Thêm một nạn nhân của đạo diễn Roman Polanski lên tiếng

Thứ Ba, 12/09/2017, 15:40
Danh sách các nạn nhân tình dục của đạo diễn Roman Polanski - chủ nhân của giải Oscar năm 2002 có thể sẽ tiếp tục được bổ sung thêm cái tên thứ ba…

Roman Polanski, đạo diễn lừng danh người Pháp gốc Ba Lan vào hôm 15-8 vừa qua lại được xướng tên, nhưng trong tâm thế chẳng vẻ vang gì mà hoàn toàn ngược lại. Tại cuộc họp báo tổ chức ở thành phố Los Angeles, người phụ nữ- chỉ tiết lộ danh tính là Robin- tuyên bố rằng, bà là "nạn nhân tình dục" của Roman Polanski hồi năm 1973, khi mới 16 tuổi.

Với tuyên bố này, nếu được các nhà điều tra quan tâm, thì danh sách các nạn nhân của vị đạo diễn chủ nhân của giải Oscar năm 2002 sẽ tiếp tục được bổ sung thêm cái tên thứ ba.

Đạo diễn Roman Polanski tròn 84 tuổi vào ngày 18-8 vừa qua.

Tại cuộc họp báo, bà Robin cho biết: "Sau khi xảy ra chuyện ấy, tôi chỉ kể lại cho một người bạn biết mà không nói gì cho người trong nhà và yêu cầu bạn ấy kín miệng. Lý do là bởi tôi không muốn cha tôi làm điều gì đó có thể khiến ông ta phải ngồi tù trong suốt phần đời còn lại".

Tuy nhiên, Robin quyết định đưa vụ này ra ánh sáng vì đã "suy nghĩ suốt 14 năm qua" kể từ khi Samantha Geimer, người phụ nữ từng bị R.Polanski cưỡng bức tình dục khi mới 13 tuổi đã chính thức tha thứ cho R. Polanski và còn khẩn thiết đề nghị các nhà chức trách thôi không truy cứu và "bỏ qua" vụ của mình.

Có mặt bên thân chủ, luật sư Gloria Allred đại diện cho bà Robin, chỉ cho biết Robin bị R. Polanski cưỡng bức ở Nam California và không tuyên bố thêm chi tiết nào do "thân chủ của tôi không muốn". Theo luật sư Allred, mặc dù trường hợp của bà Robin đã hết thời hiệu khởi kiện nhưng bà có thể được gọi làm chứng trong "một phiên xét xử trong tương lai".

R. Polanski chào đời vào tháng 8-1933 ở Paris (Pháp) trong một gia đình người Ba Lan gốc Do Thái. Năm 8 tuổi, cha mẹ R.Polanski bị phát xít Đức bắt tại Krakow và đưa vào trại tập trung. Năm 1964, R.Polanski gây tiếng vang với bộ phim Knife In The Water được đề cử Oscar hạng mục Phim tiếng nước ngoài xuất sắc nhất. Sau đó, R. Polanski sang Mỹ định cư.

Năm 1968, R.Polanski tiếp tục gặt hái thành công với phim Rosemary's Baby, bộ phim đem về cho nữ minh tinh Ruth Gordon giải Oscar dành cho nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất, còn Polanskin thì được đề cử Oscar cho hạng mục Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất. Trong những tác phẩm lừng danh của R.Polanski, cái ác luôn hiện hữu một cách trần trụi và đầy thống khổ. Bộ phim Rosemary's Baby có nhịp phim chậm rãi, không lạm dụng những khuôn hình đẫm máu mà vẫn khiến người xem lạnh sống lưng khi khai phá đến tận cùng ác tâm của con người, của quỷ Satan.

Tài tử Harrison Ford đến Pháp trao lại tượng vàng Oscar 2002 cho Roman Polanski, nam tài tử từng làm việc cùng Polanski trong phim Frantic (1988).

