Câu chuyện nghệ sĩ sân khấu: Khéo co thì mới… ấm!

Thứ Tư, 14/06/2017, 15:16
Lương mỗi tháng chỉ vài triệu, làm sao đủ để nuôi sống gia đình? Tiền thù lao cho mỗi suất diễn cũng không đáng là bao so với mức chi tiêu của thành phố... Đây không phải là chuyện mới mẻ gì mà lâu nay đã có rất nhiều những kiến nghị hay những bức xúc, trăn trở về chính sách dành cho các nghệ sĩ sân khấu truyền thống.

Không sống được bằng sân khấu

Có thể nói từ hàng chục năm nay, nhờ có phim truyền hình giúp sức mà phần lớn các nghệ sĩ sân khấu vẫn còn sống được bằng... nghề! Như NSND Hoàng Dũng từng chia sẻ có đến hơn 90% diễn viên, nghệ sĩ của Nhà hát Kịch Hà Nội tham gia đóng phim, thậm chí còn là chủ chốt trong tất cả các bộ phim truyền hình đang quay hoặc phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam.

Thực ra, với tình hình sân khấu hiện nay, các nhà hát cũng không thể không tạo điều kiện cho diễn viên đi đóng phim. Bởi đó không chỉ là nguồn thu nhập chính đáng mà còn là môi trường để các nghệ sĩ có thể rèn luyện nghề. Theo NSND Hoàng Dũng thì nghệ sĩ của các nhà hát hầu như không ai sống được bằng nghề sân khấu, chứ không riêng gì Nhà hát Kịch Hà Nội.

Cảnh trong vở "Đứa con tội phạm".

Họ vẫn sống bằng đồng lương nhưng cũng phải lao động nghệ thuật ở bên ngoài, tham gia phim truyền hình, kịch truyền hình, lồng tiếng, làm quảng cáo, làm gương mặt đại diện... thì mới có thể tự đảm bảo cuộc sống. Tất cả những công việc đó cũng từ nghề mà ra cả.

Bởi thu nhập của người nghệ sĩ có biên chế thì ăn lương phải theo Nhà nước. Có nghệ sĩ là giám đốc cũng chỉ được hưởng hơn 5 triệu/tháng, trong đó đã tính cả thâm niên, trách nhiệm, phụ cấp... Một vai diễn chính Nhà nước trả cho diễn viên trong một buổi tập khoảng mấy chục nghìn đồng, còn một vai phụ là 10 nghìn, nghĩa là nếu tập 3 buổi họ sẽ ăn được một bát phở 30 nghìn.

Bồi dưỡng cho một buổi biểu diễn thì cao hơn, có thể dùng doanh thu để chi thêm, nhưng cao nhất cũng chỉ là vài trăm ngàn đồng. Nhưng những buổi như thế thì có thể nói là đếm trên đầu ngón tay.

Điều đáng buồn bởi đây là cách tính của hàng 10 năm về trước nhưng đến giờ vẫn chưa thay đổi. Trong lúc đó tất cả những người làm văn hóa, những người quản lý văn hóa đều biết nó là bất cập.

NSND Doãn Hoàng Giang cũng từng trăn trở về chuyện thù lao, chế độ bồi dưỡng cho diễn viên còn quá nhiều bất cập. Ông nói: Tôi ví dụ thế này nhuận bút của nhà báo cũng chỉ được tăng khi lượng phát hành tăng, nhưng khổ nỗi lương có tăng đâu và nhiều báo đang giảm lượng phát hành. Nhưng họ đi viết cho báo khác nghĩa là “đánh tắt” thì tiền lại khác. Vậy tại sao những người tâm huyết với nghề lại không cho họ sống bằng tiền lương cơ quan mà bắt họ sống bằng tiền làm thêm?

Ở đây cũng thế. Nếu có một lời mời làm phim thu nhập tốt hơn họ sẵn sàng đến xin nghỉ để làm. Nếu bây giờ, ở nhà hát phân vai mà thù lao hơn hẳn bên phim thì chắc chắn không bao giờ họ nghỉ. Các diễn viên có bỏ vai của mình để đi diễn cho các hãng phim truyện Việt Nam, TP Hồ Chí Minh cũng là Nhà nước trả tiền, vậy tại sao Nhà nước lại khuyến khích trả tiền cho người ngoài biên chế nhiều hơn là những người trong biên chế. Đây là một điều cực kỳ bất cập.

