Cả thế giới lo ngại khi văn hóa Palmyra rơi vào tay IS

Thứ Năm, 04/06/2015, 22:35
Ngày 20/5 vừa qua, chiến binh IS đã chiếm thành phố Palmyra của Syria, một trong những trung tâm văn hóa cổ đại của thế giới. Thông tin đã gây lo ngại cho cả thế giới bởi vì Palmyra được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới và thành phố có thể bị IS san bằng như những gì chúng đã làm trước đây đối với các di sản vô giá khác của nhân loại ở hai thành phố Hatra và Nimrud của nước láng giềng Iraq. Bộ trưởng Nội vụ Syria Muhammad al-Shaar tuyên bố chính phủ đang cố gắng có biện pháp khẩn cấp nhằm bảo vệ những di tích cổ khỏi sự tàn phá của IS.

Palmyra (còn có tên gọi khác là Tadmur) là quê hương của một số phế tích tráng lệ nhất thế giới: những hàng cột có niên đại đến 2.000 năm, những đồ tạo tác vô giá.

Trước khi chiến tranh nổ ra, Palmyra là điểm đến thu hút du khách và giới nghiên cứu, khảo cổ nên địa điểm này còn được mệnh danh là "Cô dâu Sa Mạc". Nhưng đối với chiến binh IS thì thành phố chỉ có 50.000 dân này là một địa điểm chiến lược với mỏ dầu và mạng lưới đường giao thông băng qua sa mạc miền Trung Syria.

Khi càn quét qua Syria và Iraq, IS đã phá hủy và gây tổn hại nhiều di tích, cướp đi nhiều món đồ tạo tác có giá trị cao và bán ra thị trường đen để kiếm tiền nuôi dưỡng các hoạt động khủng bố của chúng.

Di tích giống như nhà hát cổ thu hút đông đảo du khách trước chiến tranh.

Tổng giám đốc UNESCO Irina Bokova phát biểu hôm 20/5: "Chiến tranh đang đe dọa một trong những di sản tráng lệ nhất khu vực Trung Đông".

Amr al-Azm, cựu quan chức phụ trách di tích cổ và hiện đang giảng dạy tại Đại học bang Shawnee ở bang Ohio (Mỹ), nói về sự hiện diện của IS tại Palmyra: "Đó thật sự là con voi đang bước vào căn phòng nhỏ".

Palmyra là khu vực phế tích mênh mông nằm giữa sa mạc miền Trung Syria. Xa xưa, Palmyra là nơi dừng chân của những đoàn thương nhân băng qua sa mạc. Từ thế kỷ I trước Công nguyên (CN), Palmyra dần dần phát triển thịnh vượng dưới sự bảo hộ của Đế quốc La Mã và trong suốt thế kỷ III sau CN, giới cầm quyền thành phố bắt đầu nổi lên chống lại quyền lực La Mã để tạo dựng một đế chế riêng biệt trải dài từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Ai Cập.

Những bức tượng trong Nhà Bảo tàng Palmyra.

Câu chuyện Nữ hoàng Zenobia lãnh đạo đội quân chống lại Hoàng đế La Mã Aurelianus đều được thế giới biết đến, nhưng có lẽ ít ai nhớ đến cuộc chiến chống lại người Ba Tư, Đế quốc Sassanid, của bà. Vào giữa thế kỷ III, khi người Sassanid xâm lược La Mã và bắt giữ Hoàng đế Valerianus, chính người Palmyra đã đánh bại đội quân Ba Tư và đẩy lùi bọn chúng về phía bên kia bờ sông Euphrates.

Palmyra là thành tựu vĩ đại của khu vực Trung Đông và không giống như bất cứ thành phố nào khác của Đế quốc La Mã, Palmyra hoàn toàn độc đáo về văn hóa và nghệ thuật. Chính sự thịnh vượng nhờ thương mại mà Palmyra có nhiều tiền đầu tư vào các công trình kiến trúc.

