ có lẽ sẽ không thể trở lại trong tương lai gần”. Đó từng là những cuộc gặp mà tôi rất hứng thú... Tôi sẽ ngồi cạnh ai đó tại quán cà phê trong vòng 20-30 phút và tán gẫu như bao cuộc hẹn thông thường. Trao đổi qua Zoom cảm giác sẽ không thoải mái được như vậy, nếu đó không phải là một cuộc phỏng vấn thực sự mà tôi đã có tâm thế sẵn sàng hoặc cuộc trò chuyện về một đề tài cụ thể mà tôi đã chuẩn bị câu hỏi từ trước”.

Tuy nhiên, việc phỏng vấn qua Zoom không thực sự thoải mái không có nghĩa là các phóng viên không sẵn lòng tương tác từ xa. Mặc dù các cuộc gặp bất chợt không còn phù hợp khi sử dụng Zoom nhưng OConnor thừa nhận rõ ràng anh và các đồng nghiệp ngày càng muốn gọi video call hơn là gọi điện thoại thông thường, bởi việc này giúp phóng viên nhìn thấy gương mặt của khách mời phỏng vấn và tạo cảm giác gần gũi, thân thiện hơn.

“Tòa soạn phân tán”

Một thay đổi đáng kể nữa mà các nhà báo phải làm quen từ khi COVID-19 lây lan trên toàn cầu là việc thích nghi với những điều kiện môi trường, thời gian làm việc lạ lẫm. Đại dịch đã buộc các tòa soạn phải đáp ứng khối lượng công việc lớn hơn nhưng với nguồn lực nhỏ hơn. Một số tờ báo phải đưa ra các quyết định như giảm bớt chi phí vận hành, tinh gọn nhân sự, phân bổ công việc và giờ làm nhằm đảm bảo giãn cách xã hội.

Cô Marcela Kunova, biên tập viên hiện đang cộng tác với trang journalism.co.uk, đã chứng kiến rõ sự nổi lên của mô hình “tòa soạn phân tán”. Cô cho biết nhiều chuyên gia truyền thông đã chuyển nơi làm việc sang bàn bếp, phòng khách hay thậm chí cả giường ngủ của họ từ vài tháng nay.

Qua tìm hiểu, Kunova còn khẳng định một số nhà báo đã làm việc trong điều kiện đó ít nhất vài ngày mỗi tuần. Trong khi đó, tại buổi tọa đàm trực tuyến được phát trên chuyên mục “Tương lai báo chí” của trang Reuters Institute, bà Federica Cherubini, Giám đốc Phát triển lãnh đạo công ty, chia sẻ rằng đại dịch đã biến những điều mà trước đây một số tòa soạn cho là bất khả thi trở thành khả thi, trong đó có làm việc từ xa.

Theo bà Cherubini, một cuộc khảo sát về việc thay đổi tòa soạn công ty năm 2020 đã chỉ ra rằng có 54% số người được hỏi thừa nhận không còn cảm giác muốn đến văn phòng nhiều như trước mà sẵn sàng làm việc ở bất cứ nơi nào có thể.

Trước khi trở thành phóng viên truyền hình và nhà báo tự do cộng tác với chuyên trang về sức khỏe healthline.com, Roz Plater từng là một y tá, nên cô không còn cảm thấy bỡ ngỡ khi phải làm việc vào những khung giờ bất thường. Điều này cho phép cô sắp xếp một lịch trình công việc rõ ràng, cũng như khai thác những thông tin mới nhất về COVID-19 cả ngày lẫn đêm. Cô thường nghỉ ngơi và dành thời gian cho các con sau buổi làm việc vào ban ngày. Đến tối muộn, khi các con đi ngủ, cô tiếp tục cập nhật những bản tin phát thanh, báo cáo và tin tức được đăng tải trước đó.

