Cánh Diều lại chưa… no gió?

Thứ Năm, 13/04/2017, 21:05
Mặc dù luôn là sự kiện điện ảnh được chờ đợi hằng năm nhưng dường như ít mùa giải nào, giải thưởng Cánh Diều không bị phản ánh là chưa thực sự như mong muốn. Năm 2016, Cánh Diều thêm một lần chưa… "no gió" khi lễ trao giải tiếp tục bị chỉ trích vì để xảy ra những sự cố đáng tiếc và đạo diễn Lương Đình Dũng, nhà sản xuất phim truyện điện ảnh "Cha cõng con" tuyên bố trả bằng khen cho Ban tổ chức...


Đạo diễn trả bằng khen - "Sư nói sư phải..."

Chỉ vài giờ sau lễ trao giải Cánh diều 2016 kết thúc, đạo diễn, nhà sản xuất phim "Cha cõng con" - Lương Đình Dũng gửi một bức "tâm thư" khá dài cho báo giới tuyên bố anh đã trả bằng khen cho ban giám khảo, ban tổ chức giải thưởng ngay trong đêm diễn ra lễ trao giải (9/4). Lý do của hành động này được lý giải là vì anh cho rằng "cách thể hiện khác lạ của "Cha cõng con" chính là nguyên nhân khiến ban giám khảo chưa tiếp cận được bộ phim một cách đầy đủ"?!

Bằng chứng mà đạo diễn đưa ra là trước khi đến với Cánh diều 2016, "Cha cõng con" đã chu du gần chục liên hoan phim quốc tế, được chọn trình chiếu  tranh giải chính thức. Giữa tháng 4, anh và đoàn phim sẽ sang Mỹ tham gia lễ trao giải Boston, Houston...

Phim "Cha cõng con" gây nhiều tranh cãi.

Anh còn viện dẫn khá nhiều tác phẩm khác của mình từng dự giải thưởng Cánh diều và không được ban tổ chức giải thưởng đánh giá cao nhưng lại được vinh danh ở nước ngoài. Cụ thể,  năm 2004, anh tham dự Cánh diều ở hạng mục phim ngắn với "Hạnh phúc đỏ". Phim được giải khuyến khích nhưng sau đó vẫn được chọn chiếu tại liên hoan phim lớn của Pháp. Năm 2007, anh tham dự Cánh diều ở hạng mục phim ngắn với "Chuyện ông Mờ" và chỉ nhận được bằng khen của ban giám khảo. Bộ phim này sau đó được giải “Phim xuất sắc” tại Liên hoan phim quốc tế Tokyo lần thứ 29.

Giải thích ở chiều hướng ngược lại, phó giáo sư, tiến sĩ (PGS.TS) Trần Luân Kim, Trưởng Ban giám khảo phim truyện điện ảnh giải Cánh diều 2016 khẳng định ông hoàn toàn chưa biết việc đạo diễn, nhà sản xuất "Cha cõng con" trả bằng khen và cho rằng ban giám khảo có đầy đủ lý do để quyết định không trao giải thưởng cho bộ phim này.

Cụ thể, cách xử lý của phim "Cha cõng con" rất cũ, tiết tấu chậm, xây dựng xung đột, nhân vật, câu chuyện không rõ nét, thiếu kịch tính để thu hút người xem. Đây là cách làm phim quen thuộc "kiểu nhà nước đặt hàng" lâu nay, rất khó hấp dẫn khán giả.

PGS.TS Trần Luân Kim còn chỉ ra rằng, phim "Cha cõng con" có 2 không gian chính. Trong đó, phần đầu phim là không gian miền núi với lũ lụt, thiên tai, đời sống người dân rất khó khăn. Nhưng, phim chưa thể hiện được sự khốc liệt của thiên tai, sự tàn phá của lũ dữ và người dân thì... không chống lũ hoặc quá trình chống lũ của họ, phim không thể hiện được. Không gian thứ hai là thành phố và bối cảnh bệnh viện thì các chi tiết cứ đều đều, thiếu những điểm nhấn cần thiết để tạo cảm xúc cho người xem...

Tuy nhiên, ban giám khảo vẫn đánh giá "Cha cõng con" có nhiều điểm sáng, có sự đầu tư của người làm nghề nên quyết định không trao giải thưởng nhưng vẫn trao bằng khen.

Vì đâu nên nỗi?

