Các giải thưởng nghệ thuật uy tín đang “mất giá”: Vì đâu nên nỗi?

Thứ Tư, 11/04/2018, 17:45
Nếu nhiều năm trước, với người nghệ sĩ, được mời làm giám khảo Giải thưởng Hội Điện ảnh Việt Nam - Giải Cánh Diều - là một vinh dự thì năm nay, ban tổ chức phải vất vả “dỗ ngọt” mới mời được nghệ sĩ ngồi vào vị trí này. Nhiều nhà sản xuất, nghệ sĩ làm phim cũng từ chối khi được mời gọi gửi tác phẩm dự thi...

Giải thưởng chuyên môn vinh danh người làm nghề như ngôi đền thiêng xưa kia tồn tại trong sự hờ hững của chính thành viên trong cộng đồng. Điều đáng nói là thực tế này không phải chỉ diễn ra với giải thưởng của hội nghề nghiệp có uy tín lâu năm như Giải Cánh Diều…

Chật vật tổ chức

Cố gắng đổi mới, nhiều nỗ lực “đãi cát tìm vàng” là thực tế không thể phủ nhận của những nghệ sĩ “đứng mũi chịu sào” trong mùa Giải thưởng Cánh Diều năm 2017. Theo nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó Chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam thì Giải thưởng Cánh Diều 2017, ban tổ chức luôn cố gắng trân trọng nhất công sức đóng góp, lao động sáng tạo của các nghệ sĩ và động viên hết mức có thể đối với các hội viên. Trong đó, sự minh bạch và công tâm được đặt lên hàng đầu.

Bà cam kết, các phim dự giải, ban giám khảo tự xem, tự chấm giải, tự bình bầu những gì xuất sắc nhất và sẽ không có 1 sự dàn xếp nào. Ban tổ chức hoàn toàn tôn trọng các nghệ sĩ làm giám khảo. Các thành viên trong hội đồng sẽ tranh luận thẳng thắn trước khi đi đến sự thống nhất bằng lá phiếu. Trừ khi số phiếu bầu cho các tác phẩm bằng nhau, hội đồng mới phải xin ý kiến ban tổ chức.

Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó Chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam.

So với các mùa giải trước, mùa giải năm nay cũng sẽ có nhiều thay đổi với xu hướng cởi mở, linh động hơn. Cụ thể là quy định chỉ có 1 giải Vàng, 1 giải Bạc nhưng trong trường hợp có 2 tác phẩm có số phiều bầu chọn ngang nhau, ban tổ chức sẽ xem xét trường hợp trao giải đồng hạng hay không. Quan điểm của ban chức cũng là giải thưởng chỉ có thêm lên chứ không bớt đi mà giải thưởng vẫn thuyết phục và cá nhân đoạt giải thì phải xuất sắc.

Nắm bắt xu hướng làm phim re-make (phim Việt hóa từ kịch bản và phim nước ngoài) rất lớn, năm 2017, ban tổ chức đưa vào xét giải cả các tác phẩm dạng phim này nhưng sẽ không trao giải phim chung mà chỉ trao giải cho các cá nhân. Quan điểm của ban tổ chức là dù làm phim re-make thì vẫn là làm phim - một công việc đầy nhọc nhằn của người nghệ sĩ. Nếu có đóng góp xứng đáng, họ cần được tôn vinh. Ngoài ra, ban tổ chức còn có thêm 2 giải thưởng mới để vinh danh người làm phim khoa học và họa sĩ chính của phim hoạt hình.

Lý do, theo NSND Lê Hồng Chương, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam và cũng là người có nhiều năm gắn bó với lĩnh vực phim tài liệu, khoa học là sự đóng góp của các nghệ sĩ trong những công việc này tương đối độc lập, tương đối lớn trong hoạt động điện ảnh.

Để tạo sức lan tỏa của giải thưởng, ban tổ chức duy trì hàng loạt suất chiếu miễn phí các phim truyện điện ảnh cho người dân tại 3 cụm rạp do các đơn vị công lập quản lý: rạp chiếu phim Quốc gia, rạp tháng Tám và rạp chiếu của Hãng phim Tài liệu khoa học trung ương. Với người hoạt động chuyên môn, trong khuôn khổ giải thưởng sẽ có một buổi hội thảo về điện ảnh Việt.

Ông Đinh Trọng Tuấn, Tổng Biên tập Tạp chí Thế giới Điện ảnh.

Đây là chương trình hứa hẹn nhiều trao đổi, đánh giá thẳng thắn về điện ảnh Việt Nam dù rằng, như thừa nhận của chính ban tổ chức là điều kiện chỉ cho phép hội thảo tại hội trường nhỏ hẹp của chính Hội Điện ảnh Việt Nam nên rất có thể người tham gia sẽ phải tự khắc phục một số điều kiện khó khăn nhất định về cơ sở vật chất.

