Cạnh tranh tay ba trong cuộc chiến giá dầu

Thứ Tư, 06/05/2020, 11:00
Trong hơn một thế kỷ, con người đã chiến đấu và thậm chí hy sinh tính mạng để tìm cách kiểm soát nguồn tài nguyên này. Và vì khoảng 80% trữ lượng dầu mỏ đã được chứng minh nằm ở Trung Đông, một khu vực vốn dĩ có diện tích tương đối nhỏ và phần lớn đất đai khô cằn, nên nơi đây thường được xem là trung tâm của thế giới.

Trong nhiều thập kỷ, chỉ một lời nói bóng gió từ lãnh đạo một quốc gia vùng Vịnh rằng họ chuẩn bị tăng hay giảm sản lượng dầu mỏ cũng sẽ đẩy các thị trường tài chính toàn cầu rơi vào hỗn loạn, và khiến nền kinh tế của một số quốc gia khác lao đao. Nhưng hiện tại thì sao?

Bài đăng trên tờ The Straits Times đã phân tích về thế bế tắc trong cuộc chiến dầu mỏ ba bên: Saudi Arabia, Nga và Mỹ và cho rằng chính trị cũng như kinh tế sẽ quyết định kết quả của cuộc chiến giá dầu.

Mặc dù đóng vai trò quan trọng, song Nga chưa bao giờ có hứng thú với việc gia nhập OPEC.

Vừa qua, giá dầu không những giảm xuống bằng 0 theo nghĩa đen, mà trên thực tế còn xuống mức âm lần đầu tiên trong lịch sử. Hiểu một cách đơn giản, điều này có nghĩa là chính các nhà sản xuất dầu vốn nắm giữ nền kinh tế toàn cầu làm con tin đột nhiên lại phải trả tiền để khách hàng mang dầu mỏ đi.

Dầu mỏ đang từ một thứ giá trị, tới mức người ta phải tranh giành nhau, bỗng bị xem như là món nợ của các nhà sản xuất. Chắc chắn đây chỉ là một tình thế tạm thời. Và trên thực tế, giá dầu đã tăng trở lại, cho dù ở mức thấp. Nhưng quan trọng là qua cái “phi quy luật” ấy, người ta lại thấy được những điều rất… logic.

Trò chơi chiến lược

Sự kiện giá dầu giảm những ngày qua đã tạo ra làn sóng phản ứng dữ dội trên các thị trường năng lượng toàn cầu và gióng lên hồi chuông cảnh báo ở nhiều quốc gia. Đây là một chỉ báo cho thấy một kiểu trò chơi chiến lược đang diễn ra phía sau hậu trường, khi cả mô hình sản xuất lẫn tiêu thụ dầu đều đang thay đổi.

Nói lại một chút về nguyên nhân dẫn tới sự sụp đổ giá dầu hiện tại, đó là do một loạt tính toán sai lầm của hai nhà sản xuất hàng đầu thế giới – Saudi Arabia và Nga. Tuy không phải có mối quan hệ thân thiết thâm sâu lâu năm gì, nhưng trong vài năm qua, hai nước này đã xây dựng một thỏa thuận về quản lý giá dầu phù hợp với cả hai bên. Saudi Arabia luôn quyết tâm duy trì vượt trội của mình trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), vốn từ những năm 1960 đã cố gắng điều chỉnh giá dầu theo hướng có lợi cho các nhà sản xuất.

Việc tăng sản lượng của Saudi Arabia tuy buộc Nga quay trở lại bàn đàm phán, song đã góp phần đẩy cơn khủng hoảng giá dầu tới đáy.

Tuy nhiên, giờ đây, OPEC chỉ chiếm 45% sản lượng dầu mỏ toàn cầu, do đó, việc hợp tác với Nga, nước sản xuất khoảng 12% sản lượng dầu mỏ toàn cầu, trở nên cần thiết. Nga, ngược lại, chưa bao giờ có hứng thú với việc gia nhập OPEC. Tuy nhiên, Nga ngày càng quan tâm đến việc hợp tác với Saudi Arabia, một phần vì nền kinh tế Nga phải chịu sức ép từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây khiến họ cần thêm tiền mặt từ mức giá dầu cao hơn, và một phần vì việc hợp tác với OPEC củng cố tuyên bố của nước này rằng Nga là bên tham gia lớn trong chính trường toàn cầu.

Do đó, trong một vài năm qua, có một thói quen đã được hình thành: Trước mỗi cuộc họp của OPEC, Nga và Saudi Arabia sẽ gặp riêng, quyết định cắt giảm hoặc tăng bao nhiêu sản lượng để duy trì giá dầu có lãi, và sau đó các thành viên OPEC còn lại phải tuân theo. Cấu trúc này hoạt động tốt đến mức cuối cùng nó trở thành OPEC+ như đang được biết tới hiện nay.