Nhiều người còn cho rằng, tác phẩm này đã bị nguyền rủa vì dám tôn vinh quỷ dữ, khiến những thành viên trong đoàn phim như nhà sản xuất William Castle hay nhà soạn nhạc Krzysztof Komeda phải mất mạng một cách bí ẩn. Năm 1969, cả kinh đô điện ảnh Hollywood và thế giới chấn động với án mạng vợ R. Polanski là nữ diễn viên Sharon Tate cùng 4 người bạn đã bị một nhóm người được gọi là "gia đình Manson" sát hại. Lúc đó, Sharon Tate đang mang thai, chỉ còn 2 tuần nữa là hạ sinh.

Tháng 3-1977, tại nhà riêng của nam diễn viên Jack Nicholson ở Barvely Hills, R. Polanski đã chụp ảnh cho Samantha Geimer, cô bé người mẫu mới 13 tuổi, sau đó ông chuốc rượu và cưỡng bức cô bé.

Ngoài việc chuốc rượu, R.Polanski còn bị cáo buộc đã ép Geimer sử dụng ma túy. Những chuyện này xảy ra khi Jack Nicholson vắng nhà. Sự việc gây chấn động dư luận vì đây là quãng thời gian R.Polanski đang phải hoàn tất bộ phim Chinatown (Jack Nicholson là nam diễn viên chính). Vị đạo diễn được nhà chức trách cho phép đến châu Âu để hoàn tất quá trình quay phim, sau khi trở về Mỹ, ông đã bị giam 42 ngày để giám định tâm thần.

Các luật sư của R. Polanski hy vọng ông chỉ bị án treo, nhưng rồi vị công tố thụ lý vụ án tìm cách rút lại một thỏa thuận nhận tội, thêm vào các thông tin hành lang trước ngày diễn ra phiên xử về một bản án mới nặng hơn chứ không chỉ dừng ở mức 50 năm tù. Vào ngày 31-1-1978, R.Polanski trốn đến Pháp, vì nước này không ký hiệp ước dẫn độ tội phạm với Mỹ.

Kể từ đó, R. Polanski không bao giờ trở về Mỹ và sống như một kẻ lưu vong trong khi giới chức Mỹ liên tục đưa ra yêu cầu dẫn độ tội phạm về Mỹ mỗi khi đạo diễn này ra khỏi nước Pháp. Ông chủ yếu làm việc ở Pháp, Đức, Séc và Ba Lan.

Vào năm 1979, trong cuộc trả lời phỏng vấn với tiểu thuyết gia Martin Amis, R. Polanski còn châm dầu vào lửa khi buông câu phát ngôn thẳng toẹt: "Nếu tôi giết người, báo chí sẽ chẳng quan tâm như vậy. Nhưng vì tôi quan hệ với các bé gái. Quan tòa muốn quan hệ với các bé gái. Bồi thẩm đoàn muốn quan hệ với các bé gái. Ai cũng muốn quan hệ với các bé gái cả!". Năm 2002, R.Polanski gây tiếng vang với The Pianist - bộ phim nói về nạn tàn sát người Do Thái của phát xít Đức. Tác phẩm này đã đoạt 3 giải Oscar, trong đó có giải dành cho Đạo diễn xuất sắc nhất.

Ngày 1-3-2003, Samantha Geiner tuyên bố tha thứ cho R.Polanski và mong ông đến nhận giải Oscar. S. Geiner nói: "Tôi nghĩ ông ấy đã hối hận và biết đó là chuyện sai trái. Tôi không nghĩ ông ấy là mối nguy cho xã hội nhưng tôi không nghĩ ông ấy phải bị giam cầm vĩnh viễn, và cũng không có thêm nạn nhân nào mới, ngoài tôi. Đã 30 năm rồi. Đó là một ký ức không vui… và tôi có thể cho qua". Tuy đã được chính nạn nhân tha thứ nhưng R.Polanski vẫn không dám đến dự lễ trao giải điện ảnh danh giá nhất thế giới này. Người trao giải hôm đó là tài tử gạo cội Harrison Ford đã nhận giải thay ông.

Robin (bên phải) - nạn nhân thứ ba của R.Polanski và luật sư Gloria Allred.