Riêng lễ trao giải Cánh Diều 2017 sẽ được tổ chức vào đêm 15-4  tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Đây là lần đầu tiên lễ trao giải được tổ chức ở một địa điểm sang trọng nhất Thủ đô song ít ai biết, để có được buổi lễ trao giải tại địa điểm này, các thành viên trong ban tổ chức đã trải qua không ít giây phút “kịch tính” không kém chuyện trên phim. Với nguồn kinh phí còn hạn hẹp được Nhà nước hỗ trợ, sự lựa chọn địa điểm tổ chức phải vô cùng… “khéo” theo kiểu “xin chỗ này, giảm chỗ khác”.

Trong khi đó, Cung Hữu nghị Việt - Xô đã kín lịch. Phương án khả thi nhất là tổ chức ở Nhà hát Âu Cơ vì giá thuê ở đây thấp hơn. Dự phòng xa nữa là… Nhà hát Chèo Việt Nam. Rất may, đến phút cuối lại có nhà tài trợ “ghé vai” vào nên lễ trao giải mới được diễn ra tại Nhà hát Lớn.

Nghệ sĩ thờ ơ

Nỗ lực là thế nhưng theo bà Nguyễn Thị Hồng Ngát thì ban tổ chức vẫn chấp nhận tổ chức giải thưởng theo xu hướng hết sức nương nhẹ, không đòi hỏi sự  cầu toàn. Cánh Diều là giải thưởng của hội nghề nghiệp nên chú trọng tính chất động viên hội viên. Nếu có phim hay để tương xứng với Diều Vàng thì mừng. Nếu chất lượng sàn sàn nhau, ban tổ chức vẫn chấp nhận “so bó đũa, chọn cột cờ” với lý lẽ: trong vàng thì có vàng 9, vàng 10, không thể năm nào cũng có vàng 10 để bội thu giải thưởng... Cố gắng hết sức, nương nhẹ hết mức song so với số lượng phim được sản xuất, lượng gửi về dự giải vẫn rất... khiêm tốn.

Cụ thể, tham gia giải thưởng năm nay có 117 phim và 4 công trình nghiên cứu, lý luận phê bình điện ảnh. Trong đó, phim truyện điện ảnh chỉ có 13 phim: “Bạn gái tôi là sếp”; “Giấc mơ Mỹ”; “Em chưa 18”; “Mẹ chồng”; “Cô gái đến từ hôm qua”; “Ở đây có nắng”; “Có căn nhà nằm nghe tiếng nắng mưa”; “Sắc đẹp ngàn cân”; “Ngày mai Mai cưới”; “Đảo của dân ngụ cư”; “Cô Ba Sài Gòn”; “Yêu đi đừng sợ”; “Dạ cổ hoài lang”.

Phim “Em chưa 18” với slogan bá đạo cũng tham gia tranh giải Cánh Diều.

Khá nhiều phim được chú ý khi chiếu rạp như “Lôi báo”, “Lô tô”, “Hotboy nổi loạn phần 2”... thì đều vắng mặt. Con số 13 phim truyện điện ảnh dự giải là khá ít so với với tổng số 38 phim được Cục Điện ảnh thẩm định và cấp phép chiếu rạp năm 2017.

Với phim truyền hình, được sản xuất và phủ sóng vài chục kênh mỗi ngày song gửi về dự giải Cánh Diều năm nay cũng chỉ 16... Giải thưởng điện ảnh hiện nay có nhiều, nhà sản xuất và nghệ sĩ có nhiều lựa chọn để quyết định tham gia giải thưởng này hay giải thưởng khác cho phù hợp với tiêu chí giải thưởng và mục đích sản xuất phim.

Với các giải như Cánh Diều, “những phim mà nhà sản xuất chỉ đặt mục tiêu về doanh thu thì không mặn mà tham gia, mặc dù chúng tôi đều gửi giấy mời đến các cơ sở sản xuất phim trên cả nước, thậm chí phải gọi một số đạo diễn, dỗ dành rất ghê nhưng họ nói phim họ chỉ để chiếu thu hồi vốn, không dự thi. Họ ngại nếu được giải thì doanh thu tăng lên còn không đạt giải thì doanh thu giảm, mình rất trân trọng nhưng 13 đơn vị tham gia là rất quý” - Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, Nguyễn Thị Hồng Ngát chia sẻ.

Không chỉ “vất vả” thuyết phục nhà sản xuất tham gia giải thưởng, ngay việc mời được đội ngũ nghệ sĩ như mong muốn để ngồi làm giám khảo phim cũng không kém khó khăn. Nếu như nhiều năm về trước, nghệ sĩ được chọn ngồi vào vị trí này là một vinh dự thì năm nay, ban tổ chức phải “dỗ ngọt” mới mời được đủ thành phần nghệ sĩ và cũng chỉ mời được các nghệ sĩ đã lớn tuổi. Có những người đã không còn tham gia làm phim nhiều năm. Điều này không khỏi khiến nhiều người băn khoăn về quan điểm, đánh giá tác phẩm của giám khảo khó theo kịp xu hướng, kỹ thuật, công nghệ làm phim của người trẻ.

