Câu quan họ “bắc cầu” vào dân
- Công tác dân vận góp phần quan trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị
- Gần dân hơn, sát dân hơn để công tác dân vận đi vào cuộc sống
“Chiến sĩ công an có giọng hát hay thì nhiều nhưng dùng lời ca, tiếng hát truyền cảm của mình để làm công tác dân vận, hòa mình vào các sinh hoạt đời thường trong cộng đồng dân cư một cách thật tự nhiên, thông qua đó thắt chặt mối quan hệ với người dân để thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn được giao, thì Trung tá Dương Văn Duẩn (cảnh sát khu vực phường Phúc Lợi) là một hiện tượng hiếm gặp” - Thượng tá Nguyễn Mạnh Hà (Phó trưởng Công an quận Long Biên) nhận xét ngắn gọn với tôi về người cán bộ cơ sở “kỳ lạ” ấy.
Một lần được nghe anh Duẩn hát giữa lễ hội làng Nông Vụ Thượng, câu hát quan họ đằm thắm, hay đến không ngờ cất lên trong những tràng pháo tay không ngớt của bà con làng ven đô, tôi chợt hiểu anh đang làm điều mình thường tâm niệm: “Để nắm vững địa bàn, hãy là con em của dân”.
Trung tá Dương Văn Duẩn - Cảnh sát khu vực Công an phường Phúc Lợi - trao đổi nghiệp vụ với đồng nghiệp. |
Tựa nghề chăn tằm
Trước đây trong nghề, anh em thường nói vui với nhau: “Nhất trưởng ty, nhì khu vực”. Câu ấy giờ vẫn được nhắc lại nhưng lại để chỉ sự bận rộn. Cánh trinh sát ở các đơn vị chiến đấu vẫn nhìn các “bác” cảnh sát khu vực (CSKV) với cái nhìn cảm thông, khâm phục.
“Đến việc vợ chồng không ngủ được với nhau cũng báo công an. Thực tế đúng là như thế. Cán bộ CSKV có nhiệm vụ quản lý địa bàn dân cư, nơi ẩn chứa rất nhiều nguy cơ về an ninh trật tự. Những mâu thuẫn, xích mích, cãi vã nho nhỏ xảy ra trong đời sống của mỗi gia đình, khi bế tắc hoặc có nguy cơ biến thành xung đột lớn, người dân đều trông cậy vào công an. Bởi họ là người gần nhất có đủ năng lực và thẩm quyền xử lý. Chúng tôi hay nói vui tính chất công việc của mình như “thùng nước gạo” - nghĩa là “hầm bà làng” mọi chuyện xảy ra ở cơ sở, người đầu tiên được nghĩ đến là CSKV”, Trung tá Duẩn hóm hỉnh khái quát về công việc của CSKV như thế.
Theo anh, nghề này bận như chăn tằm hay nuôi “con mọn”. Điều này có trải nghiệm qua công tác tại cơ sở mới hiểu. Có vô vàn những việc không tên. Ví như chuyện mất chó, mất mèo, hay việc ông A vứt rác trước cửa nhà bà B, ông C khoan tường, mở nhạc nhức tai hàng xóm... cũng có thể dẫn đến cuộc đấu khẩu căng thẳng, thậm chí xung đột rồi trọng án xảy ra. Chưa kể đến những việc lớn như tranh chấp đất đai, thừa kế, trật tự xây dựng, giải phóng mặt bằng, đòi đền bù thiệt hại... Tất cả đều có thể trở thành “đầu vào” công việc của CSKV.
Quản lý hàng nghìn hộ dân, trong bối cảnh tình hình tội phạm và tai nạn, tệ nạn xã hội đang diễn biến phức tạp thì lượng việc đột xuất phát sinh phải chạy theo giải quyết... nhiều là đương nhiên. Chưa kể, CSKV vẫn phải triển khai hàng loạt chuyên đề công tác của lực lượng, như nắm tình hình ANTT trên địa bàn để tham mưu đề xuất với cấp ủy, chính quyền về chủ trương, kế hoạch, biện pháp giải quyết; làm nòng cốt xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ; tuyên truyền phổ biến chủ trương, chính sách pháp luật, hướng dẫn kiểm tra, đôn đốc cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn thực hiện quy định của pháp luật về ANTT; phối hợp với cơ quan, tổ chức và lực lượng khác trong phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống tội phạm và tệ nạn xã hội...
