Châu Phi trên đường đến thịnh vượng

Thứ Ba, 25/02/2020, 21:13
Khi thập niên 2010-2020 kết thúc, mong ước cải thiện cuộc sống của người châu Phi vẫn là một giấc mơ xa vời. Theo Viện Nghiên cứu Brookings, hiện nay trung bình cứ 3 người châu Phi có 1 người sống trong nghèo đói.

Những “căn bệnh” mạn tính

10 năm trước, nhiều nước châu Phi đã chứng kiến sự tăng trưởng kinh tế do nhu cầu cao về hàng hóa, đặc biệt là từ Trung Quốc. Bước vào năm 2010, châu Phi đã sẵn sàng cho một thập kỷ phát triển tăng vọt của các nền kinh tế, chuẩn bị cho sự thay đổi trong các ngành kinh tế-xã hội quan trọng như giáo dục, y tế, nước, vệ sinh, an ninh lương thực và việc làm. Nhưng, khi thập kỷ 2010-2020 kết thúc, mong ước cải thiện cuộc sống vẫn là một giấc mơ xa vời.

Có 2 yếu tố có thể giải thích sự tiến bộ chậm hoặc không đáng kể trong việc cải thiện cuộc sống của người dân châu Phi trong thập niên qua khi lục địa này trải qua thời kỳ bùng nổ kinh tế. Quản trị yếu kém và tham nhũng là những nguyên nhân chủ yếu cản trở sự phát triển con người ở châu Phi.

Tại nhiều nước châu Phi, quản trị kém hiệu quả khiến cam kết cải thiện cuộc sống người dân trở nên rất xa vời. Trong khi phần lớn các nước châu Phi đạt được sự tăng trưởng, nhiều trường hợp cho thấy sự tăng trưởng đó chỉ mang lại lợi ích và làm giàu cho giới thượng lưu chứ không phải cho mọi người dân do thiếu các cơ chế trách nhiệm. Sự thiếu trách nhiệm trong thập kỷ qua đã khiến phần lớn các chính phủ châu Phi không phục vụ người dân.

Giới tinh hoa chính trị tiếp tục kiểm soát các hệ thống quản trị và những người ở “tầng lớp trên” từ chối đưa ra các cải cách để giải quyết thỏa đáng việc sử dụng các nguồn lực quốc gia.

Các chính phủ ở châu Phi trong thập kỷ qua đã không thể tự sửa chữa “căn bệnh” tham nhũng - rào cản lớn trong việc cải thiện cuộc sống của người dân. Báo cáo châu Phi 2019 cho thấy trong thập kỷ qua, tham nhũng đã khiến các chính phủ châu Phi không có sự đầu tư cần thiết vào các lĩnh vực kinh tế và xã hội. Ngân hàng Thế giới (WB) xác định trong thập kỷ qua, tham nhũng là yếu tố có tác động lớn nhất đối với người nghèo và những người dễ bị tổn thương nhất ở châu Phi. Tham nhũng làm tăng chi phí và giảm khả năng tiếp cận các dịch vụ, bao gồm cả y tế và giáo dục.

Phải bằng mọi cách ngăn chặn tình trạng tham nhũng, bắt đầu từ giới lãnh đạo cấp cao. Trước tiên là loại bỏ tham nhũng trong tất cả các đảng chính trị, khu vực công và các quỹ trực tiếp dành cho các dự án kinh tế-xã hội. Bên cạnh đó, các chính phủ ở châu Phi phải đi đầu trong việc tạo ra các quan hệ đối tác thúc đẩy công nghệ và đổi mới sáng tạo. Để cải thiện mức sống của người dân, các chính phủ châu Phi buộc phải cải thiện hiệu quả cách điều hành quản lý, thông qua định hướng xây dựng các thể chế, chính sách và thực tiễn cần thiết nhằm thúc đẩy tính minh bạch, tinh thần trách nhiệm và sự tham gia.

Cứ 3 người châu Phi thì có 1 người sống trong nghèo đói.

Khủng bố và mối đe dọa

Không chỉ các vấn đề về đời sống xã hội, nguy cơ khủng bố cũng đang đe dọa châu Phi, trong đó nổi bật là Mozambique. Vừa qua, lần đầu tiên các nhà lãnh đạo dự Hội nghị thượng đỉnh AU lần thứ 33 ở Addis Ababa (Ethiopia) thảo luận về mối đe dọa khủng bố đang leo thang ở Mozambique.

