Cảnh báo vấn nạn chị em làm đẹp: “Đại nạn” khi gặp bác sĩ dỏm

Chủ Nhật, 03/11/2013, 15:35

Trong mấy ngày qua, dư luận rất hoang mang trước việc Thẩm mỹ viện Cát Tường (Hà Nội) hoạt động chui, gây cái chết thương tâm cho một khách hàng nữ đến nâng ngực. Độc ác hơn, sau khi bệnh nhân tử vong chỉ vì muốn phủi trách nhiệm, giám đốc thẩm mỹ viện này đã vứt xác nạn nhân xuống sông hòng phi tang. Thực trạng này đã gióng lên hồi chuông báo động về việc quản lý của ngành y tế cũng như y đức của các lương y…

Gặp nạn từ quảng cáo "nổ"

Mang đôi môi sưng vù đến Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP HCM  để khiếu nại, chị L.H.Y. (ngụ P.15, Q. Phú Nhuận) bức xúc: “Khi xem quảng cáo trên trang web của Thẩm mỹ viện L.K (P.3, Q.Tân Bình), tôi thấy giá cả, dịch vụ các gói làm đẹp được quảng cáo trên trang web quá hấp dẫn như: phun lụa chân mày, phun môi xí muội giá 2,6 triệu đồng, giảm còn 1 triệu đồng; thêu chân mày, phun môi xí muội giá 3 triệu đồng giảm còn 1 triệu đồng; phun môi pha lê 2,2 triệu đồng giảm còn 1 triệu đồng; phun môi màu cam vỏ quýt giá 2 triệu đồng giảm còn 1 triệu đồng…; máy móc trang thiết bị hiện đại trong phòng vô trùng và dàn chuyên viên tay nghề kỹ thuật cao cùng sự nhiệt tình với chất lượng hàng đầu.

Đặc biệt, màu môi pha lê trong phun xăm rất bóng và một số màu có ánh nhũ nổi bật, màu môi ửng từ trong môi ra nên nhìn rất nhẹ nhàng, tự nhiên mà vẫn quyến rũ, gợi cảm… Đảm bảo sau phun môi không sưng, không đau và lên màu y như đã chọn. Và điều khiến cho tôi yên tâm nhất là các dịch vụ này được quảng cáo là do chính giám đốc thẩm mỹ viện trực tiếp làm".

Sau khi nghiên cứu kỹ trang quảng cáo, chị Y. chọn gói dịch vụ "thêu chân mày và môi" với những kỹ thuật làm đẹp mới nhất, giảm giá đặc biệt với voucher 1 triệu đồng (chỉ nhận đặt voucher qua điện thoại và email). Tuy nhiên, trước khi quyết định trao nhan sắc của mình cho thẩm mỹ viện xử lý, chị Y. đã tìm đến địa chỉ này để tận mắt xem có đúng như trong quảng cáo và muốn được tư vấn trước.

Tuy nhiên, "Khi tư vấn, Giám đốc thẩm mỹ viện là bà L.K. đề nghị vẽ chân mày để tôi xem thử có ưng ý không, tôi đồng ý và ngay sau đó bà đã cạo trụi lông mày tôi mỗi bên một nửa rồi kêu nhân viên dắt tôi lên lầu ủ thuốc tê, sau đó ra giá 4,7 triệu đồng cho gói thêu chân mày và phun môi. Tôi quá bất ngờ với quyết định gần như bắt buộc trên và giá cả đắt đỏ, nhưng nghĩ chuyện đã lỡ rồi, hơn nữa chắc "tiền nào của đó". Tuy nhiên, sau khi phun xong, môi tôi sưng to, chảy nước vàng và hoàn toàn mất cảm giác. Phải mất hơn một tuần chữa trị, vết thương mới lành nhưng màu môi và chân mày không như mong muốn nên tôi yêu cầu thẩm mỹ viện phải bồi thường cho tôi".

Còn anh T.A.T. Việt kiều Úc thì đã không nén nổi bực tức khi bị nha khoa Đ.V (P.7, Q.10) không biết làm kiểu gì mà 2 hàm răng sứ anh vừa thay mới toanh nhưng các khớp lắp răng bị hở làm thức ăn, thức uống tràn vào gây ê buốt, nhai rất khó khăn. Nướu răng thì bị viêm nhức. Răng bị ép vào lưỡi không thể phát âm tốt, vướng víu khi nói chuyện. Tệ hại hơn, 2 hàm răng nhưng có đến 3 màu khác nhau.