NSND Hoàng Dũng cũng chia sẻ rằng ngạch lương cho NSND là hạng bét. Ngạch lương cho diễn viên có 3 ngạch: loại 1, loại 2, loại 3, danh hiệu cao nhất Nhà nước tặng cũng là danh hiệu NSND. Theo đúng nguyên tắc khi Nhà nước đặt ra 3 ngạch lương và đặt ra danh hiệu NSND thì những người nào được NSND đương nhiên phải được ở ngạch lương cao nhất, thế nhưng, thực tế thì ngược lại. Mà khi đề nghị nâng ngạch lương lên loại thứ 2, không đâu có thẩm quyền giải quyết.

Cả TP Hà Nội cách đây mấy năm, khi có một mình tôi là NSND được đề nghị nâng ngạch lương từ loại 3 lên loại 2 ai cũng kêu là đúng, hồ hởi nhưng không ai làm được. Không biết bao nhiêu cuộc họp đưa ra rồi cũng không giải quyết được. Trong khi đó tất cả những ngành nghề khác họ lại nâng ngạch rất dễ nhưng riêng diễn viên lại cực khó mà lý do rất đơn giản là phải thi tuyển công chức.

Vở kịch thiếu nhi "Ông ba bị".

Nhưng oái oăm thay là vào thời điểm đấy cả TP Hà Nội chỉ có mỗi tôi là NSND. Vì thế, nếu tôi phải thi công chức để chứng tỏ điều gì đó mới được nâng ngạch lương thì ai là người chấm? Ai là người đứng ra tổ chức cuộc thi này và khi cuộc thi kết thúc và được công nhận rồi thì ai là người thực hiện quyết định đó? Chưa kể, Nhà nước đã phong tặng tôi NSND rồi thì liệu tôi có cần phải thi nữa không?

Không lẽ bây giờ đề nghị bỏ ngạch lương thứ 2 và thứ 1 đi? Khoảng hơn 20 năm rồi tôi ở bậc lương cuối cùng của loại bét và mỗi năm được hưởng 1%, đến giờ được hơn 20% lương và có hơn 20 năm tôi từng ăn mức lương đó. Bậc lương không còn chỗ lên của loại bét. Thế mà bây giờ nói về chuyện chấm điểm, chấm giải cho diễn viên cao nhất thì tôi luôn là người ngồi chấm, nhưng lương tôi còn thua họ.

Quan tâm “giả vờ”

NSND Hoàng Dũng cho rằng sở dĩ cứ nhắc mãi một câu chuyện hàng chục năm mà không giải quyết được là bởi vì toàn quan tâm giả vờ. Những người không hiểu gì về văn hóa lại làm chế độ... cho văn hóa. Trong lúc đó cái bồi dưỡng cho văn hóa, thể thao là bồi dưỡng đặc thù, phải hiểu thì mới làm được.

Hiện tại, chúng ta đang làm theo cách, thỉnh thoảng có một ông lãnh đạo quan tâm đến văn hóa, nhiệm kỳ đó khá lên một chút, rồi một ông quan tâm đến thể thao nhiệm kỳ đó thì thể thao khá hơn. Nó không phải quan điểm chung của tất cả những người làm công tác quản lý. Làm văn hóa hay thể thao phải được quan tâm như nhau. Trong cuộc sống có rất nhiều ngành nghề, nhưng ta phải hiểu đặc thù từng cái để quan tâm đúng mức chứ không thể đánh đồng công việc của những người lao công với người lao động sáng tạo.

Báo chí vẫn nói một năm tốt nghiệp hàng trăm diễn viên nhưng thử hỏi sau 1-2 năm cọ xát còn lại được bao nhiêu người? Ngày xưa nghề diễn viên được rất nhiều người đẹp muốn làm còn bây giờ họ đi làm việc khác vì nghề này có gì hấp dẫn họ đâu. Đừng nói họ thực dụng mà họ đang thực tế thôi.