Ngược lại, người làm phim còn trẻ lại không mặn mà, thậm chí từ chối khi được mời làm giám khảo với các lý do bận sáng tác. Cũng vì đang tham gia hoạt động làm phim, đang cùng làm nghề với nhau nên rất ngại quyết định phim này hay phim khác đoạt giải hay không đoạt giải...

Trao đổi quanh câu chuyện nói trên, ông Đinh Trọng Tuấn, Tổng Biên tập Tạp chí Thế giới điện ảnh cũng cho rằng, bản thân ban tổ chức luôn mong muốn có người trẻ tham gia ban giám khảo. Ai cũng hiểu tuổi nào làm phim cần có giám khảo tương ứng với tuổi đó. Nhưng, thực tế là hầu hết bạn trẻ đều bận liên tục, không làm phim thì làm cái khác. Vì vậy, mời được 1 giám khảo trẻ rất khó khăn. Không chỉ giải thưởng Cánh Diều, ngày cả giải phim quốc gia cũng gặp tình trạng tương tự.

Tìm lại giá trị cho “Bảng phong thần”

 Cũng theo ông Đinh Trọng Tuấn, ban tổ chức bao giờ cũng muốn có nhiều tác phẩm hay, tốt tham gia nhưng nhà sản xuất thì phải tính toán, không phải phim nào cũng gửi đi thi. Chúng ta cũng phải quen dần với thực tế là mỗi nhà sản xuất, đạo diễn phải tính toán rất cụ thể khi đầu tư sản xuất phim.

Ngay cả châu Âu, mỗi năm có mấy trăm phim nhưng họ vẫn phải tính toán giải thưởng ấy, liên hoan ấy có phù hợp với phim của mình không. Bây giờ tham gia liên hoan phim chuyên nghiệp hơn, không phải như ngày xưa là phim nào cũng gửi đi mà nhà sản xuất phải tính phim này có phù hợp với tiêu chí giải hay không.

Thực tế, chuyện nhà sản xuất, nghệ sĩ biểu diễn kén chọn giải thưởng và nhiều giải thưởng cuộc thi lâu năm, từng là niềm tự hào của người làm nghề  nhưng nay lại bị thờ ơ không chỉ diễn ra ở riêng lĩnh vực điện ảnh. Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc - một trong những “bệ đỡ” từng được đặt nhiều kỳ vọng cho người mới gắn bó với sân khấu trong những nấc thang danh vọng cũng từng rơi vào cảnh “chợ chiều” khi tổ chức năm 2017, toàn bộ các đơn vị xã hội hóa đều từ chối tham gia.

Phim Re-make “Người phán xử” tham gia giải Cánh Diều 2017.

Cũng thế, Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc 2017 chuẩn bị diễn ra tại TP Hồ Chí Minh vào cuối tháng 4 chỉ có 22 đơn vị sân khấu cả nước tham dự. Dù đã được đưa về tổ chức tại “thủ phủ” của sân khấu xã hội hóa nhưng liên hoan cũng chỉ thu hút 13 đơn vị sân khấu tư nhân. Càng khó có thể tìm lại được không khí thi đua hào hứng, sôi nổi của gần 10 năm về trước, khi liên hoan được đưa về tổ chức tại TP Hồ Chí Minh.

Các cuộc thi, liên hoan sân khấu tuồng, chèo và kể cả giải thưởng của thường niên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam cũng đã không còn sức hấp dẫn như xưa. Năm 2017, Liên hoan Sân khấu Dù kê Khmer 2017 cũng từng phải dừng lại vì quá ít đơn vị tham gia...

Giữa thời điểm các giải thưởng cho nghệ thuật biểu diễn được tổ chức ngày càng nhiều với quy mô ngày càng lớn, sức lan tỏa ngày càng rộng, nhà sản xuất, nghệ sĩ ngày càng có nhiều sự lựa chọn như hiện nay, việc duy trì tổ chức các giải thưởng mang tính định hướng chuyên môn sâu, đề cao tác phẩm mang tính học thuật, bản sắc dân tộc và giá trị nhân văn càng cần khẳng định được vai trò chủ đạo vốn có.

Bởi, nói như NSND Lê Hồng Chương thì chính những tác phẩm đáp ứng được các tiêu chí như thế mới thực sự khẳng định được “thương hiệu” của nghệ thuật Việt trong xu thế hội nhập về mọi mặt, kể cả văn hóa như hiện nay.

Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu nói trên, những người gánh trọng trách trên vai không thể chỉ đơn độc. Bên cạnh sự hỗ trợ cần thiết cả về nhân lực lẫn vật lực thì phương thức, cách thức tổ chức làm sao cho minh bạch, hiệu quả, khiến người làm nghề tâm phục khẩu phục thì giải thưởng mới mong quy tụ được người làm nghề.

Minh Hà
.
.