Sau cuộc khủng hoảng giá dầu tháng 3/2020, những tính toán và bước đi của của Saudi Arabia nhằm buộc Nga quay trở lại bàn đám phán, tuy có thành công song lại dẫn tới kết quả là sự sụp đổ của toàn bộ thị trường dầu mỏ, với những hậu quả tai hại cho cả Nga lẫn Saudi Arabia và đương nhiên là cả thị trường dầu mỏ thế giới.

Sự thay đổi của thị trường

Tuy nhiên, cũng không nên đổ lỗi hết cho một bên nào cho thực tại hiện nay. Bởi trên thực tế, động cơ thực sự đằng sau sự sụp đổ của cuộc dàn xếp dầu mỏ Saudi Arabia – Nga là một bối cảnh thị trường năng lượng toàn cầu đang thay đổi.

Với nước Nga, xuất khẩu dầu không chỉ mang đến nguồn thu nhập, mà chủ yếu và trên hết đây là công cụ địa chính trị, cùng với việc sở hữu vũ khí hạt nhân, tạo thành những lý do duy nhất khiến nước này vẫn có thể tự gọi mình là một cường quốc toàn cầu. Như gần đây một nghị sĩ người Mỹ đã đưa ra lời nhận xét có phần dí dỏm nhưng lại chính xác về cơ bản, đó là nước Nga là “một trạm xăng được trang bị vũ khí hạt nhân”.

Do đó, mặc dù rõ ràng muốn tăng tối đa doanh thu, nhưng Điện Kremlin quan tâm hơn đến việc bảo vệ các thị trường của mình trước một trong những sự thay đổi địa chiến lược lớn nhất nhưng có lẽ lại ít được thảo luận nhất trong thời gian gần đây: Sự nổi lên của Mỹ với tư cách là một trong những nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới, một diễn biến không những giảm bớt tầm quan trọng của Trung Đông đối với Washington mà còn đưa Mỹ vào cuộc cạnh tranh trực tiếp với Nga.

Điều khiến Điện Kremlin khó chịu nhất là trong khi Mỹ đang thúc đẩy việc áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga, thì các quan chức trong Chính quyền Tổng thống Trump cũng đang gây sức ép buộc các nước châu Âu – thị trường quan trọng nhất của Nga – phải mua sản phẩm năng lượng của Mỹ. Và nếu điều đó xảy ra, thì niềm hy vọng của Nga về tác động đến chính trường châu Âu bằng cách duy trì sự phụ thuộc của châu Âu vào dầu khí của Nga sẽ tan biến.

Người Mỹ không dễ dàng bỏ qua “miếng bánh” trên thị trường năng lượng béo bở một khi giá dầu phục hồi.

Vì thế, Nga đã quyết định giáng một đòn vào Mỹ theo cách duy nhất khiến Mỹ phải thực sự để tâm: Đẩy giá dầu đi xuống để loại bỏ khỏi thị trường các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ. Bằng cách này, Điện Kremlin đã đánh cược bằng chính doanh thu từ dầu mỏ của mình – vốn đóng góp tới 40% ngân sách của Nga – để đổi lại việc buộc Mỹ phải thừa nhận rằng giờ đây nước này cũng là một “nhà nước dầu mỏ” và nếu người Mỹ mong muốn thị trường dầu mỏ ổn định, thì họ sẽ phải đến bàn đàm phán với người Nga. Thật dễ đoán ra lợi ích mà sự hợp tác đó mang đến cho Nga: Mỹ sẽ phải dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế và chấp nhận rằng châu Âu vẫn là khác hàng độc quyền của Nga.

Gần như trong cả tháng 3/2020, “tuyệt chiêu” này của Nga đã đem lại kết quả như dự tính. Saudi Arabia đã tăng sản lượng dầu ra thị trường để buộc Nga phải chấp nhận cắt giảm. Nga từ chối, và các động thái này đều chỉ khiến giá dầu giảm thêm. Trong khi đó, các nhà sản xuất của Mỹ bắt đầu sa sút. Và điều này đã gây sức ép đối với Tổng thống Donald Trump, người biết rằng một số nhà sản xuất trong số này có trụ sở ở chính các bang miền Trung Tây mà ông phải giành được phiếu bầu nếu như muốn ở lại Nhà Trắng sau cuộc bầu cử vào tháng 11/2020.

Tuy nhiên, có vẻ như chính Nga và Saudi Arabia lại từ bỏ cuộc chiến này trước chỉ vì một lý do đơn giản: Cả hai đều thấy rõ rằng họ có khả năng tự phá hủy nền kinh tế của mình nhanh hơn nhiều so với việc có thể lôi kéo Mỹ đến bàn đàm phán. Vì sản lượng dầu tăng trong khi giá giảm không những đã nhấn chìm các thị trường toàn cầu theo nghĩa đen, mà nhu cầu đối với loại chất lỏng màu đen này cũng đang giảm mạnh khi hầu hết thế giới, các nước công nghiệp hóa, vẫn đang bị phong tỏa, sản xuất lao đao vì đại dịch COVID-19.

