“Mở cửa” kho tư liệu văn hóa Pháp tại Việt Nam 100 năm trước

Chắp cánh lịch sử giữa bầu trời đương đại

Thứ Ba, 26/12/2017, 10:10
Đã có ví von rằng, nếu những tài liệu trong các kho lưu trữ quốc gia được trải ra trên giá và các giá xếp liền nhau thì mỗi người sẽ phải đi vài chục km mới có thể xem hết.

Khối tài liệu khổng lồ này cũng là di sản, tài sản vô giá của đất nước, bảo tồn, phát huy một cách đúng đắn, phục vụ công chúng trong nước và ở nước ngoài là đích đến mơ ước của không riêng những người làm công tác lưu trữ. Đến nay, ước mơ này đã không còn quá xa vời...

“Bắt” tư liệu trăm tuổi... lên tiếng

Những ngày này, Trung tâm lưu trữ Quốc gia I thay đổi bất ngờ khi những tư liệu mang đậm dấu ấn văn hóa Pháp tại Việt Nam đã lưu giữ từ hàng trăm năm trước được trưng bày, giới thiệu rộng rãi đến công chúng. Được bảo quản an toàn sau rất nhiều biến cố lịch sử, thách thức của thời tiết, đây cũng là những tư liệu được lưu giữ trong điều kiện nghiêm ngặt và không phải ai cũng có cơ hội tiếp cận.

Ông Trần Đăng Phương, Trưởng Phòng bảo quản của Trung tâm lưu trữ Quốc gia I, người đã có 30 năm gắn bó với công tác lưu trữ cho hay, Trung tâm lưu trữ Quốc gia I là kế thừa của Nha Lưu trữ Thư viện Đông Dương. Để quản lý công tác lưu trữ tại Đông Dương, năm 1917, người Pháp đã thành lập Nha Lưu trữ và Thư viện Đông Dương. Sự ra đời của cơ quan này đã trở thành dấu mốc quan trọng, đánh dấu sự chuyển biến mang tính bước ngoặt của ngành Lưu trữ Việt Nam.

Bên cạnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng thì kết quả nghiên cứu xây dựng khung phân loại của Paul Boudet, Giám đốc Nha Lưu trữ và Thư viện Đông Dương trong việc phân loại, chỉnh lí tài liệu, đáp ứng tốt cho việc khai thác sử dụng tài liệu lưu trữ đã đưa Kho lưu trữ Trung ương ở Hà Nội trở thành kho lưu trữ hiện đại bậc nhất và là biểu tượng của lưu trữ Việt Nam lúc bấy giờ.

Những tư liệu về các công trình kiến trúc Pháp cổ tại Việt Nam được bảo quản nguyên vẹn.

Sau hiệp định Geneva (năm 1954), một phần khối tài liệu này được đưa về Pháp, một phần để lại Việt Nam. Trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử, đặc biệt là điều kiện chiến tranh, cộng thêm đặc thù của khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều, không thuận lợi cho công tác bảo quản, các tư liệu không được công bố rộng rãi.

Những năm chiến tranh, từ 1964 đến 1973, toàn bộ số tài liệu này được đưa đi sơ tán, phải để trong hang đá, thiết bị bảo quản không bảo đảm nên bị hư hỏng tương đối nhiều. Những người làm lưu trữ đã tận dụng các phương tiện rất thô sơ, như tài liệu bị ẩm ướt phải mang ra bìa rừng để phơi, sử dụng cục vôi khô để hút ẩm hoặc sử dụng bóng đèn... Để đảm bảo bí mật, việc khai thác phải có quy trình riêng.

Địa điểm khai thác cách kho tài liệu 6km nên việc khai thác tài liệu rất hạn chế. Chưa kể, để phục vụ cho công tác thời điểm ấy, tại Hà Nội vẫn phải đặt một điểm để phục vụ cho những đơn vị, cá nhân có nhu cầu...

Hiện tại, Trung tâm đang lưu trữ khoảng 72 phông với 5.089m, trong đó 80% là tài liệu thời Pháp. Trong khối tài liệu này chủ yếu là tài liệu hành chính và tài liệu kỹ thuật. Tài liệu hành chính có tài liệu từ cấp liên bang, cấp tỉnh, cấp thành phố.

