Cảnh báo khủng hoảng tâm lý học đường vì COVID-19
Các nghiên cứu gần đây cho thấy lứa tuổi học sinh, sinh viên đang phải chống chọi với những vấn đề sức khỏe tâm thần gia tăng trong đại dịch COVID-19. Giãn cách xã hội; sự gián đoạn đối với các thói quen trước đây; bố mẹ mất việc làm, không có thu nhập; việc học trực tuyến; ngắt quãng mối quan hệ với bạn bè; bạo lực gia đình,… là những yếu tố rủi ro xảy ra trong thời kì COVID-19 có thể dẫn đến suy nhược sức khỏe tâm thần, khiến các bệnh tâm thần hiện có trở nên trầm trọng hơn hoặc gây ra vấn đề sức khỏe tâm thần mới.Theo thống kê từ Bệnh viện Tâm thần Trung ương, trong số những người có biểu hiện tâm lý bất bình thường đến khám, tư vấn thời gian qua thì có đến 30% là học sinh, sinh viên.
Khởi phát bệnh tâm thần từ… học online?
“Trước giờ tôi luôn nghĩ con tôi đang ở tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, chỉ có việc học thôi. Mà học trực tuyến thì đơn giản lắm, thay vì đến lớp, con tôi chỉ việc ở nhà và bật máy lên học. Ai ngờ con lại khởi phát bệnh tâm thần trầm trọng thế, giờ không biết còn cứu vãn được không”. Đó là lời phân trần trong nước mắt của chị Hoà – mẹ cô bé Thu ở quận Bắc Từ Liêm trong phòng trị liệu tâm lý tại Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ tinh thần Braincare.
Giờ đây, chính người mẹ này cũng trở nên hoảng loạn trước tình trạng bệnh của con gái mình. Mọi chuyện chỉ bắt đầu từ tháng 3-2020, trong hoàn cảnh dịch COVID-19 bùng phát, Thu đang học lớp 8 phải chuyển sang học trực tuyến. Từ một học sinh chăm chỉ học hành, Thu thường xuyên kêu chán học, không tập trung học được, đầu óc căng thẳng. Kết thúc một buổi học, Thu không nhớ gì, chỉ thấy mệt mỏi.
Ảnh minh họa: Lứa tuổi học sinh, sinh viên đang phải chống chọi với những vấn đề sức khỏe tâm thần gia tăng trong đại dịch COVID-19. |
COVID-19 lắng xuống, con chị trở lại lớp học, nhưng tình trạng càng nặng hơn. Đến giờ đi học là Thu khóc lóc, năn nỉ xin ở nhà, một tuần đi học bập bõm được 2-3 buổi, kết quả học tập kém đi rõ rệt. Tình trạng cứ thế kéo dài một năm qua, cho đến thời điểm cách đây 2 tháng, kì thi vào lớp 10 đã sát nút mà con chị gần như buông việc học hành, nhắc đến việc học là Thu hoa mắt chóng mặt, chị đành cho con đi khám tâm lý. Chỉ đến lúc này, với sự can thiệp của các chuyên gia tâm lý, chị mới hiểu rõ bệnh của con mình.
Theo Tiến sĩ tâm lý giáo dục Nguyễn Thị Thắm - Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ tinh thần Braincare, kết quả bài kiểm tra đánh giá cho thấy vấn đề mà Thu gặp phải chính là tốc độ xử lý các tình huống trong cuộc sống không nhanh như các bạn, tức là sự mã hoá trên não ra thao tác bên ngoài bị chậm. Kiểu cấu trúc thần kinh của cô bé không ổn định, chỉ cần những tác động nhỏ của môi trường cũng làm em bị chao đảo tâm lý.