Sang năm 2003, bộ phim The Ghost Writer của R. Polanski tiếp tục đoạt giải Gấu bạc dành cho Đạo diễn xuất sắc nhất tại Liên hoan phim quốc tế Berlin, tuy nhiên ông cũng không dám sang Đức nhận giải vì sợ bị bắt. Ngày 26-9-2009, R. Polanski đi nhận giải Thành tựu trọn đời tại Liên hoan phim Zurich, Thụy Sĩ thì bị đại diện giới công lực Mỹ bắt giữ ngay tại sân bay.

"Ðây là một hành động hợp lệ và chúng tôi biết khi nào ông ta sẽ đến đây"- phát ngôn viên Bộ Tư pháp Guido Balmer tuyên bố - "Ðó là lý do tại sao ông ta bị bắt". Cần biết rằng, cả Ba Lan và Thụy Sĩ trong nhiều thập niên qua đã cố gắng bảo vệ vị đạo diễn tài ba này bằng cách từ chối dẫn độ ông quay về Mỹ.

Bất chấp những hoen ố trong đời tư, nhiều người vẫn xem R. Polanski là một huyền thoại sống của nghệ thuật thứ bảy. Ngày 28-9, Jean - Luc Fauré Tournaire, Tổng lãnh sự Pháp ở Zurich và Đại sứ Ba Lan Jaroslaw Starzyk đến thăm Roman Polanski tại nhà tù Thụy Sĩ. Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Bernard Kouchner và người đồng nhiệm Ba Lan cùng viết thư cho Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton yêu cầu trả tự do cho R. Polanski.

Không những thế, trong giới điện ảnh, vì rất nhiều người ngưỡng mộ tài năng của vị đạo diễn lừng lẫy này nên hơn 70 đạo diễn, nghệ sĩ tên tuổi như: Costa Gavras, Vương Gia Vệ, Fanny Ardant, Ettore Scola... cùng ký vào đơn kiến nghị và phản đối việc Thụy Sĩ bắt giữ R. Polanski, đòi trả tự do cho đạo diễn ngay lập tức. Sau 10 tháng bị quản thúc và trải qua nhiều phiên tòa, Bộ trưởng Tư pháp Thụy Sĩ đã tuyên bố đạo diễn R. Polanski là công dân tự do và sẽ không bị dẫn độ về Mỹ.

Gần 40 năm qua, các luật sư của R.Polanski vẫn đấu tranh nhằm thuyết phục dư luận rằng, đạo diễn này là một "nạn nhân của lời cáo buộc thiếu công minh". Còn R. Polanski thì tuyên bố việc yêu cầu dẫn độ ông về Mỹ là động cơ chính trị của tay công tố viên ở Los Angeles, người thụ lý vụ án của ông lúc ấy đang tìm cách làm tăng tính nghiêm trọng "bản chất của hành vi phạm tội" nhằm vun đắp cho danh tiếng của mình.

Bất chấp việc vào năm 2010, R. Polanksi lại đối diện với cáo buộc liên quan đến "tội ác tình dục" khác khi nữ diễn viên Anh Charlotte Lewis tuyên bố đạo diễn đã "ăn nằm" với cô ngay sau sinh nhật 16 tuổi, danh sách những người trong ngành công nghiệp điện ảnh ký vào đơn xin tha cho R.Polanski tiếp tục lên đến số hàng trăm với những tên tuổi như đạo diễn Woody Allen (người cũng bị tình nghi lạm dụng tình dục con gái nuôi), đạo diễn Martin Scorsese, Darren Aronofsky, David Lynch…

Nhưng nhìn chung, người dân Mỹ vốn rất dị ứng với hai từ "ấu dâm" nên dù có trải qua bao nhiêu năm đi nữa, họ vẫn muốn Polanski phải bị xét xử công bằng, ngay trên đất Mỹ. Cựu diễn viên hành động-cựu Thống đốc bang California Arnold Schwarzenegger từng phát biểu: "Tôi nghĩ ông ấy là người rất đáng kính và tôi rất ngưỡng mộ các tác phẩm của ông ấy. Tuy nhiên, tôi nghĩ ông ấy nên bị xét xử công bằng như mọi người khác. Dù có là một diễn viên lớn, một đạo diễn lớn hay một nhà sản xuất lớn thì cũng vậy thôi".