Tài liệu kỹ thuật đa phần là công trình kiến trúc, đường thủy, giao thông đường bộ. Trong đó có rất nhiều tài liệu lưu trữ về các công trình giao thông tiêu biểu xây dựng từ thời Việt Nam là thuộc địa của Pháp như đường sắt, quốc lộ 1A, các kiến trúc như cầu Trường Tiền, cầu Long Biên...

Đến nay, đa phần các công trình kiến trúc Pháp cổ đã hết tuổi thọ. Công tác trùng tu, bảo tồn rất quan trọng. Một trong các yếu tố để mà trùng tu bảo tồn là dựa vào tài liệu lưu trữ. Nếu các bản vẽ kết cấu, mặt tiền bị hư hại hay mất rồi thì khó khôi phục được... Các tài liệu lưu trữ về các công trình nói trên vô cùng quan trọng, giúp chúng ta tiết kiệm được khá nhiều kinh phí, công sức khi phục dựng, trùng tu nhưng thực tế chúng chưa được quan tâm, biết đến nhiều.

Tài liệu lưu trữ luôn gắn liền với kí ức của mỗi quốc gia dân tộc và là những di sản, tài sản vô giá nhưng không hẳn được khai thác hết công suất cần thiết là thực trạng chung của Việt Nam lâu nay. Khối tài liệu thời Pháp tại Việt Nam không là một ngoại lệ.

Thông tư mật của Thống sứ Bắc Kỳ về bảo quản tư liệu đang được lưu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I.

Để góp phần, phát huy khối tài sản này trong cuộc sống, cuối năm 2017, 2 cuộc triển lãm tư liệu di sản văn hóa Pháp tại Việt Nam đã được tổ chức rộng rãi tại Hà Nội. Trong đó, triển lãm Dấu ấn văn hóa Pháp qua tài liệu lữu trữ tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia I nhận được sự quan tâm của rất nhiều người ngay từ ngày đầu công bố.

Ngắm những tư liệu phản chiếu về một thời kì lịch sử đặc biệt, về những công trình kiến trúc dọc các con phố nhỏ được quy hoạch theo kiểu Pháp đã góp phần làm nên sự độc đáo riêng của Hà Nội, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh cho biết, ông thực sự xúc động khi “gặp” lại những tư liệu đã hàng trăm năm tuổi. Đây không chỉ là các tư liệu về những nền móng của thiết chế mà còn nền móng cho các tập quán, thói quen.

Chính các tài liệu cổ, có khi còn nguyên những nét bút xóa xóa, tẩy tẩy cho chúng ta thấy cả một quá trình nhận thức trong quá trình hình thành văn bản. Với các nhà nghiên cứu lịch sử, đây là hoạt động có ích nhất vì nghiên cứu quá khứ là nghiên cứu trên các tài liệu, nguồn tư liệu, là tìm về ký ức thông qua các thư tịch, tài liệu, hình ảnh.

Hiện nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ, chúng ta được tiếp cận các kho tư liệu, các kho bản đồ, mang lại cho chúng ta rất nhiều nhận thức mới mẻ. Một câu chuyện như Biển Đông, chỉ nhìn vào một văn bản, kể cả là văn bản nhà nước thực dân hay nhà nước phong kiến đã xác lập chủ quyền đều có giá trị rất lớn trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của đất nước.

Phát huy di sản

Trao đổi về khối tài liệu lưu trữ thời Pháp nói riêng, tài liệu lưu trữ của Việt Nam nói chung, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đây là một khối tài sản vô giá, rất cần được bảo tồn, gìn giữ, phát huy và phát triển.

Với các công trình kiến trúc, bảo tồn phải đi liền với phát huy các giá trị công năng của di sản. 100 năm trước, khi người Pháp đến Việt Nam, đến ở một vùng đất mới, có cư dân mới, khí hậu khác, họ buộc phải chọn ứng xử hài hòa giữa những mô hình đã thành chuẩn mực của văn hóa Pháp với thực tiễn của Việt Nam.

Như công trình Bảo tàng Lịch sử quốc gia hiện nay, nhiều người thoạt nhìn tưởng như kết cấu rất giống chùa chiền của Việt Nam nhưng thực ra lại là kiến trúc của phương Tây. Ứng xử với khí hậu ẩm nóng, họ xử lý bằng cách thiết kế cửa chớp cho các công trình kiến trúc...

Khách đến tham quan phòng trưng bày.