Với nhịp sống hối hả và bận rộn trong thời kỳ đại dịch, một đơn vị truyền thông rất dễ bỏ quên việc xây dựng mối quan hệ với các nhà báo mà họ đang hợp tác và vô tình làm ảnh hưởng đến lợi ích chung. Bởi vậy, việc kết hợp giữa khả năng duy trì các mối quan hệ, cùng sự thấu hiểu và đồng cảm với những thách thức mà một nhà báo phải đối mặt sẽ là công cụ đắc lực, giúp đơn vị tiếp tục đi một chặng đường dài mà vẫn đạt được nhiều mục tiêu đề ra.

Làm việc tại nhà - điều không còn xa lạ với người làm báo.

Phương thức truyền tải

Đại dịch buộc mọi người phải ở nhà nhiều hơn, dẫn đến thời gian dành cho các thiết bị thông minh tăng lên rõ rệt. Theo dữ liệu từ nghiên cứu đa thị trường về COVID-19 của Global Web Index, thời lượng sử dụng điện thoại thông minh tăng 70%, máy tính xách tay là 47% và máy tính bảng là 23%.

Trên trang thống kê DataReportal, ông Simon Kemp, Giám đốc điều hành (CEO) công ty tư vấn chiến lược marketing Kepios, cho biết: “Nhiều người nói rằng họ muốn duy trì những thói quen mới hình thành từ COVID-19, ngay cả khi đại dịch này kết thúc. Có 1/5 người dùng Internet cho biết, họ mong muốn tiếp tục xem nhiều nội dung hơn trên các dịch vụ phát trực tuyến, trong khi 1/7 số người tham gia khảo sát hy vọng sẽ tiếp tục dành nhiều thời gian hơn trên mạng xã hội”. Điều này đồng nghĩa rằng các nhà phát hành tin tức đã thay đổi cách đánh giá mức độ quan tâm của công chúng khi đặt trọng tâm và giữ được độ phủ thông tin trên các kênh trực tuyến.

Các nhà phát hành báo chí cũng đang thử nghiệm nhiều loại sản phẩm tin tức để thu hút nhiều độc giả mới. Tháng 3-2020, một báo cáo được đăng trên trang Niemanlab của tác giả Damian Radcliffe - giáo sư tại Đại học Báo chí Oregon, cho thấy các nhà phát hành đã nhanh chóng tung ra các bản tin tự động hiển thị (pop-up) về COVID-19 và cài một đường dẫn đến bài viết trả phí cho những ai muốn tìm hiểu sâu hơn.

Theo Ủy ban Nghiên cứu xu hướng truyền thông toàn cầu thuộc Hiệp hội Các nhà phát hành tin tức thế giới (WAN-IFRA), hơn một nửa số người điều hành biên tập được hỏi cho biết họ đã có nhiều ý tưởng về sản phẩm mới kể từ khi đại dịch bùng phát. Ông Radcliffe cho biết: “Bản tin chữ là sản phẩm phổ biến nhất, khi được 55% nhà phát hành sử dụng, tiếp theo là tin đồ họa (49%), trong khi tin video và blog trực tiếp cũng trở nên phổ biến hơn (30%)”.

Thích ứng nội dung

Trong kỷ nguyên số, với tâm lý muốn nắm bắt thông tin nhiều nhất có thể, người đọc thường lướt qua các trang mạng với tốc độ chóng mặt và dành rất ít thời gian để đọc một bản tin. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, nội dung của các tin, bài dường như đang chia thành 2 xu hướng riêng rẽ.