Tháng 1-2015, Mỹ lại yêu cầu Ba Lan dẫn độ nhà làm phim này, tuy nhiên hồi tháng 10-2016 một tòa án ở Krakow đã từ chối yêu cầu đó và đến tháng 12-2016, Tòa án tối cao Ba Lan ủng hộ quyết định này. Sau phán quyết này, R. Polanski đã hồ hởi phát biểu trước báo giới: "Cuối cùng tôi đã có cảm giác được an toàn ở đất nước quê hương mình".

Tại lễ trao giải Cesar 2017, được xem là giải Oscar của điện ảnh Pháp, R. Polanski đường hoàng xuất hiện với tư cách chủ tọa lễ trao giải bằng một bài phát biểu trước khi nhường phần tiếp theo cho MC. Quyết định tôn vinh ông tại lễ trao giải Cesar thường niên đã khiến các nhóm hoạt động vì phụ nữ kịch liệt phản đối, nhiều người đã sử dụng trang mạng xã hội để kêu gọi tẩy chay lễ trao giải được truyền hình trực tiếp. Nhóm "Osez le feminisme" cho rằng, quyết định của Viện Hàn lâm Khoa học-Nghệ thuật Điện ảnh Pháp là "đáng xấu hổ" và kêu gọi mọi người tụ tập phản đối ở bên ngoài nơi diễn ra sự kiện.

Claire Serre-Combe, người phát ngôn của nhóm "Osez le feminisme", nói: "Chúng tôi vô cùng tức giận. Chúng tôi không thể bỏ qua chuyện này. Mời Polanski làm chủ tọa lễ trao giải là một sự sỉ nhục đối với những nạn nhân bị cưỡng hiếp và tấn công tình dục. R.Polanski đúng là một đạo diễn tài ba, tuy nhiên, chất lượng các 'đứa con tinh thần' chẳng nói lên điều gì khi nghĩ đến tội ác mà ông ta đã gây ra, thái độ trốn tránh công lý và không dám nhìn nhận trách nhiệm".

Tháng 3-2017, R.Polanski đã công khai ý định quay về Mỹ để viếng mộ người vợ xấu số Sharon Tate thì giới công tố nước này vẫn khẳng định: là một tội phạm đào tẩu thì sau khi tròn nghĩa vụ với người đã khuất, việc làm tiếp theo và thích hợp của ông là hầu tòa. Luật sư Jackie Lacey ở Tòa án tối cao Los Angeles cho biết, R. Polanski phải cố gắng đưa ra những thỏa thuận để quay lại Mỹ mà không bị trừng trị nghiêm khắc, có thể ông nên đưa ra những yêu cầu được chăm sóc đặc biệt vì nay đã 84 tuổi (R.Polanski chính thức bước sang tuổi 84 vào ngày 18-8 vừa qua).

Nỗ lực gần nhất để kết thúc vụ việc là vào tháng 4-2017, khi đó, một thẩm phán ở Los Angeles đã ra phán quyết: vị đạo diễn không thể ra điều kiện kết thúc án từ nước ngoài trước khi bay tới Mỹ. Đầu tháng 6, nạn nhân đầu tiên của R.Polanski, bà Samantha Geimer, năm nay đã 54 tuổi,  tiếp tục tham dự một phiên điều trần ở Los Angeles.

Luật sư Harlan Braun của đạo diễn Polanski nói với hãng tin Reuters: "Bà Samatha Geimer đã quá mệt mỏi vì chuyện này. Từng nhiều lần yêu cầu tòa chấm dứt vụ án trong nhiều năm nay, bà ấy muốn giải quyết cho xong, nghĩa là bà Geimer sẽ giúp đạo diễn Polanski coi như đã hoàn thành án tù, không bị trừng phạt thêm nữa". Luật sư Braun cho biết, mục đích phiên tòa mở lần này là để mở niêm phong thỏa thuận năm 1977 và dùng nó làm bằng chứng buộc chính quyền châu Âu hủy bỏ lệnh bắt giữ quốc tế chống lại R. Polanski.

H.T. (tổng hợp)
.
.