Những di tích kiến trúc ở Palmyra nổi tiếng là công trình tetrapylon (những cánh cổng 4 cửa khắc hoa văn), Ngôi đền Bel (Ngôi đền của những vị Thần Palmyra), Ngôi đền Baal Shamin, Lăng mộ Elahbel và Lâu đài cổ Palmyra.

Những cây cột nổi tiếng của Palmyra.

Người Palmyra hãnh diện ca ngợi những công trình kiến trúc cổ của mình với chữ viết Semitic hơn là chỉ dựa vào chữ viết La Mã hay Hy Lạp (vốn là chuẩn mực ở khắp nơi thời xưa). Các hoa văn trang trí tại những công trình kiến trúc của Palmyra thể hiện sự kết nối giữa Đông và Tây. Tơ lụa của người Trung Hoa cũng được sử dụng để tẩm liệm cùng những xác ướp trong các ngôi mộ ở Palmyra. Tuy nhiên, con người ngày nay vẫn còn hiểu biết tương đối ít về Palmyra do chỉ có những phần nhỏ của địa điểm khảo cổ được khai quật.

Sau khi giành được quyền kiểm soát Palmyra, chiến binh IS đã bắt đầu cuộc thảm sát kinh hoàng, hành hình ít nhất 400 người - trong đó phần đông là phụ nữ và trẻ em - với lý do những người này hợp tác với chính phủ. IS cũng tung bức ảnh khoảng 20 binh sĩ Syria sắp bị hành hình lên mạng xã hội. 

Nói chuyện tại một cuộc họp báo ở Damascus, Bộ trưởng Cổ vật Syria Mamoun Abdulkarim cho rằng chiến binh IS đã bước vào Nhà Bảo tàng Palmyra, đóng hết các cửa và cắt cử người canh gác tại lối vào. Abdulkarim cho biết một số bức tượng thạch cao hiện đại trong nhà bảo tàng đã bị đập vỡ song ông chưa nhận được báo cáo nào về việc bọn khủng bố phá hoại đồ tạo tác cổ trong nhà bảo tàng.

Theo Abdulkarim: "Gần như không còn thứ gì để lại trong nhà bảo tàng bởi vì chúng tôi đã cho di chuyển các cổ vật đến Damascus. Tuy nhiên, vẫn còn các hiện vật to lớn, như những chiếc quan tài cổ nặng 3 - 4 tấn cho nên không thể vận chuyển đi được. Đó là những gì mà chúng tôi cảm thấy hối tiếc".

Lá cờ đen IS phía trên một thành lũy ở Palmyra, cùng với bức ảnh binh sĩ Syria quỳ gối (ở góc phải).

Khaled al-Homsi, một người dân ở Palmyra nói rằng: trước ngày 20/5, nhiều công nhân mang những chiếc thùng có lẽ chứa đồ cổ từ trong nhà bảo tàng ra 4 chiếc xe tải đưa đến nơi nào đó.

Có lẽ đối với chiến binh IS, chỉ có những bức tượng liên quan đến thần thánh là phải được phá hủy và điều này cũng áp dụng cho những lăng mộ các thánh. Bởi vì theo lời dạy của Đấng Tiên tri Muhammad, bất cứ bức tượng thần thánh nào cũng phải bôi xấu hay phá sập.

Theo các giáo sĩ của IS, chiến binh có quyền bán vàng, vật dụng và cổ vật nhưng không được phép lấy những thứ này ra khỏi các tòa nhà công cộng như nhà bảo tàng. Do đó, các chuyên gia cho rằng di sản văn hóa cổ Palmyra có thể sẽ không bị phá hủy như mọi người đang lo ngại.

Tuy nhiên, Palmyra còn có những món đồ tạo tác có thể bị chiến binh IS đập phá. Dù sao, các nhà hoạt động Syria cũng đã lên tiếng trấn an mọi người rằng chính quyền Damascus đã cho di dời nhiều kho tàng quý giá ra khỏi Palmyra trước khi quân đội chính phủ rút đi.

Duy Ân (tổng hợp)
.
.