Cán bộ ngân hàng “chết” theo đại gia thủy sản
Khoảng 3-4 năm trước, trong khi rất nhiều doanh nghiệp (DN) chế biến thủy sản xuất khẩu (XK) làm ăn chân chính ở miền Tây "kêu" khát vốn, cố gắng bằng mọi cách vẫn không chạm được những gói vay mới (hoặc được gia hạn tín dụng) với lãi suất ưu đãi thì tại Cà Mau, có hiện tượng rất lạ. Đó là bỗng… xuất hiện nhiều giám đốc phất lên như diều gặp gió, trong khi DN của những đại gia này chẳng mấy tiếng tăm, lại làm ăn chẳng hiệu quả. Nhìn những chiếc ôtô nhập khẩu "nguyên con" như Audi, Mercedes, Lexus mới coóng của những đại gia này lướt trên đường phố, dân làm ăn chân chính ở vùng cùng trời cuối đất này chỉ biết… thở dài.
Cũng vào thời điểm đó, một số cán bộ Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) - Chi nhánh khu vực Minh Hải (đặt tại TP Cà Mau, gọi tắt là VDB Minh Hải) thì được các đại gia săn đón, xem như… người thân.
Nhớ lại thời điểm đó, khi PV Chuyên đề ANTG thăm dò về hiện tượng bất thường này, chủ DN, chính xác hơn là chủ một tập đoàn có tiếng về chế biến XK tôm và hải sản các loại ở Cà Mau, Kiên Giang giọng chậm rãi nửa nhận xét, nửa tiên đoán về những… "tân đại gia" này: "Thấy vậy chứ không phải vậy đâu nhà báo. Cạn đìa mới biết lóc trê". Ông còn phán một câu khiến tôi phải giật mình, rằng: "Bạo phát, bạo tàn. Không khéo là… chết không kịp ngáp cho mà coi".
Quả thật, lúc đó trong tôi gợn chút suy nghĩ rất có thể do chủ tập đoàn này có thành kiến gì đó với những "em út", những người tạm gọi là cùng hội, cùng thuyền với mình, nên mới buông lời như thế. Cho tới khi một loạt cán bộ VDB Minh Hải bị vướng vào vòng lao lý, tôi mới thấy điều ông nhận xét là đúng.
Tôi gọi điện hỏi lại chuyện ông từng tiên đoán, ông kể thêm lúc đó ông có nghe thông tin từ lãnh đạo một số ngân hàng. Ông còn so sánh DN thủy sản thời điểm đó chẳng khác nào con bệnh; còn ngân hàng chính là bác sĩ. Sức khỏe của con bệnh thế nào bác sĩ biết hơn ai hết. Một khi đã xác định bệnh nhân bị nan y rồi, nhưng bác sĩ vẫn hào phóng bung thuốc đắt tiền ra để chạy chữa với mong muốn sẽ khỏi thì bác sĩ cũng sẽ "chết". VDB Minh Hải bị dính gần nghìn tỉ đồng cũng từ nguyên nhân tương tự.
Trụ sở của VDB Minh Hải - nơi nguyên Giám đốc Trịnh Tuấn Mẫn cùng một số thuộc cấp đã hào phóng, dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. |
Cũng cần kể thêm vào thời điểm đó, lãi suất mà các DN thủy sản đang phải chịu phổ biến ở mức trên 20%/năm. Do vậy, khi nghe nói những gói ưu đãi hấp dẫn chỉ còn 6,9%/năm, DN… tôm cá nào ở miền Tây cũng rất phấn khởi; ai cũng muốn có tên mình trong danh sách được lưu tâm, xét vay. Tuy nhiên, làm sao để tiếp cận được nguồn vốn này là chuyện không đơn giản.
Tôi từng nghe chuyện phải "biết điều", phải "bôi trơn" trong chuyện vay vốn ở nơi này, nơi nọ nhưng không tin rằng, với những gói hỗ trợ xuất phát từ chủ trương của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN thủy sản tham gia XK, một số người làm ngân hàng lại dám "cù cưa" với "thượng đế" như thế. Thế nhưng thực tế lại có.
Chuyện có hay không các DN được vay vốn ưu đãi phải "lại quả" cho những cán bộ ngân hàng VDB đã bị khởi tố thì chưa có cơ sở để đề cập; nhưng chuyện một số cán bộ của VDB Minh Hải làm thủ tục cho "thượng đế" đại gia của mình vay theo kiểu hào phóng đến tùy tiện, bỏ qua cả quy định pháp luật thì quá rõ.
Tôi nhớ, trước khi vụ án liên quan đến các ngân hàng xảy ra, VDB Minh Hải từng lên danh sách khá dài về những "thượng đế" của mình để hối thúc trách nhiệm thanh toán nợ nần. Giờ được xem "tối hậu thư" này, chúng tôi mới cảm thấy giật mình vì kiểu hào phóng mang tên "VDB Minh Hải".
