Chi Hội Điện ảnh CAND: Mái nhà nghề nghiệp, ươm mầm điện ảnh

Thứ Tư, 10/06/2020, 19:09
8h30 phút sáng 6-6, tại hội trường tầng 3 Báo CAND (92 Nguyễn Du, Hà Nội) đã diễn ra Đại hội Chi hội Điện ảnh CAND, nơi quy tụ những tài năng điện ảnh và truyền hình suốt một chặng đường dài lịch sử. Ngoài việc bầu ra Ban chấp hành nhiệm kỳ 2020-2025, đại hội là nơi gặp gỡ, giao lưu, nói lên những tâm tư, nguyện vọng của các thế hệ nghệ sĩ gắn bó với điện ảnh công an từ những ngày còn sơ khai cho đến hôm nay.

Đến dự và chỉ đạo Đại hội có Thượng tướng, PGS-TS Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; NSND Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cùng lãnh đạo các Cục chức năng khác của Bộ Công an...

Thượng tướng Nguyễn Văn Thành và nghệ sĩ nhân dân Đặng Xuân Hải - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam tặng hoa Ban Chấp hành Chi hội Điện ảnh CAND.

Con số ấn tượng

Chi Hội Điện ảnh CAND có 41 hội viên, trong đó phần đông là những hội viên đã nghỉ công tác. Trong nhiệm kỳ qua, một số hội viên của Chi hội đã được Nhà nước trao tặng danh hiệu NSND; các hội viên là biên kịch, đạo diễn hằng năm vẫn tham gia các trại sáng tác kịch bản do Bộ Công an và Hội Điện ảnh Việt Nam phát động. Những kịch bản này đã và đang được sử dụng, có hiệu ứng tích cực với đời sống xã hội.

Vừa qua, đề cương kịch bản của tác giả Mai Vũ đã được Hội đồng nghệ thuật của Hội Điện ảnh Việt Nam đánh giá cao, xếp hạng A và nhận được kinh phí hỗ trợ. Kịch bản điện ảnh lịch sử của hội viên Mai Vũ về cố Chủ tịch Hoàng thân Xuphanuvong của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào đã được Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam sản xuất thành công, gây hiệu ứng tốt và được công chiếu rộng rãi.

Trong đợt sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” do Ban Tuyên giáo Trung ương phát động, có 2 hội viên của Chi hội Điện ảnh CAND được giải: Đạo diễn Xuân Thành và nhà biên kịch Mai Vũ.

13 hội viên đang công tác tại các phòng chuyên ngành về Biên tập, Đạo diễn, Biên kịch, Quay phim, Kỹ thuật dựng phim - Thiết kế mỹ thuật đó là nhân tố chủ chốt, tích cực tại các đơn vị truyền hình CAND hiện nay. Trong vòng 5 năm (1/1/2015 - 30/5/2020), số hội viên đang công tác tại Cục Truyền thông CAND đã sản xuất 300 phim tài liệu, 300 số “Hành trình phá án”, 300 số “Phía sau bản án”, 128 số “Hồ sơ vụ án”, gần 100 chương trình “Sự kiện” cùng hàng trăm tác phẩm là phóng sự truyền hình. Ngoài ra, các hội viên này còn đoạt một số giải thưởng lớn trong lĩnh vực báo chí và điện ảnh.

Nhà văn, nhà biên kịch Mai Vũ Phát biểu tại đại hội (trái); Nghệ sĩ nhân dân Trần Nhượng trong Đại hội Chi hội điện ảnh CAND.

Cần có chính sách linh hoạt để tận dụng tài năng

NSND Trần Nhượng, Phó Viện trưởng Viện Phát triển nhân lực nhân tài Việt Nam - Giám đốc Trung tâm Phát triển điện ảnh tài năng truyền hình cho biết: Các nghệ sĩ điện ảnh CAND tuy nghỉ hưu nhưng tiềm năng, tài năng, trí tuệ và kinh nghiệm có rất nhiều, rất dồi dào. Bản thân ông, kể từ khi nghỉ hưu tại Đoàn kịch nói CAND, ông đã gặt hái được nhiều thành tích; có thêm huy chương trong diễn xuất, đó chính là một trong những yếu tố đưa ông tới danh hiệu NSND.