Ngày 7-2, Liên Hiệp Quốc cảnh báo rằng các cuộc tấn công khủng bố tại Mozambique đang trở nên thường xuyên hơn và lan rộng về phía Nam, với 28 vụ tấn công ở Cabo Delgado kể từ đầu năm 2020. Ít nhất 100.000 người phải di tản và khoảng 400 người chết từ khi bạo loạn bùng phát hồi tháng 10-2017. Những người chạy trốn cho biết các nhóm cực đoan đã thực hiện hành vi giết người, tra tấn, đốt nhà, phá hủy mùa màng và cửa hàng.

Mozambique đã đề nghị Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR) giúp đỡ những người di tản. Tại cuộc họp, các quan chức AU cho rằng đây là “một mối đe dọa hoàn toàn mới” và ở “mức độ chưa từng thấy” tại Mozambique.

Một quan chức AU tham dự các cuộc thảo luận kín về hòa bình và an ninh tại hội nghị thượng đỉnh nói rằng dù Mozambique thừa nhận nước này cần hỗ trợ, song rất khó để Hội đồng Hòa bình và An ninh AU (PSC) sớm đưa vấn đề khủng bố tại Mozambique vào chương trình nghị sự chính thức.

Mozambique hiện là thành viên PSC nhưng theo thông lệ, các thành viên cơ quan này ít khi ủng hộ việc các tình huống ở đất nước mình được đưa ra thảo luận tại PSC. Quan chức này cho rằng, các cuộc thảo luận như vậy cần sự chấp thuận từ Cộng đồng Phát triển miền Nam châu Phi (SADC).

Theo SADC, tổ chức khu vực này mới là cơ quan đầu tiên phải đứng ra nhận trách nhiệm giải quyết các cuộc khủng hoảng ở khu vực miền Nam châu Phi. Cho đến nay, SADC vẫn phớt lờ tình hình khủng bố tại Mozambique, ít nhất là từ góc độ công khai.

Hội nghị thượng đỉnh AU lần 33 thừa nhận rằng các biện pháp quân sự như triển khai lực lượng G5 Sahel chưa đạt được kết quả như mong muốn. Chủ tịch Ủy ban AU (AUC) Moussa Faki Mahamat kêu gọi các nước châu Phi “đoàn kết” để giúp đỡ những nước đang phải đối mặt với chủ nghĩa khủng bố, ngay cả khi các quốc gia bị ảnh hưởng không trực tiếp thuộc khu vực của nước đi trợ giúp.

Trong khi đó, nhiều nhà lãnh đạo châu Phi thừa nhận rằng chỉ sử dụng biện pháp quân sự là không đủ và cần tiếp tục đưa ra các biện pháp khác để đối phó với khủng bố. Mối đe dọa khủng bố thường bắt nguồn từ những bất mãn ở cấp độ địa phương và cần những giải pháp từ địa phương.

Bên lề Hội nghị thượng đỉnh AU lần thứ 33, Tổng thống Mali Ibrahim Boubacar Keita cho biết chính phủ nước này đã bắt đầu đối thoại với một số thủ lĩnh nhóm thánh chiến vốn đã tàn phá Mali trong nhiều năm. Tổng thống Mozambique Filipe Nyusi cho biết, ông sẵn sàng đàm phán với quân nổi dậy, dù nhà lãnh đạo này từng đe dọa sẽ “săn lùng họ”.

Tổng thống Nyusi không tham dự Hội nghị thượng đỉnh AU bởi người đứng đầu nhà nước Mozambique đang tổ chức một cuộc họp nội các ở Cabo Delgado - động thái chưa từng có thể hiện cam kết của ông trong việc giải quyết vấn đề khủng bố tại tỉnh phía Bắc này.

Tổng thống Nyusi gần đây thừa nhận Mozambique cần sự giúp đỡ từ bên ngoài để chống khủng bố. Năm 2019, Tổng thống Nyusi nhờ Nga giúp. Một số nhà lãnh đạo châu Phi, bao gồm tân Chủ tịch AU, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, đã chỉ trích hình thức can dự từ bên ngoài vào các cuộc xung đột ở châu Phi. Tuy nhiên, Nam Phi chưa hề cung cấp hỗ trợ quân sự hay bất kỳ hình thức nào khác cho Mozambique, ít nhất về mặt công khai.

Hà Phương (tổng hợp)
.
.