Campuchia khủng hoảng rác thải nhựa
Văn hóa xài đồ nhựa
Các thứ đồ bỏ đi nhưng lại hữu dụng đối với bà Champei (tên nhân vật đã được thay đổi) nhất là những cái chai nhựa hoặc lon nhôm, bà Champei lọc những thứ này ra trước khi ném chúng vào xe rác. Champei rất tinh mắt khi đoán biết thứ nào có thể dùng được nhờ vào kinh nghiệm 20 năm làm nghề thu gom rác trên khắp các đường phố ở thủ đô Phnom Penh.
Champei thích đồ nhựa hoặc nhôm mà theo bà thì: “Lượm nó mới kiếm nhiều tiền!”. Tiền thuê xe đẩy rác được khấu trừ hằng ngày vào số tiền mà bà Champei kiếm được mỗi ngày. Thường thì cánh thu gom ve chai như bà Champei sẽ để mắt tới đồ nhôm trước, sau đó mới đến nhựa dầy. Thỉnh thoảng, bà Champei cũng vô tình vớ được những thứ đồ còn tốt mà gia đình nào đó vất đi khi không muốn dùng.
Ước tính có khoảng 2.000 người nhặt rác hằng ngày ở thủ đô Phnom Penh. Phần đông của đội quân ve chai này là phụ nữ, họ thường nhặt rác tái chế trên khắp các ngả đường. Còn có một bộ phận nhặt rác tại bãi rác cộng đồng ở quận Dangkor và còn có một bộ phận chuyên nhặt rác vào ban đêm.
Một người nhặt rác trên đường phố Phnom Penh. Ảnh: Kathrin Eitel. |
Sombo, người nhặt rác trẻ tuổi thường bắt đầu một ngày làm việc từ lúc tờ mờ sáng và cày đến 5 giờ chiều. Nhiều người nhặt rác cũng mua rác thải sinh hoạt trực tiếp từ các chủ nhà. Ở Campuchia, thuật ngữ “edjai!” có nghĩa là người nhặt rác. Dù có tới hàng ngàn Edjai đi rảo khắp mọi ngóc ngách mỗi ngày nhưng không hề có sự tranh nhau lấy rác vì Phnom Penh có nguồn chất thải nhựa quá nhiều.
Với việc Campuchia gia nhập khối ASEAN vào năm 1999 và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2004 dưới thời Thủ tướng Hun Sen, đất nước này đột nhiên mở cửa cho các sản phẩm nhựa quốc tế đổ vào như tuyết lở. Campuchia bất ngờ được thế giới tôn vinh là “El Dorado của chủ nghĩa tư bản chưa được khám phá”.
Các “đại gia máu mặt” toàn cầu như Coca-Cola, Danone và Nestlé đã đổ hàng loạt sản phẩm đồ uống và thức ăn vào Campuchia. Sự phát triển quá nóng của các sản phẩm có liên quan đến nhựa đã khiến người Campuchia chợt tỉnh giấc. Đột nhiên, nhiều cộng đồng dân cư, thành phố bỗng thấy những đống rác nhựa nằm len lỏi giữa màu xanh của các ruộng lúa, rác lẹp nhẹp dưới đường phố và đốt rác bốc khói mịt mù các khu dân cư.
Mặc dù chính quyền Phnom Penh đã có rất nhiều cố gắng trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng xử lý chất thải nhựa và ít nhiều đã có những sự thành công. Chất thải nhìn chung vẫn chưa được xử lý rốt ráo. Một phần lớn chất thải tái chế sẽ kết thúc trong các bãi chôn lấp. Ngoài các tổ chức phi chính phủ điều hành các chương trình thu gom rác mà nhân viên là phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh nghèo khó thì vẫn cần đến đội ngũ thu gom rác cá nhân.