Trên thực tế, mặc dù hằng năm những người làm văn hóa luôn hô hào nào là những bộ môn của sân khấu như tuồng, chèo, cải lương là văn hóa dân tộc phải gìn giữ để cho thế hệ mai sau. Thế nhưng để bảo tồn văn hóa dân tộc thì phải có trung tâm bảo tồn văn hóa dân tộc, thì chưa từng được cơ quan quản lý văn hóa nào nhắc đến và hành động một cách triệt để.

Ngay trong lĩnh vực điện ảnh, trước đây Việt Nam có nhiều phim hay vì được tập trung, được đầu tư, còn bây giờ thì thế nào? Bỏ ra hàng đống tiền để làm những phim phục vụ lễ lạt, kỷ niệm... nhưng hiệu quả thực sự thua xa hàng chục năm về trước. Tại sao những phim nước ngoài lại trở thành những phim hot về nghệ thuật, về khán giả? Nên nhớ rằng, điện ảnh Hàn Quốc khởi đầu không khác gì chúng ta, thế mà ngày hôm nay chúng ta phải ngước mắt lên mà nhìn họ làm.

Sân khấu cũng vậy, phải nhìn thẳng vào sự thật là giờ muốn người dân bỏ tiền đi xem còn khó, huống chi là bỏ tiền ra dựng kịch, chèo, tuồng, cải lương... Nếu có thì đó chỉ là bỏ tiền ra để dựng vở của chính họ. Và khi đó thì đừng đòi hỏi sân khấu là “thánh đường”, nghệ sĩ phải thế này, thế nọ...

Rõ ràng chúng ta luôn đòi hỏi rằng trong lĩnh vực sân khấu, điện ảnh, kịch bản hay, diễn viên xuất sắc... nhưng thực tế các cấp quản lý đã làm gì để khuyến khích họ. Chỉ đơn cử như việc này thôi: Diễn viên thì phải có chế độ thanh sắc. Nhưng bây giờ thế này, vở nào tập có thanh sắc, vở nào không tập thì cắt.

Đó không phải là thanh sắc. Thanh sắc phải được bồi dưỡng hằng ngày, thậm chí không tập người ta vẫn được bồi dưỡng để họ giữ gìn thanh sắc cho vở diễn sau. Chứ không phải theo cách cả năm không cho người ta tiền thì đến khi cần dùng lại không dùng được nữa. Nghề diễn viên là nghề đặc thù phải được bồi dưỡng tiếng nói, hình thức để đẹp đẽ tươi tắn. Nhà nước đã cho họ thì đừng quy theo kiểu bồi dưỡng lao động.

Rũ áo lau son phấn

Câu chuyện “ông hoàng bà chúa” đi làm thêm, bán hàng... không còn lạ trong giới nghệ sĩ sân khấu. Thế nhưng, điều lạ là hiếm có người bỏ nghề... Nói như NSƯT Ngọc Khánh thì người Việt Nam rất giỏi, đều tự thu xếp cuộc sống của mình rất tốt, có 10 nghìn vẫn có thể sống được một ngày, 100 nghìn cũng sống được, nghĩa là gấp 10 lần hay kém 10 lần cũng sống được.

Ngày xưa, thời chúng tôi đi học, một tháng cũng được Nhà nước cho mấy cân thịt, mấy cân đường, hộp sữa, ngoài những chế độ mọi người đều được hưởng thì chế độ đặc thù dành cho nghệ sĩ cao hơn hẳn những ngành nghề khác. Về sau họ quy những cái đó ra tiền để sống. Bây giờ cũng vậy thôi, các nghệ sĩ vẫn mải miết với niềm đam mê dù đồng lương eo hẹp nhưng vẫn thành ông hoàng bà chúa trên sân khấu với cái túi rỗng đó thôi...

Nhà văn Ngô Thảo - Nguyên Phó Tổng thư ký Hội nghệ sĩ Sân khấu đã nói vui rằng, trong suốt mấy chục năm làm sân khấu ông chưa thấy nổi một nghệ sĩ sân khấu truyền thống nào giàu được nhờ nghề, nhưng cũng chưa thấy ai yêu nghề như họ. Lên sân khấu là ông hoàng, bà chúa, về đời thường thì bà bán nước, anh tài xế. “Rũ áo lau son phấn”, nghệ sĩ trở về với cuộc sống lậm lụi lo toan của mình, chắt bóp từng đồng bạc bằng đủ thứ nghề phụ để lấy sức... nuôi nghiệp diễn.