Theo lời anh T. người Việt ở nước ngoài rất tin tưởng nha khoa ở Việt Nam, nhưng trường hợp của anh thì ngược lại. "Tôi bị hư 4 cái răng nhưng nha khoa Đ.V khám và tư vấn tôi làm 2 hàm răng bằng sứ Emax của Đức 25 cái với giá 86 triệu. Tôi yêu cầu làm hóa đơn tài chính cũng như thẻ chứng nhận nguồn gốc răng sứ nhưng nha khoa không đáp ứng được. Tôi đã phải mất tiền, mất thời gian bay đi bay về và lỡ dở công việc kinh doanh nhưng nhận lại là hàm răng thô thiển. Vì vậy, mong rằng những hành vi làm ăn kinh doanh lường gạt như trên cần phải được xử lý nghiêm…".

Quảng cáo quá hấp dẫn trên trang web của thẩm mỹ viện L.K.

Thực tế, tình trạng bát nháo các dịch vụ thẩm mỹ hiện đang xảy ra khá phổ biến. Đã có nhiều trường hợp bị tai biến, tử vong sau khi phẫu thuật hút mỡ bụng, nâng ngực tại các thẩm mỹ viện hoạt động chui, hoặc các thẩm mỹ viện vừa bị cơ quan chức năng "xóa sổ" nhưng chỉ một thời gian sau cũng chính tại vị trí đó lại "mọc" lên một thẩm mỹ viện với cái tên hoàn toàn khác.--PageBreak--

30 triệu đồng mua được bằng bác sĩ…

Với tấm bằng đại học của Học viện Quân y số 71045 cấp ngày 9/9/2006 trong hồ sơ xin việc, Hồ Quang Hải (ngụ P.5, Q.10) đã được Trường đại học Hồng Bàng ký hợp đồng nhận vào làm giảng viên tại Khoa Y của trường từ ngày 1/4/2010. Tuy nhiên, chỉ sau một năm giảng dạy, Hồ Quang Hải đã bị các sinh viên tố cáo là đã tự ý thu học phí nhưng không có biên lai nên Hải bị Hiệu trưởng Trường Hồng Bàng đề nghị chấm dứt hợp đồng lao động kể từ  ngày 15/3/2011.

Sau khi nghỉ dạy ở Trường đại học Hồng Bàng, cũng với hồ sơ xin việc trên, ngày 6/6/2012 Hải xin phép Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi TP HCM cho thành lập Chi hội Y tế tình nguyện, và ngày 14/6/2012, Hội ký quyết định thành lập Chi hội Y tế tình nguyện do "bác sĩ" Hồ Quang Hải làm Chi hội trưởng. Qua tổ chức này, Hải đã đứng ra vận động quyên tiền lập các đoàn khám tình nguyện trong và ngoài nước. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, Chi hội Y tế tình nguyện đã có nhiều sai phạm và không minh bạch về tài chính nên các thành viên trong Ban chấp hành Chi hội đã xin rút tên khỏi Chi hội, đồng thời có thông tin tố cáo Hồ Quang Hải sử dụng bằng đại học giả.

Khi Cơ quan CSĐT Công an TP HCM (PC 46) vào cuộc điều tra thì nhân thân của "bác sĩ" Hải đã được làm rõ. Hải hiện nguyên hình là một đối tượng chuyên làm giả các bằng đại học, trung học ngành y tế. Nạn nhân của Hải là bạn Huỳnh Đào T.P cho biết: Năm 2010, P. học lớp y sĩ đa khoa tại Trường đại học Hồng Bàng nên P. có biết Hải. Học được 1 năm thì P. nghỉ học do bận việc gia đình. Trong thời gian nghỉ học P. có tiếp xúc với Hải và được Hải gợi ý sẽ đứng ra làm bằng đại học cho P. nếu P. có nhu cầu. Do cần có một bằng đại học để dễ xin việc làm nên P. đã đồng ý nhờ Hải giúp với giá 110 triệu đồng.

Theo thỏa thuận, P. đưa trước cho Hải 50 triệu đồng và số tiền còn lại sẽ giao đủ sau khi P. nhận được bằng đại học. Sau đó, Hải giao cho P. bản photo Bằng tốt nghiệp Đại học cấp ngày 20/10/2005 của Trường đại học Y dược TP HCM  mang tên mình. P. mang đi hỏi bạn bè thì mới biết bằng đại học này không giống bằng thật nên đã tìm gặp Hải để đòi lại tiền nhưng Hải không trả.