Chính sự hài hòa này làm nên những giá trị bền vững, là những di sản cần được gìn giữ và phát huy, phát triển về kiến trúc của Việt Nam. Nhưng, bảo tồn đi liền với phát triển làm sao cho đúng cũng là cả một vấn đề. Ví dụ Nhà hát Lớn vẫn hằng ngày sáng đèn là phát huy đi liền với bảo tồn. Còn phát triển theo kiểu xây khắp nơi kiến trúc cái chóp của Nhà hát Lớn thì hết sức thô lậu...

Ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước cũng cho biết, tài liệu lưu trữ quốc gia hiện nay rất lớn. Để cung cấp thông tin đa dạng cho công chúng, tiến tới phát huy tốt hơn khối tài liệu này, các cơ quan lưu trữ sẽ phải tiến hành rất nhiều cuộc trưng bày khác nhau.

Vì điều kiện chưa cho phép, hiện tại, chưa nhiều tài liệu được giới thiệu rộng rãi. Để phát huy tốt hơn khối tư liệu đang lưu trữ tại Việt Nam, hiện nay, Cục đang phối hợp với cơ quan lưu trữ Pháp nghiên cứu đánh giá để tiến tới đề nghị xem xét khối tài liệu Đông Dương là di sản thế giới. Tuy nhiên, nếu là di sản thế giới thì khối tài liệu phải đảm bảo tính toàn diện, đầy đủ, bao quát đặc trưng cả về nội dung và hình thức thể hiện.

Với Việt Nam, rất khó để thực hiện công việc này độc lập. May mắn là, với tài liệu ở Đông Dương, lưu trữ Việt Nam đã hợp tác với lưu trữ Pháp từ rất sớm. Pháp là quốc gia có kinh nghiệm về lưu trữ bậc nhất thế giới.

Thực tế, người Pháp ở Đông Dương đã đặt nền móng cho công tác lưu trữ và thư viện cách đây đúng 100 năm. Chính vì vậy, cơ quan lưu trữ Việt Nam và cơ quan lưu trữ Pháp qua các thời kỳ khác nhau luôn có nhiều hoạt động phối hợp thành công cả về bảo quản lẫn phát huy giá trị tài liệu lưu trữ của hai nước.

Hiện tại, Cục cũng đã phối hợp với cơ quan lưu trữ của Pháp thực hiện nhiều triển lãm, tọa đàm về tài liệu lưu trữ. Thông qua các hoạt động này, công chúng sẽ hiểu thêm nhiều hơn về giá trị của các tài liệu lưu trữ.

Có một điều khá may mắn nữa là hoạt động nói trên đang nhận được sự ủng hộ tích cực từ Bộ Nội vụ Việt Nam và Bộ Văn hóa Pháp. Song còn có nhiều lý do mà đến hôm nay các tài liệu chưa được phát huy đúng giá trị của chúng. Việc số hóa các tài liệu lưu trữ, cung cấp lên mạng sẽ giúp công chúng ở Việt Nam dễ dàng tra cứu các tài liệu lưu trữ ở Pháp và người ở Pháp có thể tra cứu các tài liệu ở Việt Nam.

Hiện tại, việc này chưa thể thực hiện vì nguồn lực chưa cho phép. Trong tương lai gần, khi có nguồn lực tốt hơn, được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền, cơ quan lưu trữ 2 nước sẽ đưa lên mạng các danh mục tài liệu để các bên có thể lưu trữ, tham khảo, cung cấp tài liệu lưu trữ theo yêu cầu của độc giả. Tuy nhiên, chúng ta sẽ phải thực hiện theo chính sách xã hội hóa như là một phần đảm bảo chi phí cho hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước.

“Trong điều kiện Việt Nam còn nghèo thì các dịch vụ chưa thể cung cấp miễn phí. Song về lâu dài, khi khoa học phát triển, đặc biệt là sự phát triển của công nghiệp 4.0 thì việc số hóa là cần thiết và người dân Việt Nam có thể dễ dàng tra cứu, tìm hiểu các tài liệu lưu trữ tại Việt Nam và Pháp mà không cần đến tận nơi. Tất nhiên, các giá trị lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ qua tài liệu lưu trữ cũng rất cần được chúng ta nghiên cứu, xem xét, đánh giá, tiếp thu một cách có chọn lọc. Bởi lẽ, ở bất kỳ thời kỳ nào thì mục đích cuối cùng vẫn phải là phát triển văn hóa của người Việt...”, ông Đặng Thanh Tùng nhấn mạnh.

Minh Hà
.
.