Ngoài ra, ông còn có thời gian để dàn dựng nhiều chương trình sân khấu đoạt giải quốc gia. Cựu diễn viên tỏ ý tiếc nuối về sự tận dụng nghề của mình với điện ảnh CAND còn hạn chế. Ông bày tỏ mối quan hệ giữa Điện ảnh CAND với các nghệ sĩ đã nghỉ hưu; cần phải có chính sách để tận dụng chất xám và tài năng, tạo điều kiện cho anh em đã nghỉ hưu tiếp tục có những cống hiến cho Lực lượng.

Nhà văn, nhà biên kịch Mai Vũ đồng tình: “Tôi làm việc nhiều nhất không phải là lúc tôi đang công tác mà là lúc tôi đã nghỉ chế độ. Tất cả giải thưởng điện ảnh tôi có được là lúc đã về hưu”.

Nhà văn, nhà biên kịch Mai Vũ cũng cho biết, tác phẩm về cố Chủ tịch Hoàng thân Xuphanuvong ông trăn trở đến 10 năm, may mà cuối cùng được Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Đặng Xuân Hải đỡ đầu nên tác phẩm mới được ra đời. Ngoài kịch bản phim tài liệu, ông còn viết kịch bản phim truyện (khoảng 20 tập) nhưng không có hãng phim nào chịu bỏ kinh phí đầu tư. Hãng phim truyện tư nhân trả lời là phim này không ăn khách nên không nhận làm. Còn hãng phim Nhà nước thì hiện nay không có kinh phí để làm phim nên 20 tập phim truyện của ông bị cho vào ngăn kéo.

Ông nói: “Sau khi chúng ta về hưu thì sân chơi cuối cùng của các nghệ sĩ làm nghề chính là các hội, như Hội Điện ảnh, Hội Nhà văn... Nhưng, có điều tôi cho là các nghệ sĩ điện ảnh sau khi về hưu, ví dụ như tôi thăng hoa nhiều hơn, làm việc được nhiều hơn, cống hiến nhiều hơn”. Nhà văn, nhà biên kịch Mai Vũ thay mặt các hội viên khác có nguyện vọng đề đạt đến Ban lãnh đạo của Hội Điện ảnh CAND là một thành tố làm nên Hội Điện ảnh Việt Nam.

Nhà văn lưu ý, Hội là tiếng nói chung để bảo vệ quyền lợi của các hội viên nhưng từ nhiều nhiệm kỳ nay, Ban Chấp hành của Chi hội Điện ảnh CAND không có ai nằm trong Ban Chấp hành của Hội Điện ảnh Việt Nam. Chi hội Điện ảnh CAND nên có người trong Ban Chấp hành của Hội Điện ảnh Việt Nam, có như vậy thì quyền lợi của các hội viên trong Chi hội mới được đảm bảo.

Mục tiêu phía trước

Đại tá - NSƯT Nguyễn Quang Vinh, Phó Chi hội Trưởng chi hội Điện ảnh CAND thẳng thắn góp ý: Chi hội trong nhiệm kì vừa qua còn có hạn chế là không kết nạp thêm được hội viên mới nào mặc dù với tiêu chí để kết nạp hội viên vào hội là có 4 tác phẩm từ phim tài liệu đủ thành tố làm vai trò chính từ biên kịch hoặc đạo diễn, hay quay phim chính.

Hiện nay, số người đang hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh và truyền hình trong lực lượng CAND tại các địa phương cũng rất lớn, đặc biệt ở Cục Truyền thông CAND, Cục Chính trị CAND thì có hàng trăm  cán bộ, chiến sĩ hoàn toàn đủ tiêu chuẩn có thể trở thành hội viên của Hội. Vậy công tác truyền thông của Chi hội chưa đến tận nơi các đồng chí đó, để người ta cảm thấy hứng thú khi được kết nạp vào hội, đấy chính là khiếm khuyết lớn của Chi hội Điện ảnh CAND.

Đại hội Chi hội điện ảnh CAND bàn những vấn đề thiết thực.

Đại tá - nhà văn Phạm Khải, Tổng Biên tập Báo CAND cho rằng: Chi hội Điện ảnh CAND còn có những khó khăn như chưa có con dấu và tình hình tài chính phải tự thân vận động; nhưng thời gian qua Chi hội đã rất nỗ lực, Chi hội cũng là nơi hội tụ nhiều gương mặt sáng giá không chỉ trong đội ngũ các văn nghệ sĩ của lực lượng CAND mà còn trong đội ngũ những người làm nghề của cả nước. Bên cạnh những khó khăn, Chi hội Điện ảnh CAND cũng có thuận lợi là được lãnh đạo Bộ quan tâm, mà cụ thể nhất là việc đồng chí Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành trực tiếp xuống dự và chỉ đạo Đại hội.