Công ty TNHH Hiệp Thành Phát là DN mới được thành lập. Tài sản duy nhất mà DN này đưa vào VDB Minh Hải thế chấp là chiếc xe ôtô tải BKS 65N-0484 trị giá 872 triệu đồng. Giá trị thế chấp cỏn con (chỉ bằng 6,5%) thế nhưng VDB đã dám duyệt cho DN này vay, dẫn tới dư nợ 13,301 tỉ đồng và khoản lãi treo 6,608 tỉ đồng.
Đối với Công ty TNHH TM&XNK Nam Thành, khi làm thủ tục vay, DN này đã đưa tài sản thế chấp có tổng giá trị là 9,514 tỉ đồng. Thế nhưng, từ ngày 15/6 đến 5/7/2010, VDB đã ký liên tiếp 6 hợp đồng tín dụng, cho DN này vay 39,683 tỉ đồng.
Sau khi phát hiện "sức khỏe" của "thượng đế" này có vấn đề, VDB cho cán bộ kiểm tra mới giật mình khi biết DN này đã ngừng hoạt động; tài sản bảo đảm (gồm xe ôtô và toàn bộ nhà máy ở An Minh tổng trị giá gần 5 tỉ đồng) đã được DN tháo dỡ dời đi nơi khác. Và tổng số nợ quá hạn và lãi treo của DN này đối với VDB Minh Hải là 56,191 tỉ đồng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Công ty TNHH TM&XNK Nam Thành là DN do ông Nguyễn Hữu Thành - nguyên Tổng giám đốc Công ty CP Thực phẩm Đại Dương lập nên. Ông Thành cũng từng được cử tri tín nhiệm bầu làm đại biểu HĐND tỉnh Cà Mau. Tuy nhiên, sau khi dính nợ nần "khủng", ông này đã phải lánh mặt.
Kết cuộc, ông Thành bị bãi miễn chức danh đại biểu HĐND. Ngôi biệt thự lớn nhất Khu đô thị Hoàng Tâm từng làm trụ sở DN (cũng là tài sản đảm bảo thế chấp) đã rơi vào tình trạng cửa đóng, then cài. Cả gia đình vị đại gia này đã đến địa phương khác sinh sống.
Trong bản báo cáo của VDB Minh Hải, chúng tôi thấy có tên của Công ty TNHH Chế biến thủy sản XNK Minh Châu. DN này thế chấp tài sản trị giá chưa tới 22 tỉ đồng nhưng được vay 108,236 tỉ đồng. Mật độ mà VDB Minh Hải ký hợp đồng với DN này thuộc hàng "khủng".
Cụ thể, chỉ từ ngày 18/6/2010 đến 21/1/2011, có đến 11 hợp đồng được 2 bên ký kết. Kết cuộc, tính luôn khoản lãi treo, DN này nợ gần 160 tỉ đồng.
Con số vừa kể vẫn còn kém con số 164,641 tỉ đồng mà Công ty TNHH Chế biến thủy sản và XNK Việt Hải, bị VDB nêu ra trong báo cáo.
Một trường hợp khác mà chúng tôi phát hiện được VDB ưu ái đến lạ lùng. Đó là trường hợp của Công ty TNHH Chế biến thủy sản Minh Châu. Dường như DN này được lập ra chỉ để… nhận tiền giải ngân từ vốn vay của VDB Minh Hải. Chỉ chưa đầy một tuần của tháng 6/2010, DN này được VDB nhiệt tình giải ngân 2 lần, với tổng số tiền 23 tỉ đồng.
Một tuần sau đó, DN này tiếp tục được vay 15 tỉ đồng. VDB thống kê, chỉ trong vòng 6 tháng 1 tuần, DN này được VDB Minh Hải xét cho vay hơn 100 tỉ đồng thể hiện qua 11 hợp đồng tín dụng với lãi suất ưu đãi. Khi thấy "sức khỏe" của "thượng đế" này “yếu dần”, VDB Minh Hải kiểm tra lại thì phát hiện tổng giá trị tài sản mà "thượng đế" này thế chấp chưa bằng một nửa khoản lãi treo là 50 tỉ đồng.
Tài sản của Công ty TNHH Nhật Đức được thế chấp vào VDB Minh Hải để vay vốn. |
Một cán bộ ngân hàng ở Cà Mau cho biết, Quy chế quản lý tín dụng XK nhà nước của VDB ghi rất rõ: VDB chỉ xét cho vay đối với khách hàng sản xuất có lãi trong 2 năm liền kề tại thời điểm xét cho vay; có cam kết thực hiện biện pháp bảo đảm tài sản theo yêu cầu của VDB. Thực tế lãnh đạo và cán bộ tín dụng của VDB Minh Hải đã thuộc làu những nội dung cơ bản này. Tuy nhiên việc nắm rõ và việc chấp hành nghiêm là hai việc khác nhau.
