Cặp đôi tật nguyền hạnh phúc trong đám cưới tập thể lớn nhất Việt Nam

Thứ Năm, 20/12/2012, 13:55

Ngày 12/12 năm nay là ngày cuối cùng của thế kỷ XXI có 2 con số của ngày, tháng, năm trùng nhau. Một ngày đẹp không chỉ của những con số, mà đẹp cả về ý nghĩa đối với 120 cặp uyên ương có hoàn cảnh đặc biệt. Ngày hôm nay, họ chính thức trở thành chồng vợ, cùng dắt nhau bước vào cuộc sống hôn nhân sau biết bao nhiêu sóng gió.

Đám cưới tập thể lớn nhất Việt Nam

Đám cưới tập thể này do Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên công nhân Tp HCM tổ chức với sự tham gia của 120 cặp uyên ương, đa phần là thanh niên công nhân, giáo viên… Và có cả những cặp đôi bị tai nạn lao động, người khuyết tật. Địa điểm diễn ra tại trung tâm hội nghị tiệc cưới Grand Palace (quận Tân Bình, Tp HCM). Đây được ghi nhận là đám cưới tập thể lớn nhất Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại.

Ban tổ chức đã vận động nhiều đơn vị hỗ trợ mỗi đôi uyên ương 1 thẻ ATM với tài khoản 2 triệu đồng, 1 bàn tiệc mặn trị giá 5 triệu đồng, 1 cặp nhẫn cưới 2,8 triệu đồng, 1 chuyến tham quan dã ngoại kết hợp huấn luyện kỹ năng, hỗ trợ xe hoa, bánh cưới, rượu cưới, trang điểm, trang phục cưới… miễn phí. Ngoài ra, 10 đôi uyên ương có hoàn cảnh khó khăn nhất sẽ được tặng thêm mỗi đôi 1 cặp nhẫn cưới trị giá 8 triệu đồng. Ngoài những đãi ngộ về vật chất đó, họ còn được đại diện thế hệ trẻ dâng hoa tượng đài Bác Hồ, được trao giấy đăng ký kết hôn ngay tại đám cưới trước sự chứng kiến của đại diện chính quyền thành phố và diễu hành quanh những con đường đẹp nhất Tp HCM.

Tất cả 120 cặp uyên ương trong đám cưới tập thể này thì có 120 cuộc tình khác nhau, 240 số phận khác nhau. Nhưng họ có một điểm chung là đến với nhau bằng con tim, bằng tình yêu và họ đã thành công khi vượt lên sự ngăn trở, phản đối của người thân, gia đình, bè bạn và với cả sự tự ti của bản thân.

Đôi uyên ương đặc biệt của một đám cưới đặc biệt

Trong đám cưới tập thể tưng bừng này, hầu như ai biết chuyện cũng đổ dồn sự chú ý về một cặp đôi đặc biệt: Chú rể Nguyễn Cẩm Tú (32 tuổi) và cô dâu Phạm Thị Quý (37 tuổi). Đôi uyên ương này không thể nói, cũng như không thể nghe được. Để giao tiếp với anh chị, chúng tôi phải thông qua một người thông dịch đặc biệt. Họ đều sinh ra và lớn lên trong những gia đình khá giả, có của ăn của để. Tuy nhiên, sự may mắn và hạnh phúc như muốn trêu ngươi họ.

Anh Tú cho biết ngày trước, anh phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác cùng trang lứa. Biến cố về sức khỏe vào năm 12 tuổi đã cướp đi khả năng hoạt động của thanh quản, khiến anh trở thành một người câm. Không nói chuyện được với mọi người xung quanh, lâu dần anh cũng mất luôn thính lực, trở thành người câm, điếc. Bệnh tật dù có cướp đi của anh đến 2 giác quan, nhưng tình yêu trong trái tim anh vẫn sống như một hạt mầm, chỉ đợi những giọt nước và mảnh đất lành để vươn mầm sống dậy.

Chị Quý lúc này đang đứng bên cạnh, thấy cử chỉ của chồng cũng muốn góp tiếng nói để kể về cuộc đời của mình cho chúng tôi nghe. Cũng qua người thông dịch, chúng tôi biết rằng chị bị mất khả năng nghe, nói bẩm sinh. Mới tý tuổi đầu, chị đã mồ côi mẹ. Bỏ đứa con câm điếc một mình, cha chị đi bước nữa với một người đàn bà xa lạ khi mộ của vợ vẫn chưa xanh cỏ. Cha dẫn mẹ kế về nhà cùng sinh sống, những đứa em lần lượt chào đời. Nhìn đàn em lành lặn, chị vui lắm. Càng ngày, sự phân biệt dì ghẻ - con chồng, kẻ lành lặn - người câm điếc của cha và mẹ kế càng rõ rệt.