Cảnh trong vở "Sự sắp đặt của số phận".

Giữa thời buổi bão giá, mà nghệ sĩ thì vẫn thót bụng chờ cuối tháng lĩnh ba cọc ba đồng, mà nếu ra chợ không mặc cả cẩn thận có khi bị bão giá móc túi như chơi. Liếc sang hàng ghế tự do, một show diễn của ca sĩ thị trường có thể “quát” tới giá... 50 triệu. Nghịch lý này, đang khiến cho chất lượng nghệ thuật chính thống càng ngày càng giảm sút. Ngay như TP Hồ Chí Minh là mảnh đất sống tốt cho nghệ thuật, thế nhưng không ít nghệ sĩ sau thời “oanh liệt” cũng phải về sống dưới viện dưỡng lão nghệ sĩ ở quận 8.

Và chắc chắn sau đó cuộc đời của họ sẽ buồn hơn cả những số phận mà họ từng hát, múa dưới ánh đèn lộng lẫy của sân khấu. Thực tế, tình trạng các bộ môn nghệ thuật chính thống đang dần dần chết là bởi nhiều lý do. Nhưng chắc chắn những vấn đề bất cập nêu trên đã góp phần không nhỏ khiến nhiều đoàn nghệ thuật lâm vào cảnh “chết lâm sàng” như hiện nay.

Trả lời cho câu hỏi khó khăn đến thế, nhưng nhiều diễn viên sống chết với nghề, thì được nhận từ NSND Doãn Hoàng Giang câu trả lời: đơn giản vì nó là một nghề và cũng là đam mê của họ. Việc ta thì ta cứ làm, đam mê thì làm. Người có tư cách, có tự trọng họ biết sống với đam mê của mình, tìm cách nuôi dưỡng đam mê của mình và tôn trọng nó.

Sống trong môi trường, hoàn cảnh này ta phải tự biết cách thích nghi. Bây giờ, để làm xong một bộ phim như diễn viên nước ngoài thu về vài triệu đô anh cũng sống được hay để làm xong một phim truyền hình thu về khoảng vài trăm triệu hoặc mấy chục triệu anh vẫn sống được. Đó là suy nghĩ của những nghệ sĩ bây giờ. Hơn ai hết, nghệ sĩ chúng tôi rất thấm thía câu nói của người xưa “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”.

Thực ra, nếu so với ngày xưa thì bây giờ số người yêu nghề đông hơn hẳn. Nhưng rồi cũng rất nhiều người không theo được nghề vì không đủ kiên trì, không có khả năng, vì cơm áo gạo tiền. Đừng vội trách vì các bạn ấy đang có rất nhiều sự lựa chọn.

Nói một cách sòng phẳng thì với sự đầu tư như thế thật khó để đòi hỏi nghệ sĩ phải luôn cho ra một sản phẩm tốt. Khi một ngày làm việc của họ chỉ có mấy trăm nghìn, phải mất thời gian từ sáng tới tận đêm trong khi giá cả lên vù vù, tiền học hành cho con cái cũng tăng. Nếu bắt tâm huyết với nó, tập trung toàn bộ sức lực cho nó thì khó lắm. Vì thế hầu hết trong số họ chỉ có thể dành 60% tâm sức cho công việc còn 40% buộc phải nghĩ tới việc khác.

Những vấn đề này đã là chuyện muôn năm cũ mà nói như NSND Hoàng Dũng là, tôi cũng không muốn nhắc lại bởi nghệ sĩ nói mãi nó hèn người đi, nghệ sĩ làm nghệ thuật không phải vì tiền. Tuy nhiên, có những điều tự chúng ta phải hỏi chính mình. Những người làm văn hóa đã làm được gì? Những nhà quản lý văn hóa đã có những động thái thế nào để nghệ thuật phát triển? Đừng để sau này, con cháu chúng ta chê trách.

Thái Dương
.
.