Mới đây, trong chiến dịch thu thập dữ liệu dân cư phục vụ dự án số hóa, CSKV đã “quay như chong chóng” đến rộc người. Dễ hình dung thôi, với hàng nghìn hộ dân trong địa bàn phụ trách, họ phải “đi từng ngõ, gõ từng nhà, tra từng người” để thu thập thông tin cá nhân, không được phép xảy ra nhầm lẫn, sai sót. Trong khi đây là công việc rất phức tạp, gắn với công việc, quan hệ, di biến động của con người, sự thay đổi địa giới hành chính ở các địa phương. Tiến độ được các cấp chỉ huy “ốp sát sạt” từng ngày, từng giờ. Lực lượng CSKV dường như làm việc thông ngày, thông tháng, ngày đêm xuống dân để hoàn thành phiếu thu thập thông tin dân cư kịp thời gian.
Trung tá Dương Văn Duẩn hát quan họ trong những ngày hội làng tại địa bàn anh phụ trách. |
Một ngày ở cơ sở, tìm hiểu về công tác CSKV tại Công an phường Phúc Lợi, Giang Biên..., chúng tôi càng hiểu hơn về sự vất vả, hy sinh lặng thầm của những người lính bám dân. Sau ca trực đêm luân phiên, sáng nào CSKV cũng giao ban với đơn vị, rồi tỏa xuống cơ sở triển khai các công việc theo kế hoạch từ trước. 19 giờ 30 hằng tối, CSKV lại giao ban, hội ý rồi tiếp tục “xuống dân” nắm tình hình. Ngày nào cũng vậy và đủ 360 ngày/năm họ cần mẫn lặp đi lặp lại công việc ấy.
Kinh nghiệm “vào” dân
Học chuyên ngành Trinh sát ngoại tuyến, từng có thời gian khá dài bảo vệ các mục tiêu trọng yếu trong vai trò cảnh sát bảo vệ nhưng Trung tá Duẩn kể anh thấy như là “mắc duyên” với “nghề” CSKV. Có lẽ là do tính chất công việc thường xuyên tiếp xúc với dân, rất phù hợp với khí chất hòa nhã, gần gũi, thân thiện của anh. Biết chuyển sang làm CSKV sẽ vất vả, sớm hôm phải bám địa bàn, sẽ thiếu thời gian cho gia đình, con cái nhưng anh lại rất vui khi nhận quyết định điều động về Công an phường Phúc Lợi.
“Đó là một tập thể đoàn kết. Từ khi nhận nhiệm vụ ở đây, tôi đã được chỉ huy và đồng đội giúp đỡ rất nhiều nên từng bước trưởng thành trong nghề và phát huy được năng lực sở trường. Trong phường có 21 tổ nhân dân, bản thân tôi đã kinh qua phụ trách 18 tổ với khoảng 10.000 nhân khẩu”, Trung tá Duẩn kể.
Bài học mà anh rút ra qua chừng ấy năm công tác ở cơ sở, đó là phải tin dân, dựa vào dân để làm việc. Nhưng để người dân tin yêu ủng hộ, thật không phải chuyện giản đơn. Bí quyết của các anh là chủ động hòa mình vào đời sống thường nhật của người dân, đến với họ với tâm thế của người thân, như con em trong gia đình và phải bắt đầu từ những việc nhỏ nhất.
Chẳng hạn, trong phố ngoài làng có việc tang chay, các anh đều có mặt để thắp cho người quá cố nén nhang và động viên, sẻ chia mất mát với gia đình họ. Khi có việc hỷ hay hội làng, họ cùng xúm vào góp một tay như một thành viên. Còn chuyện xích mích hàng xóm, CSKV kiên trì đến từng nhà, gặp từng người để trò chuyện, phân tích thiệt hơn và động viên họ gìn giữ tình nghĩa láng giềng.