Được sự giới thiệu của những người đồng cảnh ngộ, anh Tú và chị Quý đến Tổ chức Cộng đồng câm điếc Tp HCM để sinh hoạt. Tại đây, anh và chị dần quen biết nhau qua những hoạt động của tổ chức, niềm vui đến với họ trong sự hân hoan khôn tả. Họ dần dần hòa nhập vào ngôi nhà chung này lúc nào không biết.

Thời gian thấm thoát thoi đưa, anh Tú và chị Quý dần trở nên thân thiết, họ bên nhau như hình với bóng. Những chuyện buồn vui trong cuộc sống, những kỹ năng cần thiết của người khuyết tật được trao đổi. Tình yêu của họ bắt đầu từ đó. Lẽ ra đấy là tin vui cho cả gia đình hai bên, ấy vậy mà họ lại vấp phải sự phản đối kịch liệt. Không nói, không nghe được lại không có người phiên dịch nên chuyện bộc lộ tình cảm với họ cực kỳ khó khăn. Lần thưa chuyện của anh Tú về tình cảm của mình và chị Quý với gia đình hai bên trở thành một buổi tranh cãi gay gắt. Cả hai gia đình đều phản đối quyết liệt chuyện tình cảm của anh chị. Họ phản đối vì cho rằng hoàn cảnh của cả hai không thể hỗ trợ cho nhau trong cuộc sống được, cả hai đều tật nguyền, cuộc sống kinh tế khó khăn, cưới nhau thì lại càng túng quẫn.

Sau cái buổi thưa chuyện kết thúc trong sự tủi hổ đó, những tưởng tình cảm của họ sẽ chết đi. Ai ngờ rằng, tình cảm hai người dành cho nhau vẫn không hề thay đổi, thậm chí còn mặn nồng hơn. Họ vẫn gặp nhau trong ngôi nhà chung là tổ chức hằng ngày, qua những cử chỉ, ánh mắt đầy tình cảm, họ quyết tâm tìm lối ra cho sự bế tắc này.

Lúc mới quen anh, chị ở nhà làm công việc may vá, gia công quần áo cho một mối quen. Cuộc sống với chị gói trọn trong 4 bức tường, mặc cảm tật nguyền làm chị không đủ tự tin để bước ra đường giao tiếp với người khác. Anh thì khác, anh xin được việc làm tại một công ty gia công giày da thuộc khu công nghiệp Bến Lức (tỉnh Long An). Thu nhập của anh khoảng 3 triệu đồng/tháng, tuy vậy anh cũng thấy vui vì mình đã được lao động và nuôi được bản thân, không phải là gánh nặng cho gia đình và xã hội nữa.

Thương người yêu buồn bã với công việc với những đồng tiền công còm cõi, anh quyết tìm cho chị một công việc phù hợp. Rất may là công ty anh có nhu cầu sử dụng lao động khuyết tật, anh xin cho chị vào làm với mức thu nhập gần bằng mình. Hằng ngày, được gần bên người mình yêu, quan tâm, chăm sóc, lo lắng cho nhau trông anh chị hạnh phúc vô cùng. Lớp thanh niên trong công ty nhìn vào tình yêu của anh chị mà trầm trồ ngưỡng mộ. Họ không thể tin rằng tình yêu của hai người câm điếc lại mặn nồng đến thế.

Bỏ qua sự ngăn cản từ gia đình, đôi tình nhân tật nguyền nhờ một người của tổ chức dẫn ra chính quyền địa phương để làm thủ tục đăng ký kết hôn. Biết tin Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân có tổ chức đám cưới tập thể cho 120 cặp đôi có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt, anh chị mừng khôn tả. Nhanh chóng nhờ đại diện tổ chức đăng ký hộ và hoàn cảnh đặc biệt của anh chị nhanh chóng được ban tổ chức chấp thuận. Trong ngày cưới, Hai anh chị chỉ mời cha, mẹ và một số người ở cùng trong Trung tâm Bảo trợ người câm điếc và bạn bè cùng công ty đến chung vui cùng vợ chồng mình.

Cầm tờ giấy chứng nhận đăng ký kết hôn từ người đại diện chương trình và biểu tượng của Tp HCM từ tay của vị đại diện chính quyền, cả hai nở nụ cười mãn nguyện. Niềm vui hạnh phúc đến với họ như một giấc mơ, một giấc mơ đã có thật, ngay trước mắt cặp vợ chồng tật nguyền

Trường Sơn
.
.