Đó là một nhược điểm rất lớn khi học trực tuyến vì Thu không thể thực hiện nhanh và kịp thời các yêu cầu của cô giáo như vừa ghi, vừa nghe giảng, vừa phát biểu. Chính sự lúng túng, không bắt kịp đó khiến cô bé không theo kịp bài học, không hiểu bài, lo lắng và bỏ học. Và không chỉ cô bé Thu, mà nhiều trường hợp đến khám tâm lý tại Trung tâm đều ở tình trạng có vẻ như không thể thích nghi được với việc học trực tuyến. Chị Hoà cũng như đa phần các ông bố bà mẹ khác, đã không hiểu căn nguyên để động viên, hỗ trợ con mà ngược lại đã tỏ thái độ thất vọng, mắng mỏ con thái quá.
Mẹ bé Thu phản ánh tình trạng của con gái mình với chuyên viên tư vấn. |
Không chỉ gặp vấn đề khi trong học hành, Thu còn bị stress trong mối quan hệ bạn bè thời COVID-19. Cuối học kì 1 năm lớp 8, giữa Thu và người bạn thân ở lớp xảy ra mâu thuẫn do hiểu lầm khiến em rất buồn phiền. Sự việc chưa được giải quyết thì cả lớp phải chuyển sang học trực tuyến, Thu không thể gặp bạn để giải thích, làm hoà. Những suy nghĩ, dằn vặt cứ tích lại khiến Thu trở nên căng thẳng, lo âu. Khi quay trở lại học trên lớp, cô bé bị nhóm bạn tẩy chay. Càng buồn phiền, thất vọng, cô bé càng thu mình lại không giao tiếp và rất sợ đi học, cũng không chia sẻ, cảm thấy chán nản, mất bình tĩnh và cáu giận, khóc lóc khi bố mẹ hỏi han.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Thắm, triệu chứng tâm thần của Thu đã ở giai đoạn nặng, diễn tiến trong một thời gian dài nên trị liệu rất khó khăn. Chị Hoà giờ đã xin nghỉ việc để ngày ngày đưa con đi trị liệu tâm lí kết hợp uống thuốc hỗ trợ. Chị chẳng dám kì vọng là con sẽ có thể tham gia kì thi vào lớp 10, chỉ mong con trở lại là người bình thường đã may mắn lắm rồi.
Bi kịch phát bệnh tâm thần vì nghiện game
Tại Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ tinh thần Braincare, cậu học sinh tên Tuấn lặng lẽ ngồi vào bàn tham vấn. 10 phút trôi qua, mặc dù Thạc sĩ Nguyễn Thị Thuý Hằng - chuyên viên tham vấn tìm cách tiếp cận nhưng cậu cứ gục mặt xuống không nói nửa lời. Nhận thấy đây là một ca khó, Thạc sĩ Thuý Hằng nhẹ nhàng “lật bài ngửa”: “Hiện tại em đang nghiện internet rất nặng đúng không? Chính điệu bộ của em đã “tố cáo” em. Em đã cúi quá nhiều khiến cổ rụt lại, đôi mắt chơi game nhiều trở nên lờ đờ, không cảm xúc. Cặp kính dày cộp chứng tỏ em cận nặng. Cứ chăm chăm vào màn hình máy tính cả ngày lẫn đêm, em liếc mắt lên cũng khó khăn? Em muốn thu mình lại, nên phải mặc chiếc áo rộng thùng thình, mũ trùm kín đầu này đúng không?”. Sau màn mở đầu ấy, Tuấn đã không còn im lặng nữa.
Nhà Tuấn ở quận Thanh Xuân, Hà Nội, kinh tế khá giả, bố mẹ bận công việc, sợ con buồn nên từ mùa COVID-19 năm ngoái đã thả lỏng cho Tuấn dùng iPad, iPhone để học trực tuyến và lướt web. Khi ấy Tuấn đang học lớp 11, trong những ngày giãn cách xã hội đã ngụp lặn trong không gian mạng để chơi game và tham gia đủ các nhóm chát cùng bạn bè thâu đêm suốt sáng cho đến khi nghiện nặng. Khi bố mẹ thu điện thoại, Tuấn lập tức có biểu hiện run bần bật, cảm thấy lo âu, chảy mồ hôi, hụt hơi như đang lên cơn nghiện. Nhưng khi có điện thoại trong tay thì Tuấn lại đập vỡ với thái độ giận dữ.