Những ai từng một lần xem "Cha cõng con" đều không khó để nhận ra những nhược điểm lẫn những đầu tư công phu của ê-kíp làm phim. Bên cạnh những "điểm trừ" mà PGS.TS Trần Luân Kim chỉ ra, không thể không thừa nhận, nửa cuối phim đặc biệt xúc động. Có lẽ, ít người xem nào ra khỏi rạp mà không rơi nước mắt. "Cha cõng con" cũng có những khung hình vô cùng đẹp, đặc biệt là những cảnh quay về thiên nhiên Hà Giang - một trong số bối cảnh chính của phim.

Đạo diễn Lương Đình Dũng.

Thiên nhiên Việt Nam trong "Cha cõng con" không đẹp kiểu hùng vĩ , hoành tráng và đầy ắp kỹ xảo như bom tấn điện ảnh Hollywood đầu tiên quay tại Việt Nam "Kong - Đảo đầu lâu" mà ăm ắp chất thơ, quen mà lạ, phảng phất bóng dáng của tranh thủy mặc và người xem có thể cảm nhận được triết lý cuộc sống nhất định được gửi gắm qua từng khung hình...

Nhưng, để có kết quả này, như cách chia sẻ của chính đạo diễn, nhà sản xuất là anh và ê-kíp phải trả bằng rất nhiều mồ hôi, tâm sức, tiền của. Để có 10 năm cho một dự án điện ảnh tâm huyết, 3 tháng quay, hơn 1 năm hậu kỳ cùng kinh phí gần 18 tỷ đồng cho phim ấy là cả "sự liều lĩnh một cách điên rồ, đánh cược gia sản của gia đình và những người ủng hộ". Sự dấn thân ấy với người làm nghệ thuật hiện nay không thể không trân trọng. Nhưng, có lẽ cũng chính vì dành quá nhiều tâm huyết, kỳ vọng cho "đứa con tinh thần" nên cũng không khó hiểu khi vì sao đạo diễn kiêm nhà sản xuất "Cha cõng con" lại bức xúc đến như thế.

Chưa kể, bức xúc này lại chỉ là "giọt nước tràn ly" sau nhiều bức xúc khác: phim được mời phát hành tại châu Âu nhưng trong nước lại khó tìm "đầu ra" khi công chiếu, ít được các cụm rạp quảng bá, các suất chiếu bị xếp vào khung giờ ít khán giả đến rạp chiếu và có nguy cơ bị rút ngắn thời gian chiếu vì lý do không có người xem.

Thực tế, những bức xúc, khúc mắc của đạo diễn, nhà sản xuất phim "Cha cõng con" cả về chuyện giải thưởng lẫn phát hành phim không là vấn đề mới trong "làng" điện ảnh Việt, nếu không muốn nói là những câu chuyện âm ỉ đã lâu. Riêng về phát hành phim, trước đạo diễn Lương Đình Dũng, "đả nữ" Ngô Thanh Vân từng bật khóc trong ngày công bố phim "Tấm Cám chuyện chưa kể" vì cho rằng phim của chị bị các nhà phát hành phim o ép khi ra rạp.

Vụ việc gây nhiều tranh cãi khá gay gắt giữa các bên từng được cho là đỉnh điểm của câu chuyện phát hành phim Việt bị chèn ép khi ra rạp tồn tại nhiều năm nay. Vì, không chỉ có Ngô Thanh Vân, nhiều nhà sản xuất phim Việt Nam cũng từng nhiều lần "ấm ức" vì cho rằng mình bị chèn ép ngay chính trên "sân nhà".

Chuyện căng thẳng đến mức Hiệp hội Phát hành và phổ biến phim Việt Nam buộc phải lên tiếng và cơ quan quản lý văn hóa cao nhất - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải đích thân đứng ra chủ trì cho các bên ngồi lại cùng thỏa thuận, tháo gỡ. Sau một thời gian tạm yên, sự bức xúc của nhà sản xuất "Cha cõng con" về cùng một vấn đề ít nhiều chứng tỏ việc giải quyết câu chuyện phim Việt bị chèn ép khi ra rạp chưa được giải quyết thấu đáo.

Và câu chuyện "văn hóa giải thưởng"

Riêng về chuyện giải thưởng nói chung, giải thưởng điện ảnh nói riêng, trường hợp của đạo diễn Lương Đình Dũng cũng không là cá biệt. Việc người không được giải thưởng hoặc được ban tổ chức trao giải thưởng nhưng không thuyết phục với đối tượng được xét trao giải vẫn là chuyện... dài nhiều tập. Nhiều đến nỗi, không ít thành viên có tên trong một số giải thưởng văn hóa, nghệ thuật từng thừa nhận "có thi là có thưa kiện".