Bác sĩ dỏm Hồ Quang Hải và các loại bằng cấp giả ngành y do Hải thực hiện.

Tương tự trường hợp Huỳnh Đào T. P., bạn Lê Đăng Q. trong thời gian theo học tại Trường đại học Hồng Bàng cũng có quen Hải là giáo viên chủ nhiệm của lớp 09T3. Vì chuyện gia đình nên Q. cũng bỏ học giữa chừng, Hải đã gặp Q. và cũng “thương cảm” cho sinh viên cũ của trường nên Hải đã hứa giúp đỡ Q. làm bằng "Y sĩ đa khoa" và bằng "Bác sĩ răng hàm mặt" với giá 30 triệu đồng/ bằng. Vì muốn bổ sung hồ sơ để dễ xin việc nên Q. đồng ý. Hải đã làm cho Q. bằng tốt nghiệp đại học ngày 20/10/2005 của Đại học Y dược TP HCM và bằng Tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp ngày 27/12/2007 của Trường trung học Quân y II.

Còn với Văn Công L., qua tiếp xúc Hải biết L. đang là nhân viên điều dưỡng tại một bệnh viện lớn và có ý định học tiếp để lấy bằng bác sĩ. Với lời lẽ đầy tính thuyết phục rằng để rút ngắn thời gian được thi lên bác sĩ, Hải sẽ giúp L. lấy được tấm bằng Trung học chuyên nghiệp Y sĩ đa khoa của Trường đại học Y dược với chi phí 40 triệu đồng. Tin lời, L. giao đủ tiền cho Hải và được Hải làm giúp bằng tốt nghiệp Trung học Chuyên nghiệp của Trường đại học Y dược TP HCM. Sau đó, Hải tiếp tục đề nghị sẽ lo thủ tục, hồ sơ cho L. thi chuyên tu bác sĩ với giá 50 triệu đồng.

Tin tưởng vào khả năng của Hải, L. đưa trước 30 triệu đồng, 20 triệu đồng còn lại L. sẽ giao cho Hải sau khi thi. Tuy nhiên, gần đến ngày thi mà L. vẫn không nhận được giấy báo thi nên đã đến nhà Hải để đòi lại tiền nhưng chỉ nhận lại được 20 triệu đồng.

Ngoài ra, trong vai "bác sĩ" đi làm từ thiện ở các tỉnh, Hải cũng đã tìm cách tiếp cận với một số sinh viên hoặc những người đang công tác trong ngành y tế để tạo sự thân mật, gần gũi, sau đó hứa sẽ xin cho họ một việc làm ngon lành tại các bệnh viện. Tuy nhiên, đối tượng mà Hải tiếp cận là những người chưa có việc làm, thiếu bằng cấp ngành y để sau đó Hải tiếp tục tung "chiêu" giúp họ "chạy" được bằng cấp.

Với trò lừa đảo trên, Hải đã làm bằng Y sĩ đa khoa ngày 25/8/2005 của Trường trung học Quân y II cho T.T.K.Ngọc và N.H.Vĩnh với giá 45 triệu đồng/bằng; làm bằng tốt nghiệp Trường đại học Quân y II cho P.N.Giàu…

Qua xác minh của Cơ quan CSĐT, thì các bằng cấp và chứng nhận kết quả học tập của Trường trung học Quân y II và Trường đại học Y dược TP HCM mà Hải đã làm cho những đối tượng trên và cả bằng của Học viện Quân y mang tên Hồ Quang Hải đều là bằng giả. Các cá nhân có tên trong các văn bằng trên đều không có tên trong hồ sơ lưu trữ của các trường.

Qua điều tra ban đầu, những người đã "mua" bằng của Hải, sau khi nhận bằng thấy nghi ngờ đó là bằng giả đã không sử dụng để đi xin việc. Không những làm văn bằng giả, Hải còn "dụ" các nhân viên y tế đang làm việc tại các trung tâm y tế hoặc bệnh viện có ý định học, thi lên vị trí cao hơn bằng cách làm giả các giấy tờ để làm thủ tục, sau đó "ôm" tiền rồi đánh bài "chuồn".

Nếu hành vi của Hải không bị phát hiện kịp thời thì hệ lụy không biết sẽ nguy hại đến mức nào. Cơ quan CSĐT đã khởi tố Hồ Quang Hải tội "làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức" và vụ án đang tiếp tục điều tra, mở rộng

K.Ngân
.
.