Chuyện có hay không các DN được vay vốn ưu đãi phải "lại quả" cho số cán bộ ngân hàng vừa bị khởi tố thì quá sớm và hiện cũng chưa có cơ sở để đề cập. Tuy nhiên, chuyện VDB Minh Hải làm thủ tục cho vay theo kiểu không tuân thủ quy chế của VDB, mà hào phóng đến tùy tiện, bất chấp cả quy định pháp luật, dẫn đến khoản tiền hàng trăm tỉ đồng của Nhà nước khó thu hồi… thì đã khá rõ ràng.
Những trường hợp mà chúng tôi vừa kể ra thực chất chỉ là chuyện "tép riu" trong sai phạm của lãnh đạo và một số cán bộ VDB Minh Hải. Với nhiều khách hàng truyền thống, dù liên tiếp làm ăn kém hiệu quả, VDB Minh Hải vẫn ưu ái và thể hiện sự hào phóng đến bỏ qua quy định của pháp luật.
Trong số những "con nợ" khủng tại Cà Mau đứng đầu sổ của VDB Minh Hải, có "thượng đế" - Xí nghiệp Chế biến thủy sản và XNK Ngọc Sinh (trụ sở tại xã Khánh An, huyện U Minh) do bà Đặng Thị Ngợi làm Giám đốc.
Điều đáng lưu ý và khó hiểu là xí nghiệp của bà Ngợi tạm ngừng hoạt động từ năm 2009 nhưng vẫn được VDB Minh Hải nhiều lần "ưu đãi" giải ngân cho vay vốn với tổng số tiền gần 300 tỉ đồng, chưa kể số nợ lãi ngân hàng khoảng 130 tỉ đồng.
Điểm lại quá trình vay gần 300 tỉ đồng của DN này tại VDB Minh Hải, chúng tôi thấy cũng khá bất thường. Cụ thể chỉ từ đầu tháng 7/2009 cho tới gần cuối tháng 9/2009, DN này được VDB ký đến 18 hợp đồng, với số tiền gần 280 tỉ đồng. Khoản nợ này, DN chưa trả đồng nào nhưng đến đầu tháng 6/2010, VDB lại ký tiếp 2 hợp đồng nữa, giải ngân thêm 12 tỉ đồng.
Làm văn bản hối thúc "thượng đế" truyền thống này mau mau trả nợ nhưng không được, VDB Minh Hải cho kiểm tra lại tài sản thế chấp, kể cả tiền gửi tại VDB Minh Hải thì mới giật mình khi thấy tài sản đảm bảo mà DN này thế chấp để vay chỉ chiếm tỷ lệ 30% (gần 90 tỉ đồng), gồm 16 tỉ đồng tiền gửi, 2 chiếc xe tải và gần 25ha đất (của bên thứ 3) ở Ninh Thuận và An Giang.
Bà Ngợi đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam vì hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản vào ngày 20/11 vừa qua.
Mấy ngày trước đó, một "thượng đế" của VDB Minh Hải là Phan Minh Nhật - Phó giám đốc Công ty TNHH Chế biến thủy sản Minh Châu mà chúng tôi đã nhắc ở phần trên cũng đã "xộ khám" vì hành vi lừa đảo chiếm đoạt hơn 170 tỉ đồng.
Liên quan đến những sai phạm tại VDB Minh Hải, vào cuối tháng 3/2014, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Trịnh Tuấn Mẫn - nguyên Giám đốc VDB Minh Hải vì “vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động tín dụng”. Năm cán bộ thuộc cấp của ông Mẫn cũng bị khởi tố, gồm: Huỳnh Quang Xuân - nguyên Trưởng phòng Tín dụng XK, Trần Thị Oanh - cán bộ tín dụng XK, Vũ Văn Hoan - nguyên Phó giám đốc, Phan Văn Toàn - nguyên Phó trưởng Phòng Tín dụng và Phan Thanh Hải - nguyên Phó trưởng phòng Tín dụng XK. Bước đầu, Cơ quan điều tra đã làm rõ dấu hiệu vi phạm pháp luật của các bị can này trong hoạt động cho vay qua việc lợi dụng chủ trương của Nhà nước ưu đãi cho vay XK với lãi suất thấp, đối với 7 DN với số tiền gần 1.456 tỉ đồng. Việc cho vay không đúng đối tượng được hưởng ưu đãi; khi cho vay không thẩm định tình hình tài chính và phương án sản xuất kinh doanh của DN; cho vay không có tài sản đảm bảo hoặc tài sản đảm bảo không tương ứng theo tỷ lệ quy định... dẫn đến nợ quá hạn đến thời điểm cuối tháng 6/2013 là hơn 1.210 tỉ đồng. |