Lễ trao giải Cánh Diều 2016. Nguồn: Zing.

Ngay với giải thưởng Cánh diều, PGS.TS Trần Luân Kim cũng cho biết, trước đạo diễn Lương Đình Dũng, ban tổ chức đã từng tiếp nhận, xử lý một trường hợp nghệ sĩ nổi tiếng trả giải thưởng. Chỉ khác là, sau khi nghe giải thích, nghệ sĩ này lên xin nhận lại giải song không được chấp nhận.

 Lâu nay, không chỉ tại Việt Nam mà nhiều quốc gia khác, mỗi ban tổ chức giải thưởng khác nhau có những tiêu chí, quan điểm khác nhau về lựa chọn tác phẩm trao giải. Riêng điện ảnh, thống kê sơ bộ đã có vài trăm giải thưởng. Việc tác phẩm được ban tổ chức giải thưởng này đánh giá cao nhưng ban tổ chức giải thưởng khác không trao giải nào là chuyện không hiếm.

Tuy nhiên, giải thưởng Cánh diều là của Hội Điện ảnh Việt Nam. Hội là nơi tập hợp, đoàn kết và hỗ trợ người làm điện ảnh phát huy khả năng của mình. Giải thưởng Cánh diều từng được kỳ vọng là "Oscar của Việt Nam".

Việc trao giải thưởng nhằm mục đích tổng kết một năm hoạt động, góp phần phát hiện những tài năng, tác phẩm có giá trị để khích lệ, kịp thời động viên, kích thích người làm điện ảnh sáng tạo hơn nữa. Đây cũng là cơ hội để ngành điện ảnh nhìn lại, đánh giá kết quả phát triển của điện ảnh nước nhà, từ đó có thể góp phần định hướng phát triển phù hợp trong tương lai gần.

Nhưng, đã nhiều năm trở lại đây, gần như mỗi mùa giải thưởng là một lần Cánh diều bị phản ánh không như kỳ vọng, kể cả về giải thưởng đến cách thức tổ chức. Chuyện ban tổ chức đã tích cực mời gọi nhưng giải thưởng ít còn sức hấp dẫn với người làm điện ảnh đã không còn mới lạ. Tỷ lệ giữa phim sản xuất và phim dự giải không cao. Công tác tổ chức, gần như không gặp sự cố này thì sự cố khác. Những thực tế này ít nhiều minh chứng vai trò tập hợp những người làm điện ảnh đang có chiều hướng ngày càng suy giảm.

Khi "tiếng nói" một tổ chức nghề nghiệp đại diện cho số đông của những người làm nghề không đủ mạnh để thuyết phục được số đông nói chung, với chính người làm nghề nói riêng, sẽ khó trách công chúng thiếu niềm tin, thiếu định hướng, "chạy" theo những sản phẩm giải trí nặng về tính thương mại, bị đánh giá thấp về chất lượng nghệ thuật.

Được biết, từ tháng 9-2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2030. Quyết định này được những người làm văn hóa nghệ thuật, trong đó có điện ảnh kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hơn.

Theo chiến lược này thì cùng với hoạt động rà soát, bổ sung, điều chỉnh các quy định của Luật Điện ảnh và các văn bản pháp luật liên quan, trang bị thêm về cơ sở vật chất, điện ảnh Việt còn được đặt ra khá nhiều mục tiêu quan trọng: Tăng dần tỷ trọng phim truyện Việt Nam chiếu tại các rạp; Xây dựng và phổ biến các tác phẩm điện ảnh có giá trị nghệ thuật, đồng thời có tính thương mại cao, tính cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế; Tập trung đào tạo những ngành nghề như đạo diễn, nhà sản xuất, nhà kinh doanh, biên kịch, lý luận phê bình, quay phim, thiết kế mỹ thuật (sân khấu), kỹ thuật - công nghệ, diễn viên, khuyến khích các nhà biên kịch, đạo diễn phát huy tối đa tính sáng tạo trong quá trình xây dựng tác phẩm điện ảnh...

Tuy nhiên, để chiến lược này được hiện thực hóa trong đời sống, chắc chắn sẽ cần sự chuyển biến tích cực từ toàn bộ hệ thống, trong đó, Hội Điện ảnh Việt Nam không phải là ngoại lệ và giải thưởng Cánh diều chỉ là một mắt xích trong một mắt xích lớn hơn của hệ thống này.

Minh Hải
.
.