Đi học trở lại, Tuấn tiếp tục có những biểu hiện kì cục như xì mũi liên tục và vứt giấy lau mũi đầy quanh lớp, vứt cặp của bạn bè vào nhà vệ sinh. Trong lúc chạy ở sân trường hay hành lang, cậu luôn chen lấn xô đẩy người khác, ngáng chân cho bạn ngã. Gây ra tất cả những chuyện tày đình ấy, nhưng Tuấn không hề cảm thấy tội lỗi. Tuấn cũng chẳng thiết học hành, cứ đến tiết toán là trốn vào nhà vệ sinh.
Bố mẹ Tuấn lúc đầu chỉ nghĩ con họ đang ở tuổi nghịch ngợm và khó bảo. Nhưng sang đến lớp 12, thấy con không thể học và thi tốt nghiệp THPT được thì họ hoảng thực sự. Đến phòng trị liệu tâm lý, các chuyên viên kết luận Tuấn mắc hội chứng tăng động giảm tập trung từ lâu dẫn đến nghiện game, internet cao. Vì Tuấn không được phát hiện, tư vấn điều trị kịp thời nên bệnh đã diễn tiến thành các hành vi chống đối, phá phách. Hiện tại, Tuấn vẫn đang phải tham gia trị liệu và can thiệp tâm lý trong một thời gian dài. Đến lúc này thì việc thi tốt nghiệp THPT quốc gia sắp tới là điều không thể. Niềm mong mỏi lớn nhất của bố mẹ là Tuấn trở về trạng thái tinh thần như giai đoạn chưa có dịch bệnh COVID-19, còn việc học hành đành dở dang.
Khó khăn trong điều trị
Trong cuộc trao đổi với PV An ninh Thế giới, Tiến sĩ, Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Văn Dũng - Viện phó Viện Sức khoẻ tâm thần Bạch Mai cho biết, dịch COVID-19 là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vấn đề tâm lý ở mọi lứa tuổi, trong đó có học sinh sinh viên. Không những thế, dịch bệnh còn ngáng trở việc khám bệnh và trị liệu do phải thực hiện giãn cách xã hội và tâm lý ngại đến bệnh viện.
Chuyên viên tư vấn điều trị tâm lý cho một học sinh nghiện game trong thời kì nghỉ dịch COVID-19. |
Thời gian qua, số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tại Viện Sức khoẻ tâm thần Bạch Mai giảm, nhưng các ca đến Viện lại là ca cấp tính, mức độ nặng, chiếm đến 30% số lượng bệnh nhân. Không chỉ ở Việt Nam, đây là tình trạng phổ biến trên thế giới. Theo một khảo sát mới của WHO, đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn hoặc tạm dừng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần quan trọng ở 93% quốc gia trên toàn thế giới trong khi nhu cầu về chăm sóc sức khỏe tâm thần ngày càng tăng…
Trong 3 tháng vừa qua, Trung tâm Braincare tiếp nhận đến 13.578 ca kiểm tra online về tình trạng trầm cảm và có khoảng 90% trường hợp đang có nguy cơ trầm cảm. Đồng thời, tổng đài tư vấn miễn phí nhận được liên tiếp nhiều cuộc gọi của các bậc phụ huynh phản ánh về việc con sử dụng internet quá nhiều và sống tách biệt với gia đình.