Trước đây, thời gian độc giả dành ra để đọc một tin “nóng” vốn đã ngắn thì nay lại càng ngắn hơn. Hiện tại, bên cạnh việc cập nhật kiến thức về các lĩnh vực nổi cộm như an ninh, chính trị, kinh tế, văn hóa, công nghệ thì người đọc có thêm mối quan tâm cho những tin tức xung quanh đại dịch COVID-19, chẳng hạn như ổ dịch nào mới hình thành trong cộng đồng, loại vaccine nào có kết quả thử nghiệm lâm sàng khả quan, hay tình hình triển khai hộ chiếu vaccine tại các nước. Mối quan tâm bị chia nhỏ đồng nghĩa thời gian dành cho từng mảng thông tin sẽ càng ngắn lại. Do đó, để đảm bảo tính cạnh tranh, các tờ báo đã tìm cách thu gọn độ dài của tin nóng. Ngoài ra, số lượng từ ngữ cho các thông tin nền, hay những diễn biến bên lề cũng được giảm thiểu.

Ngược lại, các bài báo theo dạng phân tích, đi sâu vào một vấn đề xã hội, một sự kiện hay nhân vật tiêu biểu có nhiệm vụ tập trung tác động đến suy nghĩ, cảm xúc của người đọc. Trong thời buổi dịch bệnh, nhiệm vụ này càng trở nên quan trọng hơn bởi nó giúp người đọc cân bằng trở lại sau khi “tiêu thụ” một số lượng tin vắn khổng lồ. Để tiếp tục phát huy thế mạnh và củng cố chỗ đứng riêng trong lòng độc giả, nhiều tòa soạn đã đưa ra chủ trương tăng cường lồng ghép yếu tố kể và tả, kèm theo ý kiến của các chuyên gia và người trong cuộc cho dạng bài báo này.

Và yếu tố định hướng - nhân văn

Một yếu tố khác cũng giúp cải thiện tinh thần người đọc trong thời kỳ đại dịch là việc đẩy mạnh khai thác những thông tin tích cực. Cô Monisha Gohil, quản lý tài khoản PR cấp cao tại cơ quan truyền thông số Datadial cho biết: “Phạm vi công việc của chúng tôi đang thay đổi và cho thấy một số kết quả tốt... Trong lúc đại dịch lên đến đỉnh điểm, nhiều nhà báo đang khai thác những câu chuyện đời sống mang lại cảm giác nhẹ nhõm và giải trí”.

Bà Alison Gow, Tổng Biên tập nội dung số của hãng tin Reach PLC đã bày tỏ lạc quan về hiệu ứng mà những thông tin tích cực tạo ra: “Từ các lớp học Yoga ảo cho đến câu lạc bộ giáo dục tại nhà cho trẻ em, bên cạnh thông tin chi tiết về số ca mắc COVID-19 tại địa phương, các nhà báo cùng tin tức của chúng tôi đã vận hành ổn định trong vài tháng qua... Nhóm Westcountry của chúng tôi đã sản xuất thành công chương trình Lockdown Pub Quiz, cùng loạt chương trình No really Im fine nhằm cung cấp kiến thức về sức khỏe tâm thần, giúp đỡ những người đang phải đối mặt với cảm giác lo lắng và bị cô lập trong thời gian cách ly... Chúng tôi cũng đã tạo một mạng lưới liên kết với những tờ báo địa phương để hỗ trợ việc giao hàng tận nhà, giúp mọi người công khai việc di chuyển đến các cửa hàng trung gian, giới thiệu các nhóm tình nguyện viên ở gần độc giả...”.

COVID-19 đã và đang mang đến nhiều thách thức nhưng cũng là cơ hội để ngành báo chí không ngừng thay đổi mạnh mẽ. Đây cũng là “chiếc lò xo” thúc đẩy mỗi người làm báo phát huy khả năng sáng tạo, nắm bắt thông tin nhanh nhạy, chính xác, phù hợp với nhu cầu ngày càng đa dạng của độc giả. Khi đó, báo chí mới có thể giữ được những nét đặc sắc riêng, góp phần tiếp tục hoàn thành sứ mệnh thông tin cao cả, đồng thời tạo ra giá trị và lợi ích lớn hơn nữa cho xã hội trong bối cảnh “bình thường mới”.
Mạnh Tuân (Tổng hợp)
.
.