“Mưa dầm thấm đất”, rồi mọi người cũng hiểu ra và bỏ qua cho nhau những khúc mắc. Khi giải quyết các tranh chấp trong dân, các anh giữ phương châm công tâm, khách quan, có lý, có tình. Với các đối tượng tù tha, nghiện hút hay số thanh thiếu niên hư, các anh gặp gỡ răn đe, vừa lựa lời giáo dục, bảo ban họ xa lánh con đường xấu, giúp họ tìm kiếm việc làm để vượt qua mặc cảm, tu chí làm ăn. Những việc làm ấy dù rất nhỏ nhưng lại có tác dụng cảm hóa rất lớn, hơn mọi lý thuyết giáo điều. Khi cần phải xử lý người có vi phạm, các anh cố gắng để chủ thể thấy rõ việc bị xử lý là đúng. Rồi để hòa nhập với văn hóa trong các cộng đồng dân cư, ứng xử tinh tế trong giao tiếp với dân, các anh đã phải thường xuyên tự trang bị kiến thức, làm phong phú hơn hiểu biết của mình. Ngày lại ngày, những việc làm thầm lặng của họ đã mang lại hiệu quả thiết thực, đó là sự tin cậy của người dân với lực lượng công an cơ sở.
Hội làng Thượng Đồng. |
Bình quân mỗi ngày xảy ra từ 3 đến 5 sự vụ lộn xộn, đánh cãi nhau, trộm cắp tài sản... giữa các lán trại công nhân. Công an phường Phúc Lợi đã huy động toàn thể CBCS tăng cường kiểm danh, kiểm diện, siết chặt quản lý tạm trú. Hằng đêm các anh xuống từng lán trại để rà soát, kiểm tra. Nhờ vậy, trong suốt thời gian đó trên địa bàn không xảy ra trọng án, tình hình phạm pháp hình sự cũng giảm hẳn. Có thời gian Trung tá Duẩn tiếp nhận phụ trách địa bàn cụm 2, nơi có một gia đình anh em ruột tranh chấp đất dai dẳng hơn chục năm.
Bằng sự chân thành, anh đã kiên nhẫn trò chuyện, lắng nghe rồi thuyết phục họ giải quyết sự việc trong ôn hòa, bình tĩnh. Những cuộc cãi vã triền miên của vợ chồng anh Nguyễn Văn C..., bà Hoàng Thị Y..., cũng đã chấm dứt bằng sự tận tâm của người CSKV ấy. Còn rất nhiều những việc không tên ở cơ sở, đã được giải quyết ổn thỏa bằng những nỗ lực của anh và đồng đội.
Do làm tốt công tác phòng ngừa tội phạm, nên tại địa bàn phường Phúc Lợi trong những năm qua đã không xảy ra các vụ trọng án hay điểm nóng về ANTT. Công an phường Phúc Lợi nhiều năm đạt danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng”.
Hát... cũng là “việc”
Long Biên có nhiều làng ven đô, nơi nét văn hóa cổ truyền vẫn được lưu giữ và hiện hữu trong đời sống đương đại, biểu hiện tập trung ở các hội làng vẫn được tổ chức thường niên mỗi dịp tết đến xuân về. Giá trị vô hình của hội làng, chính là chất keo cố kết tình chòm xóm, láng giềng khi họ tạm gác lại những bươn chải đời thường, để lắng tâm hiếu kính thần nhân khai ấp, lập làng.
Chúng tôi đã có dịp về làng Thượng Đồng (tên chữ là “Nông Vụ Thượng”, thuộc phường Phúc Lợi) dự lễ tế trâu dâng tiến vị Thành hoàng là công thần triều Lý, chứng kiến mạch sống dân tộc được nén trong “văn hóa làng” vẫn hiển hiện bất chấp thời gian và sự đổi thay trong đời sống. Giữa sân đình hôm ấy, mọi người đã cùng lặng đi bởi giọng ca quan họ mượt mà của Trung tá Duẩn.
Được biết, anh sở hữu kỹ thuật hát các làn điệu quan họ, chèo cổ phức tạp. Với chất giọng truyền cảm, đậm chất dân ca, anh là giọng hát hay của Công an quận Long Biên trong các hội diễn văn nghệ quần chúng. Hiện trong CLB Văn hóa nghệ thuật Phương Đông của nhân dân phường Phúc Lợi, anh là hạt nhân tiêu biểu, mang lời ca tiếng hát phục vụ bà con trong các kỳ cuộc lễ hội, sinh hoạt văn hóa cộng đồng tại địa phương.
Tâm sự với tôi khi tiếng vỗ tay đã lắng, Trung tá Duẩn cho biết: “Là cán bộ quản lý địa bàn, qua những tiết mục văn nghệ mà chúng tôi góp vui, lời ca tiếng hát sẽ giúp xóa đi mọi khoảng cách trong lòng người, chỉ còn lại sự thân tình, quý trọng giữa nhân dân và cán bộ, làm tiền đề cho công tác bảo vệ bình yên xóm làng, khu phố nơi đây”.