Phát biểu tại Đại hội, Thượng tướng - PGS. TS Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an thay mặt lãnh đạo Bộ chúc Đại hội Chi hội Điện ảnh CAND thành công tốt đẹp, đồng thời trăn trở: “Nhiệm kì 9 chúng ta sẽ làm gì, sẽ đứng ở đâu, sẽ đi về đâu và sẽ đi như thế nào đây? Ngày 4-3-1970, Điện ảnh CAND chính thức được thành lập, thuộc Cục Tuyên huấn Bộ Công an, đến nay cũng 50 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành; có nhiệm vụ hết sức quan trọng trong công tác tuyên truyền về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm để đảm bảo chỉ số về an ninh, an toàn. Chi hội Điện ảnh CAND trực thuộc Trung ương Hội Điện ảnh Việt Nam, nòng cốt là các đồng chí đang công tác và các cán bộ đã về hưu”.

Qua nghe tâm tư và nguyện vọng của những nghệ sĩ đã về hưu, đồng chí Thứ trưởng nhận xét: “Chỉ số đam mê rất quan trọng, vì nếu chỉ có chỉ số IQ thông minh thôi chưa đủ, thực tế cho thấy chỉ số IQ chỉ rơi vào khoảng 24% thành công, còn lại là các chỉ số khác, đó là chỉ số đam mê, chỉ số vượt khó, chỉ số sáng tạo. Các nghệ sĩ không hề có khái niệm tuổi, mặc dù đã nghỉ hưu nhưng vẫn hết sức đam mê công việc, từ đó làm nên những công trình, những tác phẩm được tôn vinh  sau khi đã nghỉ công tác.

Cuối cùng, vì đam mê mà ra thành quả, được dư luận, tổ chức đánh giá. Những con người như thế thì tuổi nào có thế lấy lại được, còn làm việc được thì còn cống hiến. Đây chính là một trường học lớn những tấm gương về chỉ số đam mê, chỉ số sáng tạo, chỉ số vượt khó, ý chí vươn lên”.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành nhấn mạnh: “Trong tình hình hiện nay, sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội đang đặt ra cho lĩnh vực điện ảnh chúng ta không ít thách thức. Bất kì cái gì cũng đều có mặt mạnh và mặt yếu, cơ hội và thách thức, chứ không bao giờ chỉ nhìn vào mặt mạnh. Như chúng ta đang ở cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là số hóa, internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo hằng ngày, hằng giờ tác động rất lớn tới mọi mặt đời sống. Vậy thì điện ảnh - truyền hình CAND làm sao để bắt kịp...”.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành cho biết: Từ khi phát động phong trào thi đua năm 2016 đến nay, toàn lực lượng có 724 tập thể được phong tặng danh hiệu Anh hùng, 408 cá nhân Anh hùng, trong đó có 35 nữ Anh hùng, đặc biệt có 2 nữ Anh hùng Hồng Tươi và Ngọc Châu là chị em ruột, 46 đồng chí anh dũng hi sinh, 1.300 đồng chí bị thương, 300 đồng chí bị phơi nhiễm... Khốc liệt như thế, vậy thì vấn đề điện ảnh, vấn đề báo chí tuyên truyền như thế nào?

Nguyên từ đầu năm tới nay, 10 đồng chí hy sinh, 51 đồng chí bị thương. Dù thời đại nào đi nữa thì người ta nhìn vào đấy và biết  đời sống của người chiến sĩ công an đối mặt với hiểm nguy, gian khó ra sao, vậy thì điện ảnh, truyền hình có cách thể hiện như thế nào?”.

Đồng chí Thứ trưởng nói: “Trong bối cảnh hiện nay, hội nhập quốc tế, học hỏi kinh nghiệm từ các nước bạn và kết nối là một việc quan trọng trong việc phát triển điện ảnh CAND”. Đồng chí Thứ trưởng chúc mừng các cán bộ, chiến sĩ, nghệ sĩ đã nỗ lực cố gắng góp phần xây dựng điện ảnh - truyền hình CAND ngày càng vững mạnh.

Trần Mỹ Hiền
.
.