Chiến thắng mà người Nga có được từ cuộc chiến này là đã họ đã buộc được Tổng thống Trump phải hành xử như một bên trung gian hòa giải môi giới một thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu giữa Nga và Saudi Arabia. Tuy nhiên, Mỹ không đưa ra bất kỳ nhượng bộ nào, và điều chắc chắn là Tổng thống Trump không đồng ý từ nay Mỹ sẽ phải đàm phán mức sản lượng dầu với Nga hoặc Saudi Arabia. Tất cả những gì ông Trump làm là môi giới một thỏa thuận để các bên khác cắt giảm sản lượng dầu của chính họ.

Cuộc cạnh tranh tay ba

Mặc dù các nhà sản xuất dầu mỏ trên thế giới đã đạt được cam kết sẽ cắt giảm mức sản lượng lớn nhất từng dự tính – sẽ bắt đầu được triển khai ngay trong tháng 5 này – nhưng xem ra cũng chưa đủ để đẩy giá dầu lên tức thì. Rõ ràng là nền kinh tế thế giới sẽ mất nhiều thời gian để phục hồi sau cuộc khủng hoảng y tế hiện nay. Theo nhiều phân tích của các chuyên gia, điều tồi tệ nhất vẫn còn chưa xảy ra.

Trung quốc, nước có mức tiêu thụ dầu tăng nhanh nhất thế giới, hiện đã cắt giảm hơn 1/3 lượng dầu nhập khẩu, và họ sẽ không thể quay trở lại mức nhập khẩu cũ trước khi hết năm 2020. Trong khi đó, kinh tế Bắc Mỹ và châu Âu đang rơi vào tình trạng ảm đạm, và chắc hẳn sẽ trải qua cuộc sụp đổ kinh tế lớn nhất kể từ Đại Khủng hoảng.

Cuộc cạnh tranh dầu mỏ trong tương lai sẽ liên quan nhiều đến chính trị chứ không chỉ là vấn đề giá dầu.

Các dự báo chỉ ra rằng cho dù các nước thực hiện tất cả các biện pháp kiểm soát môi trường như đã cam kết, thì dầu mỏ vẫn là trụ cột quan trọng duy nhất trong nhóm các nguồn năng lượng chính toàn cầu cho đến những năm 2040. Và mặc dù khối lượng dầu sử dụng trong hoạt động giao thông vận tải sẽ giảm, nhưng mức tăng trưởng dự kiến của ngành công nghiệp hóa dầu sẽ vẫn đồng nghĩa rằng nhu cầu dầu mỏ sẽ tăng khoảng 9% trong 2 thập kỷ tới.

Tuy nhiên, theo dự báo, triển vọng kinh tế của cả Nga lẫn Saudi Arabia đều ảm đạm. Và một điều cũng quan trọng là cả hai nước này đều phải đối mặt với cuộc cạnh tranh quyết liệt tại các thị trường mà họ xem là thiết yếu.

Trong đại dịch COVID-19 hiện nay, các nhà sản xuất dầu ở Trung Đông đã hăng hái thể hiện tình đoàn kết với Trung Quốc. Tuy nhiên, có rất ít bằng chứng cho thấy việc làm này sẽ khiến Trung Quốc thực hiện nhiều giao dịch mua dầu mỏ từ Trung Đông hơn. Một trong những bài học mà thế giới rút ra từ đại dịch này, không chỉ riêng Trung Quốc, đó là tầm quan trọng của việc đa dạng hóa nguồn cung. Trung Quốc đang xem xét nhập khẩu thêm dầu từ khu vực Caribe và Nga, thay vì chỉ mua dầu từ Trung Đông.

Trong khi đó, dù cố gắng hết mức, nhưng Nga khó mà bảo vệ được vị trí chi phối của mình đối với các thị trường năng lượng ở châu Âu trước các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ, bởi không dễ gì người Mỹ bỏ qua “miếng bánh” béo bở này sau khi giá dầu phục hồi.

Trong ít nhất một thập kỷ nữa, nhiều khả năng thế giới sẽ chứng kiến một cuộc cạnh tranh tay ba giữa Nga, Saudi Arabia và Mỹ trong cuộc chiến này. Và phần lớn cuộc cạnh tranh dầu mỏ này sẽ liên quan đến vấn đề chính trị chứ không phải về việc đẩy giá dầu lên mức cao nhất.

Ngọc Lan (Tổng hợp)
.
.