Những biểu hiện kịch phát bệnh tâm thần ở lứa tuổi học sinh thời COVID-19 đang ngày càng phổ biến. Nhưng các bậc phụ huynh hầu như chưa có kiến thức về điều này, thường lơ là, coi thường các biểu hiện bệnh. Không chỉ chị Hoà mẹ cô bé Thu, bố mẹ của Tuấn trong câu chuyện kể trên mà đa phần phụ huynh đều né tránh, không muốn thừa nhận, giấu giếm việc con mình bị bệnh tâm thần. Những đứa trẻ chỉ được đưa đi trị liệu khi đã ở giai đoạn rất nặng, không thể khỏi bệnh trong ngày một ngày hai. Càng điều trị lâu thì việc học hành thi cử của con càng bị đứt đoạn.
Theo nghiên cứu, thanh thiếu niên từ 11-15 tuổi dễ nghiện internet nhất nhưng cũng dễ chán nản, bỏ cuộc, bất hợp tác nên việc điều trị tâm lý lâu dài sẽ là một trở ngại lớn.
Đâu là giải pháp?
Theo chuyên gia tâm lý giáo dục Nguyễn Thị Thắm, cha mẹ nên đưa con đi kiểm tra sức khoẻ tâm thần từ khi con còn nhỏ với sự giám sát của các chuyên gia tâm lý giáo dục. Nhờ đó cha mẹ có thể nắm bắt được dạng tinh thần chính của con, thấy được điểm mạnh – yếu, và được cảnh báo những “vùng nguy hiểm”, những rối loạn phát triển của trẻ để theo dõi và có biện pháp can thiệp sớm. Thực tế hiện nay có rất nhiều trẻ có vấn đề về sức khoẻ tâm thần ở dạng tiềm ẩn, khi gặp hoàn cảnh có vấn đề sẽ khởi phát như trường hợp hai học sinh đã nêu ở trên.
Với lứa tuổi học sinh, con đường sử dụng - lạm dụng - lệ thuộc internet diễn biến rất nhanh trong một thời gian rất ngắn. Vì vậy, khi các bố mẹ bắt đầu cho con sử dụng internet phải lường trước được nguy cơ con sẽ nghiện. Hãy hướng dẫn, định hướng con luôn là người dùng internet thông thường, thường xuyên kiểm soát để tránh việc con lạm dụng internet và nghiện.
Theo Thạc sĩ Thuý Hằng, người nghiện internet đến một lúc nào đó sẽ xuất hiện “hội chứng cai” với cảm giác hối hận, muốn thoát khỏi hành vi nghiện. Tuy nhiên, hội chứng này xảy ra rất nhanh. Bởi vậy, bố mẹ phải là tác nhân kích thích cho hội chứng này đến sớm hơn, xảy ra thường xuyên hơn và ở lại lâu hơn. Có như vậy mới giúp con cai nghiện thành công. Bệnh lý tâm thần thường có diễn tiến âm thầm, khó phát hiện. Do đó, các bậc phụ huynh phải luôn sát sao, đồng hành cùng con để phát hiện kịp thời và giúp con vượt qua. Đừng ngại hỏi ý kiến chuyên gia, có thể gọi điện đến tổng đài tư vấn miễn phí số 1900-3307 để được giải đáp.
* Tên nhân vật đã được thay đổi.
Kì thi tuyển sinh vào lớp 10, kì thi tốt nghiệp THPT quốc gia đang đến rất gần. Để bảo vệ sức khoẻ tâm thần cho con, các bố mẹ nên hướng dẫn, đồng hành để con có phương pháp học tập hợp lý. Phải đảm bảo giấc ngủ, chế độ dinh dưỡng đáp ứng từ 2.000 - 2.500kcal/ ngày. Học trực tuyến trong thời tiết nắng nóng rất dễ mệt mỏi, các em nên chủ động giải lao giữa giờ, luyện tập thể dục, uống nhiều nước để tránh rối loạn điện giải. Các bậc phụ huynh không gây áp lực cho con, tạo tâm lý thoải mái để hạn chế thấp nhất sự khởi phát và diễn tiến của các bệnh lý tâm thần - Tiến sĩ, Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Dũng - Viện phó Viện Sức khoẻ tâm thần Bạch Mai đưa ra lời khuyên. |